Thiền buông thư

Mát lòng nhờ
Những giọt không
Bỗng đâu thuyền đã
Sang sông
Tới bờ!
Cát mềm, bãi vắng
Nguyền xưa…

(Những giọt không, thơ: Nhất Hạnh)

Khả năng chữa bệnh của thiền buông thư

Nghỉ ngơi là điều kiện cốt yếu để chữa lành. Khi thú rừng bị thương, chúng sẽ tìm một nơi, nằm xuống và nghỉ ngơi hoàn toàn trong nhiều ngày. Chúng không còn bận tâm đến thức ăn hay bất cứ thứ gì khác. Chúng chỉ nằm yên dưỡng thương, và các vết thương sẽ lành lại như mong muốn. Khi con người kiệt sức trước quá nhiều áp lực, chúng ta có thể ghé tiệm mua thuốc, nhưng không thể hồi phục được như thú rừng. Ta phải học cách tự chữa lành cho mình. Áp lực bộn bề của cuộc sống cứ dồn tụ mãi trong cơ thể ta. Mỗi thói quen ăn, uống, sinh hoạt của ta đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ. Thiền buông thư là cơ hội để cơ thể được nghỉ ngơi, chữa lành và hồi phục. Ta thả lỏng toàn thân, lần lượt hướng sự tập trung đến từng bộ phận cơ thể và gửi năng lượng yêu thương cùng sự quan tâm tới mỗi một tế bào.

Khi thở sâu và cảm nhận thật tỉ mỉ, ta sẽ thấy có quá nhiều căng thẳng dồn tụ trong cơ thể, chúng kìm hãm ta đạt đến trạng thái thư giãn, thanh thản và hạnh phúc. Và ta bị thôi thúc bởi niềm khao khát tìm đến một thứ gì đó giúp ta giảm bớt nỗi đau khổ ấy. Theo từng hơi thở, ta cũng đồng thời giúp cơ thể giải thoát khỏi những áp lực căng thẳng. Đó chính là thực hành buông thư.

Có một cách tản bộ rất thư thái có thể áp dụng khi ta có việc phải di chuyển. Ý thức về mỗi hơi thở của mình và phối hợp mỗi bước chân theo nhịp thở, có thể đi hai bước, ba bước hoặc bốn bước ứng với mỗi lần hít vào hoặc thở ra. Có thể vừa bước đi vừa thầm nhẩm: “Hít vào, ta ý thức về cơ thể ta. Thở ra, ta ý thức về cơ thể ta”, “Hít vào, ta buông thư cơ thể. Thở ra, ta buông thư cơ thể”.

Đừng bao giờ nói: “Tôi không có thời gian để tập”. Chúng ta có rất nhiều thời gian. Không cần thiết phải dành riêng ra một khoảng thời gian để thực hành. Ở bất kỳ tư thế nào, dù là đang đi, đứng, nằm, ngồi, ta đều có thể buông thư. Ngồi trên xe bus, ta có thể thực tập thở và buông thư. Trong lúc di chuyển, hay khi đi bộ từ chỗ đỗ xe đến văn phòng, ta có thể sắp xếp mọi việc để tự do bước đi không vướng bận, buông thư toàn thân theo mỗi một bước chân.

Nếu là một nhà giáo, ta nên nắm vững bài tập thiền buông thư và cùng học trò thực hành trước giờ lên lớp hoặc trong thời gian nghỉ giữa giờ, có thể ngồi ngay tại chỗ hoặc trải đệm trên sàn để thực hành. Như vậy, cả thầy và trò có thể cùng nhau tận hưởng giờ học và giúp cho việc học trở nên dễ dàng hơn. Nếu là thầy thuốc, ta cũng nên thành thạo kỹ thuật buông thư và hướng dẫn cho bệnh nhân của mình. Nếu như người bệnh nắm được nghệ thuật buông thư, khả năng tự chữa lành sẽ được nâng cao và sức khoẻ cũng nhanh chóng phục hồi. Nếu là một chính khách, ta cũng nên thực hành buông thư. Càng thư thái, đầu óc ta càng thanh thản, càng tỉnh táo, và những quyết định ta đưa ra cũng vì thế mà càng chuẩn xác.

