Thiền lạy

Con linh cảm rằng từ muôn kiếp xa xưa
Thế tôn với con đã từng là một
Rằng khoảng cách giữa hai ta
Không thể dài hơn quá một nhịp tâm đầu.

(Tìm nhau, thơ: Nhất Hạnh)

Bụt và chúng sanh tương tức

Chúng ta đã học rằng Bụt và người dính với nhau, không có người thì không có Bụt, không có Bụt thì không có người. Đó là nhận thức bất nhị. Trong kinh Kim Cương có nói: Phải lấy đi ý niệm chúng sanh là ngược lại với Bụt, tại vì chúng ta thường hay so sánh đã là Bụt thì không thể là chúng sanh, mà là đã chúng sanh thì không thể là Bụt. Chúng sanh  (living being) có khi còn được gọi là hữu tình , tiếng Phạn là sattva, phiên âm là tát đỏa. Theo định nghĩa thì Bụt là một loài hữu tình có giác ngộ, có giải thoát gọi là boddhisattva (bồ tát). Bồ tát là tên gọi tắt của chữ bồ đề tát đỏa, có nghĩa là giác hữu tình, là một con người đã giác ngộ.

Khi đã giác ngộ thì một chúng sanh trở nên có giá trị và trở thành một bậc đại nhân (great being). Boddhisattva is a great being. Trong một vị bồ tát có sự vĩ đại của một bậc giác ngộ nên chúng ta có chữ mahasattva. Maha là lớn, sattva là hữu tình, mahasattva là đại hữu tình. Bồ tát ma ha tát là boddhisattva mahasattva, khi một chúng sanh giác ngộ thì trở thành một con người lớn gọi là mahasattva, và con người lớn đó có thể gọi là boddhisattva nên chúng ta dùng chữ boddhisattva mahasattva.

Nhưng nếu không có người thì làm sao có bậc giác ngộ? Bậc giác ngộ từ người mà ra, vì vậy giữa người và bậc giác ngộ có sự liên hệ. Bụt không thể có mặt ngoài chúng sanh và chúng sanh không thể có mặt ngoài Bụt. Cũng như bên trái và bên phải, nếu không có trái thì không có bên phải và không có bên phải thì không có bên trái. Đó gọi là tương tức, là tương đãi. Theo giáo lý của đạo Bụt thì trong chúng sanh có Phật tánh (Buddha nature), có hạt giống của Bụt. Hễ là chúng sanh là có Phật tánh tức là có khả năng giác ngộ, có khả năng có niệm, định và tuệ. Chúng sanh nào cũng có khả năng có niệm-định-tuệ và cũng có khả năng giác ngộ.

Trong các tôn giáo khác sự liên hệ giữa Thượng đế và con người có như vậy hay không? Có những nhà mystic nói rằng Thượng đế cũng có ở trong ta. Nhưng không phải tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Trong đạo Bụt nói rất rõ, muốn tìm Bụt thì phải đi tìm trong chúng sanh, ngoài chúng anh thì không có Bụt. Không biết bên Cơ Đốc giáo có nói như vậy không, muốn đi tìm Chúa thì phải nhìn vào con người, không có con người thì không thể tìm ra Thượng đế. Trong đạo Bụt thì Bụt và chúng sanh tương tức (inter-are), cũng như mặt trời và mình, mặt trời và mình tuy là hai nhưng là một. Mình có mặt trời trong con người của mình, tại vì những gì mình ăn là do mặt trời làm ra. Vì vậy mặt trời không chỉ có ngoài mình mà còn có trong mình.

Có tuệ giác bất nhị khi lạy Bụt

Phương pháp lạy Bụt là một sự thực tập rất sâu.

Năng lễ sở lễ tánh không tịch

Người lạy và người được lạy không phải là hai thực thể riêng biệt nhau. The one who bows and the one who is bowed to are both empty of separate self. Trong Bụt có mình và trong mình có Bụt. Trước khi lạy xuống mình phải quán chiếu: “Bụt ơi, con biết Ngài không ở ngoài con, Ngài đang ở trong con và con đang ở trong Ngài.” Phải thấy được điều đó thì khi lạy xuống mình mới tiếp xúc được với Phật tánh trong mình. Nếu nghĩ Bụt là một cái gì hoàn toàn khác với mình và mình là một cái gì hoàn toàn khác với Bụt thì mình sẽ không có sự liên hệ (connection) đó. Có được tuệ giác bất nhị “Bụt và chúng sanh không phải là hai thực thể riêng biệt, Bụt có trong chúng sanh và chúng sanh có trong Bụt” thì khi niệm Bụt hay lạy Bụt mới có kết quả. Nếu nghĩ Bụt là một vị thần linh hoàn toàn không phải là mình, mình chỉ toàn là xấu xa, yếu đuối, hèn kém còn Bụt là tất cả những cái gì tốt đẹp, giống như đêm với ngày không thể đi đôi với nhau thì đó là có sự kỳ thị. Mình có cái thấy nhị nguyên giữa mình và Bụt. Trong kinh Kim Cương có nói: Phải lấy đi ý niệm chúng sanh là một cái gì ngược lại với Bụt. Đó là nguyên tắc đầu để phương pháp niệm Bụt được thành công. Khi gọi tên Bụt, quán tưởng Bụt, hay lạy Bụt thì mình phải có tuệ giác, mình phải có cái thấy là giữa Bụt và chúng sanh có sự liên hệ rất mật thiết. Ngoài chúng sanh không có Bụt và ngoài Bụt không có chúng sanh.

