Bối cảnh ra đời

Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, Chùa Lá và Dòng Tu Tiếp Hiện

Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội

Trong những năm của thập niên 60, chiến tranh Việt Nam đã trở nên khốc liệt. Thầy nhận thấy đạo Bụt lúc đó không còn đáp ứng được nhu cầu của xã hội thời bấy giờ nên đã quyết định làm một cuộc cách mạng xã hội. Thầy thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội chuyên đào tạo những tác viên đi vào những vùng làng mạc nghèo khổ để giúp người dân xây dựng lại nhà cửa, trường học bị bom đạn tàn phá. Vị giám đốc đầu tiên của Trường là thầy Thanh Văn. Những vị giáo sư đến dạy là những người tình nguyện không ăn lương. Lúc đầu Trường TNPSXH thuộc Đại Học Vạn Hạnh (cũng do Thầy thành lập), nhưng sau Trường bị tách ra để ngăn không cho sinh viên đi theo khuynh hướng hòa bình của thầy Nhất Hạnh. Cơ sở của Trường dời về Phú Thọ Hòa. Thầy cho xây một ngôi chùa bằng lá và đặt tên là chùa Pháp Vân, nhưng chùa thường được mọi người gọi một cách mộc mạc và dễ thương là Chùa Lá.

Chùa Lá Pháp Vân

Ngoài sự đào luyện kỹ năng thực tế, để giúp cho các tác viên có đủ sức mạnh tâm linh, giữ vững được sự bình an và sáng suốt trong công việc cứu trợ nạn nhân chiến tranh hay nạn nhân bão lụt Thầy đã thành lập Dòng Tu Tiếp Hiện và đặt ra Muời Bốn Giới Tiếp Hiện. Nếu không có sự thực tập để duy trì niềm hy vọng và lòng từ bi thì những tác viên sẽ không để sống sót được trong bầu không khí sợ hãi, hận thù và bạo động của lúc bấy giờ.

Mười bốn giới Tiếp Hiện lấy nền tảng của giới Bồ tát truyền thống. Sáu vị Tiếp Hiện đầu tiên được Thầy truyền giới vào tháng 02 năm 1966 tại Chùa Lá là các chị Phan Thị Mai, Cao Ngọc Phượng, Phạm Thúy Uyên và các anh Đỗ Văn Khôn, Nguyễn Văn Phúc và Bùi Văn Thanh. Mỗi tuần các vị Tiếp Hiện có thể trở về Chùa Lá tỉnh tu trọn một ngày để khôi phục lại năng lượng và sự tươi mát.

Lễ thọ giới được cử hành vào ngày Phật đản tại chùa Pháp Vân trong khuôn viên trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Những giới tử đầu tiên đều thuộc về giới trẻ, từ 22 đến 28 tuổi, tất cả đều là thành phần của ban điều hành trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Năm 1965 là năm mà cuộc chiến tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn quyết liệt. Dòng tu Tiếp Hiện chỉ là một trong những biểu hiện của quyết tâm đem đạo Bụt vào lĩnh vực hành động trong lúc xã hội đòi hỏi một ý thức phụng sự mới không dựa trên chia rẽ, căm thù và bạo lực.

Từ trái sang phải: Phạm Thúy Uyên, Cao Ngọc Phượng, Nhất Chi Mai, Nguyễn Văn Phúc, Bùi Văn Thanh, Đỗ Văn Khôn