Thiền buông thư cũng có thể giúp ích cho ta những khi khó ngủ. Nằm trên giường, thực hành buông thư và dõi theo từng nhịp hít vào thở ra. Đôi khi thiền buông thư có thể giúp ta dễ ngủ hơn. Nhưng ngay cả khi không ngủ được, việc thực hành vẫn có tác dụng dưỡng tâm và giúp ta được nghỉ ngơi.

Thiền buông thư còn có thể giúp ta chế ngự đau đớn và tật bệnh. Khi ta chú tâm vào bộ phận đang bị đau, ta học được cách chấp nhận, ôm lấy chúng và để nơi ấy buông thư. Dĩ nhiên, ta cũng có thể giải quyết nhờ phương pháp y học, nhưng làm ơn đừng ỷ lại vào thuốc giảm đau. Khi đã nắm bắt được phương pháp buông thư cho những phần cơ thể đang đau bệnh, sự hồi phục sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều.

Các bài tập thiền hành dưới đây được Sư cô Chân Không đưa ra. Sư cô Chân Không chính là hiện thân cho một người có thể cứu giúp nghìn vạn chúng sanh. Bao nhiêu năm qua, Sư cô đã cứu trợ cho rất nhiều trẻ mồ côi và người dân nghèo. Làm việc thiện đem lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc đời Sư cô. Sư cô cũng đã hướng dẫn thiền buông thư từ nhiều năm về trước và giúp ích được cho nhiều ngàn người. Nhờ ơn Sư cô, rất nhiều người đã thoát khỏi khổ đau. Điều này cũng đúng với tất cả chúng ta, bất kể chúng ta đang sống trong thời gian hay không gian nào. Giải thoát con người khỏi nỗi khổ chỉ bằng vài lời vàng ngọc có thể đem lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Bồ tát chính là người có tấm lòng từ bi trắc ẩn, người có khả năng đem lại nụ cười cũng như giải thoát chúng sanh khỏi đau khổ. Tất cả chúng ta đều có khả năng ấy. Khi cuộc đời ta có ý nghĩa, hạnh phúc sẽ hiện hữu và bản thân ta đã trở thành một vị Bồ tát.

Thực hành thiền buông thư như một niềm vui

Rèn luyện tinh thần không chỉ là dành sự quan tâm cho trí óc. Chăm sóc tốt cho cơ thể sẽ giúp ta giảm bớt căng thẳng, cáu giận, kích động và lo lắng. Thân và tâm là hai mặt của một thực tại, và chúng bổ trợ cho nhau. Khi tâm ta dao động, khi ta cảm thấy bị xáo trộn bởi một cảm xúc mạnh mẽ, hãy tìm kiếm trợ giúp từ cơ thể của chính ta. Nếu một trong hai nhân tố đó ở trong tình trạng khó chịu, thì yếu tố còn lại cũng không thể thư giãn được. Hơi thở chính là sợi dây kết nối giữa cơ thể và tâm trí. Thực tập thiền chính là dựa vào hơi thở để dẫn dắt cơ thể vào trạng thái thư giãn sâu, thả lỏng hoàn toàn, buông bỏ toàn bộ những căng thẳng trong từng bộ phận cơ thể.

Trong Kinh Niệm Thân (Kayagata-sati Sutta, Majjhima Nikaya 119), Đức Bụt dạy chúng ta đưa chánh niệm tới từng bộ phận trên cơ thể, xuyên suốt từ đỉnh đầu xuống đến từng đầu ngón chân, nhờ đó mà biết được những thứ đang diễn ra bên trong cơ thể mình. Bụt khuyên chúng ta hãy dùng chánh niệm như ánh sáng để rà quét, đem lại ý thức và sự thư giãn cho từng bộ phận cơ thể.

