Archiv des Autors: Trang Bui

Ngày của Mẹ

Thơ: Trụ Vũ

Ngày của Mẹ

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi em còn có mẹ trong tâm

ai bảo em…bảo rằng vũ trụ
chỉ bâng quơ…cái sự tình cờ
không, có Mẹ trong trời đất chứ!
để cho mình mãi mãi như thơ

vâng thơ đấy, chính là thơ đấy!
cả đất trời là cả tình yêu
từng hạt cát, bông lau, cành sậy…
bao trang nghiêm cho bấy yêu kiều

hôm nay đã vào thu…tháng bảy
hỏi ngoài kia có gió may không?
không có gió hoa vàng vẫn vậy
vẫn ngân nga những tiếng tơ đồng

thấy hoa cúc tưởng hình dung mẹ
hoa cúc vàng thấm hạt sương mưa
trong ý gió niềm sương lặng lẽ
nghe lung linh bóng mẹ“giao thừa“

trên hoa cúc một bầu trời rộng
trải vô cùng cái bóng cao xanh
bên hoa cúc một bàn tay mộng
năm ngón xòe nụ bưởi long lanh

bên sắc thắm có màu nâu nhỉ
màu nâu non đời mẹ quê hương
từ vạn cổ bên bờ sông Nhị
áo mẹ quê đã ngát thiên trường

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn bóng mẹ hiền
khi cánh quạt non đoài đã khép
giữa đêm rằm tháng bảy, trăng lên

quê ta đó, một vừng trăng ngọc
trên cành dâu, trăng sáng, em ơi
không biết chữ mà nghe biết đọc
bao Vu Lan cho bấy nụ cười

ai bảo em bảo rằng vũ trụ
chỉ tình cờ ta gặp nhau đây
không, có mẹ trong trời đất chứ!
cho đôi ta vĩnh viễn sum vầy

trăng tháng bảy gương tròn bóng mẹ
(mà tháng nào trăng chẳng tròn gương)
quê ta đó, một trời hoa lệ
bao nhiêu trầm cho bấy nhiêu hương

nhớ cái thủa tiên rồng gặp gỡ
bước cha hùng như nhịp triều xuân
trên đỉnh núi Ba Vì hoa nở
áo mẹ ngời thông điệp tường vân

khắp vũ trụ thảy ngời thông điệp
kể tự ngày tiên gặp rồng kia
mỗi con bướm, sâu, từng địa huyệt
thảy hoan ca điệp khúc Ba Vì

mẹ như thế! như rằm tháng bảy
như hoa vàng tháng bảy, như mưa
ôi những hạt mưa lành thủy đại
rưới thiên hoa nhuận khắp chân thừa

mẹ như thế! như rằm mọi tháng
và như đêm, đêm của vì sao
của Nguyên Lý Hòa Hài tỏa rạng
khắp thiên hà: diễm lệ chiêm bao

cái nguyên lý của tình yêu ấy
của trái tim mẹ ấm mười phương
không có mẹ, sao trời xanh vậy
có trời xanh để có hoa hường

ôi những cánh hoa hường của mẹ
của ngày rằm tháng bảy Vu Lan
ngày mẹ đấy! nhớ về em nhé!
Và nhớ cài hoa nhé, em ngoan!

ngày mẹ đấy! nhớ về em nhé!
ôi cái ngày đẹp nhất bình sinh
hoa mẹ đấy! cài lên áo nhé!
cài nghe em, giữa trái tim mình!

hoa cẩm chướng hai màu: một đỏ
dành cho ai còn mẹ trên đời
và một trắng dành cho ai đó
mất mẹ rồi, trọn kiếp mồ côi!

sung sướng nhỉ! những người còn mẹ
còn mẹ, em còn cả đất trời
đau đớn nhỉ! những người mất mẹ
mất mẹ là mất hết, em ơi!

hoa cẩm chướng hai màu: trắng đỏ
ôi, hai màu cao quí vô song
đó, tặng phẩm của tình yêu đó
dành cho ai có mẹ trong lòng

dù còn mẹ, hay dù mất mẹ
thì em ơi, em vẫn là con
xin ấp ủ trọn đời, em nhé!
bóng mẹ hiền giữa trái tim son

xin mãi mãi là con của mẹ
phải không em, như thế trọn đời
xin mãi mãi vẫn là đứa trẻ
và, không bao giờ cả, mồ côi

nếu mẹ có vườn dâu khuất bóng
thì, trong ta, mẹ vẫn còn đây
trong ngọn lửa tình con nóng bỏng
mẹ thương yêu vĩnh viễn sum vầy

như thế đấy, cái ngày của mẹ
nó kéo dài suốt cả đời ta
hạt châu vẫn kết tinh từ lệ
cho trong ngần nụ tuyết liên hoa

ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi nhân gian còn phiếm xuân cầm
ai bảo em cuộc đời không đẹp
khi em còn có Mẹ trong tâm!…

Thể xác và linh hồn

Hai quan niệm lưỡng nguyên về thân và tâm

Đại đa số có một cái nhìn lưỡng nguyên về thân và tâm, họ nghĩ có cái thân và cái tâm hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó theo đệ nhất nghĩa đế thì thân và tâm là một khối.

Hiện nay trong lĩnh vực khoa học thần kinh não bộ, 98-99% các nhà khoa học vẫn tin rằng tâm là một sản phẩm của thân tức ý thức là một sản phẩm của não bộ (consciousness is a property of the brain) mà không phải là một thực tại độc lập. Có hai quan niệm về thân và tâm:

Não bộ (thân) là một thực tại (entity) và từ thực tại đó phát sinh ra tâm thức

Tâm thức đó là một cái gì phải dựa trên não bộ mà phát sinh, không có não bộ thì không có tâm. Đại đa số các nhà khoa học thần kinh não bộ đều tin rằng tâm thức của mình phát xuất từ não bộ, từ các thần kinh. Nhưng theo ánh sáng của đạo Bụt thì chừng nào còn nghĩ như vậy thì người ta còn có những khó khăn.

      Nếu chúng ta bị điên loạn hay bị  trầm cảm là tại vì có cái gì bất thường xẩy ra trong não bộ ví dụ như não bộ không có đủ những chất dẫn truyền thần kinh (neuro-transmitteur). Vì vậy muốn cho tâm được an không bị bệnh thì người ta phải chữa nơi não bộ thần kinh. Khuynh hướng đó cho rằng não bộ là cái gốc và người ta bị trầm cảm nặng là do có cái gì sai trong não bộ. Những chất dẫn truyền thần kinh không làm việc nên phải cho người bệnh  uống thuốc gọi là thuốc chống trầm cảm (anti-dépressant) để chế tác thêm những chất dẫn truyền thần kinh. Uống thuốc đó thì người bệnh có thuyên giảm, bớt khổ nhưng họ phải dùng thuốc chống trầm cảm thuốc suốt đời. Dùng thường thì quen thuốc nên người ta phải tăng thêm liều lượng hoài.

      Một bên là não bộ tức vật chất (matière) và một bên là tâm thức tức tâm

      Não bộ và tâm thức độc lập nhau, vật chất là khác và tâm là khác. Tâm có thể tồn tại ngoài vật và vật có thể tồn tại ngoài tâm. Những người nghiên cứu về những hiện tượng đặc biệt nói rằng: trong trường hợp những nguời bất tỉnh nhân sự thì hồn của họ xuất ra ngoài và quan sát. Nó thấy cái này, nghe cái kia. Hồn đó có mắt, có tai, nó quán sát, nó thấy. Khi hồn nhập lại vào xác thì những người kia tỉnh lại và kể như vậy.

      Quan niệm này cũng là một quan niệm lưỡng nguyên (dualistic): thân làm chuyện khác và tâm làm chuyện khác. Linh hồn có thể tồn tại ngoài thân của mình.

      Một bên cho tâm là một sản phẩm của thân, một bên cho tâm là một hiện tượng độc lập (separate entity). Cả hai bên đều có khuynh hướng lưỡng nguyên. Vấn đề thân tâm (body and mind) là một vấn đề rất lớn. Ngay hiện bây giờ vấn đề thân và tâm (body and mind) là một vấn đề căn bản không giải quyết được. Là thân thì không thể là tâm mà là tâm thì không thể là thân.

      Tín ngưỡng của những Phật tử không đi sâu được vào trong giáo lý thì có khuynh hướng đi theo quan điểm thứ hai tức là cho thân khác với tâm. Khi thân tan rã rồi thì tâm vẫn còn y nguyên, nó bay bỗng ở một nơi nào đó trên không gian, đợi có một bào thai để nhập vô và có sự liên tục. Đó là gọi là luân hồi theo quan điểm bình dân của đa số những người không có cơ hội đi sâu vào trong đạo Phật thâm sâu. Mình là những người có thì giờ để tu học, mình phải có cái thấy gần với sự thật hơn. Mình phải có cái thấy thắng nghĩa, mình phải tiếp xúc được cái thắng nghĩa.

