Giáo lý „Vô sinh bất diệt – Phi nhất phi dị“ áp dụng vào đời sống hàng ngày

Thương không phải là một sự hưởng thụ mà thương là một sự thực tập

Khi được hỏi: “What happens when you die?”, thì chúng ta có thể nói: “Nothing happens! When you die, you don’t die at all. You do not come, you do not become.” Thường thường người ta sợ khi chết mình trở thành ra hư vô, mình trở thành không có gì hết. Nhưng trong sự sống hằng ngày thì chỉ có biến chuyển, sự biểu hiện mà không có sự có và không. Ví dụ như khi mình nấu nước lạnh thì chỉ trong vòng một hay hai phút thì nước lạnh không còn là nước lạnh nữa, điều đó không có nghĩa là nước không còn. Nước nóng lên từ từ, và khi lên tới 100°C thì nước biến thành hơi. Nếu nước không là nước thì nó là hơi, là mây, là tuyết. Nó đi vòng vòng như vậy. Sự tiếp tục biểu hiện đó, nếu quán chiếu thấy được, thì ta thấy nước cũng có tính vô sinh bất diệt như một Đức Thế Tôn.

Vậy thì “What happens when I die?”, câu này chỉ trả lời được khi ta quán chiếu vào trong ba thực thể: thực thể người đi, thực thể đi và thực thể thời gian đi. Nếu ta không quán chiếu mà nói rằng: “Ông sẽ sinh lên cõi trời! Ông sẽ không còn ở cõi đời này nữa, v.v…, v,v…!”, thì sai. Đó đều là những giả thuyết, những huyền đàm (spéculations). Để trả lời câu “What happens when I die?”, chúng ta phải xét lại khái niệm của mình về ba thực tại, thời gian đi, người đi và hành động đi và xét lại trong ánh sáng của vô thường, vô ngã. Khi xét lại thì chúng ta thấy giáo lý vô sinh bất diệt, vô khứ vô lai có dính líu tới phi nhất phi dị. Giáo lý phi nhất phi dị giúp rất nhiều để chúng ta có thể hiểu được cái vô sanh bất diệt, vô khứ vô lai.

Thông thường, khi nhìn ngọn lửa, chúng ta tưởng nó chỉ đơn thuần là một ngọn lửa. Ta không biết ngọn lửa đó là do một triệu ngọn lửa đang nối tiếp nhau tạo nên. Một triệu ngọn lửa đó, so với nhau, bản chất của chúng là không phải một cũng không phải khác. Thấy được cái gọi là khứ giả (người đi) dưới ánh sáng đó thì ta không còn bị kẹt vào ý niệm khứ giả nữa. Không kẹt vào ý niệm khứ giả thì không kẹt vào ý niệm khứ và khứ thời. Những buồn thương, những sợ hãi đều tan biến được khi ta thoát khỏi ý niệm về sinh tử, vì sinh tử không phải là một thực tại mà chỉ là một ý niệm. Đứng về phương diện thế tục đế thì giống như có sinh, có tử. Nhưng khi xé toạc được màng lưới thế tục đế và đi sâu vào thực chất của thắng nghĩa đế thì ta chạm vào tự tánh không sinh, không diệt, không tới, không đi. Lúc đó, ta có tự do, tự do đối với những buồn thương, sợ hãi do ý niệm tới-đi, sinh-diệt, còn-mất đưa đến. Chúng ta áp dụng giáo lý này vào đời sống hằng ngày như thế nào? Thật ra có muôn ngàn cách để chúng ta áp dụng.

