Sau khi trang nhà của chúng ta đăng bài „Giọt nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa“ của anh Jean Pierre Roussel Chân Linh Từ, anh đã gửi tặng chúng ta cuốn sách anh vừa viết xong với tựa đề: Une Balade avec Thầy (tạm dịch: Cùng Thầy làm cuộc dạo chơi). „Giọt nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa“ là một đoạn ngắn trong Une balade avec Thầy.
Trong sách, Jean Pierre kể lại những giai thoại trong đời sống thực tập với vị Thầy kính mến của mình cùng những bài thơ trình bày sự trải nghiệm trong quá trình thực tập. Là một người tiếp hiện cư sĩ anh từng trải qua giai đoạn thối chuyển với nhiều khó khăn, hụt hẫng, nhưng đó cũng là cơ hội để anh hạ thủ công phu và chứng thực được sự giác ngộ mà anh chia sẻ với chúng ta trong bài viết „Những năm vắng bóng“.
Tuy không dễ dàng gì khi nhắc lại khoảng thời gian đó, nhưng tôi xin công nhận một sự thật là, trong đời sống thiền tập với tư cách một thành viên của Dòng Tu Tiếp Hiện, tôi đã rời bỏ Làng trong vài ba năm. Tôi chỉ thỉnh thoảng đến Thiền Đường Hoa Quỳnh với gia đình tâm linh của tôi. Lần cuối tôi về Làng là vào năm 2000, tôi đưa vợ và đứa con trai 4 tuổi về ở tại Xóm Mới vừa mới được mua khi đó.
Tôi nghĩ, không nhất thiết phải trình bày tất cả những nguyên do khiến tôi bỏ Làng, ngoài một nguyên do chính xác là: một phần vì hoàn cảnh gia đình. Từ một người độc thân trước đây, tôi trở thành người “mới lập gia đình“. Một phần khác nữa là vì tôi không có đủ niềm tin vào sự thực tập chánh niệm và không biết làm thế nào để áp dụng sự thực tập vào đời sống mới.
Tuy nhiên, cũng không hẳn là không có sự thực tập trong khoảng thời gian vắng bóng đó. Vì phải sống một đời sống gia đình trong vai trò của một người chồng và một người cha, một đời sống khác hẳn trước kia, nên tôi phải đối mặt với rất nhiều thử thách. Nhất là những đau khổ trong quá khứ lại có dịp trồi lên. Tôi đã gặp những vị thầy dưới những hình thái mới, chẳng hạn như vợ tôi, con trai tôi hay những mâu thuẫn trong chính tôi. Mỗi ngày, tôi thấy rõ những thất bại của mình mà trước kia, trong những năm dài của đời sống độc thân, mà tôi đã hoàn toàn không nhận ra được.
Trong những năm đầu tiên, tôi đau khổ vì đã bỏ Làng và tôi cũng đau khổ vì nỗi khổ niềm đau của chính mình. Ban đêm, tôi thường nghe tiếng gọi của Thầy nhưng tôi không thể đáp lại, ít nhất là tôi đã nghĩ như vậy. Đôi khi tôi rất xúc động. Nhưng dần dần dưới sự chế ngự của lãng quên, tôi trở nên ít nhạy cảm hơn. Tập khí thường ngày đã chiếm thế thượng phong và sự thực tập trở nên ít dần đi. Cũng như tất cả mọi người, đời sống vợ chồng của chúng tôi có lúc lên lúc xuống, có những lúc khó khăn và cũng có những khoảng thời gian tràn đầy hạnh phúc. Nhưng từ từ, những thời kỳ khủng hoảng đến thường xuyên và dữ dội hơn cho tới khi đi đến sự đổ vỡ. Đến lúc đứng bên bờ vực thẳm đó, tôi mới có thể một lần chấm dứt tất cả nỗi khổ niềm đau, vì điều này thật dễ làm.
