Khóa tu Tiếp Hiện dành cho người nói tiếng Việt tại Viện Phật Học EIAB – Đức 26.06-30.06.2024
Tăng thân BX thương yêu!
Hai bạn hỏi mình về những cảm tưởng có được trong khóa tu dành cho Tiếp Hiện người Việt vừa qua trên EIAB? Biết bắt đầu từ đâu bây giờ? Thôi thì cứ nhớ đến đâu, mình kể đến đó bạn nhé!
Hai bạn biết không: được gặp lại những bạn đạo thân thương từ xưa nên mình được hưởng nhiều phút giây hạnh phúc đã đành, nay lại được làm quen thêm những người mới đến từ những tăng thân xa xôi như Berlin, Paris và tận Na Uy nữa cơ! Tuy tuổi tác chênh lệch và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng hầu như ai trong khóa tu kỳ này cũng mang một tâm trạng giống nhau: khoác chiếc áo Tiếp Hiện màu nâu sòng trên người, ta nên và có thể làm gì được để tiếp tục một trong những đứa con tinh thần lâu đời nhất của Thầy? Bọn mình thật may mắn được sư cô Định Nghiêm là người hướng dẫn khóa tu. Bạn biết không, sư cô “tâm lý” lắm nhé! Cô hỏi đại chúng có muốn cùng xem lại với nhau cuốn phim “A Cloud Never Dies” hay không? Tuy hầu hết mọi người đã xem qua, nhưng ai nấy vui vẻ đồng ý cùng nhau xem lại. Sư cô cũng nhắc nhở đại chúng lúc xem phim nhớ để ý, ghi nhớ đến những chi tiết xoay quanh bối cảnh dòng tu Tiếp Hiện được thành lập.
Bạn biết đó, ai trong tụi mình cũng thuộc lòng câu nói: “ Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để dang ra cho xã hội. Nhưng mấy ai hiểu được thật sự “nối dài” là nối dài cái gì? Qua cuốn phim và những chia sẻ của sư cô Định Nghiêm, mình hiểu được ra rằng: Tiếp Hiện đã ra đời trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam đang hồi khóc liệt nhất. Từ lâu, Thầy đã ấp ủ ước mơ đưa “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, (chứ không muốn Đạo Phật dậm chân ở lễ bái, cầu siêu, cúng vong!) Cuộc nội chiến phi lý giữa hai miền Nam-Bắc đã và đang trút bao đau thương, hận thù lên cho hàng triệu người dân hiền lành, chất phác; Nhà cửa tan hoang, ruộng đồng khô cháy, con mất cha, vợ mất chồng, gia đình ly tán, làng mạc tiêu điều … Vì vậy Thầy đứng ra sáng lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, đào tạo rồi gởi những thanh niên, thiếu nữ có tâm huyết muốn xoa dịu những đau thương mất mát của đồng bào. Họ về miền quê, cùng sống và chung tay giúp đồng bào dựng lại nơi ăn, chốn ở, bệnh xá và trường học cho các em. Thầy nhận ra rằng đạo Bụt có thể làm chỗ dựa tâm linh vững chãi và bền bỉ nhất cho các tác viên ngày đêm phải đối mặt với căm thù và bạo động. Hơn ai hết, các em ấy, những người trẻ dấn thân, làm công tác xã hội, rất cần được chăm sóc để nuôi lớn tình thương cho thế nhân và từ bi với kẻ thù.
Phương Bối Am tại núi rừng Đại Lão đã ra đời chính từ những kinh nghiệm cần có một nơi để được về nương náu, chữa lành những vết thương do cuộc đời bên ngoài gây ra khó tránh được, để giữ nóng hay khơi dậy lại ngọn lửa chí nguyện độ đời. Dòng tu Tiếp Hiện được thành lập cũng trong tinh thần đó.
Hai bạn biết không, chữ “Tiếp Hiện” Thầy đặt cho dòng tu mang ý nghĩa sâu sắc lắm; chưa có một chữ ngoại quốc nào khả dĩ chuyển tải được hết ý nghĩa bao trùm, phổ quát của hai chữ ấy. Hai bạn tìm đọc lại bài ghi âm của Thầy giảng về ý nghĩa của 2 chữ này nhé!