      Vì vậy mình chỉ có thể hiểu được luân hồi trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Không thấy được vô thường, vô ngã và tương tức thì chúng ta chưa hiểu được luân hồi theo thắng nghĩa đế mà chỉ hiểu được luân hồi theo tục đế. Khi chúng ta phân biệt được hai quan niệm về luân hồi đang tràn lan hiện nay, thứ nhất là quan niệm tâm với thân là hai thực tại riêng biệt, thứ hai là quan niệm tâm là một sản phẩm của thân, thì câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Vậy thì cái thấy của đạo Bụt về thân và tâm là như thế nào? Muốn cung cấp cho người ta một câu trả lời, một lối thoát, một giải đáp thì mình phải nắm được giáo lý về vô thường, vô ngã và tương tức, mình phải có một ít kinh nghiệm về tự tính vô thường, vô ngã và tương tức. Mình sẽ thoát ra khỏi hai quan niệm lưỡng nguyên đó và vấn đề về thân và tâm mới có thể giải quyết được.

      Bản chất của thực tại

      Khoa học cũng như triết học đều muốn khám phá bản chất của thực tại. Khoa học cũng có tiếng nói đối với thời gian và không gian. Khoa học đã đi rất gần tới sư thật tương tức của thời gian và không gian. Thường thì chúng ta nghĩ thời gian là một thực tại riêng biệt và không gian là một thực tại riêng biệt.

      Nhưng theo tuyết tương đối của Einstein thì thời gian và không gian là một sự tiếp nối. Nhìn kỹ chúng ta thấy thời gian và không gian tương tức, trong thời gian có không gian và trong không gian có thời gian. Nói tới thời gian, không gian là nói tới vật thể, nói tới vật thể là nói tới năng lượng. Nói tới vật thể, năng lượng là nói tới tốc độ. Thời gian, không gian, vật thể, năng lượng và tốc độ được quán sát bởi tâm thức. Khi có tâm thức can thiệp vào thì tất cả hiện ra như những thực tại riêng biệt. Nhưng nhìn kỹ thì tất cả tương tức: thời gian, không gian, vật thể, năng lượng, tốc độ đều tương tức, ta không thể rứt cái này ra khỏi cái khác. Hiện nay khoa vũ trụ học cũng như khoa học vật lý nguyên tử tới rất gần với giáo lý tương tức. Có rất nhiều dữ kiện để chúng ta có thể chứng minh được sự thật tương tức. Thấy được tính tương tức rồi thì chúng ta trả lời rất dễ dàng những câu hỏi như câu hỏi: Thân và tâm là hai hay là một?

      Trong khoa học vật lý lượng tử người ta nói: Có khi lượng tử biểu hiện như sóng và có khi biểu hiện như hạt. Đứng về phương diện khái niệm thì sóng rất khác với hạt. Vậy mà trong khi quán sát và trắc nghiệm ta thấy rõ là lượng tử có khi biểu hiện thành hạt, có khi biểu hiện thành sóng và cũng có khi nó biểu hiện đồng thời thành sóng và hạt.

      Thân và tâm của chúng ta cũng vậy, chúng tương tức nhau. Nhìn thân thì thấy tâm, nhìn tâm thì thấy thân. Tại sao ta nói cái này sinh ra cái kia? Khoa học thần kinh bây giờ thấy được rằng bộ óc của chúng ta có tính dẻo (plasticity) và nhu nhuyến. Ta có thể huấn luyện, có thể dạy, có thể chuyển biến được não bộ của ta bằng cái thấy, bằng tư duy, bằng cái tâm của ta. Nếu não bộ có ảnh hưởng trên tâm thức thì tâm thức cũng có ảnh hưởng trên não bộ. Nếu thân có ảnh hưởng trên tâm thì tâm cũng có thể ảnh hưởng trở lại trên thân, tâm có thể trị liệu được thân.

      Ta đừng nên nói cái này là vật sở hữu của cái kia. Thay vì nói tâm thức là một thuộc tính của não bộ thì ta có cái thấy sâu sắc hơn: cả não bộ và tâm thức có cùng một bản chất, có khi ta thấy nó là não bộ, có khi ta thấy nó là tâm thức. Hai cái nương nhau mà phát hiện. Ta không thể nói thời gian sinh ra không gian hay không gian sinh ra thời gian mà chúng nó nương vào nhau để sinh ra.

      Ta chỉ có thể giải quyết vấn đề “thân và tâm” trên cơ bản tương tức. Người ta đã tìm ra sự thật là điện tử kia là sóng mà cũng là hạt. Sóng và hạt là hai mặt của một thực tại, vậy thì tại sao chúng ta không nói thân và tâm là hai mặt của một thực tại? Tại sao chúng ta còn tranh luận với nhau: Thân và tâm hai cái riêng biệt, cái này là chính còn cái kia là phụ.

      Ta không thể nào hiểu được luân hồi một cách tận gốc theo đệ nhất nghĩa đế nếu ta không sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức và nhìn luân hồi dưới ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức. Các nhà khoa học hiện nay có những dằng co, những bất đồng ý kiến về thân và tâm. Họ chỉ giải quyết được vấn đề khi họ biết sử dụng tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức. Họ phải sẵn sàng để có thể chấp nhận tuệ giác đó vì đó là kết quả của sự quán sát, chiêm nghiệm trong đạo Phật từ 2500 năm nay. Khoa học có thể lợi dụng tuệ giác đó để đi trên con đường khám phá, vượt thắng những tà kiến như thường kiến, đoạn kiến, ngã kiến và nhất là cái thấy lưỡng nguyên.

      Thiền sư Nhất Hạnh

      Trich trong: Làng Mai nhìn núi Thứu (Định đề 24:Chỉ có thể hiểu luân hồi đúng mức theo đệ nhất nghĩa đế trong ánh sáng của vô thường, vô ngã và tương tức)

      Mỗi bước chân là phép lạ

      Thương mến tặng em 

      Như có lần Thầy đã từng nói: „Thầy có một sự may mắn là thầy chưa bao giờ đánh mất liên lạc với tuổi trẻ„. Tôi cũng có cơ duyên là luôn được tiếp xúc với rất nhiều những bậc thiện tri thức cũng như những người trẻ. 


      Một trong những bạn trẻ mà tôi quý mến là em Khoẻ. Gặp em lần đầu tiên trong chương trình „Buổi sáng bình an“ do thầy Minh Hy tổ chức tại cửa biển Thuận An. Tôi cứ thắc mắc không hiểu sao trong khi mọi người đi thiền hành trên bờ biển thì em ấy ngồi yên. Lúc đầu tôi cứ ngỡ chắc em ấy bị ốm vì cũng thấy mọi người quan tâm hỏi han và gọi ra chụp ảnh lưu niệm nhưng em ấy vẫn ngồi yên. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh bạn đi cùng thì mới biết rằng em ấy bị liệt từ năm 18 tuổi và sau đó em đã đi bằng đôi chân của anh trai mình. Một người anh trai phải có một tình thương rất lớn mới có thể làm đôi chân cho em, cõng em đi tham dự mọi hoạt động của tăng thân. 


      Sau khi kết bạn trên Facebook, thỉnh thoảng đọc những dòng chia sẻ về sự thực tập của em, tôi biết em đã nương vào pháp môn của Thầy rất nhiều để vượt qua chướng duyên mà em gặp phải. Em đã chuyển hóa từ tuyệt vọng khi biết tin mình không thể đi được nữa, dần dần nhờ pháp môn mà em có thể bình thản chấp nhận và còn truyền năng lượng bình an, tích cực cho mọi người. Tôi quý mến em từ đó. 


      Tôi luôn theo dõi các bài viết cũng như hành trình cuộc đời của em. Và khi nghe tin em có thể được làm phẫu thuật để hồi phục lại đôi chân, rồi những ngày em mổ, quãng thời gian em bình phục, bắt đầu tập những bước chân đầu tiên tôi đã rất xúc động. Dù ở xa nhưng tôi luôn động viên và gửi năng lượng bình an tới em. 


      Rồi một ngày cuối tháng 8, em nhắn cho tôi là sắp ra Hà Nội và nếu được anh em gặp nhau. Tôi đã bảo với em rằng: „chắc chắn anh sẽ gặp em dù có bận đến đâu„. Em bảo giờ chân đỡ hơn rồi, dù vẫn phải dùng thiết bị trợ giúp nhưng em muốn đi ra miền Bắc, muốn đi lên vùng Tây Bắc, Sapa. Em muốn đi khắp nơi, ra khỏi „lũy tre làng“ ở Huế. Em muốn đi cho cha, cho mẹ, những người dù đã lớn tuổi mà chưa có cơ hội đi đây đó. 


