Archiv des Autors: Khanh Do

Một thoáng …

Cây hoa trà

Buổi sáng thức dậy tôi nghĩ ngay tới những người thương. Những người thương có hạnh phúc không? Tôi thì hạnh phúc lắm! Vì vậy tôi muốn chia sẻ hạnh phúc của tôi với những người thương. Hạnh phúc đó, theo tôi thì tuy rất đơn sơ nhưng cũng làm cho mình vui được cả ngày.

Hôm nay hoa trà màu hồng cánh sen trước nhà đã nở những đóa thật tươi mát. Tôi không chịu nổi lôi máy ra chụp vài tấm hình gởi cho những người thương. Có những cái đã nở to trông rất là khoa trương, có những cái mới vừa he hé, có những cái còn búp nhưng đã tròn ủn ỉn và cũng có những cái còn là búp bé tí teo. Những cái búp đó đã nằm chờ đợi từ mùa Đông năm ngoái rồi đó. Nhưng chúng không nở một lần đâu, chúng nở từ từ cho chúng ta được hạnh phúc lâu chừng nào tốt chừng đó. Chúng dễ thương quá phải không những người thương? Tôi thấy biết ơn cây hoa trà quá chừng chừng!

Hương của ngày xưa

Sáng hôm nay đẹp quá phải không những người thương? Tôi vừa đến góc“trà thất“ định pha trà buổi sáng thì đã ngửi được một mùi hương thơm thật dịu dàng quen thuộc. Tự nhiên trong lòng tôi vui hẳn lên, tôi biết đó là hương của hoa bưởi, hoa cam. Đó là hương của tuổi thơ, hương của ngày xưa hay nói theo văn phong cải lương là“mùi của quê hương“ .

Tôi nhìn lên thì thấy chậu quất (tiếng người miền nam là cây tắc) gần tủ trà đã nở hai đóa hoa trắng nhỏ xíu. Hai cái hoa nhỏ xíu đó đã đủ làm thơm cả cái góc của“trà thất“ rồi.

Sáng nay tôi ngồi uống trà trong hương thơm của hoa quất. Tôi mời những người thương cùng ngồi uống trà với tôi và thưởng thức“ hương của ngày xưa“ đó nha.

Đi dạo

Buổi sáng trời nắng đẹp và ấm. Thấy ngồi trong nhà thì uổng quá tôi mặc áo, quàng khăn, đi dạo“Bunter Garten“. Tôi vừa đi vừa nhớ tới những người thương. Mình cũng thường đi với nhau trong công viên này đây. Tôi đã có chủ ý đem theo máy để chụp vài tấm ánh gởi tới những người thương.“Bunter garten“ chưa“bunt“ gì cả, phần lớn những cây to vẫn còn trơ trụi, nhưng dấu hiệu của mùa Xuân đã rõ ràng lắm rồi. 

Forsythia đã nở vàng rực, vài loại anh đào cũng đã nở rồi. À, có ai biết Forsythia tên tiếng Việt là gì không? Tôi tìm trong tự điển thì thấy đề là cây“liên kiều“, có thể dùng làm thuốc theo Đông y. Nhưng tôi lại gọi Forsythia là“phi mai“, tại vì Forsythia không phải là mai nhưng có thể thay thế cho mai trong những ngày Tết VN ở Tây phương.

Bi quan

Thường thường thì sáng nào thức dậy tôi cũng cảm thấy vui vẻ, lạc quan, cho dù tới tuổi này rồi thì thúc dậy là thấy đau nhức cả người. Vừa ngồi dậy, kéo cửa sổ lên là tôi đã thấy ánh bình mình xuất hiện ngay trước mặt rồi. 

Nhưng cũng có lúc tôi thấy không hứng thú gì cả. Tôi không muốn làm gì hết. Không phải tại vì tôi muốn làm biếng đâu mà đây là một cảm giác chán chường, có hơi bi quan một chút. Tôi không có bệnh cũng không có vấn đề gì mà mới sáng thức dậy đã thấy bi quan rồi! 

