Archiv des Autors: Trang Bui

Giọt nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa

Anh Jean Pierre – Chân Linh Từ là một giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ người Pháp sinh hoạt trong tăng thân Paris. Lá thư anh viết gửi Thầy và các bạn đồng tu là những lời tâm tình từ trái tim của một người, không phải là nguời Việt, nhưng đã tìm thấy hạnh phúc thật sự nhờ sự thực tập trong một cộng đồng tu tập người Việt. Nhờ sự thực tập mà anh đã nhận diện và chữa lành được những vết thưong của quá khứ. Xin mời các bạn đọc bức thư tâm tình đầy xúc cảm này.

 

Kính bạch Thầy,

Kính thưa quí thầy, quí sư cô,

Kính thưa đại chúng,

Khi đến Làng Mai lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1983 tôi chỉ mới 26 tuổi. Hồi đó Làng Mai có tên là Làng Hồng. Người ra đón tôi ở Xóm Hạ ở Meyrac là cô Phượng, tức sư cô Chân Không của chúng ta bây giờ. Sau khi nghe tôi giới thiệu mình là ai, do đâu mà tôi biết được Làng để tới một cách bất ngờ như vậy thì cô Phượng kêu lên:“A thì ra là anh, anh là Jean Pierre! Anh Jean Pierre đã từng giúp cho những người Việt đến tị nạn ở Pháp phải không?“ Tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ở đây lại biết tôi, một nơi mà trước đây tôi chưa hề đặt chân tới, hơn nữa lại là một nơi chỉ toàn là người gốc Việt.

Tôi đến Làng Hồng theo sự chỉ dẫn của một anh bạn người Việt Nam tên là Bá Thư. Anh Bá Thư đã tặng tôi cuốn sách“Phép lạ của sự tỉnh thức“ của Thầy do Lá Bối xuất bản. Cuốn sách đã đánh động tôi rất nhiều, thậm chí tôi đã chép tay ra toàn bộ cuốn sách để cho dễ thấm hơn. Khi đó tôi chưa biết là cuộc đời mình sẽ thay đổi tới mức nào.

Khi gần kết thúc mùa hè năm 1982, tôi định dành vài ngày phép còn lại của mình để trở về Làng. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt đầu thực tập thiền với cuốn sách quý báu của mình mặc dù chưa hiểu gì nhiều. Tôi tập rửa bát, tập ngồi, tập đi. Tôi cũng nhận ra được rằng thời gian làm việc luôn luôn là “thời gian của tôi“ mà không phải là thời gian “mất đi“ ví dụ như khi mình làm một việc  không thú vị gì mấy.

Tôi quen với Bá Thư ở Lyon, tại Hội Ái Hữu Sinh Viện Việt Nam qua sự giới thiệu của một anh bạn khác là Hoàng. Tôi gặp Hoàng lần đầu tiên ở Metz trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hoàng cũng đi nghĩa vụ quân sự vì anh ấy có quốc tịch Pháp. Tôi còn nhớ rất rõ cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa tôi và Hoàng.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1977 khi tôi đã đến trại được 6 tháng. Đầu năm 1977 có một toán những người mới đến. Hoàng ở trong nhóm những người được “kêu gọi đầu quân“ trong một năm. Khi gặp nhau Hoàng đi tới chào tôi một cách rất tự nhiên, và tôi cũng cảm thấy gần gũi như quen biết nhau từ lâu, giống như hai anh em sinh đôi gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Tôi rất vui có được một người bạn như Hoàng. Chúng tôi thấu hiểu nhau và trở thành một đôi bạn thân không thể tách rời nhau. Sau này tôi mới biết thêm rằng chúng tôi cũng có chung một niềm đau nỗi khổ thật sâu. Sau khi thời hạn nghĩa vụ quân sự chấm dứt tôi xuất ngũ để trở về đời sống dân sự.

Hơn sáu tháng, một hôm có tiếng điện thoại reo, mẹ tôi nhấc lên nghe và gọi tôi:“Jean Pierre, có anh bạn Việt nam của con nè!“ Đó là Hoàng. Trước tiên anh ta cất giọng trách cứ:“Bộ quên người anh già này rồi hả?“ Rồi anh ta mời tôi về chơi nhà bố mẹ anh ở Vaulx-en-Velin gần Lyon.

Gia đình Hoàng tiếp đón tôi như con cái trong nhà. Tôi đã ở đó trọn một tuần lễ và đã học cách ăn cơm bằng đũa. Tôi còn nhớ ba của Hoàng đã món gà nấu ớt cho bữa cơm chào đón tôi ngày đầu tiên. Ông đã phải đóng hết tất cả các cửa để ớt không bay ra trong không khí. Nhưngchúng tôi cũng bị ho sặc sụa vì mùi ớt.

Sau đó tôi thường xuyên trở lại Lyon để thăm Hoàng. Hoàng đã giới thiệu tôi vào Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam họp mặt mỗi tuần ở l’INSA Lyon. Tôi đã được tiếp đón như một người bạn. Khi đó tôi hoàn toàn không hiểu gì về người Việt nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi ở chung với họ. Tôi chỉ cần có mặt ở đó, trong bầu không khí không hề quen thuộc đối với tôi, nhưng lạ lùng là tôi cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Từ từ tôi bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng của hội. Hoàng không bao giờ quên mời tôi tham dự những buổi lễ hay những buổi biểu diễn văn hóa được tổ chức để giúp cho thuyền nhân tị nạn. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình là một người có ích. Tôi lấy xe chở hành lý, chở thực phẩm hay chở người đến những trung tâm tiếp cư cho người tị nạn hoặc đưa họ tới những nơi mà họ cần phải tới. Tôi rất cảm động khi thấy có những người đã mất hết tất cả, trong tình trạng sức khỏe bấp bênh và vừa trải qua những điều kiện khắc nghiệt trên thuyền trong nhiều tuần mà vẫn còn tràn đầy niềm vui và sức sống. Có một anh bạn tên Hoa đã lênh đênh trên thuyền trong suốt 18 tuần lễ. trong suốt thời gian trên thuyền hầu như anh chỉ đứng vì thuyền có quá đông người tị nạn.

Bá Thư đề nghị tôi đến thăm Làng Hồng, anh cho biết có một thiền sư người Việt Nam đang sống ở đó. Tôi chấp nhận ngay đề nghị của anh, nghĩ rằng tới đó tôi sẽ gặp một “thiền sư già“, giống như trong những phim kiếm hiệp Trung Hoa mà chúng tôi đã từng xem với nhau. Ông thiền sư với bộ râu trắng dài và dĩ nhiên là ở cái cái tuổi đáng kính. Nhưng khi đến Làng tôi đã không gặp được một “thiền sư già“ với bộ râu bạc.

Tôi đã gặp Thầy ngay ngày thứ nhất của tôi ở Làng. Hơn chục người chúng tôi ngồi trong một cái vựa cũ, bây giờ là nhà ăn của Xóm Hạ, trên những chiếc băng dài xấp theo hình vòng cung trước cái bảng dùng để giảng bài. Trước bảng có một người dùng hình vẽ để giảng giải. Ông ấy mặc một bộ đồ giản dị, gồm áo vạt hò và quần dài. Tuy không hiểu gì hết những gì ông nói nhưng tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ chắc ông ấy là thiền sư của Làng. Nhưng bỗng nhiên có một người, cũng ăn mặc giản dị, đứng lên từ chiếc băng khác, ngắt lời ngưòi đang nói một cách thẳng thắn. Ông đến trước bảng và điều chỉnh lại những mô hình mà người trước đã vẽ. Thật rõ ràng, đây chính là thiền sư mà Bá Thư đã nói với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy, một người tươi mát, dịu dàng, đồng thời cũng thẳng thắn, với một uy lực thật tự nhiên và đầy từ bi.

Ngày thứ hai của tôi ở Làng cũng đầy ấn tượng. Khi đó các em nhỏ tụ họp lại dưới hai cây sồi lớn ở Xóm Hạ để tập hát những bái hát bằng tiếng Việt. Những chiếc băng dài được xếp theo vòng tròn. Tôi giữ khoảng cách và có hơi nhút nhát. Không có người nào của Hội Ái Hữu Sinh Viên có mặt, và tôi không quen ai ở đó cả. Trong khi các em đang hát thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có hai bàn tay đặt lên vai tôi và đẩy nhẹ tôi về phía các em. Tôi nghe một giọng nói mời tôi tới cùng hát với các em:“Jean Pierre, anh ngồi xuống với các em và tập hát bằng tiếng Việt đi!“ Đó chính là Thầy, Thầy đã đến sau lưng tôi hồi nào mà tôi không hay.

Một hôm khác Thầy gọi tôi tới ngồi gần bên Thầy, đối diện với những cây mận. Thầy giới thiệu Làng với tôi, nói cho tôi biết cách sống ở Làng như thế nào, kể cho tôi nghe những ý tưởng của Thầy về tương lai của Làng, làm sao để vừa trồng cây mận vừa bảo vệ được sự sống…Và sau cùng Thầy hỏi tôi:“Anh nghĩ gì về Làng của chúng tôi?“. Lạ thay, một người nhút nhát như tôi lại trả lời thầy một cách rất tự nhiên:“Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người đến đây vì người ta rất cần một nơi như thế này!“ Tôi ngạc nhiên khi mình nói được như thế, có thể vì tôi cảm thấy thoải mái an tâm ở bên Thầy.

Tôi theo người Việt tới Làng, nhưng cuối cùng tôi cũng có nhu cầu được thực tập chánh niệm. Điều này với tôi rất quan trọng. Sự thực tập thấm vào tôi từ từ, tôi thích đi dạo trên những cánh đồng, đi trong rừng hay đi qua những vườn nho.

Một hôm thấy những giáo lý quá nặng nề đối với tôi, Thầy nói:“Jean Pierre, anh không cần phải biết kinh điển hay học thuộc những từ ngữ Phật giáo khó khăn. Anh chỉ cần sống trong Làng với chúng tôi là được rồi.“ Những lời nói đó làm cho tôi rất xúc động.

Tôi cũng xin mượn lá thư này để trả lời một câu hỏi mà tôi hay thường nghe là:“Tại sao lúc nào anh Jean Pierre cũng có mặt trong cái đám người Việt vậy?“ Lúc đầu thì tôi cười nói:“Tại sao không?“ Tôi tiếp xúc lần đầu với người Việt Nam thời còn chiến tranh trước năm 1975 qua những tin tức trên truyền hình. Lúc đó tôi còn là một thiếu niên, trong giờ tin tức buổi chiều tôi thấy gương mặt của một phụ nữ việt nam, gương mặt hằn sâu đau khổ vì các con mình đã chết trong bom đạn và một bé gái trần truồng, thân hình cháy xém, chạy trên con đường đất giữa đồng ruộng. Trái tim tôi vỡ vụn và nước mắt tôi trào ra. Tôi hiểu ra rằng, dù thời thơ ấu của tôi có nhiều khó khăn, nhưng không chỉ riêng mình tôi có khổ đau mà bất kỳ ai trên đời này đều có thể có niềm đau nỗi khổ. Tôi cảm thấy gần gũi với những người mà tôi chưa hề quen biết.

Sau này, nhờ Hoàng tôi biết được trách nhiệm của đất nước tôi thế nào trong việc tạo ra những bi kịch đó và tôi cảm thấy chính mình cũng có trách nhiệm một phần nào. Sâu tận trong đáy lòng tôi nghĩ mình phải có mặt cho những người Việt, tại vì nếu tôi bị mất một đứa con hay bị tách ra khỏi gia đình thì tôi cũng sẽ đau khổ y như những người đó. Trong tâm tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bù đắp lại lỗi lầm do đất nước mình gây ra.

1983 – Thầy và Làng đi vào cuộc đời tôi

Thời gian đầu tiếp xúc với Thầy và Làng (trong khoảng 12 năm) không thay đổi được tận gốc lối sống của tôi. Tôi vẫn tiếp tục sống một cách đơn độc, khép kín và trốn tránh đối diện với chính mình. Ở đây tôi muốn nói tới sự đối diện với những nỗi khổ niềm đau trong tôi. Tôi sống với khổ đau trong lòng và lẩn tránh những người khác càng nhiều càng tốt.

Hồi đó cộng đồng tu học, chỉ gồm có những người bạn Việt, đã chăm sóc tôi. Mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chúc một ngày quán niệm. Dù rất bị đánh động bởi cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức“ tôi vẫn không thoát ra khỏi sự cô đơn, tôi chỉ đến Làng vì những người bạn rủ tôi đi để cùng sinh hoạt hay thực tập chung với nhau. Cuối cùng thì thiền tập chỉ là một yếu tố nữa để gắn liền tôi với cộng đồng người Việt (có thể đó chỉ là một yếu tố phụ thôi). Điều đó không quan trọng đối với tôi. Điều quan trọng là tôi có được những giờ phút vui vẻ, cởi mở, cùng hát, cùng đùa chơi hay cùng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Fontainebleau, cùng rong chơi…sống không lo nghĩ! Những giây phút  đó giúp tôi quên đi nỗi lo sợ mà tôi không chia sẻ được với ai, kể cả Thầy, người mà tôi rất kính mến, người mà tôi biết là sẽ lắng nghe tôi. Tôi không muốn mình tỏ ra đáng thương. Hơn nữa tôi nhút nhát, tôi nghĩ Thầy là một người “lớn“ còn tôi chỉ là một người“nhỏ bé“, tôi không thể làm phiền Thầy vì những vấn đề riêng tư của mình.