      Nhìn những bước chân chậm rãi của em bước đi trên vỉa hè Hà Nội làm tôi rất xúc động. Những bước chân đó rồi sẽ đi lên núi cao, lên những bản làng ở biên giới phía Bắc. Dù rất khó khăn nhưng sẽ là những bước chân huyền thoại. Em sẽ đi thay cho Thầy, thay cho cha mẹ em tới những miền đất lạ. Khi nhìn những bước chân đó, tôi nhớ lời Thầy đã dạy:

      „Phép lạ không phải là đi trên than hồng, phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ chính là đi những bước chân thảnh thơi và bình an trên đất Mẹ. Hãy đi như đôi chân mình đang hôn lên mặt đất.“


      Tôi đã ghi lại những lời dạy này vào cuốn „An lạc từng bước chân“ của Thầy và tặng em. Tôi mong rằng khi em mang theo cuốn sách bên mình, thì em sẽ được tiếp nhận năng lượng an lành từ Thầy, như Thầy đang cùng bước đi theo em trong suốt hành trình. Em đã mang cuốn sách lên tận đỉnh Fansipan và tôi cảm thấy như Thầy, như tôi cũng đang có mặt ở trên đó cùng em. 


      Cảm ơn em đã có mặt cho tăng thân, đã truyền những năng lượng tích cực tới cho mọi người. Chúc em luôn khoẻ mạnh, bước chân sẽ dần vững chãi như chính cái tên KHOẺ rất ý nghĩa mà cha mẹ đã đặt cho em. Chắc chắn tới một ngày nào đó, em sẽ tự mình bước đi trên mặt đất. 


      Hà Nội, 11/9/2019
      Tâm Đại Bi

      Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện

      Thơ: Nhất Hạnh

      Một bài thơ ít được nhắc đến, không phổ thông như những bài thơ nổi tiếng khác của Thầy như: Trường ca Avril, Bướm bay vườn cải hoa vàng, Tìm nhau, Trời phương ngoại, Một mũi tên rơi hai cờ huyễn tượng hay Bên mé rừng đã nở rộ hoa mai, v.v…

      Bài thơ không diễn bày những tuệ giác thâm sâu thường thấy trong những bài thơ của Thầy, Tôi thấy em nơi sân nghèo cô nhi viện ướt đẫm tình thương và tình người. Ở đây không có hình ảnh của một thiền sư mà chỉ có sự gặp gỡ ngắn ngủi đầy thương cảm giữa hai thế hệ. Cuộc gặp gỡ không nhiều lời nói, nhưng trong tim trào dâng cảm xúc rất con người. Cái hổ thẹn, cái cảm giác bất lực của thế hệ trước. Cái cảm giác buồn tủi, cái mong manh của thế hệ sau. Khiến người ta muốn khóc! Điều gì“gần như niềm tuyệt vọng“đó làm trái tim đau thắt và đồng thời cũng khơi dậy mối ưu tư về chiến tranh và số phận con người.

      Thu dạ độc tọa – Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy và tuệ giác vô sinh

      Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy

      Một mình ngồi tóc mai buồn

      Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

      Trong mưa rơi rụng trái rừng

       Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non

      Tóc xanh rồi bạc lẽ thường

      Thời vàng son ấy có còn gì đâu

      Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già

      Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh.

      Đọc bài thơ “Thu dạ độc tọa” (Ngồi một mình trong đêm thu) của Vương Duy, bỗng nhiên thấy cảm thán nên viết vài lời tâm tình chia sẻ với các bạn. Tôi tạm dịch bài thơ theo cái hiểu còn rất hạn hẹp của mình. Bài thơ dịch còn nhiều thiếu sót xin các bạn hoan hỷ bỏ qua cho.

      Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng thời Thịnh Đường. Ông là người thông hiểu Phật pháp nên thơ của ông thấm đượm mùi Thiền. Bài thơ”Thu dạ độc tọa” không phải là bài thơ nổi tiếng nhất của Vương Duy nhưng nó chứa đựng tuệ giác vô thường, cái ý thức muốn vượt thoát sinh-lão-bệnh-tử thì chỉ có con đường duy nhất là thực tập để đạt tới cái thấy vô sinh tức cái thấy”vô sinh bất diệt – không có không không” của đạo Bụt. Đó là mục đích tối hậu của người tu tập.

      Một mình ngồi tóc mai buồn

      Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

      Độc là một mình, tọa là ngồi, song mấn là hai bên tóc mai.

      Đây là hình ảnh của một người tuổi đã xế chiều. Ngồi một mình và nhận ra rằng, hai bên tóc mai của mình đã bắt đầu phai màu.

      Với cái tuổi đời chồng chất, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mình ngồi lại một mình và bỗng nhận ra hai bên tóc mai đã bạc. Cảm thấy một chút thê lương? Giờ phút này mình mới được ngồi yên mà nhìn lại mình cho rõ, cái giờ phút này thật quý báu mà có người cho đến hết cuộc đời cũng không bao gờ có được.

      Nhị canh là canh hai. Mỗi canh có hai giờ đồng hồ. Canh một bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ tuất. Canh hai bắt đầu từ 21 giờ đến 23 giờ tức giờ hợi. Không đường là không gian trong phòng.

      Không đường dục nhị canh là tiếng trống báo canh hai vọng đến gian phòng. Ngày xưa người ta hay dùng tiếng trống để báo sang canh.

      Chúng ta có thể hiểu, Vương Duy là một người thực tập Thiền và có thể ông đang thực tập Mười sáu phép quán niệm hơi thở. Vào lúc khoảng chín giờ tối, Vương Duy ngồi yên một mình trong thiền phòng và thở. Tiếng trống báo canh hai có thể được xem là tiếng chuông gia trì giúp ông đem tâm trở về với thân. Ngồi yên và thở. Đây là hơi thở giúp mình nhận diện, làm lắng dịu hình hài và cảm thọ. Ông ý thức hai bên tóc mai của mình đã bạc và nhận ra cái cảm thọ buồn man mát (bi song mấn).

      Vũ trung là trong mưa. Sơn quả là trái rừng. Lạc là rơi xuống. Sơn quả lạc có nghĩa là trái rừng rụng xuống.

      Đăng hạ là dưới đèn. Thảo trùng là côn trùng. Minh là kêu. Thảo trùng minh có nghĩa là côn trùng kêu, ở đây chúng ta dịch là côn trùng nỉ non.

      Vuơng Duy ngồi yên và có mặt trong giây phút hiện tại. Ông ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh mình. Bây giờ là mùa thu, bên ngoài mưa nhẹ ra rít nên nghe được tiếng trái rừng chín rơi rụng trong mưa. Trong thiền phòng, thiền giả ngồi yên dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng đang nỉ non. Chúng ta có thể hiểu Vương Duy đang ngồi thiền trong một gian nhà đơn sơ giữa rừng. Ông chọn một khung cảnh thiên nhiên, vắng vẻ và u mặc để ngồi thiền tối. Có phải lúc đó người ngồi trong thiền phòng, tiếng mưa, tiếng trái rừng rơi rụng xuống đất và tiếng côn trùng đã trở thành một? Cái biên giới giữa người ngồi thiền và không gian trong đó có người đang ngồi thiền không còn nữa.

      Bạch phát là tóc bạc. Chung nan biến là không thể thay đổi. Hoàng kim có nghĩa là vàng bạc, cũng có thể hiểu là thời vàng son, hưng thịnh. Bất khả thành là không thể có được, không nắm bắt được.

      Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già

      Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh

      Dục tri là muốn biết được. Trừ lão bệnh là thoát khỏi bệnh hoạn và cái già.

      Duy hữu học vô sinh có nghĩa là chỉ có được khi có tuệ giác vô sinh.

      Muốn thoát khỏi sự già nua, bệnh tật thì chỉ có một phương pháp là chứng được tuệ giác vô sinh. Vô sinh có nghĩa là vô sinh bất diệt, là cái thấy vượt thoát sinh và diệt, có và không, tới và đi, còn và mất.

      Đây là sự chứng ngộ. Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ và thiền giả. Thấy được sự thay đổi của chính bản thân mình và của sự vật chung quanh mình, ông nhận ra rằng các pháp đều không thật sự có, chúng không có tự tánh. Nó chỉ là những biểu hiện do duyên sinh, đủ duyên thì hợp, không đủ duyên thì tan.

      Trong một bài thơ ngũ ngôn bát cú Vương Duy vẽ ra cho chúng ta bức tranh tuyệt đẹp của một thiền giả ngồi tọa thiền trong một gian nhà vào đêm tối. Trong thiền phòng vọng đến tiếng trống báo canh hai và đó cũng là tiếng chuông chánh niệm đưa tâm trở về với thân. Những hình ảnh rất thi ca hòa lẫn với những âm thanh của thiên nhiên làm tăng thêm tính chất thiền vị của bài thơ. Ngoài kia đang mưa, tiếng mưa lẫn với tiếng trái rừng rơi xuống đất. Trong gian nhà, người ngồi dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non. Thật là một khung cảnh êm đềm và bình an của một buổi ngồi thiền. Phải thật sự có mặt mới có thể sống và và cảm nhận được cái giây phút mầu nhiệm này.

      Thiền giả ngồi yên, thân tâm lắng dịu, ý thức rõ ràng tóc mình đã bạc. Tóc đã bạc thì không thể trở lại xanh như trước. Tiền tài, danh vọng, giàu sang cũng không giúp cho mình thoát được già yếu, bệnh tật. Mình cũng không nắm bắt được cái thời vàng son ấy (Hoàng kim bất khả thành). Ông ngộ ra rằng muốn vượt thoát già yếu, bệnh tật thì chỉ có con đường thực tập để có được tuệ giác vô sinh.