Ý thức về một đạo Bụt đứng trong lòng cuộc đời để xây dựng cho cuộc đời ngày xưa đã từng có mặt, nhất là trong các triều đại Lý và Trần. Từ khi người Việt bắt chước người Tống lấy Khổng giáo làm công giáo và loại bỏ Phật học cùng Lão học ra khỏi nền học vấn quốc gia, đạo Bụt đã mất dần tính cách nhập thế của nó. Trong nửa đầu thế kỷ thứ hai mươi, trong ý hướng đi tìm căn bản cho một cá tính dân tộc để chống lại sự đồng hóa của Tây phương, người Việt đã có ý hướng khôi phục lại nền Phật học đã lu mờ. Vào khoảng 1925, có manh nha một phong trào phục hưng đạo Bụt. Năm năm sau, các hội Phật học được thành lập khắp nơi ở Trung, Nam và Bắc. Tạp chí Viên Âm ở Huế cũng như tạp chí Đuốc Tuệ ở Hà Nội đều có nói tới đạo Bụt như một viên đá nền tảng của nền văn học dân tộc. Nguyễn Trọng Thuật đã viết một loạt bài về „Nhân Gian Phật Giáo“ trong tạp chí Đuốc Tuệ. Nhân Gian Phật Giáo tức là một nền đạo Bụt xây dựng xã hội. Tư tưởng đạo Bụt nhập thế được bồi đắp và phát triển song song với những hoạt động của Phật tử trong phạm vi văn hóa, giáo dục và xã hội. Các tổ chức giáo dục thanh thiếu niên như sinh viên Phật tử, gia đình Phật tử, trường tư thục tiểu học, trung học và đại học Phật giáo, các cơ sở xã hội như cô nhi viện, phòng chẩn bệnh, phòng phát thuốc, trường đào tạo cán bộ xã hội để chuyên lo phát triển kinh tế và giáo dục nông thôn v.v… là những biểu hiện cụ thể cho ý thức đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Các tác phẩm Đạo Phật Hiện Đại Hóa Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời ra đời trước Dòng Tu Tiếp Hiện chỉ một vài năm đã phản ảnh được những tìm tòi hiện đại nhất về một nền đạo Bụt mới của dân tộc.

Dòng Tiếp Hiện ra đời không phải để phủ nhận những hình thức tu học cổ điển mà là đề nghị thêm một hình thức tu học mới trong đó người thanh niên trí thức có thể tìm thấy một thế đứng và những pháp môn tu học thích hợp hơn, và cũng có thể có cơ hội đem tài năng và chí nguyện của mình để phụng sự cho lý tưởng từ bi và hiểu biết. Giá trị của một dòng tu là ở bản chất của giới luật làm chất liệu sinh hoạt tâm linh cho dòng tu ấy. Giới luật Tiếp Hiện cần được học hiểu một cách chín chắn và sâu sắc trước khi ta có được một cái nhìn chân thật về dòng tu này.

Tháng 05 năm 1966 Thầy sang Hoa kỳ kêu gọi hòa bình. Thầy chỉ dự định đi 3 tháng nhưng bị cấm không cho trở về nước và phải sống lưu vong trong 39 năm. Sau 15 năm tạm ngưng Thầy bắt đầu truyền giới Tiếp Hiện lại vào năm 1981 tại Phương Khê.
Thầy bắt đầu truyền giới và nhận đệ tử cư sĩ vào năm 1983. Những cư sĩ hành trì giới Tiếp Hiện đều có vai trò thành lập và hướng dẫn các nhóm tu học tại địa phương nơi họ sinh sống. Đến năm 2014 Thầy đã truyền giới Tiếp Hiện cho hơn 2000 cư sĩ.
Mười bốn giới Tiếp Hiện biểu hiện nếp sống của người Tiếp Hiện và là bản chất của dòng tu này. Mười bốn giới Tiếp Hiện chuyển tải tinh thần tự do, phá chấp của một đạo Bụt dấn thân hiện đại. Mạng sống con người cần được xem là quý giá hơn bất cứ một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào. Nếu cái thấy này không được duy trì thì người Tiếp Hiện không còn có chánh kiến. Mà đã không có chánh kiến thì sẽ không có chánh tư duy, chánh ngữ và chánh nghiệp, và do đó tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của họ sẽ tạo thêm đau thương cho chính họ và cho đồng loại. Người Tiếp Hiện có cái thấy ấy rồi nhưng phải thường xuyên duy trì cái thấy ấy. Đó là sự thực tập chánh niệm và chánh định. Dòng tu Tiếp Hiện được lập ra như một phong trào kháng chiến tâm linh.

(Nguồn: Đi gặp mùa xuân – hành trạng Thiền sư Thích Nhất Hạnh)