Học Bụt là học để ý thức được tất cả các trạng thái của tâm trí và chấp nhận chúng, kể cả những trạng thái tiêu cực như tức giận, sợ hãi, ghen ghét hay đố kỵ. Ta cũng có thể áp dụng điều đó cho cơ thể của ta. Với thiền buông thư, ta học cách chấp nhận mọi bộ phận của cơ thể ta, kể cả những nơi đang đau đớn hay tổn thương, đồng cảm sâu sắc với chúng và buông xuống mọi niềm căng thẳng. Ta nên chú tâm tới mỗi bộ phận cơ thể với tình thương yêu, nâng niu và dịu dàng, chứ đừng phán xét chúng.

Bài tập thiền buông thư dưới đây dựa trên một bộ kinh do Đức Bụt thuyết giảng từ xưa nhưng vẫn vô cùng phù hợp với lối sống hiện đại ngày nay. Khi ta bộn bề với công việc, bận rộn với học hành, cùng đủ thứ trách nhiệm gia đình cần gánh vác, ta sẽ nghĩ mình không thể dành ra lấy một phút để nghỉ ngơi. Đó là một cách suy nghĩ không khôn ngoan. Dù chỉ tranh thủ được vài phút nghỉ ngơi cũng là rất quan trọng. Ta sẽ nhận được rất nhiều ích lợi. Không chỉ có thêm sức khỏe, đầu óc ta cũng tỉnh táo hơn ít nhiều. Với nguồn năng lượng mới mẻ này, ta cũng ít mắc sai lầm hơn. Bất cứ khi nào cảm thấy mọi chuyện quá sức chịu đựng và kiệt sức, đó chính là thời điểm thích hợp để thực hành buông thư. Bản thân tôi cũng luôn thực hành buông thư mỗi khi phải đối diện với quá nhiều trở ngại.

Tôi vẫn thường khuyên mọi người rằng, cho dù một ngày làm việc của ta vô cùng bận rộn, ta cũng nên phân chia thời gian trong ngày thành nhiều khoảng nhỏ, để có thể nghỉ ngơi đan xen giữa những khoảng thời gian ấy, và sau đó lại tiếp tục công việc. Làm được như vậy, ta sẽ sảng khoái hơn khi bắt tay vào việc tiếp theo. Cứ sau khoảng một đến hai giờ làm việc, hãy tìm một nơi yên tĩnh và không bị ai làm phiền. Đây là yếu tố then chốt cho một buổi thiền hiệu quả. Nếu tìm được chỗ nằm, ta có thể nằm nếu muốn; hoặc đơn giản là kéo một chiếc ghế lại bên tường, nhắm mắt lại và buông thư. Quan trọng nhất là phải thực hành ở một nơi mà ta sẽ không bị làm phiền hoặc làm mất tập trung.

Thiền buông thư là một môn nghệ thuật giúp chuyển hóa dần dần từ việc rèn luyện bản thân hằng ngày trở thành một thói quen tốt để lấy lại cân bằng cho cả thân và tâm. Cơ thể ta cần được nghỉ ngơi, nhưng tâm trí ta vẫn muốn làm nhiều thứ, và ta thường coi nhẹ cơ thể của chính mình. Thân và tâm có mối liên hệ ràng buộc sâu sắc, và khi một trong hai trở nên lấn lướt, yếu tố còn lại sẽ không thể vận hành tốt được. Ta sẽ trở nên căng thẳng, nhạy cảm và dễ nổi nóng. Thậm chí ta có thể mất đi sự cảm thông của bạn bè, trở nên xa cách với bạn đời, hoặc khiến mọi người mất dần kiên nhẫn với ta.

Mong muốn của tôi là mỗi người trong chúng ta đều tìm được phương pháp để thường xuyên thực hành và ứng dụng thiền buông thư. Tưởng tượng xem mọi chuyện sẽ biến chuyển tới mức nào nếu ta chào đón mỗi ngày với niềm hân hoan, thư thái, và sảng khoái nhờ thiền buông thư mang lại.