Tôi biết ai cũng đều đã từng một lần có tâm trạng giống như tôi. Thầy của tôi thường hay trích câu thơ của Xuân Diệu trong các bài giảng:“Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn?“, còn tôi thì“Tôi chán không biết vì sao tôi chán!“

Nhưng tôi không muốn mang cái tâm trạng chán nản đó trong suốt cả ngày, tôi không muốn lãng phí thì giờ và năng lượng một cách ngu ngốc như thế. Vì thế tôi xin chia sẻ với những người thương phương pháp tôi sử dụng để vượt qua những lúc tệ hại đó. Phương pháp này tôi áp dụng bao giờ cũng thành công cả. 

Tôi mở cửa ra vườn ngay. Vừa ra tiếp xúc với không khí bên ngoài là tôi đã thấy lòng nhẹ ra rồi. Tôi làm việc ngoài trời, quét lá, nhổ cỏ, chăm sóc cây cảnh, hoa trái. Tiếng chim hót rất vui, hương hoa thoang thoảng, gió mát dịu cả lòng. Làm việc ngoài vuờn rất mệt, lúc nào tôi cũng bị cào xước cả tay. Nhưng làm vườn là một pháp môn rất thần diệu, chỉ một lát sau thì cảm giác chán nản biến đâu mất hồi nào không hay. Có lúc tôi không làm vườn mà đi dạo ra công viên. Thiên nhiên là một nhà tâm lý trị liệu thật tài ba. Khi trở vào nhà thì tôi là một người mới hoàn toàn, vui vẻ, yêu đời và tràn đầy năng lượng tích cực. 

Một ngày nào đó nếu bị rơi vào tâm trạng „tôi chán không biết vì sao tôi chán“ thì những người thương thử áp dụng phương pháp này rồi cho tôi biết kết quả nhé.

Tương tức

Chuyện gì mà lạ vậy? Cát trong sa mạc Sahara của Phi Châu lại có liên quan tới sự sống còn của rừng nhiệt đới Amazone ở Nam Mỹ? Hai nơi khác nhau hoàn toàn giống như là hai thái cực chống đối nhau ấy lại có một sự liên hệ rất là mật thiết với nhau sao?

Vào đầu tháng 5, khi ở sa mạc Sahara là mùa khô cằn nóng bức nhất thì ở rừng Amazone lại là mùa mưa dầm dai dẳng không dứt. Trong sa mạc Sahara, đoàn người du mục phải chiến đấu với cơn nóng như thiêu đốt, cát bị tung lên trên mỗi bước chân của đoàn lạc đà. Trong cát có phosphore và sắt tức là hai khoáng chất rất cần thiết cho sự sống. Những hạt cát nhỏ li ti ấy lại được gió đưa lên cao thành những đám mây khổng lồ. Chỉ trong vòng 6 ngày thì những đám mây cát đó đã được thổi tới vùng Amazone cách đó khoảng 8000 cây số. Mây cát và hơi nước trộn vào nhau và rớt xuống thành những cơn mưa dầm không dứt trong suốt tháng 5. Khoáng chất trong cát cũng theo nước mưa mà thấm vào đất của rừng Amazone. Đến cuối tháng 5 khi mùa mưa chấm dứt thì hạt mầm, cây cối nhận được khoáng chất nuôi dưỡng bắt đầu phát triển lên một cách thần tốc. 

Chúng ta ai cũng rất“ngại“ và không“ưa“ cho lắm vùng sa mạc. Nó khô khan, nóng bức, chỉ toàn là cát, nhìn đơn điệu và ảm đạm như một vùng không có sự sống vậy. Chúng ta có ý thích rừng nhiệt đới hơn vì ở đó có nhiều loài thảo mộc đủ các màu sắc, là chỗ ở của nhiều loài cầm thú và chim muông rất đẹp. Hơn nữa rừng nhiệt đới còn được gọi là „lá phổi xanh“ của chúng ta nữa. Nhưng nhìn cho kỹ thì nếu không có cái khô cằn nóng cháy của sa mạc Sahara thì sẽ không có khu rừng ẩm thấp xanh tươi khổng lồ Amazone. 