Cùng với Thầy và cộng đồng người Việt, tôi sống những giây phút hạnh phúc trong những buổi chia sẻ, những buổi thực tập chánh niệm hoặc những buổi sinh hoạt gia đình quanh cái bàn đầy thức ăn chay ngon lành hay quanh một bình trà nóng. Từ từ một gia đình được dựng lên chung quanh tôi. Gia đình đó nhận nuôi tôi như một người con, điều này rất mới lạ với tôi vì tôi bị tách ra khỏi gia đình huyết thống lúc 6 tuổi và đưọc nhận nuôi bởi một gia đình xa lạ. Tôi biết được thế nào là bạo động, sự sợ hãi và vất vả của công việc trong một nông trại, chưa kể tới nềm đau của sự chia cắt.

Một sự thay đổi lớn đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi: tôi gia nhập vào một gia đình tâm linh, nơi đã nuôi dưỡng và che chở tôi bằng tình bạn và lòng ưu ái. Và đồng thời tôi cũng được nhận vào một gia đình mới, gia đình Việt Nam. Tôi bị rúng động, tôi không biết phải làm gì và hành xử như thế nào. Tôi nói đùa rất nhiều và cười vui một cách dễ dàng để che dấu cảm xúc và nước mắt của mình. Trái tim đầy những vết sẹo của tôi không cho phép tôi nói đến điều đó. Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất là tôi giữ liên lạc với hai gia đình mới đó, tôi biết như vậy.

Sự thực tập chánh niệm đi tôi vào  thật nhẹ nhàng

Về phương diện tu tập, mặc dù đã trải qua vài năm, nhưng khoảng cách giữa đời sống cô độc và khoảng thời gian ở chung với cộng đồng của tôi tại Fontvannes (Phương Vân Am) hay Thiền Đường Hoa Quỳnh vẫn còn rất lớn. Cả sau khi thọ 14 giới Tiếp Hiện vào năm 1986 thì sự thực tập chánh niệm và quán chiếu nhìn sâu mới từ từ đi vào đời sống hàng ngày của tôi, giúp cho tôi có được một vài chuyển hóa mà tôi cũng không nhận ra được. Nhưng khi có vấn đề xảy ra như lúc mẹ tôi mất thì sự chuyện hóa đó mới biểu hiện ra. Tôi trông nom mấy đứa cháu trai và cháu gái giúp cho chị tôi vì chị hầu như hoàn toàn mất hết lý trí. Tôi đã hướng dẫn một buổi thiền hành, tôi làm một cách thật tự nhiên, không có cố gắng gì cả. Buổi thiền hành điễn ra rất tốt đẹp. Trong lúc dừng lại nghỉ ngơi, tôi có chia sẻ là mẹ của chúng tôi không bao giờ thật sự mất đi đâu hết. Nếu nhớ mẹ thì chúng tôi có thể gặp lại mẹ một cách dễ dàng khi nhìn sâu vào bàn tay của mình, khi đi thật bình an, lắng nghe thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc hay giản dị là khi mình có mặt thật sự cho mình trong giây phút đó. Tôi đã chia sẻ như vậy và hướng dẫn thiền hành lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1990.

Và nhiều lần tôi được giữ chuông trong những buổi thiền tập, trong những buổi lễ tụng 14 giới Tiếp Hiện, lúc tụng Bát Nhã tâm kinh hay lúc hướng dẫn ngồi thiền cho các bạn thiền sinh. Tất cả đều bằng tiếng Việt. Người ta có lòng tin ở tôi hơn cả chính tôi.

Cũng có khi những người không hề thực tập thiền Phật giáo nhận xét về tôi như thế này:“Jean Pierre, cái nhìn của anh đã khác hơn trước, nó dịu dàng hơn!“, hoặc lúc tôi làm việc ở nông trại trong mùa hè:“Anh đã thay đổi, anh làm việc chậm hơn, chăm chú hơn mà không bị mệt!“(tôi nhớ lúc đó mình đã làm việc trong chánh niệm). Có một lần tôi đi thiền tới tiệm bán bánh mì trong làng nơi tôi lớn lên thì ông bán bánh mì nói với tôi:“ Ông có vẻ thật bình an!“. Có những sự kiện nhỏ nhặt như vậy xảy ra trong suốt những tháng năm, có những bất ngờ bé bé thú vị, những bông hoa nở thật đẹp trên con đường đầy đá sỏi. Điều này không làm cho tôi hãnh diện một cách đặc biệt nhưng lại khuyến khích tôi thêm trong sự thực tập.

Tiếp xúc với em bé trong tôi

Lúc mới bắt đầu thực tập ở Xóm Hạ tôi không biết là trong tôi có niềm đau nỗi khổ. Hơn nữa tôi không đến Làng vì có khổ đau. Tôi chưa biết nhận diện sự mặt của khổ đau trong tôi. Tôi không biết trong tôi có một em bé đang đau khổ, em bé còn mang tất cả những vết thương sâu của quá khứ.

Trong sách ”Phép lạ của sự tỉnh thức” có một chương với tựa đề: Thiền làm sáng tỏ và trị liệu. Tôi đã để rất nhiều thì giờ để tìm hiểu tựa đề đó, vì qua nhiều năm thực tập khổ đau của tôi ngày càng hiện rõ nhưng nó vẫn không được chữa trị. Thầy của chúng tôi dạy rằng thiền tập không làm cho mình khổ, mà trái lại. Tôi còn nhớ có một lần đến Làng tôi ho nhiều lắm. Lồng ngực của tôi đau nhức từ hơn một tháng rồi. Qua hình chụp quang tuyến tôi biết là mình không có bệnh gì cả nhưng tôi rất đau. Cô Phượng đưa Thầy đến gặp tôi. Thầy nói với tôi chỉ giản dị như này:”Jean Pierre, thiền không làm mình đau, thở không làm mình đau. Anh đừng quá cứng ngắt trong sự thực tập…”Sáng hôm sau tôi hết ho và ngực tôi không còn đau nữa. Đây là nói về sự đau nhức của thân. Đó là thời gian mà tôi nghĩ rằng thực tập thiền cũng như là tập võ thuật vậy, nó giúp cho mình mạnh khỏe hơn…một sự thực tập sai lạc. Về phương diện tâm, thì khổ đau của tôi chỉ dường như có chút chuyển hóa thôi. Tôi biết là nếu với mức độ đó thì sự thực tập của mình không đúng chút nào, dù là tôi đã biết học nhận diện và ôm ấp em bé 5 tuổi của ngày xưa trong tôi.

Sau khi kết hôn thì tôi bắt đầu xa Làng trong một thời gian khá lâu, ngoài trừ tôi có đến thăm Thiền Đường Hoa Quỳnh vài lần và một lần tôi đưa gia đình nhỏ của mình về Xóm Mới. Vợ tôi không có cùng ý muốn thực tập hay thích về Làng như tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã không biết cách làm cho vợ mình có ý thích đó, bởi chính tôi, tôi cũng có nhiều do dự và không dứt khoát. Cách thức hành xử của một người chồng và một người cha không được dạy trong trường học và tôi đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Từ từ tôi thấy biểu hiện ra sự giận dữ mà tôi đã được nuôi trong đó từ lúc nhỏ. Nó mạnh như núi lửa…sự giận dữ lớn dần lên trong tâm, tiếng la hét nổ ra, chúng tôi đi tới tình trạng rất khó khăn và chia tay.

Lúc đó Thầy thường ở bên cạnh bên tôi ban đêm, nhưng tôi không hiểu ra sự có mặt của Thầy. Tôi chỉ cảm thấy một sự thiếu vắng giống như lúc tôi rời xa mẹ tôi ngày xưa. Và một lần nữa tôi lại trốn chạy trước thực tế của một đời sống gia đình. Tôi không thấy được là tôi đã có quá đủ những gì cần thiết để sống hạnh phúc. Tôi bị kẹt vào nỗi khổ niềm đau của thời thơ ấu, của cảm giác mình là một nạn nhân…

Nhiều lần tôi đã trở về miền quê đó, nơi tôi đã lớn lên. Tôi cảm thấy mình thật bất hạnh, tôi muốn thấu hiểu và làm dịu đi niềm đau đó. Tôi đi bộ rất nhiều trong rừng, trên những cánh đồng, những bãi cỏ, những nơi mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi không nhận được ra là mình đang thực tập thiền hành. Điều này xảy ra rất rõ vào một buổi sáng sớm lúc 7 giờ khi tôi nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong sương mù. Tự nhiên tôi dừng lại và trở về với hơi thở, với hình hài của mình. Thật là một sự tái sinh, sự thực tập của tôi không “mất” đi đâu hết. Tôi thấy được khổ đau tôi đã gây ra cho chính mình và cho gia đình. Tôi không thể nào làm như vậy được, đem bạo động trong mình đổ lên người khác. Tôi gánh phần lớn trách nhiệm trong việc tạo ra tình trạng đó cho gia đình mình, cho sự kiệt quệ và sự phóng thể của mình. Tôi đã đánh mất gia đình của tôi. Nhưng một mình cô đơn không có gia đình thì sẽ ra sao?

Chỉ cần đi, đi một cách bất bạo động thì sẽ có bình an! Đó là thiền! Chăm sóc hình hài của mình, hơi thở của mình. Chú ý, chỉ chú ý tới cái gì đang xảy ra…Ngày hôm đó tôi tìm lại được tăng thân, gia đình tâm linh của tôi dưới hình thái của cỏ cây, đất đá và những con thú nhỏ như chú sóc thường hay đến cười với tôi quanh cây sồi lớn.

Tôi tiếp tục thực tập thiền hành trên những con đường trong rừng. Tôi hái nấm dại về tự nấu ăn. Tôi lượm hạt dẻ và hạt hồ đào. Và chủ yếu là tôi được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì đẹp đẽ và tươi mát. Tôi thấy rất rõ hạnh phúc mình đã có được ngay cả trong khổ đau của thời thơ ấu. Tôi thấy rất rõ khổ đau và yếu kém của nguời đã gây ra khổ đau cho tôi. Và tôi bắt đầu thương người đó thật sự.

Tôi thấy tôi là đứa bé 6 tuổi của thời đó. Trên một con đường rừng đầy ánh sáng đứa bé đã đến nắm tay tôi, nét mặt tươi cười và bước đi cùng với tôi. Thân tôi trở nên nhẹ bỗng, chân tôi như đặt trên mây, tôi cảm thấy gương mặt mình hoàn toàn thư giãn và êm dịu, một cảm giác thật bình an. Và tôi thấy cây cỏ, đất đá, thú vật, đất với trời trở thành một, trong một khoảng khắc không còn sự cách biệt nào cả. Chỉ còn lại một làn gió nhẹ giống như cái cảm giác được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau. Khổ đau chuyển hóa hoàn toàn, nhường chỗ cho tình thương vô tận. Vài bước chân, vài hơi thở và tôi trở về nhà, lòng đầy bình an. Tâm tôi trống rỗng và tôi gởi sự bình an tới cho người đó.

Tôi không có lời nào để diễn tả được trạng thái đó, tôi chỉ có những bài thơ và đặc biệt là bài thơ tôi làm lúc nhận truyền đăng:

“Tôi đặt tay lên chiếc ngực trơ xương, người đó nằm trên giường hấp hối,

Tôi ôm người đó trong tay, rồi chúng tôi cùng khóc.

Tôi thương người đó, người đã in dấu sắt nung đỏ trên thân tâm tôi.

Tình thương bất tận thấm vào trái tim, tháo tung xiềng xích của vô minh.

Những hạt giống tốt đẹp đã nẩy mầm trên tro tàn tham dục.

Không có gì cần chuyển động, chỉ vài bước chân đã đủ giẫm vào cửa Tự Do.

«Sur ton lit d’agonisant, mes mains sur ta poitrine décharnée,

   Je t’ai pris dans mes bras, puis ensemble, nous avons pleuré

   Et je t’ai aimé, oh toi qui as marqué mon corps et mon esprit au fer rouge.

   L’amour infini pénètre les cœurs, brise les chaînes de l’ignorance,

   Sur les cendres du désir et de l’avidité, germent les graines de la bienveillance.

   Quelques pas ont alors suffi pour toucher à la Liberté, sans que rien ne bouge. 

Năm 1999 người mà tôi cùng sống chung lúc nhỏ qua đời. Tôi đã đến thăm lúc ông hấp hối. Ông chỉ còn da bọc xương và thở những hơi thở cuối cùng. Ông nhận ra tôi, không hận thù không giận dữ. Trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần tôi đến đặt tay lên ngực  ông và cùng thở với ông. Sau đó tôi đi thiền hành ngoài đồng và khi trở về tôi im lặng đến bên ông và nói: ”Tôi đã đi cho ông…”. Chiều chủ nhật tôi trở về Paris. Ông ra đi một cách bình an trong đêm ngày thứ ba. Ông đã chờ tôi.