Các bài tập hướng dẫn thiền buông thư

Việc kết hợp thiền buông thư với cuộc sống thường nhật của chúng ta rất quan trọng. Nếu đang ở một nơi an toàn, thậm chí ta có thể thiếp đi ngay trong những quãng thời gian buông thư ngắn ngủi; việc này giúp hồi phục tinh thần rất tốt. Bất cứ khi nào cảm thấy bối rối và căng thẳng, hãy tìm một nơi nằm xuống, hoặc kéo ghế lại gần một bức tường, tựa đầu vào lưng ghế hoặc tựa vào tường, ngay cả khi ta đang ở chỗ làm việc. Nếu tự nhiên cảm thấy một cơn buồn ngủ thoáng qua, đừng cố cưỡng lại. Cứ để giấc ngủ xâm chiếm ta. Giấc ngủ thoáng qua trong lúc buông thư có thể rất ngắn, nhưng tĩnh, vì thế mà rất đáng quý. Ta thậm chí không ý thức được rằng mình đã ngủ, nhưng sẽ cảm thấy sảng khoái và đầy năng lượng.

Nếu chỉ có khoảng năm đến mười phút, hãy thực hành theo bài tập thứ nhất. Nếu có nhiều thời gian hơn, hãy tập bài thứ hai và trong trường hợp đủ thong thả, ta có thể chú tâm lần lượt tới từng bộ phận trên cơ thể, gửi tới đó niềm yêu thương, chăm sóc và dịu dàng. Một lần buông thư trọn vẹn có thể kéo dài từ hai mươi phút đến một tiếng, tuỳ theo mức độ chậm rãi khi thực hành và phụ thuộc vào lượng thời gian ta có. Nếu thường xuyên bị mất ngủ, ta có thể thực hành bài tập buông thư dài, chú tâm từng bộ phận cơ thể thật ân cần và buông bỏ mọi căng thẳng, và dần dần, ta thiếp đi lúc nào chẳng hay.

  1. Thiền buông thư – bài tập ngắn

Nếu đang ở trong một ngày làm việc bận rộn, hãy thả lỏng bằng vài bài tập buông thư ngắn. Việc đầu tiên là tìm một nơi có thể nằm xuống thư giãn, có thể là một góc văn phòng, trên ghế băng hay ghế dựa, hoặc trên bãi cỏ ngoài công ty. Có thể dùng gối, khăn tay hoặc khăn lông để kê đầu, miễn là không quá cao. Giữ cho đầu, cổ và cột sống thẳng hàng. Có như vậy, quá trình buông thư mới có thể tiến hành thuận lợi từ đầu, xuống đến cổ và vai, và tiếp đến là toàn bộ cơ thể mà không gặp trở ngại. Nếu như không tìm được nơi phù hợp hoặc không tiện nằm xuống, ta có thể kéo ghế dựa đến bên một bức tường, ngồi xuống ghế, chân duỗi thẳng, và nếu được, có thể tựa phần đầu và vai vào tường; ta sẽ thấy vô cùng thư thái khi đầu và vai có điểm tựa.

Để hai tay buông xuôi tự nhiên dọc theo cơ thể, nhắm mắt lại, và buông bỏ mọi thứ. Đừng nghĩ về bất cứ điều gì. Đây không phải là chuyện dễ dàng; ta cần phải rèn luyện. Cần hoàn toàn chú tâm vào hơi thở. Nếu vẫn không thể dừng lại dòng suy nghĩ và tạp niệm, hãy nhẹ nhàng đặt một tay lên bụng và cảm nhận bụng đang phồng lên, xẹp xuống theo từng nhịp thở ra vào. Để cho thân và tâm được thả lỏng. Khi hít vào và thở ra, ta ý thức được mình đang hít vào và thở ra. Rũ bỏ mọi áp lực dù nhỏ nhất, lần lượt từ đỉnh đầu, qua não bộ, đến khuôn mặt, tới hai vai và toàn thân, xuống đến hai chân và lan đến tận các đầu ngón chân.

Hít vào, tôi ý thức về toàn thân tôi.

Thở ra, tôi buông thư toàn thân tôi.

Có thể lặp lại bài tập này vài lần cho đến khi toàn thân đều được thư giãn. Sau đó, ta có thể tập trung đi sâu hơn vào một vài bộ phận trên cơ thể nếu muốn.