      Vương Duy đã thực tập và đã thấy được nhờ thiền quán. Chúng ta cũng là những người thực tập, chúng ta đã tìm ra chưa? Không phải chỉ những người tuổi hạc đã cao mà tôi nghĩ những người trẻ cũng đã từng có mối ưu tư đó, vì cái lẽ vô thường là chung cho tất cả sự vật. Làm sao thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử? Các bạn có khi nào suy tư đến vấn đề này không?

      Tôi chợt nhớ tới một bài thơ của thiền sư Nhất Hạnh, là một bài thơ nhưng viết theo thể văn xuôi, có tựa là Tái sinh. Bài thơ trình bày tuệ giác vô sinh sâu sắc nhưng mang màu sắc nhẹ nhàng của thi ca:

      CGL

      Giáo lý“Vô sinh bất diệt – Phi nhất phi dị“ áp dụng vào đời sống hàng ngày

      Thương không phải là một sự hưởng thụ mà thương là một sự thực tập

      Khi được hỏi: “What happens when you die?”, thì chúng ta có thể nói: “Nothing happens! When you die, you don’t die at all. You do not come, you do not become.” Thường thường người ta sợ khi chết mình trở thành ra hư vô, mình trở thành không có gì hết. Nhưng trong sự sống hằng ngày thì chỉ có biến chuyển, sự biểu hiện mà không có sự có và không. Ví dụ như khi mình nấu nước lạnh thì chỉ trong vòng một hay hai phút thì nước lạnh không còn là nước lạnh nữa, điều đó không có nghĩa là nước không còn. Nước nóng lên từ từ, và khi lên tới 100°C thì nước biến thành hơi. Nếu nước không là nước thì nó là hơi, là mây, là tuyết. Nó đi vòng vòng như vậy. Sự tiếp tục biểu hiện đó, nếu quán chiếu thấy được, thì ta thấy nước cũng có tính vô sinh bất diệt như một Đức Thế Tôn.

      Vậy thì “What happens when I die?”, câu này chỉ trả lời được khi ta quán chiếu vào trong ba thực thể: thực thể người đi, thực thể đi và thực thể thời gian đi. Nếu ta không quán chiếu mà nói rằng: “Ông sẽ sinh lên cõi trời! Ông sẽ không còn ở cõi đời này nữa, v.v…, v,v…!”, thì sai. Đó đều là những giả thuyết, những huyền đàm (spéculations). Để trả lời câu “What happens when I die?”, chúng ta phải xét lại khái niệm của mình về ba thực tại, thời gian đi, người đi và hành động đi và xét lại trong ánh sáng của vô thường, vô ngã. Khi xét lại thì chúng ta thấy giáo lý vô sinh bất diệt, vô khứ vô lai có dính líu tới phi nhất phi dị. Giáo lý phi nhất phi dị giúp rất nhiều để chúng ta có thể hiểu được cái vô sanh bất diệt, vô khứ vô lai.

      Thông thường, khi nhìn ngọn lửa, chúng ta tưởng nó chỉ đơn thuần là một ngọn lửa. Ta không biết ngọn lửa đó là do một triệu ngọn lửa đang nối tiếp nhau tạo nên. Một triệu ngọn lửa đó, so với nhau, bản chất của chúng là không phải một cũng không phải khác. Thấy được cái gọi là khứ giả (người đi) dưới ánh sáng đó thì ta không còn bị kẹt vào ý niệm khứ giả nữa. Không kẹt vào ý niệm khứ giả thì không kẹt vào ý niệm khứ và khứ thời. Những buồn thương, những sợ hãi đều tan biến được khi ta thoát khỏi ý niệm về sinh tử, vì sinh tử không phải là một thực tại mà chỉ là một ý niệm. Đứng về phương diện thế tục đế thì giống như có sinh, có tử. Nhưng khi xé toạc được màng lưới thế tục đế và đi sâu vào thực chất của thắng nghĩa đế thì ta chạm vào tự tánh không sinh, không diệt, không tới, không đi. Lúc đó, ta có tự do, tự do đối với những buồn thương, sợ hãi do ý niệm tới-đi, sinh-diệt, còn-mất đưa đến. Chúng ta áp dụng giáo lý này vào đời sống hằng ngày như thế nào? Thật ra có muôn ngàn cách để chúng ta áp dụng.

      Ví dụ như có một người nào đó đang thù ghét, oán hờn cha hay mẹ của mình. Người đó không sống được những giây phút nhẹ nhàng, hạnh phúc như những người khác tại vì họ luôn luôn giữ trong mình sự oán hờn cha hay mẹ của mình. Bây giờ làm sao giúp người đó lấy ra được sự oán giận đó? Phương pháp chúng ta có thể áp dụng được: Khi mình oán giận mẹ của mình thì mình không muốn nghĩ tới mẹ. Mình muốn mình là một thực tại độc lập ngoài mẹ, tại vì mẹ đã làm khổ mình, đã gây thương tích cho mình. Người ta có bà mẹ rất ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một. Mình cũng có một bà mẹ, nhưng mình không kính phục, không thương mến vì trong bà mẹ đó có thể có sự bội bạc, sự vô ơn, sự tàn nhẫn. Mình đau buồn và ôm sự đau buồn đó đi suốt cuộc đời mình mà không cách nào thoát ra được. Trong mình đang ôm ấp một niềm oán giận. Mình là người oán giận và mẹ mình là đối tượng của sự oán giận đó. Mình đâu có muốn đồng nhất mình với đối tượng mà mình oán giận. Tôi không phải là mẹ tôi! (I hate her! I don’t want to have anything to do with her!) Nhiều người con trai, con gái, đau khổ vì mẹ hay tuyên bố câu động trời như vậy! Nhưng trong ánh sáng của sự quán chiếu này thì mình thấy rõ ràng rằng: Mình với mẹ mình tuy không phải một nhưng cũng không phải khác. Bản chất của mình và của mẹ mình đều là phi nhất phi dị, hay nói một cách khác, mình là sự tiếp nối của mẹ mình. Mình không thể lấy mẹ ra khỏi mình. Cũng như ngọn lửa, nó nghĩ rằng mẹ của nó, tức là ngọn lửa từ hộp diêm sinh ra, là khác và nó là khác. Không đúng! Bản chất của nó là không một cũng không khác. Nếu không có ngọn lửa đó thì làm sao có ngọn lửa này. Chính ngọn lửa này là sự tiếp tục của ngọn lửa đó. Con gái hay con trai đều là sự tiếp nối của mẹ. Giận mẹ và không muốn có bất cứ một liên hệ nào với mẹ là một chuyện hết sức vô lý và khờ dại! Người con gái đang giận, đang thù hận mẹ, không biết rằng mình đang mang trong mình thực thể toàn vẹn của mẹ, tức là những yếu kém của mẹ đều có cả trong mình. Nếu không tu tập, mai này mình sẽ làm giống hệt như mẹ, mình cũng sẽ làm đau khổ con mình và những người khác. Sự thật là như vậy! Đó là do vô minh, nếu quán chiếu sâu hơn mình sẽ có được trí tuệ và tình thương.

      Ở Âu Châu, cách đây chừng 10 năm, có một tai họa cho cây orme (elm tree). Có một loại sâu đục thẳng vào vỏ cây, làm nhà làm cửa dưới vỏ cây và hút hết nhựa cây cho đến khi cây chết. Bên Anh, cây orme chết hầu hết, qua Pháp cũng vậy. Đó là một tai nạn xảy ra cho cây orme. Tại nội viện Phương Khê có một cây orme rất đẹp nhưng nó đã chết vì loại sâu đó. Mình chưa có thì giờ đốn xuống thì nó đã mục nát, nó ngã đè lên làm chết những cây con khác đang vươn lên rất đẹp Nhìn kỹ, mình thấy cây orme đâu muốn như vậy? Nó đâu có muốn bị sâu ăn, chết khô đi, rồi ngã xuống để làm dập nát những cây khác trong vườn. Nhưng sự thực đã xẩy ra như vậy! Mẹ mình cũng có thể như vậy! Mẹ mình đã được sinh ra và lớn lên trong một môi trường không thuận lợi; ở đó có những con sâu của tham giận, vướng mắc, tuyệt vọng xâm chiếm. Nói tóm lại, hoàn cảnh hay y báo của mẹ không tốt. Những hạt giống xấu của mẹ biểu hiện ra rất nhiều trong khi các hạt giống tốt của mẹ không có cơ hội để biểu hiện. Mình là con gái, mình biết một cách rất khoa học là mình đã tiếp nhận tất cả những hạt giống của mẹ, những hạt giống tốt và cả những hạt giống xấu. Nếu mình bị đặt trong một môi trường xấu của mẹ thì mình cũng trở thành ra mẹ mà thôi. Nếu ngày xưa mẹ được đặt vào môi trường tốt thì những hạt giống xấu của mẹ đã không biểu hiện và mẹ đã không làm khổ mình. Vấn đề là môi trường. Môi trường là nurture, bản thân mình là nature. Bây giờ mình có may mắn hơn, được đặt vào một khung cảnh rất an ninh, có hiểu biết, có tình thương; nhờ vậy mà những hạt giống tiêu cực của mẹ trong mình không có cơ hội biểu hiện và mình sẽ không hành xử như vậy đối với con mình sau này. Trái lại, những hạt giống tốt trong đời mẹ chưa có cơ hội được biểu hiện ra, bây giờ nhờ môi trường tốt mà mình làm biểu hiện ra. Mình trở thành một người rất ngọt ngào, có thương yêu. Khi thấy được như vậy thì những oán hờn đối với mẹ tan biến, tình thương mẹ trào dâng lên, và chính tình thương sẽ có công năng chuyển hóa hết những giận hờn, oán hận kia. Mình thấy rõ ràng, mình với mẹ không phải là hai thực tại riêng biệt, mình với mẹ không phải là một cũng không phải là khác.