Để kết thúc

Cộng động người Việt đã đón nhận tôi như một người con, tôi rất biết ơn.

Hoàng, bạn của tôi, bây giờ đã mất. Anh chưa bao giờ tới Làng. Tôi rất nhớ anh.

Bá Thư, chính anh đã đưa tôi tới Làng, pháp tự của anh là Chân Trí. Tôi gặp lại anh tháng 6 năm 2016, sau hơn 20 năm. Anh cùng với sư cô Định Nghiêm cho pháp thoại vào tháng 6 năm 2016. Bá Thư là người anh lớn của tôi trong đạo.

Tôi còn nhớ vài người bạn như Minh, Hải, Hoa, Vinh, Tuyết, Thái…và còn những bạn khác mà tôi quên tên.

Ba mẹ và anh chị em của Hoàng.

Tôi tâm niệm: ”Chúng ta không thể xây dựng hòa bình bằng phương tiện chiến tranh!”.

Và để có một đời sống gia đình êm ấm tôi thực tập Bốn câu thần chú.

Với tất cả lòng biết ơn

Jean Pierre – Chân Linh Từ (Compassion Sacrée Authentique)

 

Không có cái chết, đừng sợ hãi!

Đây là bài viết của cô Anne Lühe, một Tiếp Hiện cư sĩ người Đức, thực tập tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB). Anne chia sẻ với chúng ta trải nghiệm của chính bản thân cô. Sự thực tập đã giúp Anne đối diện với cái chết như thế nào và cô đã có thể đã sống hạnh phúc với bệnh nan y của mình.

Tôi leo lên Đồi Táo với Thầy. Hàng trăm người đi theo Thầy, rất chánh niệm, chậm rãi và yên lặng. Waldbröl là nơi mà tôi đã hội ngộ với Thầy tôi.

Năm năm trước, tôi đã nghĩ là cuộc đời mình không còn ý nghĩa gì nữa.  Tất cả đều sụp đổ. Khi đó tôi 42 tuổi và biết là mình bị ung thư vú. Tôi sống sót nhưng bị chứng suy nhược kinh niên. Tôi không thể làm việc trở lại. Tôi không có sức khỏe, không có việc làm. Gia đình tôi tan vỡ. Hai đứa con tôi rời nhà để đi học đại học. Chồng tôi quen với một người đàn bà khác và chia tay với tôi.

Tôi tuyệt vọng vô cùng. Việc tiếp tục sống trong ngôi nhà đó làm cho tôi rất mệt mỏi. Vào các buổi chiều tôi thường lấy xe đạp vào rừng. Rừng là tăng thân đầu tiên của tôi. Tôi cảm thấy được sự liên hệ giữa mình với cây cỏ và những sinh vật sống ở đó. Tôi cảm nhận được năng lượng trị liệu từ chúng.

Mùa hè năm 2008 là lúc tôi rơi vào cái hố sâu nhất. Một ngày nọ, trong khi đang lái xe, tôi nghe về Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (EIAB) tại Waldbröl qua radio. Đó là một trung tâm tu học do một thiền sư Phật giáo người Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh, thành lập. Tôi không có ý niệm gì về đạo Bụt hay văn hóa Việt Nam. Tôi sợ mình sẽ phạm sai lầm. Tôi hoang mang, không chắc điều gì sẽ xảy ra cho mình ở đó.

Nhưng nỗi lo sợ đó tan biến rất nhanh. Tăng thân Waldbröl đã mở rộng cửa nhà và trái tim để đón nhận tôi. Tôi đã tìm được cho mình một quê hương, một con đường và sư thực tập tâm linh.

Vì không còn phải gánh trách nhiệm gì với gia đình hay công việc nên hai năm tiếp theo đó tôi coi EIAB chính là nhà của mình. Tôi sống với tăng thân xuất sĩ với tư cách một cư sĩ thường trú. Tôi cũng làm việc có ích cho trung tâm. Ban đêm tôi dạy tiếng Đức cho các thầy, các sư cô trẻ. Ban ngày tôi làm việc trong văn phòng, giúp phiên dịch trang mạng của EIAB và những tờ chương trình từ tiếng Anh sang tiếng Đức.

Trong những tháng đầu tiên ở EIAB tôi đặt trọng tâm của sự thực tập vào câu: Tôi ý thức rằng, hạnh phúc chân thực đến từ tự tâm chứ không phải do những điều kiện bên ngoài và tôi có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng tôi đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc. Phép thực tập chánh niệm thứ 3 này là sự thực tập quan trọng nhất đối với tôi. Tôi có thể áp dụng nhiều phương pháp như sự thực tập: dừng lại thở khi nghe tiếng chuông được thỉnh lên mỗi 15 phút, hát những bài thiền ca trước khi đi thiền hành, đọc và quán chiếu những bài kệ của Thầy trên những bức thư pháp hay những tấm thiệp treo khắp nơi. Sự buồn khổ to lớn mà tôi đã từng kẹt vào dần dần được chuyển hóa nhờ sự có mặt của các thầy và các sư cô. Họ đã tặng cho tôi những nụ cười hay nắm lấy tay tôi khi tôi khóc. Chúng tôi đã cùng trải nghiệm những giây phút hạnh phúc trong khi im lặng, trong khi chơi xe trượt tuyết trên Đồi Táo, trong khi đi dạo hay chơi bóng với nhau.

Sau khi tôi sống với Tăng Thân được 9 tháng thì sư cô Chân Đức mở một khóa tu về Tình thương đích thực theo giáo lý của đạo Bụt. Trong dịp đó tôi đã nhận Năm Giới. Từ đây, tôi cảm thấy đã sẵn sàng để tiếp tục đi trên con đường thực tập. Sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp danh là “Wahre Präzenz des Herzens”. Pháp danh này giúp cho tôi có được cái nhìn thoáng hơn trong sự thực tập, trong ước muốn thực hành ước nguyện của mình và hiểu một cách đúng đắn hơn câu nói của các thầy, các sư cô: Cô Anne, cô không cần phải làm gì cả. Sự có mặt của cô cũng đã yểm trợ cho Tăng Thân rồi.

Thực tập trong một Tăng Thân có công năng trị liệu, cái thấy đó và sự biết ơn đưa tôi tới một chí nguyện sâu xa hơn. Tôi được tập sự trong dòng tu Tiếp Hiện dưới sự chỉ dẫn của y chỉ sư của tôi là cô Annabelle Zinser trong 2 năm. Trong thời gian này tôi học được nhiều kỹ năng quan trọng nhờ sự gợi ý của cô, ví dụ như cô nói: Đừng suy nghĩ nhiều mà hãy chỉ thử nhìn một cách đơn thuần,“là nó đó”, hay là em tự hỏi mình: Tôi đã sẵn sàng cho hơi thở vào này, cho hơi thở ra này, cho cảm thọ này, cho tâm hành này chưa?

Sự thực tập giúp rất nhiều cho tôi. Khi truyền giới sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp tự là “True Inclusiveness of the Ocean”. Tôi rất vui được tu tập theo pháp tự này. Tôi thích đại dương và tôi thích ví dụ này: Nếu bỏ một nắm muối vào ly nước thì nước trong ly không uống được nữa. Nhưng nếu bỏ một nám muối vào đại đương thì nước của đại dưong vẫn không hề hấn gì.

Vào tháng 10 năm 2017, khi bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy với di căn vào gan thì tôi chấp nhận thông tin đó mà không có phản kháng nào. Trong tâm, tôi thấy mình rộng lớn như đại dương. Tôi bình tĩnh, tôi thấy có không gian trong lòng, không sợ hãi, không tuyệt vọng và bất an. Tôi nghĩ “là nó đó”, và không có gì ngoài việc thở. Giờ đây tôi có thể trải nghiệm những gì được học với chính bản thân mình: Nếu ta có thể chấp nhận bệnh tật trong cơ thể thì ta sẽ đau khổ ít hơn.

Đêm đó tôi đã thức rất lâu. Tôi nhớ lại 13 năm trước tôi đã đón nhận tin mình bị ung thư như thế nào, đã đối diện với cái chết như thế nào, và đã cảm thấy cô đơn như thế nào. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết cô độc một mình, con đường chuyển tiếp đó tôi sẽ phải đi qua một mình. Ý nghĩ đó làm tôi đau buồn và sợ hãi. Cái cảm thọ “mặt đất dưới chân mình bị lấy đi” cũng rất mạnh. Sự an toàn, sự tin tưởng và sự gắn bó vào đời sống đều biến mất trong thân, trong cảm thọ và trong tư tưởng của tôi.

Nhưng lần này mọi việc khác hẳn. Tôi thức, nằm đó và cảm thấy được nối kết, bảo bọc. Tôi đang nằm trong bóng tối, cảm nhận được nền đất dưới lưng mình và sự liên kết với tất cả chúng sinh, với Đất Mẹ, với tất cả những người thương và đặc biệt là với Tăng Thân của tôi. Bên cạnh mẹ tôi, con tôi, bạn đồng hành của tôi, tôi còn thấy những người thầy, những em gái và em trai trong đạo của tôi, những người tôi cảm thấy rất gắn bó vì cùng chung chí hướng, cùng chung một sự thực tập và sự trải nghiệm tương tức.

Điều đó có nghĩa là tôi biết mình sẽ được tiếp nối một cách rất cụ thể trong tương lai khi tôi không còn biểu hiện dưới hình thức này nữa. Mỗi phân tử của thân thể tôi sẽ tiếp tục tồn tại, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và hành động của tôi sẽ không mất đi mà tiếp tục sống trong những người đó. Tôi biết, nếu ý niệm về cái chết không có thì sự sợ hãi cũng không còn: Không có cái chết, đừng sợ hãi! Điều này không có nghĩa là tôi phủ nhận mình sẽ chết. Trái lại tôi còn ý thức “mình sẽ chết” trong từng giây từng phút. Và chính ý thức đó làm cho đời sống của tôi đẹp hơn. Tôi không viết tình trạng của mình thành một bi kịch. Tôi không tìm tòi trong mạng mà tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ của mình. Tôi ý thức được trọn vẹn rằng cái chết trong giờ phút này chỉ là một ý niệm. Tôi biết, là hình hài này ngày nào đó sẽ ngừng thở, trái tim này một ngày nào đó sẽ ngừng đập. Nhưng điều đó chưa xảy ra bây giờ, trong hiện tại tôi đang sống trong những điều kiện thật màu nhiệm.

Chúng ta không cần phải là Phật tử mới có được thái độ đó. Chúng ta không cần theo một tôn giáo (hiểu theo định nghĩa thông thường của chữ tôn giáo) mới nhận ra rằng, đời sống trên hành tinh này là một sự mầu nhiệm. Chúng ta cần thực tập, thực tập buông bỏ ý niệm Có-Không, an trú trong giây phút hiện tại, không đánh mất mình trong sự hối tiếc về quá khứ và sợ hãi, lo lắng cho tương lai. Đó là sự thực tập chánh niệm.

Sự thực tập mà tôi thích nhất là luôn ý thức được: Phút giây hiện tại, phút giây tuyệt vời! Tôi có may mắn là vẫn còn sống 3 năm sau khi chẩn đoán bị ung thư. Cho tới nay tôi vẫn không sụt cân và vẫn còn sức. Khi có sự đau đớn trong cơ thể (rất hiếm khi) thì tôi thực tập: Thở vào, tôi cảm thấy có cái đau trong thân, thở ra tôi mỉm cười với cái đau đó. Sự buồn nôn, đối với tôi còn khó chịu hơn sự đau đớn. Tôi thực tập: Thở vào, thở ra. Tôi để Bụt thở cho tôi. Tôi để Bụt nằm cho tôi, để Bụt đi cho tôi. Đôi khi, tôi tưởng tượng mình đang nằm trên một cái võng mà Bụt hay vũ trụ giăng lên cho tôi, và như vậy tôi cảm thấy thật thư giãn và nhẹ nhàng.

Ăn cơm trong chánh niệm cũng cho tôi nhiều niềm vui. Tôi ý thức được mình có rất nhiều thức ăn tốt lành và bổ dưỡng! Tôi không đau răng! Tôi không có vết thương và mụn trong miệng! Kể cả khi có vết thương trong miệng tôi cũng hạnh phúc vì ý thức rõ rằng, nếu ăn mà không bị đau đón trong miệng thì thoải mái biết nhường nào.  Ở EIAB chúng tôi cũng có thực tập chánh niệm trong khi đi vệ sinh. Thực vậy, tôi rất hạnh phúc mỗi khi đi tiêu hay đi tiểu mà không có vấn đề gì. Điều này chứng tỏ là những bộ phận trong cơ thể tôi còn hoạt động tốt và thân này là một tác phẩm mầu nhiệm như thế nào.