Là người thực tập mình phải thấy được trong mình có hạt giống của bồ đề, trong mình có hạt giống của niệm, định và tuệ. Đó là Bụt, vì vậy khi niệm Bụt hay khi lạy Bụt là mình phải làm thế nào cho hạt giống đó biểu hiện trong mình. Hạt giống đó được tưới tẩm thì mình mới thành công.

 (thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh)

Thực tập ba cái lạy

Khi thực tập 3 cái lạy, nếu có thể lạy xung trước bàn thờ Bụt thì rất hay. Nhưng không bắt buộc phải có bàn thờ thì mới thực tập được ba cái lạy. Ta có thể thực tập ở nơi nào mà ta cảm thấy yên tĩnh và có năng lượng bình an, ví dụ như trước một thân cây trong rừng hay trước một khóm hoa rất đẹp trong vườn, v.v…

Ta đứng thẳng, thư giãn toàn thân, chắp hai tay lại, theo dõi hơi thở và bắt đầu quán tưởng.

Tiếp xúc với tổ tiên huyết thống

Con biết trong con có cha mẹ, ông bà và tất cả tổ tiên huyết thống. Trong con có những hạt giống tiêu cực của các vị như sự tuyệt vọng, ganh tỵ, giận hờn, bạo động,v.v... Nhưng đồng thời con cũng nhận được những hạt giống tích cực từ các vị như lòng từ bi, sự kiên nhẫn, v.v… Con không phải là một thực thể tách rời riêng biệt. Các vị có mặt trong từng tế bào cơ thể con nên con không bao giờ cô đơn một mình.  Chỉ cần thở và nhìn sâu vào tự thân thì con có thể tiếp xúc với các vị. Con xin lạy xuống để chấp nhận tất cả các tính xấu cũng như tính tốt mà các vị đã trao truyền cho con.

Ta từ từ đưa hai tay lên trước trán (ý), đưa xuống trước ngực (tâm) rồi hạ hai tay xuống hai bên thân và từ từ lạy xuống, trán chạm vào mặt đất, hai đầu gối hơi dang ra để toàn thân áp sát xuống đất rồi lật ngửa hai bàn tay ra. Như thế, ta đem ý, tâm và thân hợp nhất, tiếp xúc với đất, buông ra hết, không giấu giếm bất cứ một thứ gì. Ta không còn là một cái ta riêng biệt.

Tiếp xúc với Thầy và với các thế hệ Tiếp Hiện đi trước

Con biết con là sự tiếp nối của Thầy. Khi con thở một hơi thở có ý thức là Thầy đang thở, khi con đi một bước chân có ý thức là Thầy đang đi. Thầy đang thở bằng hai lá phổi của con. Thầy đang đi bằng đôi chân của con. Thầy không bao giờ mất đi mà chỉ biểu hiện dưới một hình thái khác. Con mang Thầy trong con để đi về tương lai. Con sẽ không bao giờ cô đơn, Thầy đang nắm tay con cùng đi trên mà con đường rất đẹp chúng ta đã nguyện chọn.

Con cũng thấy trong con có trái tim nóng bỏng của những người anh, người chị Tiếp Hiện ngày xưa. Ngày ấy, khi đất nước mình đang đắm chìm trong khổ đau của chiến tranh, nghèo đói và bất công xã hội, các anh chị, những thanh niên, những thiếu nữ đã bỏ công danh sự nghiệp, không sợ hãi trước bạo lực, mang trong trái tim mình tình thương và bầu nhiệt huyết để tìm đến giúp cho người dân sống trong những hoàn cảnh đau khổ tận cùng. Có những anh chị đã nằm xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng trái tim thương yêu và bầu nhiệt huyết đó không mất đi đâu hết mà sẽ được tiếp nối bởi những thế hệ Tiếp Hiện đi sau.

Con xin lạy xuống để tiếp nhận gia tài tâm linh Thầy đã trao truyền cho và xin nguyện noi theo tấm gương của các anh chị đi trước.

Tiếp xúc với môi trường đang sống

Con biết đang con được sống trong một đất nước tự do và bình an. Đất nước này đã từng gây ra chiến tranh và đau khổ nhưng cũng là một đất nước có tình thương lớn. Con biết ơn và trân quý người dân của đất nước đã tiếp nhận và cưu mang con, cho con và gia đình, người thân và bạn bè con có được một đời sống tự do và an lành. Con biết ơn và trân quý từng tấc đất, từng con sông, từng ngọn núi đã nuôi dưỡng và che chở con. Con biết ơn và trân quý những cánh rừng, những cỏ cây hoa trái đã cho con không khí trong lành để thở. Con biết ơn và trân quý các loài thú và chim muông đã cho con rất nhiều niềm vui và hạnh phúc.

Con xin lạy xuống để tỏ lòng biết ơn của con đối với đất nước mà con đang sống.