Ví dụ như có một người nào đó đang thù ghét, oán hờn cha hay mẹ của mình. Người đó không sống được những giây phút nhẹ nhàng, hạnh phúc như những người khác tại vì họ luôn luôn giữ trong mình sự oán hờn cha hay mẹ của mình. Bây giờ làm sao giúp người đó lấy ra được sự oán giận đó? Phương pháp chúng ta có thể áp dụng được: Khi mình oán giận mẹ của mình thì mình không muốn nghĩ tới mẹ. Mình muốn mình là một thực tại độc lập ngoài mẹ, tại vì mẹ đã làm khổ mình, đã gây thương tích cho mình. Người ta có bà mẹ rất ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một. Mình cũng có một bà mẹ, nhưng mình không kính phục, không thương mến vì trong bà mẹ đó có thể có sự bội bạc, sự vô ơn, sự tàn nhẫn. Mình đau buồn và ôm sự đau buồn đó đi suốt cuộc đời mình mà không cách nào thoát ra được. Trong mình đang ôm ấp một niềm oán giận. Mình là người oán giận và mẹ mình là đối tượng của sự oán giận đó. Mình đâu có muốn đồng nhất mình với đối tượng mà mình oán giận. Tôi không phải là mẹ tôi! (I hate her! I don’t want to have anything to do with her!) Nhiều người con trai, con gái, đau khổ vì mẹ hay tuyên bố câu động trời như vậy! Nhưng trong ánh sáng của sự quán chiếu này thì mình thấy rõ ràng rằng: Mình với mẹ mình tuy không phải một nhưng cũng không phải khác. Bản chất của mình và của mẹ mình đều là phi nhất phi dị, hay nói một cách khác, mình là sự tiếp nối của mẹ mình. Mình không thể lấy mẹ ra khỏi mình. Cũng như ngọn lửa, nó nghĩ rằng mẹ của nó, tức là ngọn lửa từ hộp diêm sinh ra, là khác và nó là khác. Không đúng! Bản chất của nó là không một cũng không khác. Nếu không có ngọn lửa đó thì làm sao có ngọn lửa này. Chính ngọn lửa này là sự tiếp tục của ngọn lửa đó. Con gái hay con trai đều là sự tiếp nối của mẹ. Giận mẹ và không muốn có bất cứ một liên hệ nào với mẹ là một chuyện hết sức vô lý và khờ dại! Người con gái đang giận, đang thù hận mẹ, không biết rằng mình đang mang trong mình thực thể toàn vẹn của mẹ, tức là những yếu kém của mẹ đều có cả trong mình. Nếu không tu tập, mai này mình sẽ làm giống hệt như mẹ, mình cũng sẽ làm đau khổ con mình và những người khác. Sự thật là như vậy! Đó là do vô minh, nếu quán chiếu sâu hơn mình sẽ có được trí tuệ và tình thương.

Ở Âu Châu, cách đây chừng 10 năm, có một tai họa cho cây orme (elm tree). Có một loại sâu đục thẳng vào vỏ cây, làm nhà làm cửa dưới vỏ cây và hút hết nhựa cây cho đến khi cây chết. Bên Anh, cây orme chết hầu hết, qua Pháp cũng vậy. Đó là một tai nạn xảy ra cho cây orme. Tại nội viện Phương Khê có một cây orme rất đẹp nhưng nó đã chết vì loại sâu đó. Mình chưa có thì giờ đốn xuống thì nó đã mục nát, nó ngã đè lên làm chết những cây con khác đang vươn lên rất đẹp Nhìn kỹ, mình thấy cây orme đâu muốn như vậy? Nó đâu có muốn bị sâu ăn, chết khô đi, rồi ngã xuống để làm dập nát những cây khác trong vườn. Nhưng sự thực đã xẩy ra như vậy! Mẹ mình cũng có thể như vậy! Mẹ mình đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường không thuận lợi; ở đó có những con sâu của tham giận, vướng mắc, tuyệt vọng xâm chiếm. Nói tóm lại, hoàn cảnh hay y báo của mẹ không tốt. Những hạt giống xấu của mẹ biểu hiện ra rất nhiều trong khi các hạt giống tốt của mẹ không có cơ hội để biểu hiện. Mình là con gái, mình biết một cách rất khoa học là mình đã tiếp nhận tất cả những hạt giống của mẹ, những hạt giống tốt và cả những hạt giống xấu. Nếu mình bị đặt trong một môi trường xấu của mẹ thì mình cũng trở thành ra mẹ mà thôi. Nếu ngày xưa mẹ được đặt vào môi trường tốt thì những hạt giống xấu của mẹ đã không biểu hiện và mẹ đã không làm khổ mình. Vấn đề là môi trường. Môi trường là nurture, bản thân mình là nature. Bây giờ mình có may mắn hơn, được đặt vào một khung cảnh rất an ninh, có hiểu biết, có tình thương; nhờ vậy mà những hạt giống tiêu cực của mẹ trong mình không có cơ hội biểu hiện và mình sẽ không hành xử như vậy đối với con mình sau này. Trái lại, những hạt giống tốt trong đời mẹ chưa có cơ hội được biểu hiện ra, bây giờ nhờ môi trường tốt mà mình làm biểu hiện ra. Mình trở thành một người rất ngọt ngào, có thương yêu. Khi thấy được như vậy thì những oán hờn đối với mẹ tan biến, tình thương mẹ trào dâng lên, và chính tình thương sẽ có công năng chuyển hóa hết những giận hờn, oán hận kia. Mình thấy rõ ràng, mình với mẹ không phải là hai thực tại riêng biệt, mình với mẹ không phải là một cũng không phải là khác.

Mình tưởng mình sinh vào ngày đó, tháng đó, năm đó, tại nơi đó, nhưng kỳ thực mình đã có trong mẹ trước khi mình sinh ra. Sinh chỉ là tướng bên ngoài mà thôi, mình có được làm giấy tờ khai sinh đàng hoàng, nhưng đó chỉ là tướng sinh. Mình sẽ đi qua những tướng trú, dị, diệt, nhưng mình biết đó chỉ là những tướng thôi. Thực chất của mình là chưa bao giờ sinh ra hết. Khi mẹ mình có mặt thì mình đã có mặt trong đó rồi.

