Xôn xao, trời dậy hoàng hôn mới
(Tâm nguyệt, thơ: Nhất Hạnh)
Mắt biếc, chim chuyền lá thủy tinh
Thức giấc lãng quên
Hồn rực sáng
Hồ tâm lặng chiếu nguyệt thanh bình.
Khi nghe một bài pháp thoại chúng ta cứ để cho mưa Pháp thấm vào đất tâm thức của mình. Mình đừng suy nghĩ nhiều, đừng bàn cãi, đừng so sánh tại vì sử dụng trí năng thì cũng giống như mình lấy chậu mà hứng nước mưa. Mình cứ cho đất tâm tiếp nhận nước mưa để những hạt giống nằm sâu trong đó có cơ hội được tưới tẩm.
Theo đạo Bụt, tâm thức của chúng ta gồm có hai phần: tàng thức (alayavijnana) và ý thức (manovijnana). Tàng thức chứa đựng những hạt giống mà mình đã gieo trồng, đã kinh nghiệm hay đã tiếp nhận. Khi một hạt giống được tưới tẩm thì nó sẽ biểu hiện lên bề mặt của ý thức.
Thực tập thiền có nghĩa là chăm sóc khu vườn của tàng thức. Là người làm vườn, mình có niềm tin nơi đất và mình phải biết rằng tất cả hạt giống của tình thương, của sự hiểu biết, của hạnh phúc và sự giác ngộ đều đã có sẵn ở đó. Vì vậy trong một buổi pháp thoại mình không cần phải ghi chép hay suy nghĩ nhiều. Mình chỉ cần ngồi đó và để cho những hạt giống của sư hiểu biết và thương yêu trong mình được tưới tẩm. Không phải chỉ có người thầy cho pháp thoại mà trúc tím, hoa vàng và mặt trời đang lặng rực rỡ ngoài kia cũng đang cùng nói pháp thoại. Tất cả những gì có thể tưới tẩm hạt giống trong chúng ta đều là Pháp thật sự.
Khi bà mẹ mang thai đứa con thì có một cái gì thay đổi trong thân và tâm của bà. Sự hiện diện của đứa bé trong người đã thay đổi cuộc đời của bà. Một nguồn năng lượng mới phát sinh ra giúp bà có thể làm được những điều mà trước đây bà không làm được. Bà mẹ cười nhiều hơn, có niềm tin nơi con người nhiều hơn và trở thành nguồn vui và nguồn hạnh phúc cho những người khác. Kể cả khi người mẹ không được khỏe thì trong bà cũng có sự bình an thật sự và những người chung quanh đều cảm thấy được điều đó.
Là người thực tập, chúng ta có thể học được bài học này. Trong tàng thức của mình có một vị Bụt bé xíu và mình phải cho vị Bụt nhỏ đó cơ hội được sinh ra. Khi mình tiếp xúc với vị Bụt em bé, tức hạt giống của hiểu và thương của tự thân, thì trong mình tràn ngập bồ đề tâm, tâm hiểu biết, tâm thương yêu. Bắt đầu từ giây phút đó tất cả những gì mình làm, mình nói đều để nuôi dưỡng vị Bụt em bé và trong mình tràn nhập niềm vui, niềm tin và năng lượng. Theo đạo Bụt đại thừa, khi phát khởi tâm bồ đề, tiếp xúc với tâm hiểu biết và thương yêu là mình bắt đầu thực tập. Tâm thương yêu của chúng ta có thể bị chôn sâu trong tàng thức dưới nhiều lớp của lãng quên và đau khổ. Nhiệm vụ của người nói pháp thoại là giúp chúng ta tưới tẩm và làm cho nó biểu hiện. Trong Thiền tông người thầy thường trao cho đệ tử một công án, nếu thầy và đệ tử có đủ may mắn và khéo léo thì sự giác ngộ nơi người đệ tử sẽ được đánh động. Người đệ tử chôn công án đó vào trong tàng thức và thực tập để nuôi dưỡng nó, người đệ tử đặt tất cả sự chú tâm của mình vào công án, luôn cả trong khi quét nhà, rửa bát hay nghe chuông. Người đệ tử giao phó công án đó cho tàng thức như một bà mẹ mang thai giao đứa con cho thân mình nuôi dưỡng.
Chúng ta cần thời gian để hiểu được giáo pháp một cách thâm sâu. Tôi hơi bi quan nếu quí vị nói với tôi là quí vị đã hiểu. Quí vị nghĩ là quí vị hiểu nhưng thật ra quí vị chưa hiểu được. Còn nếu quí vị nói quí vị không hiểu thì tôi sẽ cảm thấy lạc quan hơn. Hãy nghe pháp thoại với tất cả con người của mình. Hãy cho phép mình được thật sự có mặt và mưa Pháp sẽ tưới tẩm những hạt giống đang nằm sâu trong tàng thức của mình. Nếu hạt giống của sự hiểu biết được tưới tẩm thì ngày mai, trong khi mình đang rửa bát hay đang ngắm trời xanh, hạt giống đó có thể nẩy mầm và hoa trái của tình thương và sự hiểu biết sẽ mọc lên thật đẹp từ nơi tàng thức.
Thiền sư Nhất Hạnh