      Mình tưởng mình sinh vào ngày đó, tháng đó, năm đó, tại nơi đó, nhưng kỳ thực mình đã có trong mẹ trước khi mình sinh ra. Sinh chỉ là tướng bên ngoài mà thôi, mình có được làm giấy tờ khai sinh đàng hoàng, nhưng đó chỉ là tướng sinh. Mình sẽ đi qua những tướng trú, dị, diệt, nhưng mình biết đó chỉ là những tướng thôi. Thực chất của mình là chưa bao giờ sinh ra hết. Khi mẹ mình có mặt thì mình đã có mặt trong đó rồi.

      Chúng ta hãy nhìn vào một cây chanh con. Tuy chưa thấy hoa chanh, trái chanh nhưng hoa chanh và trái chanh đã có trong cây chanh rồi. Tướng hoa chanh, trái chanh chưa lộ ra nhưng với con mắt của người thông minh, của người trồng chanh, chúng ta biết thế nào cây chanh cũng cống hiến cho mình hoa chanh và trái chanh.

      Chúng ta cũng vậy! Trên phương diện tướng thì mình chưa có con nhưng kỳ thực con đã có sẵn trong lòng mình rồi. Trên cái tướng thì mình chưa có đệ tử, nhưng thực ra mình đã có đệ tử sẵn sàng đó rồi, nó chỉ đợi biểu hiện ra mà thôi. Phải thấy được tính vô sinh của con mình (của đệ tử mình) để thấy rõ là khi con mình (đệ tử mình) sinh ra, nó không phải là một thực tại biệt lập mà là sự tiếp nối của mình (your own continuation).

      Người con gái thấy được mẹ mình và mình là vô sinh, mình không phải là một thực tại mới biệt lập với mẹ. Mình là sự tiếp nối của mẹ với tất cả những hạt giống tốt và xấu của mẹ. Chỉ vì mẹ không có môi trường tốt nên hạt giống xấu đã biểu hiện và những hạt giống tốt chưa bao giờ được biểu hiện. Mình không còn nghĩ rằng: Mẹ tôi chỉ làm những điều xấu! Mẹ tôi không có điều tốt! Mình thương cho mẹ vì những điều tốt của mẹ đã không có cơ hội để biểu hiện. Như vậy, mình mới có được sự kính trọng đối với mẹ. Trong mẹ cũng có một vị Bồ tát, trong mẹ cũng có một vị Bụt, nhưng trong đời mẹ đã không được tưới tẩm những hạt giống lành thiện để cho những vị Bụt và Bồ tát đó biểu hiện. Vậy thì trong đời mình, mình phải sống làm sao để tính Bụt và Bồ tát được biểu hiện. Nếu làm biểu hiện được tính Bụt và Bồ tát trong mình thì đồng thời mình cũng làm cho tính Bụt và Bố tát trong mẹ được biểu hiện. Đó mới thật là tình thương của một người con đối với mẹ. Đây là một ví dụ của sự áp dụng.

      Cây orme đâu có muốn chết khô, để gãy xuống làm tan nát cây con. Mẹ mình đâu có muốn khổ đau, phản bội, đâu có muốn làm khổ mình. Nhưng mẹ đã làm như vậy tại vì mẹ mình không có sự may mắn được ở trong một môi trường tốt. Khi thấy được rồi thì người con gái sẽ cảm thương, sẽ chuyển hóa và sẽ thương mẹ nhiều hơn. Chính những người khổ đau, những người không có cơ hội mới đáng là đối tượng của tình thương của ta trước. Đó là những người đáng thương trước, chúng ta phải tập thương. Thương không phải là sự hưởng thụ mà thương là một sự thực tập. Càng thương như vậy thì trí tuệ của mình càng lớn. Càng quán chiếu như vậy thì tình thương của mình càng rộng. Những cái mình học về “vô sinh bất diệt”, “vô khứ vô lai”, “phi nhất phi dị” đều có liên hệ mật thiết với đời sống, với hạnh phúc và khổ đau hằng ngày của chúng ta.

      Chúng ta phải cẩn thận khi chúng ta thù ghét một người nào đó. Vì không tu học, không quán chiếu, ta sẽ làm và cư xử giống hệt như người mà ta đã thù ghét. Nguy hiểm lắm! Chúng ta phải thực tập, phải quán chiếu, phải thấy được sự tiếp nối của người kia ở trong mình! Nếu mình lỡ có tư tưởng muốn chết, muốn tự tử, chết cho khoẻ cho rồi (có người chỉ nói thôi nhưng có người muốn làm thiệt) thì mình phải biết rằng tư tưởng đó được truyền tới cho mình. Đó là do sự tiếp tục của người kia, người kia có thể là cha, là mẹ của mình. Nếu mình làm như vậy thì mình đang hành động như người kia, mình không có khác gì người kia hết, mình chưa chuyển hóa được gì. Chánh niệm và ý thức đó cho mình biết là những hạt giống kia chưa được chuyển hóa và mình phải tu tập để chuyển hóa mà thôi. Tư tưởng muốn bỏ nhà mà đi, bỏ chúng mà đi; nếu nó biểu hiện ra thì mình biết nó không phải tự nhiên mà tới. Tư tưởng, hạt giống đó là từ thế hệ ông bà tổ tiên truyền lại cho mình. Bổn phận của mình là phải nhận diện nó và phải tu tập để chuyển hóa được nó.

      Thiền sư Nhất Hạnh

      Trích trong sách: Đập vỡ vỏ hồ đào

      (Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận trong khóa An Cư Kiết Đông 2001-2002)

      Em vẫn tinh khôi

      Thơ: Mộc Lan

      Tôi và chị dạo chơi trong một buổi chiều cuối xuân, khi không còn những bông hoa ca hát ven đường, chỉ có vài ngọn gió vi vu, đủ để nghe thong thả. Chị ngỏ lời nhờ tôi viết lời tựa cho tập thơ đầu tiên của chị. Chà khó ghê! Chữ nghĩa không có, làm sao để giới thiệu được những lời thơ đẹp mà tôi đã từng mến mộ. Thôi thì cứ viết, như thể chị để gió lật từng trang thơ vậy.

      Thơ của chị đến từ rất thật, rất tự nhiên, tôi biết chị khi còn là một cô bé nhà quê tay lấm bùn, rồi trở thành một xuất sĩ. Chị sống và thực tập rất hết lòng … thơ ra từ đó. Rằng ai đã từng một lần ghé qua chắc cũng khó quên những lời thơ mộc mạc, chân thật, khi lành như mưa xuân, khi trong như giọt sương buổi sớm. Thơ chở bốn mùa rực rỡ, thơ mang tiếng cười rộn vui, thỉnh thoảng cũng có những giọt nước mắt trên mi nhưng rất ngọt ngào.

      Tôi nói, đến để “ngắm” thơ chị, vì rằng khi đọc những giòng thơ tôi có cảm tưởng mọi cảnh vật như hiện ra trước mắt. Như được cùng chị dạo chơi trên đồi cỏ xanh của ngày tháng tư, hay cùng chị nhặt lá thu rơi ép vào trang vở, để khi thu khép lại rồi, vẫn còn nghe thu chín mênh mang.

      “Em cất dấu mùa thu trong trang vở

      Còn trinh nguyên màu lá đẹp thắm xinh

      Em gom nắng nhét đầy bao kẽ hở

      Cho mùa đông nắng ấm vẫn nguyên lành”.

      Những dòng thơ của chị đã mang cuộc sống bay vút lên cao…mong những ai tình cờ đọc nó đều hưởng được những giây phút trở về nhẹ nhàng, yêu thương.

       Thảo Nhi

      Vườn chiều vắng bóng ai?

      Tới lui, lui tới lòng vòng
      Cải gieo mấy luống cà trồng mấy cây
      Rau răm, diếp cá sum vầy
      Mà khu vườn nhỏ từ đây vắng người
      Rau răm chợt tắt tiếng cười
      Bí, bầu, mướp cũng nửa vui nửa buồn
      Mong thằng dế nhủi buồn luôn
      Để cho nó khỏi phá vườn chúng ta
      Người đi cây cỏ rụng hoa
      Còn tôi tuy cũng hát ca bình thường
      Tuy rằng xa cách người thương
      Nhưng đường chân lý ta thường có nhau
      Mỗi ngày sách nước tưới rau
      Nhớ người ta nói vài câu khôi hài
      Từ đây trong chuỗi ngày dài
      Vườn chiều đã vắng bóng ai ra vào?

