Ngủ đi nỗi khổ niềm đau

 

Chúng ta có hai cách để trị liệu nỗi khổ niềm đau:

  1. Cách thế gian thường dùng là lôi nỗi khổ niềm đau đó lên để chữa trị. Nỗi khổ niềm đau có thể nằm trong chiều sâu tâm thức và nó âm thầm điều khiển mình. Mình nghĩ, nói và làm theo chiều hướng của nó. Vì vậy cho nên phương pháp chữa trị là thò tay sâu xuống nắm cổ nó lên, nhìn vài mặt nó và nói:“Mi là nỗi khổ niềm đau của ta. Ta phải lấy mi ra khỏi ta. Ta phải mửa mi ra thì ta mới khỏe được.“ Nỗi khổ niềm đau là kẻ thù của mình, là một chai chứa đựng những độc tố, mình phải mửa nó ra ngoài thì mới khỏe được, giống như mình có một ung nhọt và mình phải lấy kéo cắt bỏ nó đi. Phương pháp tri liệu ngoài đời là như vậy, là một loại phẫu thuật.
  2. Nhưng có một cách chữa trị khác êm dịu hơn, là cứ để nó ngủ ở dưới, và mình ru nó ngủ, tại vì có khi nó hiện hành và tràn ngập mình nhưng cũng có khi nó không hiện hành, nó ngủ yên. Nó là chủng tử, nó có đó nhưng mình không thấy nó, nó đang ở trong tiềm thế của nó. Tại sao mình phải đánh thức nó dậy? Mình ru nó ngủ trong khi đó thì tâm mình để ý đến những mầu nhiệm của sự sống, những mầu nhiệm có mặt trong giây phút hiện tại, có mặt trong hình hài, trong tâm thức và trong hoàn cảnh của mình. Phương pháp này là để tâm vào những cái tích cực, tươi vui, lành mạnh, những yếu tố có thể nuôi dưỡng và chữa trị. Mình đừng động tới nỗi khổ niềm đau, thấy như là mình không chữa trị nhưng thật ra là mình đang chữa trị. Cái này mạnh thì cái kia sẽ yếu, chứ không hẳn là phải nắm đầu lôi nỗi khổ ra thì mới chữa trị được. Những nỗi khổ niềm đau hay nỗi nhớ niềm thương của mình từ từ sẽ được trị liệu.

Ngày xưa tôi đã từng đi qua giai đoạn này. Từ lúc bị lưu đày khi đi kêu gọi hòa bình, tôi có rất nhiều nỗi nhớ niềm thương: nhớ nhà, nhớ chùa, nhớ tăng thân. Tất cả những người mình thương, tất cả những công việc của mình đều ở bên đó. Sang bên này không có gì quen thuộc cả, cây cối cũng khác, chim chóc cũng khác, thức ăn cũng khác, tiếng nói cũng khác, không có gì giống như bên nhà và nỗi xót xa phải xa quê hương, bạn bè, xa những người thương. Nhưng mình phải chấp nhận điều đó, và tôi bắt đầu phương pháp thực tập làm quen với những cái bên này như thực tập chơi với con nít người Pháp, con nít người Đức, con nít người Anh. Tôi thực tập chơi với mấy ông mục sư, mấy ông linh mục. Tôi thực tập chơi, đọc thơ với các sinh viên và tìm niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Mình không biết là mình bị lưu đày bao nhiêu năm, sự thật là tôi đã bị lưu đày tới 40 năm. Nếu cứ chờ đợi thì 40 năm là quá dài, vì vậy sự thực tập của tôi là làm quen với với giây phút hiện tại và ở đây và tìm niềm vui trong những công việc đó. Tôi từ từ làm việc với giới trẻ, giới tôn giáo, giới nhân bản, chơi với con nít ở đây và thành lập tăng thân bên này.

Trong những năm đầu, nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình trở về quê hương, điển hình nhất là giấc mơ thấy mình trở về một ngọn đồi rất đẹp và bắt đầu leo lên ngọn đồi đó với hy vọng là lên tới đó mình sẽ bắt gặp tất cả những gì mình thương yêu, mình trông chờ, mong ước. Giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, mỗi lần cứ leo được tới nửa chừng đồi thì tôi lại thức dậy. Giấc mơ đó cứ trở đi trở lại tại vì lòng ước mong trở về quê để gặp lại những người mình thương, lòng mong muốn sống lại trong hoàn cảnh thân thuộc, thương yêu ngày xưa. Tôi nằm mơ thấy trở về chùa Tổ rất nhiều lần, lần nào cũng có sư ông ngồi đó để chờ mình. Đã tu, đã xuất gia rồi mà sự nhớ thương còn nhiều như vậy. Nhưng với sự thực tập từ từ những giấc mơ đó ít lại và cuối cùng thì nó biến mất, tại vì mình đã chấp nhận hành tinh này là quê hương của mình thì chỗ nào cũng là quê hương của mình. Tôi đã được chữa trị. Điều này chứng tỏ rằng muốn chữa trị không hẳn là phải lôi niềm đau nỗi khổ đó ra để quán chiếu hay cắt nó vứt ra ngoài. Mình có thể ru cho nó ngủ, mỗi khi nó phát hiện thì mình nhận diện và mỉm cười rồi mình trở lại với sự thực tập hiện pháp lạc trú của mình.

Trong các vị nếu có những chuyên gia tâm lý trị liệu thì hãy suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta có thể có nhiều cách trị liệu. Công phu là gì? Công phu là phương pháp thứ hai. Mình ngồi thiền làm sao mà mỗi giây phút ngồi thiền mình đều có được niềm vui. Trên đời này có bao nhiêu người được ngồi yên mỗi ngày ít nhất là hai lần, có bao nhiêu người được đi thiền hành mỗi ngày chung với đại chúng và được khuyến khích nên bước đi trong chánh niệm và giẫm vào Tịnh độ? Đây là một khung cảnh quá lý tưởng. Người ta đã không cấm mà còn khuyến khích mình ngồi cho có hạnh phúc, đi cho có hạnh phúc, ăn cơm cho có hạnh phúc. Sáng nay ăn cơm với hai thầy thị giả tôi thấy rất rõ mỗi miếng là một huyền thoại, dù thức ăn không có gì sang trọng. Tùy theo cách của mình, mỗi giây phút của đời sống là một giây phút mình ăn mừng sự sống, mình thấy được nhiệm mầu của sự sống. Đó là công phu. Nếu mình cảm thấy bị áp lực đi ngồi thiền, đi thiền hành, đi nghe pháp thoại thì đó là một bi kịch.

Nếu thầy trò mình được quy tụ 300 người và tu chung trong ba tháng thì đó là một hạnh phúc rất lớn. Nhờ Đức Thế Tôn, nhờ truyền thống và những điều kiện thuận lợi nên mình mới làm được điều này. Có mấy người có được cơ hội này mà mình lại không biết trân quí thì rất là uổng. Biết đâu sang năm mình không làm được nữa, vì vậy mình phải lợi dụng hết những điều kiện để sang năm, mình có thể quy tụ về dưới một mái nhà tu tập trong ba tháng tại vì mình làm hạnh phúc cho mình và làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người khác.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Pháp thoại ngày 19 tháng 02 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng, Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012)