Vì vậy chúng ta hãy bớt“ngại“ và“ưa“ sa mạc hơn một chút đi nhé vì sa mạc cũng có thể được gọi là“khúc ruột vàng“ của chúng ta nữa đó! 

Ngắm mưa

Đã lâu rồi không tâm sự với những người thương, một phần vì bận quá và một phần vì lười biếng. Có lúc như vậy đó, mình muốn đóng cửa lại, ngồi một mình và ngắm mưa… tại sao lại ngắm mưa mà không ngắm nắng ban mai, ngắm hoa lá cây cỏ nhỉ? Ngắm mưa thú vị lắm đó người thương ơi. Sân nhà tôi trồng rất nhiều hoa hồng, nói cho văn vẻ một chút là hoa mai quế. Tôi thích uống trà mai quế. Tôi thường cho một ít cánh hoa vào trà xanh để uống buổi sáng. Mai quế đẹp và thơm lắm, nhưng khi rụng thì ôi thôi quét gãy cả lưng luôn. Mỗi ngày tôi đều ra quét cánh hồng có khi tới hai ba lần luôn. Tôi không ưa mai quê rụng tí nào! Ấy vậy mà nếu trời mưa thì cả hoa cả lá đều rụng nhiều hơn, lại nữa không quét được nên sân đầy cả lá, hoa, cành thành đóng. Tôi ngồi nhìn mưa, nhìn luôn cái đóng rác đó mà không quét được. Ngồi ngoài hiên ngắm mưa và mấy cái đóng rác một hồi tự nhiên tôi không còn khó chịu nữa. Tôi bật cười một mình, tôi thấy đó là sự sống! Sự sống luân lưu trong cây hồng, trong hoa hồng, lá hồng và cả trong cánh hồng khi rụng xuống. Nếu không có sự sống thì làm gì có hoa hồng cho tôi ngắm, cho tôi uống trà và không có cả cánh hồng rụng cho tôi quét. Sự sống là sự thay đổi, chuyển biến từng giây từng phút. Tôi muốn có hoa hồng để ngắm, để uống trà mà không muốn quét cánh hồng rụng thì tôi thật là vô lý quá đi!

Monet

Monet là thần tượng của tôi. Những bức tranh của Monet đã cho tôi cảm hứng đến nỗi từ một người hoàn toàn không biết gì về hội họa tôi đã bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên. 

Đã 14 năm nay mỗi lần xem lại tranh Monet thì nguồn cảm xúc vẫn y nguyên như cũ. Lần nào xem lại một bức tranh của Monet cũng là lần đầu tiên đối với tôi. Tôi chưa bao giờ học vẽ nên không biết gì về kỹ thuật hội họa. Mỗi lần bắt đầu vẽ là tôi phải lật sách ra ngắm lại một chút tranh của Monet. Nó cho tôi nguồn cảm hứng, sức mạnh và lòng tự tin. Monet luôn luôn xuất hiện trong những bức tranh của tôi, có thể nói là Monet đã vẽ bằng bàn tay vụng về của tôi. 

Theo tôi, Monet là một họa sư đã lấy cảm hứng từ sự thật vô thường của vũ trụ. Ông nói:“Đối với tôi, một phong cảnh không thể chỉ hiện hữu riêng một mình. Bầu không khí chung quanh và sự thay đổi liên tục của ánh sáng, của thời tiết đã làm cho một phong cảnh trở thành ra sự sống. Với tôi thì chủ đề vẽ không phải là vấn đề. Cái quan trọng là cái gì xảy ra giữa chủ đề được vẽ và người vẽ.“
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chủ đề mất đi tính chất hữu cơ của nó. Vì thời gian, ánh sáng và thời tiết thay đổi không ngừng nên khi Monet cầm cọ, màu và khung đi ra làm việc ngoài thiên nhiên thì ông đã vẽ hàng loạt những bức tranh có cùng một chủ đề trong một lúc và không bao giờ ngừng lại lâu hơn 15 phút ở mỗi bức tranh. Đó là tác phẩm của một họa sư trong sự hài hòa với thiên nhiên.