                                                   Mộc Lan

      Hội ngộ

      Chén trà nóng sáng nay
      Xanh như thảm cỏ ngày tháng tư
      Khói bóc từng ngụm
      Rộn ràng bay
      Như mây theo gió về đầy không gian
      Phút bình an
      Trang lòng còn vẹn
      Trong khoảnh khắc này
      Tin yêu hy vọng xum vầy nguyên sơ
      Nắng mưa về tụ lời thơ
      Chén trà hội đủ duyên vừa xuất thân
      Cõi tâm ấy
      Từ vô thỉ vốn trong ngần
      Long lanh tựa hạt sương

                                   Mộc Lan

       

      Ngủ đi nỗi khổ niềm đau

       

      Chúng ta có hai cách để trị liệu nỗi khổ niềm đau:

      1. Cách thế gian thường dùng là lôi nỗi khổ niềm đau đó lên để chữa trị. Nỗi khổ niềm đau có thể nằm trong chiều sâu tâm thức và nó âm thầm điều khiển mình. Mình nghĩ, nói và làm theo chiều hướng của nó. Vì vậy cho nên phương pháp chữa trị là thò tay sâu xuống nắm cổ nó lên, nhìn vài mặt nó và nói:“Mi là nỗi khổ niềm đau của ta. Ta phải lấy mi ra khỏi ta. Ta phải mửa mi ra thì ta mới khỏe được.“ Nỗi khổ niềm đau là kẻ thù của mình, là một chai chứa đựng những độc tố, mình phải mửa nó ra ngoài thì mới khỏe được, giống như mình có một ung nhọt và mình phải lấy kéo cắt bỏ nó đi. Phương pháp tri liệu ngoài đời là như vậy, là một loại phẫu thuật.
      2. Nhưng có một cách chữa trị khác êm dịu hơn, là cứ để nó ngủ ở dưới, và mình ru nó ngủ, tại vì có khi nó hiện hành và tràn ngập mình nhưng cũng có khi nó không hiện hành, nó ngủ yên. Nó là chủng tử, nó có đó nhưng mình không thấy nó, nó đang ở trong tiềm thế của nó. Tại sao mình phải đánh thức nó dậy? Mình ru nó ngủ trong khi đó thì tâm mình để ý đến những mầu nhiệm của sự sống, những mầu nhiệm có mặt trong giây phút hiện tại, có mặt trong hình hài, trong tâm thức và trong hoàn cảnh của mình. Phương pháp này là để tâm vào những cái tích cực, tươi vui, lành mạnh, những yếu tố có thể nuôi dưỡng và chữa trị. Mình đừng động tới nỗi khổ niềm đau, thấy như là mình không chữa trị nhưng thật ra là mình đang chữa trị. Cái này mạnh thì cái kia sẽ yếu, chứ không hẳn là phải nắm đầu lôi nỗi khổ ra thì mới chữa trị được. Những nỗi khổ niềm đau hay nỗi nhớ niềm thương của mình từ từ sẽ được trị liệu.

      Ngày xưa tôi đã từng đi qua giai đoạn này. Từ lúc bị lưu đày khi đi kêu gọi hòa bình, tôi có rất nhiều nỗi nhớ niềm thương: nhớ nhà, nhớ chùa, nhớ tăng thân. Tất cả những người mình thương, tất cả những công việc của mình đều ở bên đó. Sang bên này không có gì quen thuộc cả, cây cối cũng khác, chim chóc cũng khác, thức ăn cũng khác, tiếng nói cũng khác, không có gì giống như bên nhà và nỗi xót xa phải xa quê hương, bạn bè, xa những người thương. Nhưng mình phải chấp nhận điều đó, và tôi bắt đầu phương pháp thực tập làm quen với những cái bên này như thực tập chơi với con nít người Pháp, con nít người Đức, con nít người Anh. Tôi thực tập chơi với mấy ông mục sư, mấy ông linh mục. Tôi thực tập chơi, đọc thơ với các sinh viên và tìm niềm vui ngay trong giây phút hiện tại. Mình không biết là mình bị lưu đày bao nhiêu năm, sự thật là tôi đã bị lưu đày tới 40 năm. Nếu cứ chờ đợi thì 40 năm là quá dài, vì vậy sự thực tập của tôi là làm quen với với giây phút hiện tại và ở đây và tìm niềm vui trong những công việc đó. Tôi từ từ làm việc với giới trẻ, giới tôn giáo, giới nhân bản, chơi với con nít ở đây và thành lập tăng thân bên này.

      Trong những năm đầu, nhiều đêm tôi nằm mơ thấy mình trở về quê hương, điển hình nhất là giấc mơ thấy mình trở về một ngọn đồi rất đẹp và bắt đầu leo lên ngọn đồi đó với hy vọng là lên tới đó mình sẽ bắt gặp tất cả những gì mình thương yêu, mình trông chờ, mong ước. Giấc mơ đó cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, mỗi lần cứ leo được tới nửa chừng đồi thì tôi lại thức dậy. Giấc mơ đó cứ trở đi trở lại tại vì lòng ước mong trở về quê để gặp lại những người mình thương, lòng mong muốn sống lại trong hoàn cảnh thân thuộc, thương yêu ngày xưa. Tôi nằm mơ thấy trở về chùa Tổ rất nhiều lần, lần nào cũng có sư ông ngồi đó để chờ mình. Đã tu, đã xuất gia rồi mà sự nhớ thương còn nhiều như vậy. Nhưng với sự thực tập từ từ những giấc mơ đó ít lại và cuối cùng thì nó biến mất, tại vì mình đã chấp nhận hành tinh này là quê hương của mình thì chỗ nào cũng là quê hương của mình. Tôi đã được chữa trị. Điều này chứng tỏ rằng muốn chữa trị không hẳn là phải lôi niềm đau nỗi khổ đó ra để quán chiếu hay cắt nó vứt ra ngoài. Mình có thể ru cho nó ngủ, mỗi khi nó phát hiện thì mình nhận diện và mỉm cười rồi mình trở lại với sự thực tập hiện pháp lạc trú của mình.

      Trong các vị nếu có những chuyên gia tâm lý trị liệu thì hãy suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta có thể có nhiều cách trị liệu. Công phu là gì? Công phu là phương pháp thứ hai. Mình ngồi thiền làm sao mà mỗi giây phút ngồi thiền mình đều có được niềm vui. Trên đời này có bao nhiêu người được ngồi yên mỗi ngày ít nhất là hai lần, có bao nhiêu người được đi thiền hành mỗi ngày chung với đại chúng và được khuyến khích nên bước đi trong chánh niệm và giẫm vào Tịnh độ? Đây là một khung cảnh quá lý tưởng. Người ta đã không cấm mà còn khuyến khích mình ngồi cho có hạnh phúc, đi cho có hạnh phúc, ăn cơm cho có hạnh phúc. Sáng nay ăn cơm với hai thầy thị giả tôi thấy rất rõ mỗi miếng là một huyền thoại, dù thức ăn không có gì sang trọng. Tùy theo cách của mình, mỗi giây phút của đời sống là một giây phút mình ăn mừng sự sống, mình thấy được nhiệm mầu của sự sống. Đó là công phu. Nếu mình cảm thấy bị áp lực đi ngồi thiền, đi thiền hành, đi nghe pháp thoại thì đó là một bi kịch.

      Nếu thầy trò mình được quy tụ 300 người và tu chung trong ba tháng thì đó là một hạnh phúc rất lớn. Nhờ Đức Thế Tôn, nhờ truyền thống và những điều kiện thuận lợi nên mình mới làm được điều này. Có mấy người có được cơ hội này mà mình lại không biết trân quí thì rất là uổng. Biết đâu sang năm mình không làm được nữa, vì vậy mình phải lợi dụng hết những điều kiện để sang năm, mình có thể quy tụ về dưới một mái nhà tu tập trong ba tháng tại vì mình làm hạnh phúc cho mình và làm chỗ nương tựa cho không biết bao nhiêu người khác.