Chúng ta hãy nhìn vào một cây chanh con. Tuy chưa thấy hoa chanh, trái chanh nhưng hoa chanh và trái chanh đã có trong cây chanh rồi. Tướng hoa chanh, trái chanh chưa lộ ra nhưng với con mắt của người thông minh, của người trồng chanh, chúng ta biết thế nào cây chanh cũng cống hiến cho mình hoa chanh và trái chanh.

Chúng ta cũng vậy! Trên phương diện tướng thì mình chưa có con nhưng kỳ thực con đã có sẵn trong lòng mình rồi. Trên cái tướng thì mình chưa có đệ tử, nhưng thực ra mình đã có đệ tử sẵn sàng đó rồi, nó chỉ đợi biểu hiện ra mà thôi. Phải thấy được tính vô sinh của con mình (của đệ tử mình) để thấy rõ là khi con mình (đệ tử mình) sinh ra, nó không phải là một thực tại biệt lập mà là sự tiếp nối của mình (your own continuation).

Người con gái thấy được mẹ mình và mình là vô sinh, mình không phải là một thực tại mới biệt lập với mẹ. Mình là sự tiếp nối của mẹ với tất cả những hạt giống tốt và xấu của mẹ. Chỉ vì mẹ không có môi trường tốt nên hạt giống xấu đã biểu hiện và những hạt giống tốt chưa bao giờ được biểu hiện. Mình không còn nghĩ rằng: Mẹ tôi chỉ làm những điều xấu! Mẹ tôi không có điều tốt! Mình thương cho mẹ vì những điều tốt của mẹ đã không có cơ hội để biểu hiện. Như vậy, mình mới có được sự kính trọng đối với mẹ. Trong mẹ cũng có một vị Bồ tát, trong mẹ cũng có một vị Bụt, nhưng trong đời mẹ đã không được tưới tẩm những hạt giống lành thiện để cho những vị Bụt và Bồ tát đó biểu hiện. Vậy thì trong đời mình, mình phải sống làm sao để tính Bụt và Bồ tát được biểu hiện. Nếu làm biểu hiện được tính Bụt và Bồ tát trong mình thì đồng thời mình cũng làm cho tính Bụt và Bố tát trong mẹ được biểu hiện. Đó mới thật là tình thương của một người con đối với mẹ. Đây là một ví dụ của sự áp dụng.

Cây orme đâu có muốn chết khô, để gãy xuống làm tan nát cây con. Mẹ mình đâu có muốn khổ đau, phản bội, đâu có muốn làm khổ mình. Nhưng mẹ đã làm như vậy tại vì mẹ mình không có sự may mắn được ở trong một môi trường tốt. Khi thấy được rồi thì người con gái sẽ cảm thương, sẽ chuyển hóa và sẽ thương mẹ nhiều hơn. Chính những người khổ đau, những người không có cơ hội mới đáng là đối tượng của tình thương của ta trước. Đó là những người đáng thương trước, chúng ta phải tập thương. Thương không phải là sự hưởng thụ mà thương là một sự thực tập. Càng thương như vậy thì trí tuệ của mình càng lớn. Càng quán chiếu như vậy thì tình thương của mình càng rộng. Những cái mình học về “vô sinh bất diệt”, “vô khứ vô lai”, “phi nhất phi dị” đều có liên hệ mật thiết với đời sống, với hạnh phúc và khổ đau hằng ngày của chúng ta.

Chúng ta phải cẩn thận khi chúng ta thù ghét một người nào đó. Vì không tu học, không quán chiếu, ta sẽ làm và cư xử giống hệt như người mà ta đã thù ghét. Nguy hiểm lắm! Chúng ta phải thực tập, phải quán chiếu, phải thấy được sự tiếp nối của người kia ở trong mình! Nếu mình lỡ có tư tưởng muốn chết, muốn tự tử, chết cho khoẻ cho rồi (có người chỉ nói thôi nhưng có người muốn làm thiệt) thì mình phải biết rằng tư tưởng đó được truyền tới cho mình. Đó là do sự tiếp tục của người kia, người kia có thể là cha, là mẹ của mình. Nếu mình làm như vậy thì mình đang hành động như người kia, mình không có khác gì người kia hết, mình chưa chuyển hóa được gì. Chánh niệm và ý thức đó cho mình biết là những hạt giống kia chưa được chuyển hóa và mình phải tu tập để chuyển hóa mà thôi. Tư tưởng muốn bỏ nhà mà đi, bỏ chúng mà đi; nếu nó biểu hiện ra thì mình biết nó không phải tự nhiên mà tới. Tư tưởng, hạt giống đó là từ thế hệ ông bà tổ tiên truyền lại cho mình. Bổn phận của mình là phải nhận diện nó và phải tu tập để chuyển hóa được nó.

Thiền sư Nhất Hạnh

Trích trong sách: Đập vỡ vỏ hồ đào

(Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận trong khóa An Cư Kiết Đông 2001-2002)