Ta có thể chọn tóc, da đầu, não bộ, hai tai, cổ, phổi, các cơ quan nội tạng, bộ máy tiêu hoá, hoặc vùng chậu, bất cứ phần nào trên cơ thể đang cần được quan tâm và chữa lành. Chậm rãi hướng sự tập trung tới những phần cơ thể ấy. Mường tượng ra bộ phận cần được chữa lành trong đầu và bắt đầu cảm nhận những cảm giác ở nơi đó. Theo từng hơi thở, ta ôm ấp và nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự nâng niu.

Nếu công việc của ta cần nhìn màn hình máy tính nhiều, và khi đôi mắt ta mỏi mệt, có thể chọn đôi mắt là nơi cần tập trung thư giãn và chữa lành. Nhắm mắt lại, hít vào rồi thở ra, ta cũng đồng thời gửi tình thương mến tới đôi mắt.

Hít vào, tôi ý thức về đôi mắt mình.

Thở ra, tôi mỉm cười với đôi mắt mình.

Ta buông xuống mọi áp lực trên đôi bờ mi, ta ôm ấp đôi mắt bằng tình yêu thương, trút bỏ toàn bộ những gắng gượng, căng thẳng và áp lực trong từng bên nhãn cầu. Ta xoa dịu từng phần của đôi mắt bằng tình thương, sự quan tâm và dịu dàng.

Đây là chánh niệm về đôi mắt. Khi chế tác năng lượng chánh niệm, là ta đang ôm ấp đôi mắt ta và mỉm cười với chúng. Chúng ta đã chạm đến được trạng thái hạnh phúc. Có được một đôi mắt sáng là một điều màu nhiệm. Chỉ việc mở mắt ra, cả một thiên đường tràn ngập hình thái sắc màu luôn sẵn sàng đợi ta chiêm ngưỡng bất cứ lúc nào.

Nếu đang bị những cơn đau nhức hành hạ, ta cũng có thể lựa chọn tập trung vào những phần cơ thể vẫn đang hoạt động tốt, như là trái tim ta vẫn đập và bơm máu đến khắp cơ thể, hay lá phổi vẫn giúp ta hít thở thông nhuận. Nếu ta sở hữu một trái tim khỏe mạnh, hãy thử thực hành ý thức trái tim chính mình.

Hít vào, tôi ý thức về trái tim tôi.

Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.

Ta dùng chánh niệm ôm lấy trái tim và mỉm cười với nó. Ta nhận ra trái tim mình vẫn đang hoạt động bình thường. Đó cũng là một điều màu nhiệm. Rất nhiều người luôn ao ước có được một trái tim bình thường như vậy. Đây là điều kiện cơ bản để ta được mạnh khỏe, một trạng thái khác của hạnh phúc. Bấy lâu nay ta chỉ lo nghĩ về những chuyện khác mà thờ ơ với trái tim mình. Ta đuổi theo những thứ mà ta cho là hạnh phúc chân chính, trong khi lại lãng quên trái tim của chính mình.

Từng thói quen nghỉ ngơi, làm việc, hay ăn uống đều có thể làm cho trái tim ta phiền muộn. Mỗi khi ta châm một điếu thuốc là ta đang làm tim ta đau khổ. Mỗi ly rượu ta nâng là ta đang đối xử không tử tế với trái tim của chính mình.

Chúng ta biết rằng trái tim đã làm việc không ngừng nghỉ suốt bao năm nay vì chính chúng ta. Nhưng bởi thiếu chánh niệm, ta đã không giúp ích được nhiều cho trái tim mình. Có đôi khi, ta không biết phải làm sao để bảo vệ những trạng thái khoẻ mạnh và hạnh phúc tồn tại bên trong chính chúng ta. Khi ta ôm ấp trái tim bằng năng lượng chánh niệm, đó là khi trái tim ta được an ủi.