Đó là vào một buổi trưa, sau khi xong công việc, tôi lật ra xem lại vài cuốn sách của Thầy và tình cờ, một sự tình cờ như người ta thường nói, tôi đặt tay lên một bài thơ ngắn mà Thầy đã đọc cho tôi nghe trong vườn của Thiền Đường Hoa Quỳnh ở Noisy-le-Grand vào mùa Xuân năm 1987. Khi đọc lại bài thơ, nước mắt tôi trào ra và mặt đất bỗng như dần tan biến dưới chân tôi. Nhưng cùng lúc đó hình như có bàn tay của Thầy nắm lấy tay tôi giúp tôi bớt đi sự hụt hẫng.
Một lần nữa, Thầy đã đưa tay ra cứu lấy tôi qua bài thơ này, bài thơ tôi được tăng thân Làng Mai gửi tặng cùng những chiếc bánh chưng vào ngày lễ Giáng sinh năm 1986.
Tôi xin chia sẻ với các bạn bài thơ của Thầy:
Cửa tùng đôi cánh khép
Một mũi tên sáng loáng lìa dây cung
Lao vút tới mặt trời nổ tung
Đầy sân hoa cam rụng
Phảng phất bóng vô cùng.
Sau sự kiện trên, tôi quyết định thường xuyên về miền quê ẩn cư vào cuối tuần hoặc tôi ở lại đó vài ba ngày để được đi bộ một mình ngoài đồng ruộng, trên những con đường rừng, đi giữa những cánh đồng cỏ đã từng làm nhân chứng cho thời thơ ấu đầy thương tích của tôi. Tôi muốn trở lại nơi đây, nơi cội nguồn của mình để có thể đưọc nuôi dưỡng một chút. Do đó, tôi đã sáng tác bài thơ “Không có kẻ thù trong ta“.
Dù đã ngưng sự học hỏi và hành trì một thời gian rồi nhưng tôi vẫn nhớ được phương pháp đi thiền một cách thật tự nhiên, đi từng bước chân, thở từng hơi thở, cho đến cái ngày đặc biệt đó. Như một kết quả đến thật bất ngờ, giữa những cánh rừng, trên một con đường trũng, một em bé thoát ra từ bờ giậu trong một vầng hào quang rực rỡ, em tiến tới đưa tay cho tôi như muốn cùng bước đi với tôi.
Điều này chỉ xảy ra trong một một sát na của thời gian, có thể còn ngắn hơn nữa, nhưng tôi thấy rất rõ em bé cười tươi và biến mất ngay khi tay em vừa chạm vào tay tôi, để lại cho tôi cái cảm giác như được tắm trong sự trong sáng thật êm dịu. Tôi không ngừng bước đi, tôi vẫn cảm thấy sự có mặt của em bé trong tôi, thân tôi nhẹ nhàng và tràn ngập hạnh phúc, đầu tôi rỗng rang, hết sạch những ưu phiền, buồn khổ. Đây là một cảm giác không thể diễn tả được bằng ngôn từ. Tôi bước đi thêm vài mươi thước trong tình trạng như thế trước khi chia tay với em bé, rồi thân tâm tôi trở lại trạng thái thường ngày.
Tuy nhiên, một sự thay đổi đã xảy ra. Tôi bớt khổ, trở nên nhẹ nhàng và chăm chú hơn. Sự kiện này đã xảy ra tại nơi mà hồi ấu thơ, trong một căn nhà xa lạ, tôi đã trải qua một đời sống thôn quê đầy bạo lực.
Em bé bên trong
Như tia chớp,
Như ánh hào quang thoát ra từ bờ giậu,
Em bé rạng ngời nắm lấy tay tôi.
Gió ngừng, rừng cây lặng yên,
Và muông thú cũng im lìm.
Trong từng bước chân, nụ cười gặp gỡ,
Cùng thở không ngày mai,
Khoảnh khắc, thiên thu, thanh thản.