      Thiền sư Nhất Hạnh

      (Pháp thoại ngày 19 tháng 02 năm 2012 tại thiền đường Nước Tĩnh, Xóm Thượng, Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012)

      Chấp nhận mình, chấp nhận người kia

      Chấp nhận mình, chấp nhận người kia: câu linh chú thứ sáu

      Chúng ta sống có hạnh phúc hay không là do ta có thể thấy được điều này hay không: Nếu chúng ta chấp nhận được mình, chúng ta biết mình là ai thì chúng ta cũng chấp nhận được người khác và biết được người khác là ai. Nếu chúng ta không chấp nhận được chính mình thì chúng ta cũng không chấp nhận được người khác. Có những người trong chúng ta không chấp nhận được bản thân, chúng ta có mặc cảm mình thua người và giận bản thân của mình. Đã không chấp nhận được mình thì làm sao mình có thể chấp nhận được người khác? Không chấp nhận nhau thì sống với nhau không có hạnh phúc. Hạnh phúc trong chúng được dựa trên sự thực tập gọi là chấp nhận. Mình phải bắt đầu như thế này: Tôi chấp nhận tôi, tôi là một dòng tiếp nối tại vì tổ tiên, ông bà, cha mẹ tôi như vậy nên bây giờ tôi chấp nhận như vậy. Trong tôi có những tài năng và những yếu kém, tôi chấp nhận những tài năng và những yếu kém đó trong tôi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tôi bất lực, bằng sự tu tập tôi có thể phát triển những tài năng và chuyển hóa bớt từ từ những yếu kém trong tôi. Hai công việc đi đôi với nhau, một bên là chấp nhận gia tài để lại, chấp nhận dòng liên tục và một bên là có ước mơ làm cho hay hơn. Chấp nhận và ước mơ đi đôi với nhau. Có tuệ giác đó thì mình sẽ không đau khổ khi người ta chê mình tại vì nhìn vào mình, mình thấy trong mình có những tích cực và những tiêu cực, có tài năng và yếu kém. Những tài năng hay yếu kém đó không hẳn là của một cái ngã riêng mà là do sự trao truyền. Cũng như dòng sông như vậy là tại vì những dòng nước nhỏ chảy vào dòng sông như vậy. Mình phải chấp nhận tất cả và sự chấp nhận đem lại cho mình bình an. Mình chấp nhận rằng mình có những đức hạnh, những tài năng và những yếu kém.

      Nếu có một người phê bình mình:

      – Anh giỏi quá đi!,

      Mình phải biết phản ứng như thế nào cho đúng với chánh pháp. Mình có thể nói:

      – Bạn nói đúng một phần nào đó tại vì trong tôi có những tích cực thật. Nhưng bạn cũng nên biết rằng trong tôi cũng có những yếu kém, thành ra câu khen ngợi của bạn chỉ đúng một phần thôi.

      Mình thoát ra khỏi cái mặc cảm hơn người. Nếu mình không có tuệ giác và người ta cứ tiếp tục khen mình thì mình tưởng mình là ông trời. Khi được một người khen thì mình phải nói thầm trong bụng: Tôi có một vài cái tích cực như vậy. Nhưng tôi biết trong tôi có rất nhiều tiêu cực. Mình không nói ra nhưng mình phải nghĩ như vậy, mình giữ được sự khiêm nhường, mình không phồng mũi lên, mình không làm hư mình.

      Ví dụ có người tới chê mình:

      – Anh là đồ vô tích sự, anh là người có quá nhiều yếu kém!

      Mình đáp lại:

      – Anh chỉ nói đúng một phần nào đó thôi. Tôi cũng có những đức tính rất tốt, tôi cũng có những tài năng.

      Mình có thể đáp lại bằng lời nói hoặc bằng sự im lặng nhưng phải có câu: You are only partly right. Cái đó chỉ đúng một phần thôi! Đây là câu linh chú thứ sáu. Mình có thể nói ra lời, nhưng nếu không nói ra thì chắc chắn mình cũng phải nói trong lòng mình. Khi một người trong chúng tới khen mình, mình phải nhớ đọc câu linh chú đó:“Anh quá khen, nhưng anh chưa thấy những yếu kém của tôi, anh chỉ thấy được một phần sự thật.“ Chấp nhận được mình rồi thì mình có bình an và mình có khả năng chấp nhận được người kia. Mình không đòi hỏi người kia nữa, mình chấp nhận người đó như vậy thôi. Mình có sự mong ước là người đó qua sự tu tập có thể phát triển cái hay, cái đẹp và làm giảm bớt cái không hay, không đẹp nơi người đó. Nhưng mong ước này không phải là áp lực hay sự phê phán. Mình đối xử với mình như vậy, mình thấy trong mình có cái tích cực và cái tiêu cực, mình chấp nhận hết cả hai và mình có sự bình an. Nhưng không ai ngăn cấm mình có ước mơ. Với sự thực tập mình có thể làm lớn lên cái tích cực và làm giảm bớt cái tiêu cực. Mình đã ước mơ cho mình thì mình cũng ước mơ cho người kia như vậy. Vì vậy trước khi phê bình hoặc la rầy một  em, mình phải nhớ chấp nhận người đó trước. Thay vì nói em là một người vô tích sự, mình có thể nói:

      – Em có nhiều cái hay lắm, nhưng sư em cũng còn những yếu kém. Chị muốn em thực tập như thế nào để giảm thiểu những yếu kém đó.

      Mình nói như vậy thì người kia sẽ hạnh phúc hơn. Trong chúng có những người rất là mong manh, rất sợ soi sáng. Khi đã chấp nhận được những yếu kém của chính mình, mình có bình an thì nhìn người khác mình có thể dễ dàng chấp nhận được họ. Nhìn người khác và chấp nhận được thì trong mắt của mình có ánh chấp nhận và người đó rất hạnh phúc. Nếu mình nhìn bằng con mắt soi mói, chỉ trích thì người đó sẽ rất khổ. Vì vậy mỗi người trong mình phải có ánh mắt chấp nhận: Anh ơi, chị ơi, em ơi, tôi chấp nhận anh, chấp nhận chị, chấp nhận em như vậy. I accept you as you are. Con mắt của mình phải tỏa ra sự chấp nhận. Dù người đó có sự yếu kém và mình ước mơ người đó có thể chuyển hóa được, nhưng mình phải thấy rằng trong người đó cũng có những tích cực. Không người nào mà không có những tài năng. Khi bị một người chỉ trích thì mình phải căn cứ trên tuệ giác đó để nói: He is partly right! He has not seen all the part of me. Người đó chỉ thấy một phần của mình thôi mà chưa thấy hết được mình. Sự thật là như vậy, làm sao mình thấy được hết người kia? Chính mình mà mình còn không thấy được thì làm sao mình thấy được người kia?

      Sống trong một đoàn thể mình phải có sự khiêm nhượng. Mình phải thấy mình không có một cái ngã riêng biệt mà mình là sự tiếp nối của dòng họ, tổ tiên. Tất cả những tài năng, đức hạnh mà mình có, mình đừng tưởng là của mình. Tất cả đều là do tổ tiên truyền lại, mình phải có lòng biết ơn tổ tiên đã trao truyền cho mình những hạt giống của tài năng, đức hạnh. Nếu có một hình hài mạnh khỏe, xinh đẹp, mình cũng đừng tự hào, tại vì đó là của tổ tiên chứ không phải của mình. Nếu mình có vài yếu kém, vài tật xấu thì đó cũng là của tổ tiên trao lại, mình đừng bị kẹt vào cái ngã và giận mình. Điều quan trọng nhất là chấp nhận (acceptance), mình phải chấp nhận chính mình. Chấp nhận chính mình không có nghĩa là chịu chết trong tình trạng đó, mình vẫn có thể có ước mơ với sự thực tập mình có thể phát triển những tài năng, những tích cực và giảm thiểu những yếu kém. Mình đối xử như vậy đối với chính mình thì mình bắt đầu có thể đối xử với người kia cũng như vậy. Mình nhìn người kia bằng con mắt chấp nhận: Dear brothers, dear sisters, I accept you as you are. Người kia sẽ hạnh phúc lắm. Điều đó không có nghĩa là mình không ước mơ cho người đó, mình vẫn ước mơ người đó có thể phát triển những tích cực và chuyển hóa bớt những tiêu cực nơi họ. Câu linh chú thứ sáu mà tôi đề  nghị là:

      You are partly right

      Khi người ta khen mình thì chỉ đúng một phần, và khi họ chê mình thì cũng chỉ đúng một phần. Chúng ta, ai cũng có những tài năng và những yếu kém, mình đừng để cho khen hay chê làm mình đau khổ. Mình cũng phải cẩn thận khi khen hay chê người khác. Mình chỉ nói những ước mơ của mình, mình đừng chê hoặc khen. Mình đừng làm cho cái ngã của người kia hay cái ngã của mình bung ra.

      Nói tóm lại là :

      1. Không có một cái ta riêng biệt mà chỉ có một dòng tương tục như hình ảnh một dòng sông. Mình phải nhìn mình như dòng sông, mình là sự tiếp nối của tổ tiên, cha mẹ, ông bà mà không phải là một cái ngã riêng. Mình là tổ tiên, là ông bà, là cha mẹ.
      2. Phải chấp nhận tất cả những tích cực và tiêu cực trong dòng tương tục đó. Một dòng sông do từ những dòng chảy khác nhau tới làm thành. Mình thấy trong dòng sông đó một bên là nước đục và một bên là nước trong. Mình phải chấp nhận hết, tại vì dòng suối chảy vô thế nào thì dòng sông sẽ như thế đó.
      3. Phải ước mong bồi đắp và chuyển hóa, bồi đắp những tích cực và chuyển hóa, thanh lọc những yếu tố đang còn tiêu cực trong dòng tương tục đó.