Đối với Thầy, đạo Bụt phải nhập thế, tức “đi vào cuộc đời”. Đạo Bụt có mặt VÌ CUỘC ĐỜI, chứ không phải vì một tu viện nào mà ta nên ra sức gầy dựng. Tu viện chỉ giúp ta chuẩn bị đi vào cuộc đời thôi! Vì sứ mạng đó, giới xuất sĩ rất cần giới cư sĩ dấn thân, cần các giáo thọ giỏi để cùng nhau thực hiện chí nguyện độ đời.
Vậy bây giờ chúng ta có thể hỏi nhau: chúng ta đang sống ở một nơi quá đỗi bình an, đâu có bom đạn nào tàn phá làng mạc, ruộng nương nữa đâu? Vậy Tiếp Hiện chúng ta làm gì???
Xin thưa là Tiếp Hiện cư sĩ chúng ta trước nhất phải tập sống sao cho thật hạnh phúc, (“Hiện pháp lạc trú”!), khoan nói đến tổ chức khóa tu, xây dựng tăng thân hay những dự án to tác nào khác! Bạn đã ăn cơm trong chánh niệm rốt ráo chưa? Bạn có hay dãi đãi bỏ những buổi thiền hành với đại chúng không? Sư cô Định Nghiêm nhắc đi nhắc lại: trong mấy mươi năm, Thầy chưa bao giờ bỏ một buổi thiền hành nào, bất kể trời mưa gió hay tuyết giá. Thiền hành “kết hợp hơi thở với bước chân” là pháp môn Thầy tự tìm ra, ứng dụng trên chính bản thân để tự chữa lành cho chính mình trong giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời. (Nói thật với hai bạn, mình ngồi dưới nghe, nghĩ lại mà mắc cở ghê lắm vì mình từng bỏ nhiều buổi thiền hành do làm biếng và chưa nắm được hết tinh tuý của pháp môn này! Sau buổi pháp thoại chia sẻ đó, mình đã quyết tâm từ nay không bao giờ bỏ một buổi thiền hành nào nữa !)
Sư cô cũng nhắc lại: chính Thầy cũng nhắn nhủ rằng 14 giới TH cũng cần tân tu vì trong đó nói rất nhiều về khổ đau của thế gian, nhưng còn những khổ đau chính trong ta thì sao? Trong 45 năm hoằng hoá, Bụt cũng tu chỉnh, sửa đổi giới luật, phát triển pháp môn mới, vậy thì Làng Mai chúng ta cũng phải làm được, có vậy chúng ta mới đầy được bánh xe Pháp đi tới.Ngày thứ ba, bọn mình được nghe những chia sẻ từ sư cô Định Nghiêm về Thầy. Câu chuyện nào cũng lý thú và cảm động lắm vì đó là những mẩu chuyện về thường ngày, chân tình và sâu sắc. Thí dụ: đối với cô, cái “dễ thương” nhất của Thầy là lòng biết ơn đệ tử. Thầy luôn cho ta biết rằng Làng Mai không phải là công trình của một mình Thầy, mà là của tất cả 4 chúng kết hợp với nhau cùng làm việc, hài hòa, thương yêu, muốn nâng đỡ nhau chứ không phải để tranh chức này hay tiếng tăm nọ. Đúng rồi, mình nhớ có Sư cô nào đó có lần kể: Thầy năm nào cũng cho tổ chức Hội Hoa Thủy Tiên mà trong mắt Cô lúc đó lễ hội ấy đâu có gì đặc biệt, lại hơi mất thì giờ! Mãi sau Cô mới hiểu Thầy lại thấy làm được điều ấy là thiêng liêng và quan trọng nhất; Thầy trò chỉ cần có thì giờ để ngồi bên nhau, cùng ngắm hoa thủy tiên nở rộ, là vui rồi. Hình như “có mặt cho nhau” là điều làm Thầy hạnh phúc nhất.