CGL

Uống trà với Thầy

Sáng nay ngoài trời rất lạnh. Ra ngoài quét lá sồi rụng mà lạnh cứng cả hai bàn tay, lạnh quá nên nước mắt cứ trào ra nhòe nhoẹt. Nhưng nắng rất đẹp, nắng màu vàng anh đổ dài trên ngọn lá bắt đầu vàng úa. Đẹp lắm!

Từ mấy tháng nay mỗi sáng tôi đều ngồi uống trà với Thầy. Thầy và tôi uống trà Long Tỉnh. Thầy trò hạnh phúc lắm! Có điều lạ là từ khi Thầy trở bệnh, tôi lại gần gũi với Thầy hơn nhiều. Mỗi sáng Thầy trò cùng lạy Bụt, cùng ngồi thiền, và cùng uống trà với nhau. Sáng hôm nay cũng vậy, Thầy trò ngồi uống trà Long Tỉnh, hai thầy trò không nói với nhau một lời nào cả. Ly trà của tôi có khắc chữ“trink deinen Tee“, tôi luôn được Thầy nhắc nhở: Uống trà đi con! Ly trà của Thầy có chữ“das ist es“, Thầy nói với tôi: Đây là cái nớ đó con!

Nhưng tôi không có giỏi như vậy đâu. Từ khi nghe tin Thầy bệnh tôi đã chới với lắm rồi, tôi buồn lắm, buồn thật nhiều. Mùa Đông vừa rồi tôi buồn tới nỗi bị trầm cảm luôn. Tôi nhớ Thầy, nhớ những bài pháp thoại trong mùa ACKĐ. Bảy, tám năm nay tôi đã quen với những mùa Đông ngồi chép pháp thoại của Thầy, thật ấm áp, thật bình an, thật hạnh phúc. Thầy trong lòng tôi là một dũng tướng cưỡi con bạch mã cầm gươm xông vào trận chiến, trận chiến“đập cho tan tành đi huyễn tượng“. Bây giờ Thầy không nói pháp thoại nữa, Thầy không tự một mình đi trên những con đường huyền thoại nữa. Tôi buồn tới tê liệt luôn. Như Thầy đã dạy trong các bài pháp thoại: tôi có một pháp thân ốm yếu, èo uột.

Nhưng rồi thì dù sao tôi cũng vẫn là học trò của Thầy, tuy là dở ẹc nhưng vẫn là học trò của Thầy. Tôi phải tự cứu mình và đồng thời cũng cứu luôn Thầy của tôi. Mỗi buổi sáng tôi thắp hương trước bàn thờ Bụt và lạy xuống ba lạy. Trong ba lạy đó tôi thực tập trở về với hơi thở, nhìn cho kỹ để tìm thấy tôi, tìm thấy tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và Thầy trong tôi. Ngồi thiền trong 10 phút tôi áp dụng những gì tôi đã ghi chép trong suốt 7, 8 năm qua:

Để thầy thở, để thầy ngồi
Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi

Thầy đang thở, thầy đang ngồi
Mình đang thở, mình đang ngồi

Thầy là thở, thầy là ngồi
Mình là thở, mình là ngồi

Chỉ có thở, chỉ có ngồi
Không người thở, không người ngồi

An khi thở, lạc khi ngồi
An là thở, lạc là ngồi

Rồi tôi mời Thầy cùng uống trà với tôi. Hai thầy trò uống trà Long Tỉnh. Tôi thực tập như vậy trong mấy tháng qua, tại vì chỉ có như vậy thì tôi mới xứng đáng với tình thương của Thầy. Và bây giờ tôi đã khá lắm rồi. Tôi cảm thấy gần gũi với Thầy hơn xưa. Tôi bớt buồn nhiều lắm vì tôi biết lúc nào Thầy cũng đang ở cạnh bên tôi, Thầy đang ở trong tôi.

CGL viết trong ngày tiếp nối của Thầy 11.10.2015