Gieo trồng đất tâm – Bốn khía cạnh của Chánh tinh tấn

Gieo trồng đất tâm

Chúng ta đã biết khổ đau là một tập khí. Ta có tập khí khổ đau, ta đã làm cho nó trở thành ra một thói quen. Khi tiếp xúc, nhận thức được một cái gì làm cho ta tức giận thì ta tìm cách trừng phạt và ta đau khổ. Ta có thói quen đi theo những con đường mòn thần kinh dẫn tới khổ đau. Đó là tập khí, và ta phản ứng như một cái máy. Khổ đau trở thành một tập khí.

Hạnh phúc cũng vậy! Nếu ta biết cách chế tác niệm, định và tuệ thì ta sẽ không đi theo con đường mòn cũ. Ta có con đường mòn mới, lúc đầu ta có hơi ngần ngại nhưng nếu tiếp tục đi theo con đường mới dẫn tới sự tha thứ, sự hiểu biết và thương yêu thì ta sẽ có một thói quen mới, thói quen hạnh phúc. Đó là sự học hỏi tích cực.

Đối với Đất Mẹ thì tất cả sự vật đều mầu nhiệm. Nhưng đối với con người thì có cái có lợi ích và có cái không có lợi ích cho họ. Khi chúng tôi mới tới Làng mai thì dân ở đây còn trông rất nhiều cây thuốc lá và nho để làm rượu. Chúng ta biết là người ta có thói quen hút thuốc và uống rượu rất nhiều. 32 năm đã trôi qua, chúng ta thấy có sự chuyển hóa. Người ta không còn trồng thuốc lá nữa tại vì có sự thức tỉnh: hút thuốc có hại cho sức khỏe. Đây là một chuyển hóa tốt. Nhà nước đã đánh thuế rất nặng trên thuốc lá. Người ta đã tìm nhiều cách để chúng ta đừng hút thuốc và đừng trồng cây thuốc lá nữa. Cấm hút thuốc trên máy bay là một sự tiến bộ rất lớn. Nhưng trong vấn đề uống rượu thì chưa có tiến bộ mấy, người ta vẫn tiếp tục làm rượu và trồng nho. Tôi nghĩ là người ta rất khó bỏ thói quen uống rượu. Say rượu là nguyên nhân gây ra rất nhiều tai nạn giao thông chết người.

Chúng ta gieo trồng những thứ ta cần, những thứ làm cho ta hạnh phúc. Đất Mẹ hợp tác với ta, đó là cái thấy của ta. Ta cần trồng nhiều lúa mì, lúa gạo hơn tại vì dân số rất đông và trái đất sẵn sàng giúp cho ta trồng thêm ngũ cốc. Ta gieo hạt, tưới nước và trái đất hợp tác với ta. Có người vì muốn kiếm thật nhiều tiền nên họ trồng cần sa, thuốc phiện. Đối với pháp giới thân thì tất cả sư vật đều mầu nhiệm, chúng ta là người phải lựa chọn cái mà mình nên gieo trồng tại vì nó có liên quan đến cái thấy về hạnh phúc của mình.

Chánh tinh tấn là sự tu tập. Chữ tu tập, tiếng Phạn là bhāvanā, có nghĩa là cái gì ta không có thì ta làm thành có. Ta có thể dịch chữ bhāvanā là trồng trọt (to cultivate, to grow). Nếu chưa có gạo thì ta gieo hạt lúa, ta tưới và ta có gạo. Bhāva có nghĩa là làm cho trở thành sự thật. Tu tập có nghĩa là làm cho cái mà ta mong muốn như là hòa bình, tự do, giác ngộ, v.v… trở thành ra sự thật. Tu tập là gieo trồng, một sự gieo trồng tinh thần.