Ta có thể tiếp tục thực hành theo cách tương tự với các bộ phận khác trên cơ thể, như lá gan, đầu gối, hay lưng. Tạo ra chánh niệm bằng hơi thở chánh niệm, và dùng chánh niệm bao bọc lấy cơ thể. Khi hướng năng lượng chánh niệm tới những vị trí đang được ôm ấp bởi tình thương và sự dịu dàng, là ta đang làm đúng những gì cơ thể cần. Nếu một bộ phận nào đó trên cơ thể ta không khoẻ, ta có thể dành nhiều thời gian hơn để ôm trọn nơi ấy bằng chánh niệm và nụ cười. Dành tình yêu thương cho cơ thể chính là một cách bù đắp sau quãng thời gian ta bỏ bê cơ thể. Sau khi đã thực hành bài tập trên, dù chỉ năm hay mười phút, hãy từ từ đứng dậy trong trạng thái tỉnh táo và bắt đầu cử động dần dần. Khi quay trở lại với công việc còn dang dở, ta sẽ mang theo một cái nhìn mới và một tâm thế mới. Ta sẽ thấy tỉnh táo hơn nhiều.

  • Thiền buông thư – bài tập dài

Có thể thực hành bài tập buông thư trọn vẹn cho cơ thể tại nhà ít nhất một lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất. Cố gắng dành ra tối thiểu hai mươi phút cho mỗi buổi tập. Nếu sống cùng người thân, có thể thử thực hành theo nhóm với một người hướng dẫn dựa theo những gợi ý dưới đây, hoặc thay đổi một chút tuỳ người hướng dẫn. Nếu trong nhà có người trẻ tuổi, cũng có thể để cho họ học cách dẫn dắt một buổi tập buông thư cho cả nhà. Ngoài ra ta có thể thu thanh để nghe lại trong trường hợp thực tập một mình.

Nằm ngửa, hai tay đặt xuôi hai bên cơ thể. Có thể nằm trên sàn, trên thảm, hoặc trên giường. Nằm thật thoải mái tự nhiên. Nhắm mắt lại. Thả lỏng cơ thể. Ta ý thức được nền nhà bên dưới và ý thức được sự tiếp xúc của cơ thể với mặt phẳng ta đang nằm. Để cơ thể mình chìm dần vào mặt đất.

Chú tâm ý thức luồng không khí mỗi khi dưỡng khí đi vào và đi ra khỏi lá phổi. An trú trong từng nhịp hít vào và thở ra.

Hướng sự chú tâm tới phần bụng, khoảng một tấc rưỡi dưới rốn. Từ từ hít vào, bụng căng lên. Từ từ thở ra, bụng lại xẹp xuống. Nếu vẫn bị phân tán tâm tưởng, hãy đặt tay lên bụng và cảm nhận phần bụng phồng lên rồi lại xẹp xuống. Ý thức được bụng mình phập phồng mỗi khi ta hít vào và thở ra.

Hít vào, đưa ý thức đến đôi mắt. Thở ra, ta để đôi mắt được thư giãn. Để cho đôi mắt chìm dần vào trong đầu. Thả lỏng toàn bộ các cơ quanh mắt và gửi tình thương tới đó. Đôi mắt đã cho ta thấy được cả một thiên đường hình thái và sắc màu. Giờ là lúc ta để đôi mắt được nghỉ ngơi. Ta gửi yêu thương và lòng biết ơn tới cho đôi mắt.

Hít vào, ta đưa ý thức xuống miệng. Thở ra, để cho miệng được thư giãn. Thả lỏng toàn bộ những bộ phận vẫn đang căng thẳng quanh miệng. Nhẹ nhàng nở một nụ cười. Mỉm cười để cho hàng trăm thớ cơ trên gương mặt được thư giãn. Cảm nhận những căng thẳng được giải phóng khỏi vùng trán, quanh mắt, trên gò má, quai hàm, và cổ họng.

Hít vào, ta gửi ý thức tới bộ não. Buông bỏ mọi tạp niệm, mọi suy ngẫm.

Hít vào, ta đưa ý thức tới cổ, ta buông thư cho từng thớ cơ nhỏ nhất nơi cổ. Để cho cơ bắp vùng cổ được thả lỏng bằng tình thương và sự chăm sóc.

Hít vào, ta đưa ý thức đến hai vai. Thở ra, ta buông lỏng hai vai. Ta để cho hai vai chìm dần xuống mặt sàn. Để mọi áp lực tích tụ trên đôi vai ta cùng chìm sâu xuống sàn. Đôi vai này đang phải gánh vác quá nhiều thứ. Giờ là lúc ta để chúng được nghỉ ngơi và giải thoát khỏi mọi gánh nặng.