Có thể một ngày nào đó bạn sẽ đến thăm EIAB. Ở nơi đó, chùa tổ của tôi, bạn có thể có được những trải nghiệm được những cái giống như tôi. Cũng có thể bạn sẽ tìm được con đường hạnh phúc của mình ở một nơi khác. Nhưng dù bằng cách nào, ở nơi nào, vào lúc nào thì khi bạn đi ra một cánh đồng và ngước nhìn lên bầu trời, bạn cũng sẽ hội ngộ với tôi. Một đám mây không bao giờ chết.

Không có con đường đưa tới hạnh phúc

Hạnh phúc là con đường

Với tuệ giác này Anne đã bắt đầu một cuộc sống mới với bệnh ung thư.

Có được hạnh phúc trong những hoàn cảnh bất hạnh, đó là một điều này có thể xảy ra.

Anne Lühe ( No death no fear )

Bốn pháp ấn của Làng Mai

  1. Đã về đã tới
  2. Đi như một dòng sông
  3. Thời đế tương tức
  4. Sát na dị thục

Sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, tăng đoàn của Ngài tiếp tục đến 140 năm sau mới có sự phân phái. Tăng đoàn chia ra thành hai phái lớn là Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Giữ cho tăng đoàn đi được như một dòng sông trong vòng 140 năm đã là quá lâu và quá giỏi. Có những người trong chúng ta nghĩ về sự phân phái là một triệu chứng tiêu cực. Nhưng khi xét lại lịch sử chúng ta thấy sự phân phái rất cần thiết. Tăng đoàn phân ra làm hai rồi cứ tiếp tục phân phái và cuối cùng trong mấy trăm năm thì đã có tới trên dưới 20 bộ phái Phật giáo. Có những điểm các tông phái không đồng ý với nhau, nhưng điều đó không phương hại gì đến sự thực tập. Lý do là sự phát triển của những tư tưởng siêu hình học (metaphysic) có mục đích để giải thích những giáo lý Nguyên Thỉ. Chúng ta có nhu yếu rất lớn trong việc đi tìm hiểu thêm về phương diện siêu hình của những lời Đức Thế Tôn giảng dạy. Để thỏa mãn nhu yếu của quần chúng, các bộ phái phải tiếp tục phát triển thêm sự tìm kiếm của mình và thiết lập ra những pháp môn tu học mới. Nếu không phân phái ra thành 20 bộ phái thì tăng đoàn đã không chinh phục được toàn cõi Ấn Độ. Nhờ phân chia ra thành 20 bộ phái mà có nhiều sắc thái mới phát hiện ra trong dòng sông đạo Bụt. Mỗi tông phái tìm cách đáp ứng với những nhu cầu mới của dân chúng. Chỉ trong vòng một vài trăm năm đạo Bụt đã chinh phục được toàn cõi Ấn Độ với sự yểm trợ của vua A Dục. Trong thời gian 140 năm sau khi Bụt nhập diệt, đạo Bụt chỉ có ở một dãy miền trung Ấn Độ. Nhưng nhờ sự phân phái, nhờ sự phát triển của giáo lý đạo Bụt để đáp ứng lại nhu cầu khác nhau của dân chúng mà đạo Bụt đã chinh phục được toàn cõi Ấn Độ.

Có nhiều vị đặt câu hỏi: Nếu các bộ phái chủ trương khác nhau như vậy thì người học đạo Phật biết phải theo ai? Câu hỏi đó làm tôi nhớ đến hiện tượng tâm lý học trị liệu ở Tây phương. Ở Tây phương bây giờ có rất nhiều trường phái tâm lý trị liệu. Có người tốt nghiệp từ những trường học tâm lý trị liệu nhưng khi ra trường thì họ không theo trường phái nào cả. Đa số đều giữ thái độ cởi mở. Họ thấy trường phái nào có cái hay nào thì họ sử dụng cái hay ấy của trường phái đó. Sự có mặt của nhiều trường phái tâm lý trị liệu không có phương hại tại vì chúng ta có quyền tự do trong khi thực tập và hành nghề. Chúng ta thấy những cái khác nhau của những trường phái và tùy theo trường hợp và kinh nghiệm của mình chúng ta chọn lựa những gì thích hợp nhất. Có càng nhiều trường phái càng tốt để cho chúng ta có cơ hội học hỏi và trị liệu. Vườn hoa có biết bao nhiêu là loại hoa. Nếu không muốn hoa cúc thì ta chọn hoa sen, nếu không muốn hoa sen thì ta chọn hoa anh đào. Chúng ta có thể chọn lựa theo nhu yếu của mình.

Các tông phái Phật giáo có những chủ trương khác nhau, nhưng ta thấy trong cái khác nhau có cái đồng nhất. Trường phái nào cũng muốn trung thành với giáo lý đạo Bụt nên đã cố gắng giữ lại những giáo lý căn bản như vô thường, vô ngã, niết bàn, v.v… Sau khi chinh phục được toàn cõi Ấn Độ, đạo Bụt bắt đầu lan ra các nước chung quanh. Hiện bây giờ đạo Bụt đã có mặt trên toàn thế giới tại vì đạo Bụt có một thái độ cởi mở, luôn luôn tìm học và nhận diện được nhu yếu mới của các địa phương, của các thời đại để cống hiến những giáo lý và những phương pháp thực tập mới. Chúng ta phải đi theo con đường đó, chúng ta đừng nên quá cứng trong sự giảng dạy và thực tập của mình.

Sau này có thể pháp môn Làng Mai sẽ không giống như Làng Mai ngày hôm nay. Những bài pháp thoại sẽ khác với những bài pháp thoại chúng ta nghe hôm nay. Nếu nhìn lại 23 năm trước thì chúng ta thấy Làng Mai bây giờ đã khác xưa rồi. Làng Mai luôn luôn cởi mở để lắng nghe, nhận diện những khó khăn và những khổ đau của con người trong thế hệ chúng ta. Cách giảng dạy và phương pháp thực tập cũng tùy theo đó mà thay đổi. Chúng ta đã có sự thực tập Ba cái lạy* rồi lại có Năm cái lạy*. Điều đó chứng tỏ Ba cái lạy cũng hay mà Năm cái lạy cũng hay. Chúng ta phải để ý, vì có nhiều pháp môn mới nên thỉnh thoảng ta có cảm tưởng là mình quên những pháp môn cũ.

Ngày xưa thiền sinh tới Làng Mai không đông như bây giờ. Chúng ta có một loại thiền trà mà số người tham dự không quá sáu người. Có một vị trà chủ và hai vị trà giả nắm vững kỹ thuật thiền trà. Đó là một buổi thiền trà chính thống, đúng mức, rất mầu nhiệm. Ngồi thực tập một buổi thiền trà với nhau trong hai giờ đồng hồ đem lại một niềm vui rất lớn, rất mới. Nhưng những năm gần đây thiền sinh tới Làng Mai ít được nếm một buổi thiền trà đúng mức. Chúng ta thường dự ‘‘đại thiền trà’’, nó không có hương vị và chiều sâu của thiền trà chính thống. Như vậy Làng Mai nên coi chừng để đừng đánh mất pháp môn thiền trà đúng mức của mình. Tôi xin kêu gọi tăng thân cố gắng làm sao phục hồi lại được pháp môn thiền trà nguyên thỉ của chúng ta. Những người tham dự thiền trà đều có giấy mời riêng. Những người không có giấy mời không được vào dự thiền trà. Muốn cho buổi thiền trà có tầm vóc và có giá trị thì vị trà chủ và cả các vị trà giả phải thực tập đàng hoàng mới có thể hiến tặng một buổi thiền trà đúng mức. Đây là một lời kêu gọi, có thể là một lời năn nỉ hay yêu cầu.

Có thể trong 20, 30 hay 50 năm nữa các thầy, các sư cô, các vị giáo thọ cư sĩ sẽ giảng dạy một cách khác hơn, sẽ đưa ra những giáo lý, những chủ trương mà hôm nay chúng ta chưa có. Điều đó sẽ xảy ra tại vì xã hội sẽ có những nhu yếu mới, những cơ hội mới. Trong thời của Đức Thế Tôn làm gì có máy vi tính, có điện thoại cầm tay và có những khó khăn mà chúng ta gặp trong thời đại ngày nay. Vì vậy trong giới luật cũng như trong sự thực tập xưa đã không có những pháp môn để đối trị với những thứ đó. Nếu quá trung thành với giáo lý Nguyên thỉ thì không bao giờ chúng ta mở ra được những pháp môn mới để đối trị với những khó khăn, những khổ đau mới. Chúng ta phải có óc sáng tạo. Đạo Bụt có khả năng sáng tạo. Cây bồ đề phải luôn luôn mọc thêm cành lá mới, cho thêm hoa trái mới thì mới có thể làm trọn được sứ mạng của mình.

Trong sách Bước tới thảnh thơi có những bài thi kệ mà ngày xưa không có như bài kệ Đi xe đạp, bài kệ Nói điện thoại, bài kệ Bước lên máy bay hay bài kệ Tắt đèn điện. Trong Giới bản tân tu chúng ta có rất nhiều giới điều phản ảnh được nhu yếu thực tập mới.

Đã về đã tới

Nhưng sau này, trong 30 hay 50 năm, dù các thầy, các sư cô, các vị giáo thọ cư sĩ có giảng dạy hay thực tập gì đi nữa, thì tinh thần đã về đã tới cũng cần phải được duy trì. Như thế mới có thể gọi được là con cháu hay là sự tiếp nối của Làng Mai. Bất cứ một giáo lý hay một sự thực tập nào phản lại tinh thần đã về đã tới thì không còn là chính thống của pháp thực tập Làng Mai. Đã về đã tới là một nguyên tắc rất đơn sơ nhưng rất căn bản. Sau này chúng ta có thể giảng dạy và thực tập rất khác, nhưng nếu cách giảng dạy và thực tập của mình mang dấu ấn của đã về đã tới thì chúng ta biết mình vẫn còn nằm trong truyền thống của Làng Mai.

Đã về đã tới là sự tiếp nối của giáo lý Hiện pháp lạc trú. Đã về đã tới tuy mới nhưng thật ra rất cũ. Trong giáo lý của Đức Thế Tôn có chánh niệm, chánh niệm là trở về sống trong giây phút hiện tại, đừng đánh mất mình trong quá khứ, trong hy vọng và lo lắng ở tương lai.

Nói đã về đã tới, trở về trong giây phút hiện tại thì dễ nhưng làm được thì không dễ như ta tưởng. Khi nghe giáo lý Hiện pháp lạc trú ta biết đã về đã tới là chính thống đạo Bụt. Làng Mai không đặt ra cái mới, Làng Mai theo chính thống nhưng diễn giải theo một cách mới.

Đi như một dòng sông

Nếu chúng ta tìm cách xé lẻ, không chịu đi tới quyết định chung, không sống trong tăng thân thì chúng ta không theo truyền thống của Làng Mai. Các bộ phái có chủ trương riêng thì Làng Mai cũng có chủ trương riêng của mình và chủ trương của Làng Mai cũng muốn trung thành với chủ trương của Đức Thế Tôn.

Đã về đã tới, đi như một dòng sông: Chỉ có chín chữ thôi nhưng nếu làm được thì chúng ta vẫn còn ở trong truyền thống Làng Mai. Nếu 30 năm hay 100 năm hay 300 năm sau mà chúng ta còn theo đúng nguyên tắc đã về đã tới, đi như một dòng sông thì chúng ta vẫn là con cháu, là sự tiếp nối của Làng Mai và của Đức Thế Tôn.

Thời đế tương tức

Thời là thời gian. Có ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Trong các bộ phái, có bộ phái nói chỉ có hiện tại là có thật, còn quá khứ và vị lai không có. Cũng có bộ phái nói hiện tại có thật mà quá khứ và vị lai cũng có thật.

Chủ trương của Làng Mai là: ba thời tương tức với nhau, quá khứ cũng là hiện tại và hiện tại cũng là tương lai, tiếp xúc với một thời là tiếp xúc được với ba thời, cái đó được gọi là tam thời tương tức. An trú trong hiện tại không có nghĩa là chối bỏ quá khứ và xua đuổi tương lai tại vì tiếp xúc sâu sắc với hiện tại là tiếp xúc với quá khứ và đã có thể tiếp xúc được với cả tương lai. Một thời ôm hết ba thời, chúng ta không có sự chia chẻ, phân biệt. Đó gọi là ba thời tương tức.

Đế là sự thật 諦, có hai đế là chân đế và tục đế. Chân đế là sự thật tuyệt đối, tục đế là sự thật tương đối. Đứng về phương diện sự thật tương đối thì có bắt đầu, có chung cục, có trên, có dưới, có sống, có chết, có mê, có ngộ, có sinh tử, có Niết bàn, có phàm, có thánh. Nhưng đứng về phương diện chân đế thì không còn sự phân biệt, không sinh, không diệt, không có, không không, không trên, không dưới, không trước, không sau, không trong, không ngoài. Nhìn từ phía hình thức, hiện tượng, chúng ta thấy hai sự thật như là chống đối nhau. Kỳ thực, tiếp xúc sâu sắc với tục đế ta có thể tiếp xúc với chân đế trong đó.