      Đó là những điều mình làm cho mình về phương diện tự độ, tự tu. Làm được cho mình thì sự liên hệ giữa mình và những người khác sẽ tốt, tại vì nhìn người khác mình cũng thấy họ không có cái ta riêng biệt mà họ là những dòng tương tục. Nếu họ có tài năng thì đó là do tổ tiên, ông bà trao truyền cho họ và nếu họ có những hạt giống tiêu cực thì cũng do tổ tiên, ông bà trao truyền lại. Mình phải chấp nhận người đó như vậy. Khi mình đã có cái thấy thì mắt mình lộ ra sự chấp nhận, mình nhìn bằng hiểu và thương. Hiểu là thương, mình nhìn người kia bằng con mắt chấp nhận thì họ sẽ đỡ khổ rất nhiều. Trong đoàn thể thỉnh thoảng có người hơi nhạy cảm, một cái nhìn hơi phê phán cũng làm người đó run lên và đau khổ. Đôi khi mình không phê phán, nhưng người đó lại nghĩ rằng mình phê phán, giống như con chim đã từng bị thương thấy cái cây hơi cong thì tưởng đó là cây cung sắp bắn mình. Vì vậy mình phải biết nhìn bằng con mắt chấp nhận và từ bi. Cái hiểu đưa tới cái thương, muốn hiểu thì phải có cái thấy, thấy rằng người đó không có một cái ta riêng biệt. Người đó chỉ là một dòng tương tục, người đó đã tiếp nhận những tích cực và những tiêu cực từ quá khứ.

      Thiền sư Nhất Hạnh

      (Pháp thoại ngày 15.01.2012 tại Xóm Mới Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012)

      Tươi son bền sắt

      Chân Đức Hạnh là một Tiếp Hiện cư sĩ ở Việt Nam. Lá thư anh viết gửi đến Thầy nói lên tấm lòng tha thiết mong cầu được tiếp nhận và thọ trì Năm Giới quý báu như thế nào. Với tấm lòng mong cầu mạnh mẽ đó, anh đã có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại và anh đã hạnh phúc như thế nào khi cái mong ước cao đẹp của mình trở thành sự thật.

      Thầy kính thương,

      Lâu rồi con không thực tập viết thư cho người thương, nhưng sự tu tập của con cũng không vì đó mà thuyên giảm. Con vẫn „giữ cho bền sắt tươi son“ dù thỉnh thoảng có trải qua những „cơn ba đào„.

      Hôm nay, nhân bắt đầu tuần lễ kính mừng Đức Bụt đản sinh, con muốn viết thư tới Thầy để trước hết vấn an sức khỏe của Thầy, sau đó con xin kể Thầy nghe một chuyện rất vui mà con đang thực tập ạ.

      Con thực tập theo Thầy bắt đầu bằng việc đọc sách, những cuốn sách của Thầy đã tưới tẩm những hạt giống bồ đề trong con rất nhiều. Ngày xưa khi đưa Mẹ con đi chùa mỗi dịp năm mới hay ngày lễ, con thường đứng ngoài vì thấy đi chùa như mê tín, không phù hợp với giới trẻ như con.

      Thế nhưng, ngay lần đầu tiên tham dự khóa tu tại Làng Mai Thái Lan mùa hè năm 2017, con đã có ý định quy y thọ 5 giới với Thầy. Năm đó Thầy đang tĩnh dưỡng tại Làng Mai Thái Lan và có cơ hội được thọ giới tại đây là một điều đặc biệt. Nhưng rồi có nhiều nghịch duyên khác mà rất tiếc con chưa thể thọ giới trong những ngày đó được, nhưng ước nguyện được thọ ba phép quay về nương tựa và năm giới quý báu với Thầy chưa bao giờ tắt trong con.

      Tháng 11 năm 2018, ngay khi biết tin Thầy về tĩnh dưỡng tại chùa Tổ Từ Hiếu, con đã sắp xếp công việc để được vào thăm chùa Tổ, nếu có cơ hội thì được đảnh lễ Thầy. Con đi Huế vào đúng ngày 20/11/2018 – ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi ngồi trên máy bay, con nghĩ là cần phải viết một lá thư tri ân Thầy – vị thầy tâm linh đầu tiên của con. Con hoàn thành bức thư tay ngay khi hạ cánh, con bắt xe về thẳng chùa Tổ với ước mong kính dâng lên Thầy ngày hôm đó. Con tới chùa khi trời đã tối, con đứng trước Thất Lắng Nghe của Thầy rất lâu và tình cờ gặp quý thầy thị giả nên gửi quý thầy bức thư nhờ kính dâng lên Thầy giúp con.

      Con đã có những ngày rất thảnh thơi và hạnh phúc tại chùa Tổ năm đó. Ngày cuối cùng trước khi về Hà Nội, con viết thư tay chào Sư Cô Chân Không và nhờ quý sư cô thị giả gửi giúp. Thật bất ngờ khi ngay sau đó, Sư Cô Chân Không đã nhắn lại bảo con đợi để gặp. Rồi như một phép màu, nguyện ước bấy lâu của con đã thành hiện thực khi Sư Cô từ bi truyền thọ ba phép quay về nương tựa và năm giới quý báu cho con ngay tại chùa Tổ dưới sự chứng minh của Bụt, của Tổ và Thầy.

      Sư Cô đặt cho con pháp danh là Tâm Đại Bi với mong muốn con sẽ tiếp nối con đường mà Thầy đã dày công xây dựng để đi về tương lai, đó cũng là tâm nguyện cả đời của con khi phát nguyện thọ năm giới quý báu với Thầy. Ngày 25/11/2018, ngày con chính thức trở thành con Bụt, con của Thầy là một ngày đáng nhớ. Con đã rất hạnh phúc và biết ơn Thầy, biết ơn Sư Cô và tăng thân đã từ bi trao truyền tuệ giác. Kể từ đó, con luôn tâm niệm đã có gốc rễ tâm linh rồi, con cần phải tu tập làm sao cho xứng đáng với gia đình tâm linh đó.

      Mùa Đức Bụt đản sinh năm nay 2021 – Phật lịch 2565, con muốn làm một điều gì đó dâng lên cúng dường Bụt, cúng dường Thầy. Con cũng vừa chuyển chỗ ở và cũng muốn làm một việc mà con đã định làm từ lâu là khai báo làm mới thẻ căn cước công dân với việc ghi tôn giáo của mình là Phật giáo, đó sẽ là món phẩm vật con dâng lên cúng dường Bụt. Hầu hết người dân Việt Nam nếu không phải theo các tôn giáo khác thì đều ghi tôn giáo là “không” và trong ý niệm của tất cả mọi người, để thuận lợi nhất thì nên để là không. Nhưng con là một người con Bụt, con của Thầy, con sẽ thay đổi việc đó, dù là việc nhỏ, nhưng lại cũng có thể gây mất nhiều thời gian vì phải giải trình đầy đủ.

      Con đi làm thẻ căn cước công dân với một niềm vui sướng, và chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết. Ngay khi chú công an điền thông tin, họ xem chứng minh thư nhân dân của con và ghi vào “tôn giáo: không”, con bảo lại: “nhờ anh ghi giúp là Phật giáo”. Chú công an hỏi: “sao CMND của anh đang để là không mà?”, con bảo lại “ngày trước không là đúng, còn giờ là Phật giáo mới đúng”. Chú công an nói lại “anh có giấy tờ gì chứng minh không?” – con trả lời: “tôi có điệp hộ giới”, rồi con mở ra cho các chú công an xem. Có lẽ là lần đầu tiên các chú công an nhìn thấy điệp hộ giới Làng Mai nên cả 6 – 7 chú cứ xem rồi bảo: “sao chưa nhìn thấy cái này bao giờ?”, “cái này không chứng minh được”, “thôi anh cứ để là không đi cho tiện” …nhưng con nhất định bảo “tôi là con Bụt, nên tôn giáo của tôi phải ghi là Phật giáo”.

      Cuối cũng có một chú chắc là đội trưởng, nói: “thôi, có chữ pháp danh Tâm Đại Bi đây rồi, điền cho anh ấy tôn giáo là Phật giáo đi”. Vậy là xong, con đã thực hiện được ý nguyện dù có một vài nghịch duyên khác nữa. Ngay lúc đó con nghĩ tới mấy vần thơ của Thầy mà con thường thực tập:

      Trước sau xin chớ ngại ngần

      Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

      Giữ cho bền sắt tươi son

      Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

      Con đã hoàn thành tâm nguyện này vào đúng ngày bắt đầu tuần lễ kính mừng Đức Bụt đản sinh, và con xin dâng vật phẩm này cúng dường lên Bụt, lên Tổ và lên Thầy. Vật phẩm của con chính là sự VÔ ÚY mà Bụt đã dạy, mà con đã học được qua những bài pháp thoại của Thầy.

      Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực

      Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào

      Con kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh, bình an để làm nơi nương tựa cho tứ chúng Làng Mai.

      Thành kính dâng lên Thầy,

      Hà Nội, 19/5/2021

      Chân Đức Hạnh