Những viên đá cuội bên đường,
Chiếu ngàn ánh sáng mong manh.
Tự do, không buồn vui
Không đau khổ cũng không hạnh phúc.
Không gian mát dịu, dưới trời thái không,
Từng bước đi, quá khứ lắng êm, hận thù tan biến,
Rừng cây làm nhân chứng cho tôi…
Parlan – Mùa Xuân 2008
Sau đó, một mình, tôi tiếp tục làm những cuộc hành trình dài, nuôi dưỡng mình bằng niềm vui đơn sơ của thiền đi, và nhờ đó chữa lành được thân tâm.
Một ngày nọ, vợ tôi rủ tôi về Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ mới vừa xây dựng xong vào mùa Thu năm 2008 để thực tập trở lại. Tôi không đồng ý, viện cớ mình đã vắng mặt quá lâu và cảm thấy không đủ tư cách để quay lại. Nhưng cuối cùng, một năm sau đó, tôi cũng bị thuyết phục nhân dịp một buổi đi thiền cho hòa bình được tổ chức tại Paris năm 2009.
Cho đến tháng 6 năm 2010, tôi mới gặp lại Thầy tại Đức. Tôi đến đó cùng với một cô bạn thân cũng từ lâu làm thân cùng tử như tôi. Chúng tôi muốn thọ lại 14 Giới Tiếp Hiện, vì những vị Tiếp Hiện không đọc tụng và giữ gìn giới thể trong vòng 3 tháng đều phải làm như thế.
Thầy đang đi với với các thầy và các sư cô từ nhà ăn của Viện Phật học ứng dụng châu Âu về phía tòa nhà lớn của bệnh viện cũ thì dừng lại. Thầy quay về phía hai chúng tôi, chắp tay búp sen và cúi chào thật sâu.
Tháng 7 cùng năm 2010, khi tôi đang sinh hoạt tại xóm Trung với cộng đồng người Việt nhân dịp tôi trở lại Làng Mai thì Thầy đến để tham dự một ngày làm biếng với chúng tôi. Trong buổi pháp thoại, chia sẻ và vấn đáp Thầy hỏi:
Có ai muốn chia sẻ điều gì hay đọc một bài thơ nào không?
Có nhiều bàn tay đưa lên. Ngồi tận sau cùng trong góc thiền đưòng, tôi cũng đưa tay lên, không ngại tay mình sẽ được nhận ra sau một rừng bàn tay. Nhưng thật xui cho tôi, tôi rất kinh ngạc khi nghe tiếng của Thầy cất lên, tôi không nhìn thấy Thầy vì Thầy đang ngồi trên một chiếc ghế bành. Thầy hỏi bằng tiếng Pháp:
Tay của ai đang giơ lên ở trong góc đó?
Tôi trả lời hơi rụt rè:
Dạ là con, Jean Pierre.
Thầy lặp lại lớn lên tên tôi: A! anh Jean Pierre…! Giọng nói của Thầy rõ ràng có sự trách móc. Thầy mời tôi đọc lên bài thơ tôi vừa làm xong vài phút trước khi gặp Thầy.
Ngồi dưới gốc cây
Lá cây mềm mại, nụ vừa chớm hé
Đã báo Thu sang,
Mặt trời mùa gặt nóng cháy dự đoán mây mùa Đông nặng trĩu,
Cành khô gầy qằn quại dưới tuyết đông.
Thân cây sậm màu thời gian
Ôm ấp nhựa sống trong lòng rễ.
Bốn mùa trôi qua, trái chín ngọt,
Đông trải đường cho Hạ, Xuân ước hẹn với Thu.
Ngồi dưới gốc cây,
Bao nhiêu lời ta nói
Mà không gửi theo làn gió reo vui?
Chân Linh Từ
Dịch từ“Les années d’absence“ trong sách“Une balade avec Thầy“ của Jean Pierrre Roussel