Sự thật “vô thường, vô ngã” là chân đế hay tục đế? Chúng ta đặt câu hỏi: “Anh nói vô thường, nhưng anh hãy cho tôi biết cái gì vô thường?” Cái đó có hay không thì chúng ta mới nói nó là thường hay là vô thường. Nếu cái đó không có thì cái gì vô thường? Vô thường là một tĩnh từ (adjective), phải có một chủ thể nào đó thì mới có thể nói cái chủ thể ấy là vô thường hay hữu thường. Vào đời Trần chúng ta có một thiền sư cư sĩ tên là Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung. Ông là y chỉ sư của vua Trần Nhân Tông. Tuệ Trung Thượng Sĩ là anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, người đã đánh bại quân Mông Cổ giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Ông tu hành và thành một thiền sư cư sĩ rất giỏi. Ông có để lại một công án mà hai câu đầu là niêm (quotation):

Chư hạnh vô thường

Thị sinh diệt pháp

Có nghĩa là: Tất cả các pháp đều vô thường, chúng đều là những cái có sinh và có diệt. Đó là hai câu đầu trích ra từ một bài kệ rất nổi tiếng:

Chư hạnh vô thường

Thị sinh diệt pháp

Sinh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc

Tuệ Trung Thượng Sĩ hỏi một câu: “Vậy cái gì sinh diệt?” Đứng về phương diện hiện tượng, tất cả các hành đều vô thường, chúng đều có sinh và có diệt. Thiền sư đặt câu hỏi: “Nói có sinh có diệt thì cái gì sinh diệt? Phải có một cái gì đó thì cái đó mới sinh, mới diệt. Còn nếu nói tất cả chỉ là bóng dáng của hư ảo thì làm gì có sinh diệt? Sinh là giả mà diệt cũng là giả!” Đó đúng là câu hỏi của một thiền sư.

Hữu Bộ (Sarvāstivāda) nói tất cả đều có, có sinh, có diệt. Vậy thì cái có sinh diệt đó là cái gì? Sau này Đại Thừa phản ứng lại. Các bộ phái Tiểu Thừa nói có sinh có diệt, không có ngã nhưng có pháp (ngã không pháp hữu) và chính pháp đó có sinh có diệt. Đại Thừa hỏi lại: Cái gọi là có sinh có diệt đó có thật hay không? Câu hỏi đó đưa tới chủ trương “pháp không” của Đại Thừa. Tại vì Hữu bộ nói các “pháp có” nên Đại Thừa phản ứng ngược lại: Cái mà anh gọi là có đó, nó cũng là không (ngã không pháp không).

Thật ra khi có rồi thì không thể nào trở thành không được và khi đã không có thì không thể nào trở thành có được. Câu hỏi ở đây là: Cái thực thể, cái bản chất của cái gọi là có sinh có diệt đó là cái gì? Cái đó là vô thường vô ngã nhưng ý niệm vô thường đi ngược lại ý niệm thường và ý niệm vô ngã đi ngược lại ý niệm ngã.

Đứng về phương diện tục đế, vô thường là cái đối với thường và vô ngã là cái đối với ngã. Nhưng đứng về phương diện chân đế, sự vật quả thật không phải vô thường cũng không phải vô ngã. Theo sự thật tuyệt đối, sự vật không thường cũng không vô thường, không ngã cũng không vô ngã, tại vì thường-vô thường và ngã-vô ngã là những cặp chống đối nhau như những cặp trên-dưới, trái-phải. Khi sự vật còn nằm trong những cặp chống đối thì chúng vẫn còn ở trong chân lý tương đối hay tục đế.

Khi nghe Bụt nói giáo lý vô thường, chúng ta đừng vội ôm lấy nó và cho nó là chân lý tuyệt đối. Ý niệm vô thường chẳng qua là để đối trị ý niệm thường. Khi u mê ta ghì chặt những ý niệm trong cuộc sống và cho nó là thường. Bụt đưa ra ý niệm vô thường để chữa bịnh thường, đây chỉ là thuốc. Mục đích của Bụt không phải là để diễn tả sự thật là vô thường mà là để gỡ chúng ta ra khỏi cái kẹt vào ảo tưởng “thường”. Và bây giờ chúng ta lại bị kẹt vào ý niệm vô thường. Giáo lý vô thường cũng là giáo lý tương đối, là một sự thật tương đối. Sự thật tuyệt đối thì siêu việt cả thường và vô thường. Vì kẹt vào ý niệm ngã, chúng ta đau khổ. Muốn cứu chúng ta Bụt đưa ra vô ngã và rốt cuộc chúng ta cũng bị kẹt vào. Ngã không phải là sự thật và vô ngã cũng chưa phải là sự thật. Nó chỉ mới là sự thật tương đối để giúp chúng ta đi tới chân lý tuyệt đối là: Không ngã cũng không vô ngã, không thường cũng không vô thường.

Đế tương tức có nghĩa là chân lý tương đối và chân lý tuyệt đối đi với nhau. Nếu khéo léo tiếp xúc với chân lý tương đối thì chúng ta có thể đi vào chân lý tuyệt đối. Hai sự thật không chống đối nhau gọi là đế tương tức.

Đế cũng có nghĩa là Tứ đế, tức là khổ, tập, diệt và đạo. Khi học về Tứ đế chúng ta thấy, nếu hiểu khổ đế thấu đáo thì đồng thời ta cũng hiểu tập đế, diệt đế và đạo đế. Bốn đế tương tức, không phải học xong đế thứ nhất rồi ta mới rời nó để đi qua đế thứ hai, học xong đế thứ hai rồi ta mới đi qua đế thứ ba, v.v… Hiểu như vậy là ta chưa hiểu đế thứ nhất. Hiểu một trong bốn đế cho thấu đáo là hiểu được cả bốn đế. Có bộ phái chủ trương khi học Tứ đế chúng ta phải đi từ từ, nhưng cũng có bộ phái khác chủ trương học Tứ đế không đạt thì thôi còn nếu đạt được một đế thì đạt được bốn đế cùng một lúc.

Làng Mai chủ trương: Thời đế tương tức. Đứng về phương diện “Nhị đế” thì hai đế tương tức mà đứng về phương diện “Tứ diệu đế” thì bốn đế cũng tương tức. Thấy được một trong bốn đế là thấy được bốn đế, gọi là thời đế tương tức.

Theo nguyên tắc “đã về đã tới” chúng ta giải quyết được không biết bao nhiêu là nghi vấn như nguyên tắc Tịnh độ chẳng hạn. Mọi người đều nghĩ Tịnh độ chỉ có mặt trong tương lai và ở một nơi nào khác. Quan điểm và phương pháp của Làng Mai là: Nếu tâm ta thanh tịnh thì Tịnh độ hiện ra liền lập tức trong giây phút hiện tại. Đó là giáo lý “đã về đã tới”. Nếu có người hỏi Làng Mai nghĩ như thế nào về pháp môn Tịnh độ thì ta chỉ có thể căn cứ trên pháp môn “đã về đã tới” để trả lời.

Ngày hôm kia, sư cô Như Bảo đã lên tham vấn tôi trước khi về lại Mỹ. Sư cô đặt câu hỏi: “Chủ trương hiện pháp Tịnh độ có trái chống với giáo lý Tịnh độ đang được truyền dạy và thực tập hay không? Hầu hết những người đang tu Tịnh độ bây giờ đều nghĩ Tịnh độ là một cái gì ở phương Tây và mình chỉ tới được khi mãn hết kiếp này. Tịnh độ đó thuộc về một thời khác và ở một điểm khác. Nó có chống đối với quan niệm “đã về đã tới” của Làng Mai không?”

Câu trả lời là như thế này: “Tại vì chúng ta có giáo lý tam thời tương tức. Cái gọi là tương lai đã có trong hiện tại và cái gọi là bên kia đã có trong cái bên này. Cái bên này chứa đựng cái bên kia và cái bên kia chứa đựng cái bên này. Không những thời gian tương tức mà không gian cũng tương tức. Tinh thần đạo Bụt là một tinh thần rất từ bi, rất bao dung. Chúng ta phải có khả năng đối xử và đáp ứng lại được với mọi căn cơ. Có những người trong chúng ta có thể thực tập được “Đương xứ Tịnh độ” tức Tịnh độ hiện tiền hay Hiện pháp Tịnh độ. Nhưng có những người khác không có khả năng như thế, họ chỉ có thể tin vào một Tịnh độ bên kia sau khi chết, như vậy thì dễ cho họ hơn. Trong giây phút hiện tại họ khó tìm được Tịnh độ ở đây. Đối với những người chưa có khả năng thấy được Tịnh độ trong mỗi cái nhìn và dưới mỗi bước chân mình thì chúng ta phải để cho họ tin vào cõi Tịnh độ của họ. Nhưng chúng ta hy vọng với sự thực tập và sự yểm trợ của chúng ta, một thời gian nào đó họ có thể thấy và sống được trong Tịnh độ bây giờ và ở đây. Đó là do tâm từ bi và đức bao dung của Bụt mà ra. Sự thật là khi ta đã có được Tịnh độ bây giờ thì chắc chắn ta sẽ có Tịnh độ trong tương lai, tại vì Tịnh độ bây giờ là cái nhân của Tịnh độ tương lai. Nếu chúng ta không có Tịnh độ bây giờ thì e rằng hy vọng của chúng ta ở một Tịnh độ trong tương lai rất bấp bênh.

Cách đây hai năm có một buổi diễn thuyết tại Đức. Đó là lần đầu tiên mà những người Công giáo và người Tin lành ở Đức quốc tới với nhau để mở đại hội. Tôi được mời diễn giảng cho một thính chúng khoảng năm ngàn người. Tôi không nói về Tịnh độ mà nói về Thiên quốc (Thiên quốc tức là Tịnh độ). Tôi nói như thế này: Những người thanh niên bây giờ đi tìm hạnh phúc bằng cách chạy theo những thứ như sắc dục, danh vọng và quyền hành, và họ đau khổ rất nhiều khi chạy theo những đối tượng đó. Nhà thờ làm thế nào để người thanh niên ngưng chuyện theo đuổi những đối tượng đó, chứ đừng nên hứa hẹn một Thiên quốc mà họ sẽ đi lên sau khi chết. Theo tôi, nhà thờ phải cung cấp những pháp môn thực tập để người trẻ có thể nếm được hạnh phúc của Thiên quốc ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cách duy nhất có thể ngăn người thanh niên không chạy theo những dục vọng để tàn hoại cơ thể và tâm hồn của họ. Những người giảng dạy là những người phải có khả năng sống trong Thiên quốc Chúa ở trong giây phút hiện tại.

Sau buổi nói chuyện, có ba vị giám mục, hai vị Công giáo và một vị Tin lành lên bàn tròn để trả lời câu hỏi của thính chúng. Một vị giám mục Công giáo nói: “Ý niệm hiện pháp Thiên quốc hay quá! Sống trong thiên đường của Chúa ngay trong giây phút hiện tại. Nhưng tôi vẫn muốn có một Thiên quốc ở bên kia sau này.” Ông muốn có cả hai cái. Một người đã nghe, đã ngộ, đã thấy có thể sống trong Thiên quốc hiện tại nhưng vẫn muốn có hai cái cho chắc ăn! Một người đã tu cao tới chức giám mục rồi nhưng vẫn muốn có một Thiên quốc sau này, huống hồ những người chưa làm giám mục, chưa làm đại đức, thượng tọa hay hòa thượng. Họ làm sao không có ước mơ có một Thiên quốc hay một Tịnh độ ở bên kia?

Có những người có khả năng sống trong Tịnh độ trong giây phút hiện tại. Cả những người trẻ cũng có khả năng đó. Nhưng có rất nhiều người chưa có khả năng đó. Chúng ta đã học “duy tâm Tịnh độ”. Di Đà là tự tánh của ta và Tịnh độ cũng có mặt ở trong tâm ta. Những người căn cơ chưa sắc bén khó có thể tiếp nhận được giáo lý “duy tâm Tịnh độ” và “Di Đà tự tánh”. Chúng ta hãy để cho họ cái Tịnh độ của họ. Niệm Bụt dù là Bụt A Di Đà của tương lai, niệm Tịnh độ dù là Tịnh độ của tương lai cũng giúp cho người ta có niệm, có định còn hơn là để tâm trí đi lang bang suốt ngày. Vì vậy chúng ta chấp nhận Tịnh độ đó, chúng ta có sự bao dung và lòng từ bi. Trong khi an hưởng Tịnh độ hiện tại, chúng ta làm thế nào để những người khác cũng có thể nếm được mùi Tịnh độ hiện tại.

Câu “đã về đã tới” rất căn bản. Căn cứ trên tuệ giác đã về đã tới ta có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề như vấn đề làm sao có một quan niệm chính xác về Tịnh độ. Tôi đã trả lời sư cô Như Bảo như vậy. Sư cô có vẻ hạnh phúc lắm, không còn thấy có sự giằng co giữa hai quan niệm về Tịnh độ.