Hít vào, đưa ý thức đến hai cánh tay. Thở ra, ta buông thư cả hai tay. Thả lỏng phần cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay, cổ tay, bàn và các ngón tay, cho đến từng thớ cơ nhỏ nhất trên đó. Nếu cần, có thể khẽ nhúc nhích ngón tay để giúp các cơ được thư giãn.

Hít vào, ta đưa ý thức tới trái tim. Thở ra, ta để trái tim được thư giãn. Tiếp tục duy trì nhịp thở đều đặn. Lâu nay ta đã thờ ơ với trái tim và làm tim ta trĩu nặng với bao căng thẳng bộn bề. Trong khi trái tim đã vì ta mà đập suốt ngày đêm. Hãy ôm lấy trái tim và làm hoà với nó bằng sự biết ơn và dịu dàng. “Ta sẽ chăm sóc tốt cho mi, trái tim của ta. Với ta, không gì quý trọng bằng trái tim tuyệt diệu của ta được tường an”. Nở một nụ cười tri ân với trái tim mình.

Giờ hãy dùng sự săn sóc và nâng niu để âu yếm lá gan. “Ta sẽ chăm sóc thật tốt cho mi, lá gan yêu dấu”. Gan phải làm việc không ngừng nghỉ để giúp ta thải độc máu, nhưng hiếm có khi nào ta quan tâm đến nó. “Điều khiến ta quan tâm nhất chính là sự an lành của mi, hỡi lá gan tuyệt diệu”. Ta nở một nụ cười biết ơn tới lá gan của mình. Chúng ta biết rõ bản thân có thể lưu tâm hơn về những gì ta ăn và những thứ ta uống, bớt đi những thức ăn dầu mỡ và uống thêm nhiều nước lọc để đào thải mọi độc tố. Mỉm cười với lá gan cùng tình thương. “Cảm ơn mi, đã có mặt vì sức khỏe của ta.”

Giờ hãy gửi tình thương tới hai lá phổi. Hít một hơi thật sâu và để dưỡng khí lấp đầy buồng phổi. Tuyệt diệu làm sao khi ta được hít thở và phổi ta căng tràn không khí. Ta từng chứng kiến người ta chết đi trong lúc vật lộn đau đớn vì không thở được. Trong khi ta vẫn hô hấp một cách nhẹ nhàng và không khí vẫn đang lấp đầy hai lá phổi. “Cảm ơn, lá phổi của ta”.

Ta gửi yêu thương tới thận của ta. Ta buông thư cho thận bằng sự săn sóc dịu dàng.

Hít vào, đưa ý thức xuống đôi chân. Thở ra, ta để hai chân được thư giãn. Buông thư toàn bộ phần chân, từ đùi, đầu gối, bắp chân, xuống cổ chân, bàn chân, cho đến từng ngón chân và từng thớ cơ ở ngón chân. Có thể khẽ cử động ngón chân để giúp các ngón được thư giãn. Ta gửi tình thương và sự quan tâm tới từng ngón chân.

Hít vào, thở ra, ta thấy cơ thể mình nhẹ như phiến lá sen nổi bập bềnh trên mặt nước. Không có nơi nào phải tới, không có việc gì phải làm. Ta tự do tựa áng mây trôi.

Đưa ý thức về lại phần bụng đang phồng lên xẹp xuống theo nhịp thở.

Dõi theo hơi thở, dồn sự chú tâm về lại hai tay và hai chân. Khẽ cử động và duỗi thẳng tay chân. Hít vào, thở ra. Sau đó mở mắt.

Chậm rãi ngồi dậy khi cảm thấy đã sẵn sàng. Vẫn duy trì sự chú tâm vào mỗi hơi thở.

Khi đã sẵn sàng, từ từ đứng lên. Khoan hãy đi ngay, mà hãy đứng thở đều tại chỗ thêm một chút nữa và cảm nhận những thay đổi trong cảm giác cùng mức độ tỉnh thức của cơ thể ta.

(Tài liệu:Thiền buông thư của sư cô Chân Không)