Mình hơi ngạc nhiên khi nghe sư cô tâm sự rằng tuy viết rất nhiều sách và luôn chính tay nhuận bút tới 6-7 lần (Sách “Trái Tim Của Bụt” và “Đường Xưa Mây Trắng” là một trong những cuốn tâm đắc nhất của Thầy), nhưng Thầy vẫn luôn nói “việc viết sách không phải là việc quan trọng nhất cho Thầy mà là Thầy được sống với đệ tử của mình”! Bây giờ mình hiểu rõ hơn tại sao Thầy đã mượn một câu nói nổi tiếng khác sửa thành “Không có gì quý hơn tình huynh đệ”.
Mình còn được biết “Kinh Bát Đại Nhân Giác” là một trong những kinh đầu tiên Thầy giảng dậy tại Làng và nên là kinh gối đầu giường cho mọi người tu sĩ. Kinh này đã giúp Thầy qua được những giai đoạn khó khăn năm 1979, khi làn sóng vượt biên tị nạn với nhiều đau thương, mất mát đang dâng cao. Bạn thấy đó, Thầy thấy chiến tranh chấm dứt rồi, nhưng khổ đau vẫn còn quá nhiều! Làng Mai cần mở những khóa tu cũng như gầy dựng những tu viện lớn tại khắp nơi trên thế giới cũng là do động lực muốn xoa dịu khổ đau cho muôn người.
Có một chi tiết này rất lý thú: trong khóa An Cư Kiết Đông đầu tiên 88/89, Thầy dạy về “Duy Thức Học”, An Cư Kiết Đông 92/93 lại dạy “52 bài tụng Duy Biểu”, vì Thầy luôn có những khám phá mới mẻ và nhận ra Duy Biểu Học rất cần thiết cho tâm lý trị liệu, một bộ môn quan trọng trong thế kỷ 21!
Đó là nội dung những buổi pháp thoại chính thức. Nhưng đúng là: không phải những buổi pháp thoại mới làm nên linh hồn của khóa tu đặc biệt này. Mà là sự dịu dàng, khéo léo của sư cô Định Nghiêm; sự có mặt từ ái, hiền hòa của vị Ni trưởng, sư cô Chân Không (đứng dậy từ xe lăn, bước từng bước khó khăn lên bục, hát và chia sẻ hoàn cảnh sáng tác những bài Thiền ca …); không khí phấn kích, sốt sắng, nhưng rất kỷ luật của đại chúng, rộng mở lòng chia sẻ, trao đổi những ưu tư hay mong ước cho tương lai của Tiếp Hiện trong buổi pháp đàm; những câu trả lời chân tình và sâu sắc từ các thầy, các sư cô trong buổi vấn đáp; các câu chuyện nho nhỏ được kể trong buổi Thiền trà đúng kiểu “à la mode de Village des Pruniers“ … tất cả đã cho mình những giây phút thật an bình, hạnh phúc, cũng như đôi lúc sụt sùi khóc vì cảm động! Viết lại hết xuống đây, mình e rằng dài quá. Thôi để kết thúc, mình xin nhắc lại điều gây ấn tượng nhất cho mình là lời nhắn nhủ của các thầy, các sư cô: Trên đường tu, ta phải biết kiên nhẫn, và nhớ là đừng có đợi chuyển hóa hết khổ đau mình mới có được hạnh phúc, vì hạnh phúc và khổ đau là hai mặt của một việc. Khi muốn giữ nét đẹp văn hóa trong ta thì với sự thực tập kiên trì và tinh tấn, ta sẽ có đời sống văn hóa đó và ta cũng sẽ lan tỏa được cái đẹp trong ta nhờ sự thực tập của chính bản thân. Bạn và mình đã có đường đi rồi, ta còn sợ và ngại ngùng gì nữa, phải không bạn?
Thương mến, Chân Đức Từ Ân.
*”Tăng Thân Bánh Xèo” là tên không chính thức của nhóm 3 chị em chúng tôi, được thành lập sau khi 3 chúng tôi hợp sức đổ bánh xèo cho đại chúng của học viện EIAB trong một khoá tu nhỏ trong mùa dịch Covid 19. Ba năm sau, 3 chị em đều đồng lòng xin thọ giới TH và tiếp tục sinh hoạt với tăng thân gần nhà.