“Đi như một dòng sông” cũng rất quan trọng. Nếu xa lìa tăng thân thì ta có thể đánh mất pháp môn, đánh mất sự thực tập của mình. “Đi như một dòng sông” là sự thực tập quy y Tăng, là sống với tăng thân để được tăng thân hướng dẫn, che chở và yểm trợ. Sự cần thiết của “đi như một dòng sông” rất lớn, ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Là người tu mà sống một mình, không đi như một dòng sông, chúng ta sẽ thất bại.

Chúng ta đã có nghe nói về một bộ phái gọi là Kinh Lượng Bộ. Kinh là sự ghi chép lại những lời của Đức Thế Tôn nói. Lượng là sự phán đoán, so sánh, đo lường, là sự quyết đoán của mình, và sự quyết đoán này được căn cứ trên những lời của Đức Thế Tôn dạy. Kinh Lượng Bộ là một tông phái phản ứng lại phương pháp và thái độ của một số bộ phái khác. Một số các tông phái khác như Thượng Tọa Bộ hay Hữu Bộ, trong khi sáng tạo ra nền văn học A Tỳ Đạt Ma (Abhidharma) tức Luận tạng, đã nghĩ rằng Luận Tạng là cao hơn hết (Thắng pháp), tại vì giáo pháp trong Luận Tạng được hệ thống hóa, tiếng Anh là systematic dharma. Pháp trong Kinh chưa cao vì nó còn rải rác, Luật là hành trì, nên Kinh và Luật không bằng Luận. Khi đọc Kinh chúng ta phải đọc hết Kinh thì mới nắm được tất cả lời Bụt dạy, còn khi đọc Luận ta chỉ cần đọc một cuốn thôi, trong đó đã bao gồm, tóm thâu tất cả những yếu nghĩa của lời Bụt dạy. Các tông phái, sau khi đã sáng tạo một kho tàng Abhidharma vĩ đại, bắt đầu tóm thâu văn học Abhidharma lại thành những tác phẩm cô đọng.

Hai tác phẩm cô đọng đại diện cho Thượng Tọa Bộ là Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-magga) và Giải Thoát Đạo Luận (Vimukti-magga). Các tác phẩm đó được tôn thờ, sùng thượng và học hỏi rất kỹ. Khi đọc người ta nương vào đó để hiểu ý Kinh, người ta lệ thuộc vào A tỳ Đạt Ma để hiểu Kinh.

Hữu Bộ có A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma-Kośa-śastra). Đây là một tác phẩm vĩ đại tóm thâu tất cả những giáo lý của Bụt theo quan điểm của Hữu Bộ. Nhưng tác giả Thế Thân không trung thành một trăm phần trăm với Hữu Bộ tại vì ông đã nghiên cứu và học hỏi Kinh Lượng Bộ. Trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận có những chủ trương không phù hợp hoàn toàn với chủ trương của Hữu Bộ tại vì tác giả đã chịu ảnh hưởng của Kinh Lượng Bộ. Kinh Lượng Bộ chủ trương phải trở về với những lời Bụt dạy. Ta đừng nên đi phiêu lưu quá trong các lãnh vực siêu hình, lý thuyết và triết học. Kinh lượng là sự phán đoán, suy xét dựa trên những lời Bụt dạy. Các tác giả của A Tỳ Đạt Ma căn cứ trên tư duy nhiều hơn là tin tưởng và căn cứ trên những lời Bụt Dạy.

Trong Phật giáo có thái độ: Nếu ta kẹt nhiều quá vào chữ nghĩa ta sẽ không thấy được lời Bụt dạy. Chữ nghĩa là một phương tiện, nhưng kẹt vào phương tiện ta sẽ đánh mất nội dung. Trong lịch sử Phật giáo có nhiều người bị kẹt vào chữ nghĩa nên đánh mất nội dung của Bụt dạy. Chúng ta có câu:

Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan

Ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết

Có nghĩa là nếu ta y vào từng chữ từng lời trong Kinh một cách cứng ngắc để giải nghĩa thì ta làm cho các Đức Bụt trong ba đời bị oan ức.

Ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết lại là một thái cực khác. Nghĩa là nếu ta lìa bỏ một chữ trong Kinh thì chủ trương đó cũng tương đương với lý thuyết của ma vương.

Ý muốn nói chúng ta phải sử dụng kinh điển một cách thông minh. Trong kinh “Người biết sống một mình” có câu: Đừng tiếc nuối quá khứ, đừng lo lắng tương lai. Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Căn cứ trên những chữ đó chúng ta nghĩ Đức Thế Tôn chủ trương chỉ có hiện tại là có thật còn tương lai và quá khứ không có thật. Nhiều tông phái đã dựa trên đó để bài bác chủ trương của Hữu Bộ tại vì Hữu Bộ chủ trương: Tam thế thật hữu, pháp thể hằng hữu, tức là ba thời thật có và thể tánh các pháp luôn luôn có. Kinh Lượng Bộ cũng như các bộ phái khác căn cứ trên một đoạn trong kinh “Người biết sống một mình” mà cho rằng Đức Thế Tôn nói rõ ràng là quá khứ không còn.

Phương châm chúng ta là nương vào kinh điển nhưng phải có sự thông minh trong khi sử dụng kinh điển. Chúng ta bỏ đi một chữ cũng không được mà chúng ta kẹt vào một chữ cũng không được. Chúng ta phải học Phật với một thái độ thông minh.

Trong bất cứ một truyền thống nào, Cơ đốc giáo, Do thái giáo hay Hồi giáo cũng vậy, có những người bám sát lấy từng chữ trong kinh điển. Những người chủ trương bám sát từng chữ, giữ lấy truyền thống, sợ sệt không dám thay đổi, ở Tây phưong người ta gọi là fundamentalist.

Làng Mai chủ trương phải sống trong giây phút hiện tại. Chánh niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong phút giây hiện tại, quán chiếu nó và sống với nó cho sâu sắc. Theo tinh thần của kinh “Người biết sống một mình” chúng ta không nên để tâm tư bị lôi kéo bởi những tiếc thương, những hối hận về quá khứ hoặc bởi những lo sợ, những mơ tưởng về tương lai. Nếu để những tâm hành tiếc thương, hối hận và lo lắng lôi kéo thì ta không có mặt được trong giây phút hiện tại để sống cuộc sống của mình một cách sâu sắc.

Nhưng có những người bạn của chúng ta lầm tưởng rằng Làng Mai không cho phép suy nghĩ về quá khứ hay thiết kế cho tương lai. Kỳ thực thái độ của chúng ta là không nên để cho những tiếc thương về quá khứ kéo ta ra khỏi sự sống. Chúng ta không bị cấm nghĩ hay quán chiếu về quá khứ, tại vì quá khứ có thể là một bài học rất hay. Nếu đem quá khứ trở về giây phút hiện tại và quán chiếu nó thì ta có thể học được từ nó rất nhiều và ta cũng có thể lớn lên được rất nhiều. Trong khi đem quá khứ trở về hiện tại để quán chiếu thì ta vẫn còn an trú trong hiện tại. Quá khứ trở thành một đề tài quán chiếu. Ta không rời hiện tại mà vẫn tiếp xúc được với quá khứ, quá khứ vẫn nằm trong hiện tại. Ít người thấy được điều đó nên ta phải giải thích cho họ. Ví dụ như trong quá khứ ta đã vụng về gây khổ đau cho một người thân. Thương tích vẫn còn đó trong ta, trong người thương, và ta chưa làm gì để xóa bỏ vết thương đó. Vết thương đó thuộc về quá khứ nhưng nó vẫn nằm gọn trong hiện tại, vẫn còn ảnh hưởng tới hạnh phúc ta trong giây phút hiện tại. Nếu trở về hiện tại và nhận diện nó thì ta có thể chữa trị và chuyển hóa nó.

Như vậy ta vẫn còn có quyền năng đối với quá khứ. Quá khứ không phải là cái gì đã đi qua rồi và ta không thể trở về để sửa chữa lại những cái ta đã làm sai. Đạo Bụt chủ trương rằng những gì ta đã làm sai trong quá khứ, ta có thể chữa lại trong hiện tại. Trong quá khứ có ai mà không có vụng về? Chúng ta đã nói vài câu, làm vài cử chỉ gây thương tích cho người ta thương. Nó đeo đuổi ta, làm cho ta có mặc cảm không thoát ra được. Theo giáo pháp này, an trú trong giây phút hiện tại, tiếp xúc với hiện tại một cách sâu sắc, ta tiếp xúc được với quá khứ đang nằm trong hiện tại và ta có thể đưa hai tay ra để chuyển hóa, hàn gắn và trị liệu những vết thương trong quá khứ. Đó là chuyện ta có thể làm được. Điều ta không nên làm là để cho sự tiếc thương, buồn khổ hay hối hận kéo ta đi, không cho ta làm gì được trong hiện tại.

Chúng ta nói tương lai là cái gì chưa tới, kỳ thực tương lai đã có rồi và đang xuất hiện từ từ để trở thành hiện tại. Có giờ phút nào mà ta không tiếp xúc với tương lai đâu? Điều ta không nên làm là để cho những lo lắng và sợ hãi về tương lai trấn ngự làm cho ta không làm được gì hết trong giây phút hiện tại. Đem tương lai trở về hiện tại để thiết kế là cái chúng ta có thể làm được, tại vì trong khi thiết kế tương lai ta không đánh mất hiện tại và sự sống của mình. Cách thiết kế tương lai hay nhất là quản lý hiện tại cho giỏi. Quản lý hiện tại cho giỏi thì tất nhiên ta sẽ có tương lai. Càng lo lắng càng sợ hãi thì tương lai càng hư thêm tại vì tương lai chỉ được làm bằng một chất liệu, chất liệu đó là hiện tại. Quản lý hiện tại với tất cả tài năng, tất cả tâm tư, đó là ta đã làm tất cả cho tương lai rồi. Ta thiết kế tương lai nhưng thực ra ta vẫn còn an trú trong hiện tại. Ngay trong hiện tại ta đã có thể thấy được tương lai tại vì tương lai đang nằm trong hiện tại.

Cây chanh đang có hoa, tuy chưa có trái, nhưng nhìn vào thân chanh và lá chanh, ta thấy trái chanh rồi. Đó chỉ là vấn đề thời gian. Nếu ta chăm bón cây chanh thì thế nào mai này trái chanh cũng lớn đẹp. Ta có chủ trương:Tam thời tương tức, thời đế tương tức. Quá khứ, hiện tại, vị lai, tuy là ba nhưng chúng là nhau.

Sáng hôm nay trong lúc quán niệm về tăng thân, chúng ta đã nói: Bạch Đức Thế Tôn, tăng thân này là của Ngài xây dựng ra. Ngài đã để tâm huyết, thì giờ và tuệ giác để xây dựng nó. Ngài đã trao truyền Ngài cho tăng thân vì vậy khi tiếp xúc với tăng thân con đã tiếp xúc với Ngài.

Ta gieo một hạt bắp xuống đất, hạt bắp nẩy mầm trở thành cây bắp. Khi tiếp xúc với cây bắp ta tiếp xúc với hạt bắp ngày xưa. Ta đừng cho là hạt bắp ngày xưa không còn nữa. Nó không còn dưới hình thái ngày xưa nhưng nó còn trong hình thái của cây bắp ngày hôm nay. Đi tìm Đức Thích Ca Mâu Ni theo tinh thần đó thì ta gặp Ngài liền lập tức. Tăng thân là sự tiếp nối của Đức Thế Tôn, tiếp xúc với tăng thân là ta tiếp xúc được với Đức Thích Ca Mâu Ni cũng như tiếp xúc với cây bắp thì ta tiếp xúc được với hạt bắp năm xưa. Ta không cần phải trở về quá khứ mới tiếp xúc được với hạt bắp hay tiếp xúc được với Đức Thích Ca Mâu Ni. Tiếp xúc bằng cái thấy vô tướng thì ta có thể thấy được tất cả quá khứ và tương lai trong hiện tại.

Người thương của ta, ta nói đã mất rồi, ta tiếc thương hình bóng của quá khứ. Kỳ thực người thương của ta đang được tiếp nối trong hiện tại, nếu muốn ta có thể tiếp xúc được với người thương một cách rất sâu sắc. Không có gì mất đi cả! Những người tiếc thương quá khứ là những người chưa có tuệ giác.

Có người đi hành hương Ấn Độ, tới những thắng tích như Bồ Đề Đạo Tràng hay núi Linh Thứu đã đứng khóc ròng và nói: “Bạch Đức Thế Tôn, con là người vô phúc. Con đến trể quá, Đức Thế Tôn đã nhập diệt từ 2500 năm trước đây rồi!” Những người ấy không có tuệ giác tại vì họ đi tìm hình ảnh của hạt bắp trong quá khứ và không biết quá khứ đó vẫn còn dưới hình thái mới.

Khi tiếp xúc với tăng thân của Đức Thế Tôn là ta tiếp xúc được với Đức Thế Tôn. Không có lúc nào mà ta không tiếp xúc với Đức Thế Tôn. Đối với cha mẹ, ông bà của ta cũng vậy. Cha mẹ, ông bà không phải là những sự việc thuộc về quá khứ, các vị là những sự việc của hiện tại. Nếu muốn ta có thể tiếp xúc với cha mẹ và ông bà ngay trong giây phút hiện tại. Sự có mặt của các vị rất rõ ràng, rất hiện thực. Ta tiếc thương tại vì ta bị kẹt vào những hình tướng cũ. Không có gì mất đi, tất cả đều được tiếp tục dưới những hình thái mới. Tu tập là để thấy và để tiếp xúc được những hình thái mới đó. Những tiếc thương, lo lắng, buồn khổ, hối hận đều tan biến. Không có gì gọi là quá muộn.

