Tăng thân: Cộng đồng thân yêu

Chúng ta cần có một Tăng thân để tu tập. Chính Bụt cũng phải cần có một Tăng thân. Ở Làng Mai chúng ta nói: Không có Tăng thân thì Bụt cũng sẽ không làm được gì nhiều. Bụt có một chí nguyện lớn là giúp người bớt khổ. Ngài biết nếu không có một Tăng thân thì mình sẽ không thể thực hiện được chí nguyện đó. Vì vậy ngay khi thành đạo dưói gốc cây bồ đề Ngài đã biết là mình cần có một Tăng thân để có thể giúp đời. Vì vậy công việc đầu tiên mà Bụt làm sau khi thành đạo là đi tìm những thành viên để xây dựng một Tăng thân, mà những người đầu tiên là năm anh em đã cùng thực tập với Bụt khi xưa. Năm người này là thành viên đầu tiên của Tăng thân của Bụt. Bụt đi đến vườn Lộc Uyển và cho bài pháp thoại đầu tiên. Không phải chỉ có Bụt mà người nào muốn thực hiện chí nguyện của mình cũng cần phải dựa vào một Tăng thân.

Nếu có chí nguyện giúp đời thì ta cũng cần có một Tăng thân. Là một hành giả ta phải xây dựng một Tăng thân tại địa phương của mình. Ta có thể quay về nương tựa Tăng thân để duy trì sự tu tập. Tăng thân là nơi mà nhiều người có thể đến để nương tựa. Tiếp xúc với Tăng thân thì ta có thể tiếp xúc với Pháp và với Bụt. Xây dựng Tăng thân là một việc làm rất quan trọng.

Khi tôi gặp ông Martin Luther King lần đầu tiên tại Chicago vào năm 1966 thì ông đã nói tới việc xây dựng Tăng thân. Tôi gặp ông vào ngày 01 tháng 06 năm 1966. Vào đúng một năm trước đó, tôi có viết cho ông một lá thư từ Việt Nam. Trong thư tôi giải thích cho ông tại sao các thầy Phật giáo ở Việt nam lại tự thiêu:“Đây không phải là một hành vi bạo lực mà là một hành động từ bi để nói lên cho thế giới biết là chúng tôi không muốn có chiến tranh này. Chúng tôi xin các bạn giúp chúng tôi chấm dứt sự giết chóc trên đất nước của chúng tôi. Chúng tôi bị kẹt giữa quyền lực của hai khối, khối cộng sản và khối chống cộng sản, và có hàng ngàn người chết mỗi ngày. Chúng tôi không thể lên tiếng, chúng tôi không có phương tiện truyền thanh, truyền hình và báo chí, chúng tôi chỉ có chết. Vì vậy cách thức duy nhất mà chúng tôi có thể làm là tự thiêu để cho thế giới chú ý đến chúng tôi, để cho thế giới biết là chúng tôi không muốn cuộc chiến này.“ Trong thư, tôi giải thích cho ông Luther King rằng hành động tự thiêu không phải là một hành động tuyệt vọng và bạo lực mà là một hành động căn cứ trên lòng từ bi. Khổ đau của ông thầy Phật giáo tự thiêu cũng giống như khổ đau của chúa Jésus trên cây thánh giá: mình chết vì lợi ích cho người khác, mình chết không phải vì tuyệt vọng mà chết vì hy vọng.

Đúng một năm sau, tôi gặp ông Martin Luther King, chúng tôi có cùng một tầm nhìn và chúng tôi bàn với nhau về vấn đề xây dựng Tăng thân. Tôi sử dụng danh từ “Tăng thân“ còn ông thì dùng danh từ “cộng đồng thân yêu“ (beloved community).

Chúng tôi gặp nhau lần thứ hai trong một cuộc hội nghị về hòa bình có tên là “Hòa bình trên thế giới“ (Peace on earth) tại Genève. Chúng tôi tiếp tục bàn với nhau về vấn đề xây dựng Tăng thân. Điều không may là ông Martin Luther King đã bị ám sát chết ba tháng sau đó. Lúc đó tôi đang ở New York, tôi đã ngả bệnh khi nghe tin ông bị ám sát và tôi đã lập lời thề sẽ tiếp tục xây dựng Tăng thân. Tôi làm công việc này cho tôi và cho ông tại vì chúng tôi biết rằng không có Tăng thân thì chúng tôi không thể hoàn thành được chí nguyện của mình.