Chúng ta phải biết lựa chọn hạt giống, gieo trồng và tưới tấm nó mỗi ngày, nói theo thuật ngữ của thức là huân tập (rehearsing). Vì vậy niệm, định và tuệ được gọi là “Tam học” (Three learnings). Học ở đây là tu tập mà không phải là sự thu thập kiến thức. Đó là ý nghĩa của chữ bhāvanā tức là làm vườn, là gieo trồng, gieo trồng thứ mà ta cần. Tâm thức là đất. Trong kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya) Bụt có nói: Này các bạn tu, có một cái mà nếu ta trồng cho tốt thì nó sẽ cho ta rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đó là cái gì? Đó là tâm (the mind). Nếu ta biết cách trồng tâm thì nó sẽ cho ta rất nhiều tự do, hạnh phúc, niềm vui và từ bi. Này các bạn tu, có một cái mà nếu ta bỏ phế thì nó sẽ đem lại cho ta rất nhiều đau khổ. Đó là cái gì? Đó là tâm.

Tâm là đất, là tàng thức và người làm vườn là ý thức (mind consciousness). Ý thức phải suy nghĩ và quyết định nên trồng cái gì và không nên trồng cái gì.

Bốn khía cạnh của Chánh tinh tấn

  1. Nhận diện, tưới tẩm những hạt giống tốt trong tàng thức và làm cho chúng lớn mạnh lên. Trong tàng có hạt giống của niệm, của định, của tuệ, của từ bi, v.v… Người làm vườn phải biết nhận diện sự có mặt của những hạt giống tốt đó, và tìm cách làm cho nó biểu hiện lên trên mặt của ý thức. Môi trường cũng giúp rập rất nhiều. Ví dụ như ta có thể ở nhà và tìm cách tưới tẩm những hạt giống thiện trong mình. Nhưng khi tới tham dự một khóa tu thì có nhiều bạn tu cùng làm giống như ta và năng lượng tập thể đó giúp cho ta tưới tẩm hạt giống tốt mỗi ngày. Nhờ vậy sự chuyển hóa và trị liệu sẽ xảy ra dễ dàng hơn. Sự chuyển hóa tùy thuộc rất nhiều vào năng lượng tập thể của chánh niệm và từ bi. Một mình ta cũng có thể chế tác được năng lượng đó nhưng không hùng hậu bằng năng lượng tập thể của một nhóm người. Khi biểu hiện lên trên ý thức thì nó sẽ làm cho phong cảnh ở dó đẹp hơn lên. Ý thức giống như phòng khách còn tàng thức là tầng hầm của căn nhà. Phòng khác sẽ đẹp hơn nếu có một vị khách thật dễ thương ngồi trong đó. Khía cạnh thứ nhất của chánh tinh tấn là mời những hạt giống thiện đi lên. Đó là sự học hỏi nhận diện, gieo trồng, tưới tẩm, là huân tập.
  2. Khi một hạt giống đã biểu hiện lên mặt của ý thức thì ta tìm cách giữ nó ở lại đó càng lâu càng tốt. Đó là một kỹ thuật, giữ cho hạt giống tốt biểu hiện càng lâu trên ý thức thì chúng càng trở nên vững mạnh mạnh hơn trong tàng thức. Đó là sự chuyển hóa tại gốc rễ (transformation at the base). Vì vậy đi có chánh niệm, ngồi có chánh niệm, ăn cơm có chánh niệm, lái xe có chánh niệm giúp cho hạt giống chánh niệm trong tàng thức lớn mạnh lên. Đó là học hỏi, là tu tập (vāsanā). Khía cạnh thứ hai của chánh tính tấn là nếu hạt giống đã biểu hiện thì hãy tìm cách giữ nó ở đó càng lâu càng tốt để những hạt giống của từ bi, của niềm vui thêm lớn mạnh tại gốc rễ.
  3. Không tưới tẩm hững hạt giống xấu như hạt giống của sự tham dục, sự giận hờn, sự kỳ thị, v.v…Phương pháp thực tập là sử dụng như lý tác ý. Ta chọn một môi trường đưa mình tới như lý tác ý. Ở trong một môi trường xấu thì những cái ta thấy, ta xúc chạm có thể đánh động đến những hạt giống xấu trong ta và làm cho nó biểu hiện lên. Cho dù ta là một người có tu tập thì ta cũng phải lựa chọn một môi trường nào có thể yểm trợ cho ta trong sự tu tập. Cũng như tại trung tâm tu học, tuy biết tất cả các loài thực vật đều mầu nhiệm nhưng ta cũng không trồng cây sồi độc vì cây sồi độc có thể làm cho ta khổ sở. Ta đừng cho những hạt giống tiêu cực có cơ hội biểu hiện lên trên mặt của ý thức, mà phương pháp hay nhất là tu tập chánh niệm. Chánh niệm giúp ta đặt sự chú tâm ở những phương diện tích cực. Khi thực tập Năm Giới, ta biết là những sản phẩm tiêu thụ như báo chí, sách vỡ, truyền hình, phim ảnh có thể tưới tẩm hạt giống của sự thèm khát, sự giận hờn, sự tuyệt vọng trong ta. Hành trì năm Giới ngăn không cho ta tiêu thụ những sản phẩm đó và không để cho những hạt giống xấu biểu hiện lên trên ý thức.
  4. Nếu những hạt giống xấu đã biểu hiện rồi thì ta phải tìm cách làm cho nó trở về chỗ cũ của nó. Ta không áp chế, không thúc đẩy nó. Ta chỉ nhận diện nó và mời nhũng hạt giống đối nghịch biểu hiện lên. Ta có hạt giống của sự giận dữ, nhưng ta cũng có hạt giống của từ bi và sự hiểu biết. Hạt giống của từ bi và sự hiểu biết biểu hiện lên thì những hạt giống xấu sẽ đi xuống trở lại. Ta không cần phải tranh đấu. Cũng giống như là thay đổi một đĩa nhạc, nếu không thích đĩa nhạc này thì ta không cần phải nghe nó nữa, ta bắm nút tắt và thay đĩa nhạc khác.

