Trang chủ

Chào mừng các bạn đến với trang nhà của Tăng thân Tiếp Hiện cư sĩ người Việt tại Đức (TTTHCSNVTĐ).

 

TTTHCSNVTĐ bao gồm các cư sĩ Tiếp Hiện hiện đang sinh hoạt trong các tăng thân địa phương thực tập theo pháp môn Làng Mai ở những thành phố thuộc các tiểu bang của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức. Dòng tu Tiếp Hiện được Thầy (thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh) sáng lập vào năm 1966 tại Việt Nam.

Chúng tôi, gồm những cư sĩ đã thọ giới Tiếp Hiện (chúng chủ trì) và những cư sĩ đang tập sự để được thọ giới Tiếp Hiện (chúng đồng sự) cùng đến với nhau dưới một mái nhà chung để nâng đỡ, yểm trợ nhau trên con đường thực tập. Chúng tôi lấy Mười Bốn Giới Tiếp Hiện làm kim chỉ nam trong đời sống hàng ngày, nguyện tiếp nối chí nguyện của Thầy và của các anh chị Tiếp Hiện đi trước, trên con đường thực tập chuyển hóa tự thân và phụng sự xã hội. 

Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn ý nghĩa của logo: Bàn tay nâng cành hoa cúc

 

Hoa cúc: Hoa cúc không rực rỡ như mẫu đơn cũng không thơm nồng nàn như hoa hồng. Hoa cúc tao nhã và thoát tục, hương thơm nhẹ dễ chịu. Từ xưa, nhiều thi nhân xem hoa cúc như biểu tượng của chí khí người ẩn sĩ, sống đạm bạc không màng danh lợi, xa lánh cám dỗ của người đời

Đào Tiềm (Đào Uyên Minh) là một thi nhân nổi tiếng đời Tấn. Ông trở về với thiên nhiên, sống một đời sống tự do, thanh bạch. Ông thường làm thơ ca vịnh hoa cúc và chí khí của một ẩn sĩ:

Kết lư tại nhân cảnh,
Nhi vô xa mã huyên
Vấn quân hà năng nhĩ,
Tâm viễn địa tự thiên.
Thái cúc đông ly hạ,
Du nhiên kiến Nam Sơn.

Am tranh dựng chỗ đông người
Tiếng ngựa xe ấy không hề động tâm
Hỏi người sao được như vầy
Lòng đà yên lắng cảnh còn chẳng xa
Xuống bờ giậu đông hái cúc
Thong dong ngước mắt ngắm nhìn núi Nam.

Khi các loài hoa khác bắt đầu tàn thì hoa cúc lại lặng lẽ nở trong khí lạnh của tiết Thu. Đó là cốt cách của người quân tử, thanh khiết, cao nhã, chính trực, ngay thẳng.“Tâm đạm như cúc” là nếp sống của người Tiếp Hiện, không khoa trương, sống khiêm cung, giản dị  nhưng kiên cường, mạnh mẽ, can đảm đối mặt với những khó khăn, thách thức để thực hiện chí nguyện cao đẹp của mình.

Lá cúc: Ba chiếc lá cúc tượng trưng cho Niệm – Định – Tuệ tức trái tim của sự thực tập.

Bàn tay: Bàn tay tượng trưng cho chí nguyện của người Tiếp Hiện, đưa sự thực tập đạo Bụt đi vào cuộc đời để giúp cho người bớt khổ.

Bàn tay cũng là bàn tay của Thầy, vị tổ sư đã lập ra Dòng tu Tiếp Hiện. Thầy luôn đồng hành nắm tay chúng ta cùng đi trên con đường phụng sự.

Bàn tay cũng là bàn tay của tăng thân, của giới luật đang nâng đỡ, yểm trợ và bảo hộ cho chúng ta.

Bàn tay nâng cành hoa cúc mang ý nghĩa: Khi người Tiếp Hiện có chí nguyện lớn làm động lực, có sự thực tập pháp môn làm sức mạnh thì không có khó khăn nào mà không thể vượt qua.