Bồ đề tâm

Bồ đề tâm, bodhicitta (the mind of love) là một nguồn năng lượng rất lớn. Mỗi người tu tập đều phải được nuôi dưỡng bằng loại thực phẩm gọi là tư niệm thực (volition) đó. Tư niệm thực của chúng ta là chí nguyện chuyển hóa bản thân và giúp đời. Để có thể chuyển hóa bản thân và giúp đời thì chúng ta phải cần có một Tăng thân. Không có Tăng thân thì ta không thể duy trì sự tu tập của mình được lâu dài. Ta có thể có được một chút chuyển hóa trong khóa tu, nhưng sau đó ta lại bị thế giới bên ngoài kéo ta đi và ta không duy trì được sự tu tập. Vì vậy cho nên sau một khóa tu ta được khuyến khích nên làm như Bụt đã từng làm: tìm những thành viên để lập một Tăng thân tại địa phương.

Xây dựng Tăng thân

Có được một Tăng thân gồm những người cùng tu tập chung với nhau thì ta sẽ nuôi dưỡng và duy trì được sự thực tập của mình. Tăng thân có khả năng chế tác được năng lượng chánh niệm và tự bi tập thể có công năng nuôi dưỡng rất nhiều người. Do đó có một Tăng thân, chúng ta có thể giúp được rất nhiều người giống như Bụt đã làm. Bụt đã cống hiến cả đời mình trong công việc xây dựng một tăng đoàn và Bụt là một dựng tăng xuất sắc. Nhiều lúc trong tăng đoàn có sự chia rẽ, có những vấn đề lớn xảy ra. Nhưng Bụt là một người rất kiên nhẫn, Ngài đã có gắng chữa trị, thống nhất lại và nuôi dưỡng tăng đoàn bằng mọi phương tiện. Chúng ta có thể học được từ Bụt.

Bụt đã gặp vua Prasenadi (Ba Tư Nặc) lần cuối cùng khi đến hành đạo ở Kosala. Trong lần gặp gỡ cuới cùng đó, vua nói với Bụt rằng:

–  Bạch Đức Thế Tôn, mỗi lần con nhìn thấy tăng đoàn của Ngài thì con thấy Ngài và con có niềm tin hơn ở Ngài.

Tăng đoàn là một kiệt tác của Bụt. Bụt đã để tất cả thì giờ và năng lượng của mình vào công việc xây dựng tăng đoàn, tại vì tăng đoàn là sự tiếp nối của Bụt. Vua Ba Tư Nặc cùng một tuổi với Bụt.

Tất cả chúng ta đều có một Chúng sinh thân và tất cả những người tu tập đều có một Pháp thân. Vì vậy mỗi người trong chúng ta cũng nên có một Tăng thân. Nếu ta muốn sự thực tập của mình được lâu dài, nếu ta muốn giúp được càng nhiều người càng tốt thì ta cần có một Tăng thân. Ta không thể chỉ có nương tựa vào Tăng thân mà ta còn phải thành lập, xây dựng và nuôi dưỡng Tăng thân giống như Bụt, thầy của chúng ta đã làm. Tăng thân là một đoàn thể mà trong đó có sự hòa hợp và có tình huynh đệ.

Những yếu tố cần thiết để xây dựng Tăng thân là phương pháp lắng nghe và ái ngữ. Nếu mọi người trong Tăng thân biết cách nghe với tâm từ bi và nói năng bằng lời ái ngữ thì họ có thể tái lập sự truyền thông và hoà giải được. Tăng thân sẽ trở thành một công cụ tuyệt vời để giúp được cho đời.

Chân Tăng

Tăng thân là một viên ngọc. Không những Bụt và Pháp là một viên ngọc, mà Tăng cũng là một viên ngọc. Nếu có được một Chân Tăng 真 僧 (true Sangha) tức là một Tăng thân có sự hòa hợp và tình huynh đệ thì ta có trong tay một phương tiện để có thể thực hiện được giấc mơ của mình. Chân Tăng là một Tăng thân có sự hòa hợp, có tình huynh đệ, và trong đó mọi người đều có thực tập niệm, định và tuệ.

Trong Tăng thân ta thấy được Bụt và Pháp. Một Chân Tăng chuyên chở được Chân Pháp và Chân Phật. Cách hay nhất để thấy được Bụt là nhìn vào Tăng thân. Nếu có con mắt vô tướng ta sẽ thấy được Bụt và Pháp trong Tăng mà không cần phải sang tận Ấn Độ. Xây dựng được một Chân Tăng thì ta làm cho Bụt và Pháp có mặt đó cho thế giới, vì vậy Chân Tăng là một viên ngọc quí. Điều này có thể thực hiện được, ta có thể xây dựng một Tăng thân tại địa phương của mình.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Dịch từ bài pháp thoại thiền sư Nhất Hạnh giảng ngày 05.06.2014 trong khóa tu 21 ngày dành cho người Tiếp Hiện)