Đó là sự thực tập chánh tinh tấn. Trong khoa tâm lý học hiện đại, người ta học cách xử lý cơn giận. Giận là một loại năng lượng thiêu đốt ta. Nhiều nhà tâm lý trị liệu đưa ra phương pháp gọi là ”quạt cơn giận” (ventilate the anger) để làm tiêu đi cơn giận trong ta. Một cách để quạt cơn giận là ta vào phòng đóng cửa lại, lấy một cái gối và đấm vào nó càng mạnh càng tốt. Người ta nghĩ là đánh cái gối thì cơn giận sẽ biến đi. Đánh người làm cho mình giận thì sẽ có chuyện còn đánh cái gối thì mình được an toàn. Đánh cái gối làm tan đi cơn giận và giúp ta ý thức được là mình đang giận. Nhưng đây không phải là một phương pháp tốt, tại vì làm như vậy là ta huân cơn giận. Trong khi đánh cái gối thì ta tưới tẩm cơn giận cho nó lớn thêm lên. Và một ngày nào đó gặp được người kia ta cũng muốn quạt cơn giận và ta vào tù.

Phương pháp hay nhất là tìm cách làm cho hạt giống đối nghịch như hạt giống của hiểu và thương lớn lên. Có hiểu và thưong thì giận hờn và hận thù sẽ giảm xuống và sự chuyển hóa sẽ đến từ từ. Là một thành phần của tăng thân ta nên nhắc nhở nhau và giúp nhau tụ tập. Ta không cần phải tranh đấu hay lao tác cực nhọc mà chỉ cần tinh tấn trong sự tu tập. Nếu là chánh tinh tấn thì sẽ có chánh niệm, chánh định, chánh kiến, chánh mạng, v.v… Chánh tinh tấn là sức mạnh đứng sau lưng chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp giúp cho ta có được một sự tiếp nối đẹp đẽ và ta cũng giúp được cho những người khác.

Không phải ngồi thiền thật lâu, thở vào thở ra thật nhiều là ta có thể tiến bộ. Ta phải ngồi, phải thở, phải đi như thế nào để gieo trồng được hạt giống tốt và thực hiện được sự chuyển hóa tại gốc rễ. Đây là sự chuyển hóa tại nền tảng mà không phải là sự chuyển hóa của nền tảng tại vì tàng thức không cần phải được chuyển hóa. Hạnh phúc và đau khổ của chúng ta tùy thuộc vào những hạt giống nằm trong tàng thức.

Thiền sư Nhất Hạnh

Trích từ pháp thoại giảng ngày 19.06.2014 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai trong khóa tu 21 ngày