Ta có thể sửa chữa, có thể chuyển hóa được quá khứ ngay trong giây phút hiện tại. Ta có thể tạo điều kiện cho tương lai, muốn tương lai như thế nào thì ta làm ngay trong hiện tại. Cái thấy của chúng ta về ba thời không phải là cái thấy kỳ thị, phân biệt. Một thời ôm lấy cả hai thời kia trong lòng.

Giả dụ chúng ta đang ngồi trên xe hơi và nhìn qua cửa sổ của xe hơi. Những gì đang thấy qua cửa sổ tượng trưng cho hiện tại, những gì chưa thấy tượng trưng cho tương lai. Khi tương lai chạy ngang qua hiện tại rồi thì nó đi về quá khứ.

Ở Việt Nam và Trung quốc, vào mùa Thu (Trung Thu) người ta hay chơi đèn kéo quân. Đèn kéo quân hình tròn hay hình vuông, bên trong có một vòng, khi thắp đèn lên thì tạo ra năng lượng làm cho trần của cây đèn quay rất đều và cái vòng ấy quay bất tuyệt. Ngồi ngoài nhìn, ta thấy có một băng hình. Ta có thể sử dụng giấy, tre và keo để làm ra một câu chuyện, những nhân vật trong câu chuyện hiện ra từ từ và những gì đang xảy ra trước mặt ta thì ta thấy còn những gì ở phía sau đèn thì ta không thấy. Thường thường chúng ta nói “bỏ quá khứ phía sau lưng”. Nhưng ở đây chúng ta thử suy nghĩ ngược lại: Chính tương lai là cái sau lưng vì tương là cái đang chờ để trở thành hiện tại. Hiện tại mà ta đang thấy đã có rồi trong tương lai nhưng lúc nó chưa hiện ra thì ta không thấy. Nếu không có tương lai thì làm sao có hiện tại? Tương lai đã có rồi, nó đang chuẩn bị biểu hiện đấy thôi.

 Nhìn vào cây chanh ta thấy lá chanh, cành chanh, ta chưa thấy trái chanh. Nhưng trái chanh đang chuẩn bị ở trong cây chanh, chỉ có con mắt của người có trí mới thấy được. Nếu không thấy được trái chanh trong lá chanh thì ta không phải là người có trí. Khi trái chanh tượng hình thì tương lai đang trở thành hiện tại. Nếu nói “tương lai chưa tới” thì có thể tạm chấp nhận được còn nói “tương lai không có” thì không đúng. Hiện tại làm sao có được nếu không có tương lai?

Quá khứ là ở trước mặt tại vì ta sẽ trở thành quá khứ. Quá khứ nằm trước mặt chúng ta. Tôi thế nào rồi cũng phải già, tôi thế nào rồi cũng phải chết. Chúng ta nên tập nhìn như vậy: Quá khứ nằm trước mặt ta.

Hiện tại là cửa sổ, nó có thể rộng hay hẹp tùy theo cách nhìn của ta. Đi tới cùng thì hiện tại có thể chỉ là một sát na. Đứng xa nhìn, ta có thể thấy hiện tại rộng hơn, nhưng hiện tại là cái gì ta có thể thấy được. Chúng ta hãy tập nhìn sự việc đi từ tương lai đến hiện tại rồi đi về quá khứ. Chúng ta thường nói: “Vì muốn có một tương lai đẹp nên hiện tại ta phải hành xử cho đàng hoàng.” Ta biết quá khứ là cái ta sẽ trở thành. Ta đang trở thành quá khứ trong mỗi phút giây và ta cũng muốn có một quá khứ đẹp. Có ai mà không muốn có một quá khứ đẹp? Trong một bài hát của sư cô Quy Nghiêm có câu: “Ta vẫn có ngày mai, ta vẫn còn quá khứ, nên hôm nay ta vẫn sống nhẹ nhàng.”

Ngày mai đó đẹp và quá khứ cũng đẹp. Người nào có một quá khứ đẹp là có một vốn liếng, một gia tài. Dân tộc nào có một quá khứ đẹp thì dân tộc đó có một vốn liếng. Chúng ta ai cũng muốn có một quá khứ đẹp, nhưng ta có quyền hạn gì đối với quá khứ không? Nếu nói quá khứ đã qua rồi thì ta làm gì có quyền hạn? Chỉ trong giáo lý này ta mới có quyền hạn đối với quá khứ. Tùy theo cách quản lý hiện tại mà ta có một quá khứ đẹp hay không đẹp. Quá khứ là gì? Quá khứ là một sản phẩm của hiện tại. Nếu hiện tại đẹp thì thế nào quá khứ cũng đẹp. Trong hiện tại chúng ta đang chế tác cho mình một quá khứ đẹp. Quá khứ đẹp rất quan trọng. Ta sống như thế nào để có một quá khứ đẹp và một tương lai đẹp.

Giáo lý này cho chúng ta thấy rằng muốn có một quá khứ đẹp và một tương lai đẹp thì ta phải biết quản lý hiện tại, phải biết chăm sóc hiện tại với tất cả sức lực và tài năng của mình. Hơn nữa trong giáo lý này có sự mầu nhiệm: Ta có quyền năng đối với quá khứ chứ không phải ta chỉ là nạn nhân của quá khứ. Nhiều người trong chúng ta thường than phiền “ta là nạn nhân của quá khứ.” Nhưng ta phải biết ta có quyền năng đối với quá khứ tại vì ta đang có cơ hội chế tác quá khứ. Ta chế tác bằng gì? Ta chế tác quá khứ bằng nghiệp (hành động) của mình.

Nghiệp có ba mặt là hành động (thân), lời nói (ngữ) và tư duy (ý). Phát khởi ra một tư tưởng, đó là ý nghiệp và một khi đã được phát khởi lên thì tư tưởng ấy trở thành quá khứ. Muốn có một quá khứ đẹp ta nên phát khởi thiện ý, tức là một tư tưởng tốt, một tư tưởng có tình huynh đệ, có sự bao dung, có sự tha thứ. Trong khi làm phát khởi một tư tưởng tốt ta thấy khỏe trong người, ta có hạnh phúc và đồng thời ta cũng chế tác cho mình một quá khứ đẹp. Khả năng chế tác một tư tưởng đẹp, khả năng đó nằm trong quyền lực của ta. Có thể vì một lý do nào đó khiến ta không muốn nói ra một lời nào đó, nhưng ta biết nếu nói ra được lời ấy thì nó sẽ mở rộng không gian trong ta và trong người kia cho nên ta nói. Đó là một thiện ngôn. Phát ra một thiện ngôn, tự nhiên không gian mở rộng trong ta, ta thấy khỏe, và ta cũng mở ra không gian trong lòng người kia. Nói ra thiện ngôn, ta được thừa hưởng ngay lập tức câu nói của mình. Câu nói của ta trở thành một quá khứ đẹp, quá khứ đẹp đó là vốn liếng của ta. Điều muốn nói đây là chúng ta có quyền hạn đối với quá khứ và chúng ta đang xây dựng một quá khứ cho mình, cho đất nước mình và cho hành tinh của mình.

Khi nghĩ rằng mình không làm được gì cả thì phải nên nhớ: Ta không phải bất lực. Ta có thể đang chế tác một quá khứ, mà chế tác được quá khứ là chế tác được tương lai. Tương lai tới là do quá khứ tạo tác ra. Ta thấy trong cây đèn kéo quân: Những gì trình diện trong hiện tại đều đến từ tương lai và những gì trong quá khứ sẽ trở thành tương lai. Giữa quá khứ và tương lai không có một ranh giới, nói một cách khác: Quá khứ chính là tương lai. Trên phương diện hình thức, quá khứ là quá khứ và tương lai là tương lai. Nhưng với sự quán chiếu ta thấy rõ được rằng quá khứ chính là tương lai. Trong đời sống hàng ngày không có lúc nào mà ta không chế tác quá khứ. Ta chế tác quá khứ đẹp để có tương lai đẹp tại vì bất cứ một tư tưởng nào, một lời nói nào, một hành động nào đều cũng có thể trở thành quá khứ, đều không mất, để rồi lại trở thành tương lai.

Vào những dịp lễ Giáng Sinh hay Tết, ở Làng thường tổ chức văn nghệ. Trước khi ra sân khấu trình diễn, các sư cô núp sau hậu trường để hóa trang. Khi chưa ra tới sân khấu thì các sư cô đang ở trong tương lai. Nếu không có các sư cô sau hậu trường thì làm sao có các sư cô ở hiện tại trên sân khấu. Sau khi đóng vai trò của mình xong, các sư cô trở lại hậu trường để chuẩn bị cho những vai trò khác. Quá khứ sẽ trở thành tương lai trở lại. Trên phương diện lý luận hình thức ta có thể hiểu được quá khứ là quá khứ, quá khứ không thể là tương lai. Nhưng trong tuệ giác này quá khứ chính là tương lai. Nó là quá khứ nhưng nó đang âm thầm chuyển động, nó đang chế tác để trở thành tương lai.

Nhưng có sự khác biệt giữa giữa cây đèn kéo quân và sự diễn biến của nghiệp. Cây đèn kéo quân chỉ lặp lại đều đặn và mãi mãi một thứ thôi, nhưng trong nghiệp thì có sự thay đổi. Trong giây phút hiện tại ta có quyền chế tác quá khứ, ta có quyền xây dựng tương lai. Nói như vậy giống như là chỉ trong giây phút hiện tại mới có sự chuyển động, mới có sự chuyển hóa. Nhưng khi hiện tại đã trở thành tương lai thì nó vẫn tiếp tục chuyển động, vẫn tiếp tục chuyển hóa. Các sư cô, khi đóng xong vai trò trên sân khấu, vô cởi lớp hóa trang cũ ra để đóng vai trò khác, phía sau sân khấu vẫn có sự hoạt động. Điều này ta thấy rất rõ trong giáo lý dị thục cũng như sự diễn biến của nghiệp

Sát na dị thục

Khi một nghiệp nhân được gây ra thì nghiệp nhân đó có thể đưa lại nghiệp quả liền lập tức. Nhưng nghiệp nhân đó còn có thể đưa tới nghiệp quả dài dài. Ta nói một câu và làm cho người kia vui hay buồn, ngay trong giây phút đó đã có kết quả hiện tiền. Câu nói này trở thành quá khứ và vẫn tiếp tục trên con đường dây chuyền nhân quả. Nó có thể ảnh hưởng đến tư duy của người ấy sau này và có thể ảnh hưởng đến tư duy, lời nói và hành động của ta sau này.

Trong Duy biểu học có danh từ dị thục. Dị thục là chín tư từ và đưa tới kết quả, không những trong giờ phút hiện tại, mà còn trong tương lai. Thục là chín và dị là có chuyển hóa, có thay đổi khác trước. Ví dụ, một trái cam khi còn bé thì xanh chua, khi chín thì đỏ vàng và ngọt. Trái cam cần có thời gian để chín, nghiệp của chúng ta cũng cần có thời gian để chín. Nó có thể có kết quả liền lập tức, nhưng có khi phải đợi đến 20 năm sau mới có kết quả lớn. Đức Thế Tôn chỉ hành đạo trong vòng 45 năm nhưng lời nói, hành động và cách sống của Ngài có ảnh hưởng lâu dài, không những trong nước Ấn Độ mà còn trên khắp thế giới, không những trong thế kỷ thứ 7 mà còn trong thế kỷ thứ 10, thứ 25, thứ 30. Những hạt giống Ngài gieo, có khi đến ba ngàn năm sau mới chín. Quan niệm dị thục rất hay. Dị là biến đổi, thục là chín. Dị có nhiều nghĩa. Nó cũng có nghĩa là khác thời. Dị thục có nghĩa là chín không cùng một thời. Nghiệp có khi chín rất mau, có khi chín rất lâu, tùy theo loại. Thời gian chín của trái mít, trái chuối, trái xoài….khác nhau.  Khi chín thì nó không còn giữ hình thái cũ (biến màu). Như con sâu, nhân của nó tuy là con sâu nhưng khi chín thành quả thì nó trở thành con bướm, con bướm rất khác con sâu. Đó gọi là biến dị.