Bài đăng gần đây

  • Khóa tu 2025
    Khóa tu cho Tiếp Hiện cư sĩ người Việt trên khắp thế giới Khóa tu sẽ được tổ chức tại Xóm Mới, Làng Mai Pháp từ 09.05.2025 – 16.05.2025. Sau khóa tu sẽ có một chuyến hành hương Paris: Trang nhà sẽ cập nhật thêm thông tin khi nhận được thông báo mới.
  • Khóa tu 2024
    Khóa tu Tiếp Hiện dành cho người nói tiếng Việt tại Viện Phật Học EIAB – Đức 26.06-30.06.2024 Tăng thân BX thương yêu! Hai bạn hỏi mình về những cảm tưởng có được trong khóa tu dành cho Tiếp Hiện người Việt vừa qua trên EIAB? Biết bắt đầu từ đâu bây giờ? Thôi thì cứ nhớ đến đâu, mình kể đến đó bạn nhé! Hai bạn biết không: được gặp lại những bạn đạo thân thương từ xưa nên mình được hưởng nhiều phút giây hạnh phúc đã đành, nay lại được làm quen thêm những người mới đến… Khóa tu 2024 weiterlesen
  • Mỗi bước chân là thương yêu
    Hành trình du hóa của thiền sư Thích Nhất Hạnh (1985-2000) – Tập 1 Tăng thân Làng Mai biên soạn Sư cô Chân Định Nghiêm giới thiệu Tập 1 của quyển sách này tường thuật lại những chuyến đi giảng dạy của Thầy từ năm 1985 đến năm 2000. Đây là một cơ hội cho chúng ta được tháp tùng theo Thầy đi gieo hạt giống từ buổi ban sơ.
  • Ân Tình
    Tác giả Thích Chân Pháp Nguyện NXB Hồng Đức Phát hành Phanbook Sư cô Chân Không giới thiệu: Tôi đã đọc Ân Tình của thầy Pháp Nguyện nhiều lần và mỗi lần đọc lại cho tôi mỗi cảm xúc khác nhau. Có những bài viết rất cảm động mà tôi không cầm được nước mắt. Mỗi bài viết là một câu chuyện và mỗi câu chuyện là một nguồn cảm hứng giúp cho người đọc hiểu thêm về sự lợi lạc của việc tu học và hành trì…
  • Những năm tháng theo Thầy
    Tác giả Thầy Trí Không NXB Hồng Đức Phát hành Phanbook Quyển sách nhỏ gói trọn thâm tình! Một loại dược liệu nuôi sống tâm hồn người đệ tử nhất mực quý kính Thầy mình, dù hôm nay, tác giả đã 86 xuân xanh, và Thầy đã rong chơi phương ngoại hơn 100 ngày lại biểu sinh giữa đám mây ngàn bay thong dong! Thầy Trí Không
  • Công phu nở đóa sen ngàn cánh Tập 1&2
    Một ngày chúng ta cống hiến cho sự tu học là một ngày rất quí báu. Chúng ta đã có một ngày trọn vẹn để công phu, vậy tại sao chúng ta coi thường ngày tu tập của chúng ta! Ta được tặng hai mươi bốn giờ đồng hồ để sống, để tu tập, tại sao ta không sống, không làm hết mình. Ta phải nắm lấy quyền tự chủ, phải tổ chức ngày thực tập của mình trở thành một ngày có giá trị, trong đó mỗi giây phút của đời sống có thể làm lớn lên tình thương… Công phu nở đóa sen ngàn cánh Tập 1&2 weiterlesen
  • Phương pháp học hỏi và tu tập đạo Bụt
    Nghệ thuật nói Pháp và nghe Pháp Trong đạo Bụt, chư tổ đã truyền lại cho chúng ta phương pháp học hỏi và tu tập (methodology) để trở thành tri kỷ có thể hiểu được Bụt. Phương pháp Bốn tiêu chuẩn (Tứ tất đàn 四 悉 檀, siddhānta) Tứ tất đàn là bốn tiêu chuẩn về sự thật. Trong khi đọc kinh chúng ta thấy những điều dạy trong kinh nhiều khi có vẻ chống đối nhau. Chúng ta hoang mang không biết cái nào là đúng. Cũng là những điều Bụt nói, nhưng tại sao có khi Bụt nói như… Phương pháp học hỏi và tu tập đạo Bụt weiterlesen