Chúng ta có ba loại dị: dị thời, dị loại và dị biến. Đạo Bụt bây giờ rất khác với đạo Bụt 2500 năm trước, nó vẫn là đạo Bụt nhưng hình thức rất khác. Trong khung cửa của hiện tại, nhờ có chánh niệm, có ý thức về những gì đang xảy ra mà ta chế tác ra những sự thay đổi bằng ba mặt là thân, khẩu và ý. Bằng tư tưởng, bằng lời nói và bằng việc làm, chúng ta có khả năng chế tác được quá khứ và chế tác được tương lai, chúng ta có khả năng chữa trị được quá khứ và chữa trị được tương lai. Tới tháng tư, các hồ sen của xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Mới bắt đầu lên những lá búp, lúc đó những con bọ chưa xuất hiện. Nếu để bọ xuất hiện bám đầy, hút hết chất bổ trong lá thì lá sen lên sẽ không đẹp. Ta phải dùng lá cà, tỏi, hành, giã ra làm thành một dung dịch xịt lên búp lá để các con bọ không có cơ hội xuất hiện. Vì vậy ta có quyền đối với quá khứ, ta muốn chế tạo quá khứ như thế nào thì ta chế tạo. Ta còn có quyền năng với tương lai. Ta muốn tương lai khi phát hiện ra trong hiện tại thì phát hiện theo kiểu chúng ta muốn. Chúng ta chuẩn bị trước bằng cách tạo ra những nghiệp nhân tốt trong hiện tại. Chúng ta gởi chúng về quá khứ và quá khứ đó sẻ trở thành tương lai.

Trong quá trình, từ khi sự việc rời bỏ giây phút hiện tại đi về quá khứ rồi trở thành tương lai, luôn luôn có sự thay đổi, chín muồi và chuyển biến theo nguyên tắc dị thời, dị biến và dị loại. Chúng không chỉ thay đổi trong khung cảnh của hiện tại. Những hạt giống trong ta, những tâm hành trong ta, những cái giận, cái buồn, cái vui, những hy vọng, đức khiêm cung của chúng ta đang tiếp tục thay đổi và chuyển biến. Nhờ sự thực tập trong giây phút hiện tại mà ta có thể giao phó trách nhiệm cho quá khứ và cho tương lai. Quá khứ và tương lai ở phía sau hậu trường vẫn tiếp tục làm việc. Chúng ta bắt chúng làm việc theo hướng mà ta thích. Tất cả những tư tưởng, những lời nói, những hành động chúng ta phát ra vẫn còn đó và tiếp tục đi theo đường hướng tác động dây chuyền. Chúng làm việc trong bối cảnh của quá khứ và tương lai mà ta không thấy. Nói ‘‘quá khứ và tương lai không có, chỉ có hiện tại có thôi’’ là chúng ta hiểu ý của Bụt một cách sai lầm.

Tiếp xúc với bất cứ một sát na nào của hiện tại một cách sâu sắc, ta cũng tiếp xúc được với quá khứ và tương lai. Đố ai tìm được một ranh giới giữa quá khứ và tương lai? Chúng ta không thể nói quá khứ đi tới một điểm nào đó rồi thay đổi để trở thành tương lai. Quá khứ nằm trong tương lai và tương lai nằm trong quá khứ. Hiện tại cũng thế. Đó là ba thời tương tức. Đây là bốn pháp ấn của Làng Mai:

       Đã về đã tới

       Đi như một dòng sông

       Thời đế tương tức

       Sát na dị thục

Sát na dị thục có nghĩa: Không phải chết đi rồi thì ta mới đi đầu thai, mới tiếp tục. Sự sinh tử, sự tái sinh, sự tiếp nối của chúng ta xảy ra trong từng giây phút. Trong 50 bài tụng duy biểu có câu: dị thục từng phút giây. Khi ta phát ra một tư tưởng thì tư tưởng đó là dị thục nhân, nó sẽ đưa tới dị thục quả và đó là sự tiếp nối của ta, là hậu thân của ta. Chúng ta đừng hỏi sau khi chết rồi mình sẽ thành gì? Không cần phải chết đi, không đợi đến khi hình hài này tan rã rồi ta mới biết mình sẽ thành gì. Trong giây phút hiện tại ta đã thấy được ta rồi. Ta có thể thấy được dị thục tại vì tiếp xúc với hiện tại ta có thể thấy được tương lai và quá khứ. Là người có trí, có tuệ giác thì nhìn chung quanh ta có thể thấy được sự tiếp nối của mình. Tất cả những tư tưởng, những lời nói và những hành động của ta đã có tác động trên thực tại. Ta nhìn thấy được sự tiếp nối của mình là thương yêu, là bao dung, là tha thứ hay là hận thù, là tuyệt vọng. Nó tùy thuộc ở ba nghiệp của ta.

Theo giáo lý này ta thấy hậu thế của mình ngay trong giây phút hiện tại, thấy ngay bây giờ, không cần phải đợi đến sau này mới thấy. Ta thấy sự tiếp nối, sự luân hồi và tái sinh của mình liền trong giây phút hiện tại, tại vì ta được tái sinh trong từng giây phút. Tái sinh bằng con đường nào? Tái sinh bằng con đường tạo nghiệp. Đây mới là đạo Bụt thâm sâu. Nghĩ rằng sau khi thân xác này tan hoại rồi thì ta mới lên đường đi đầu thai vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, thiên, nhân, a tu la, v.v.., đó chưa phải là đạo Bụt thâm sâu. Đạo Bụt thâm sâu là, bất cứ lúc nào ta cũng có thể nhận thức được, tùy theo ba nghiệp của mình mà ta có thể là thiên, là nhân hay là a tu la. Đó gọi là sát na dị thục.

Chúng ta đừng để tư tưởng bất lực chiếm cứ mình. Chính ta là người làm ra quá khứ và tương lai. Bằng những tư tưởng, những lời nói, những hành động trong hiện tại ta có thể làm một cuộc cách mạng thay đổi quá khứ và tương lai. Chìa khóa đang nằm trong tay chúng ta. Nếu ta đang ở trong tình trạng tuyệt vọng và cảm thấy mình là nạn nhân của quá khứ thì ta nên biết rằng cái thấy đó là một cái thấy bị bưng bít. Ta có trong tay khả năng có thể chuyển hóa được quá khứ và xây dựng tương lai. Trong giây phút nào ta cũng có thể phát ra chánh tư duy, chánh ngữ, hay chánh nghiệp để tạo cho mình và cho những người thương của mình một quá khứ đẹp, một tương lai đẹp và chúng ta có thể bắt đầu thừa hưởng ngay kết quả của hành động ấy trong phút giây hiện tại.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Trích trong: Những con đường đưa về núi Thứu)

Tâm tình với các bạn trẻ: Chia sẻ về nghi thức tụng niệm và lễ lạy

Các bạn trẻ thương quý,

Tôi viết thư này như những lời tâm tình với các bạn trẻ, lẽ dĩ nhiên là các bạn trẻ người Việt. Tôi không muốn giảng pháp cũng có ý không thuyết phục. Tôi chỉ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã thực tập, đang thực tập hàng ngày và sự thực tập này đã mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.

Lúc còn trẻ, tôi thường được bà ngoại dẫn đi chùa vào những ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Bà tôi không phải là một Phật tử nhưng bà có lời nguyện, mỗi năm sẽ đi mười chùa trong những ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Bà ngoại tôi đi chùa chỉ để lạy Bụt, cầu xin Bụt ban sự bình an cho tất cả mọi người trong gia đình. Còn tôi, tôi thích đi theo bà để được ăn cơm chùa. Trong những ngày lễ lớn như vậy nhà chùa nấu ăn rất ngon, có nhiều món lạ và chùa mời tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai, đến ăn cỗ mà khỏi phải trả tiền. Bà tôi tới chùa, thắp hương, lạy Bụt và bảo tôi quỳ xuống lạy Bụt như bà để đựợc phước. Lúc đó trong lòng tôi bỗng nổi lên sự phản kháng. Tôi cứ đứng lì ra đó và không chịu lạy xuống. Tôi cảm thấy lạy như thế thì có vẻ như là hạ mình và mất nhân phẩm.

Tôi quên nói với các bạn là từ nhỏ, lúc vừa bắt đầu đi học, tôi đã được gửi vào trường của một dòng tu Thiên chúa giáo, và học ở đấy 12 năm cho đến khi tốt nghiệp trung học. Trường học cũng đồng thời là tu viện của một dòng nữ tu, có nhà nguyện xây theo phong cách gothic Tây phương. Thành thật mà nói, tuy tôi không theo Thiên chúa giáo, nhưng hình ảnh của nhà thờ và những ma sơ còn quen thuộc với tôi hơn là hình ảnh của ngôi chùa với các thầy và các sư cô. Tôi học thuộc thánh kinh nhưng hoàn toàn không biết gì về kinh điển Phật giáo. Lúc đó là thời chiến tranh đang rất khốc liệt, cứ lâu lâu tôi lại nghe tiếng tụng niệm của các thầy Phật giáo làm lễ cầu siêu cho đám tang ở những nhà lân cận. Tiếng tụng kinh nghe buồn thê thảm. Tôi rất sợ nghe tiếng tụng niệm đó vì mỗi lần nghe tụng kinh là tôi nghĩ ngay tới người chết và đau khổ. Tôi kể với các bạn điều này để các bạn biết là tôi đã từng có thành kiến với tụng niệm và lễ lạy như thế nào.

Cho mãi tới sau này, khi đã lập gia đình và có con, đối diện với những bế tắc trong cuộc đời, chới với và sợ hãi, tôi mới có cơ duyên được gặp Thầy và những pháp môn thực tập. Tôi đưọc Thầy dạy cho giáo lý đạo Bụt, những pháp môn thực tập áp dụng được vào trong đời sống cho bớt khổ như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm, thiền trà, v.v… và nhất là thiền lạy. Thầy giảng cách thức nghe pháp thoại mà không bị kẹt vào định kiến, nhất là Thầy giảng rất kỹ về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì cái nút thắt trong lòng tôi được tháo gỡ. Tôi có thể lạy xuống một cách tự nhiên và tôi rất hạnh phúc. Hai mươi mấy năm nay tôi vẫn thực tập nghi thức tụng niệm và lễ lại mỗi ngày tại nhà. Tôi xin được chia sẻ với những người trẻ về pháp môn thực tập sâu sắc này.

Tụng kinh và niệm Bụt

Phần đông người trẻ thường không cảm thấy hạnh phúc lắm với những nghi thức tán tụng. Một phần vì mình không được hướng dẫn và giải thích rõ ràng về ý nghĩa của sự thực tập. Người trẻ quen nghe âm nhạc mới và vẫn còn lạ lẫm với âm nhạc cổ truyền dân tộc. Nếu giọng tụng kinh niệm Bụt theo âm điệu cổ truyền không mang nhiều định lực của sự bình an thì sẽ không đi được vào lòng của những người trẻ.

Pháp môn tụng kinh và niệm Bụt là một phép thực tập chánh niệm đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi lạc. Pháp môn tụng niệm và lễ lạy cũng quan trọng không kém gì pháp môn thiền ngồi, thiền đi, v.v…

Kinh là lời dạy của Bụt, là sự trao truyền tuệ giác của Bụt cho những học trò. Ngày xưa khi Bụt nói Pháp, học trò lắng nghe Pháp rồi lặp đi lặp lời lời dạy của thầy mình để nhớ và thực tập theo. Ngày nay chúng ta may mắn có được kinh điển ghi chép trên giấy, thống nhất và dễ đọc tụng. Và Thầy của chúng ta, thiền sư Nhất Hạnh, đã bỏ rất nhiều công sức viết lại nghi thức tụng niệm bằng chữ quốc ngữ cho dễ hiểu, khi tụng lên thì nghe như nhưng bài thơ vừa nhẹ nhàng vừa thi vị, dễ đi vào lòng người. Ví dụ như trong bài kệ Tán Quan Âm có những câu mà khi tán tụng lên mình có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp:

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài

Đứng yên trên sóng sạch trần ai

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Hào quang quét sạch buổi nguy tai

Liễu biếc phất bày muôn thế giới

Sen hồng nở hé vạn lâu đài

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm.

Nếu ngồi yên một cách thoải mái, thư giản toàn thân, ngưng hết mọi sự suy tư, thở và chú tâm vào từng chữ, từng câu tụng của bài tán này thì mình sẽ cảm nhận được năng lượng từ bi của Đức Quan Âm thấm vào lòng mình. Và các bạn hãy tưởng tượng, nếu tất cả mọi người tham dự buổi nghi lễ đều thực tập như vậy thì sẽ tạo ra một năng lượng chánh niệm tập thể rất hùng mạnh có thể nuôi dưỡng và trị liệu cho mọi người và cho cả môi trường chung quanh.

Mình niệm danh hiệu của Bụt và chư vị Bồ Tát để tưới tẩm hạt giống tốt lành trong mình vì mỗi vị Bồ Tát tượng trưng cho một đức tính. Ví dụ như Bồ Tát Manjushri (Văn Thù Sư Lợi) tượng trưng cho trí tuệ lớn, Bồ Tát Samantabhadra (Phổ Hiền) tượng trưng cho hạnh nguyện lớn, Bồ Tát Avalokiteshvara (Quan Thế Âm) tượng trưng cho tình thương lớn, v.v… Mình biết những đức tính đó có mặt trong mỗi người chúng ta và mình để cho lời niệm danh hiệu của Bụt và Bồ Tát thấm vào trong tâm, tưới tẩm những hạt giống tốt như Từ, Bi, Hỷ, Xả và nuôi cho nó lớn lên.

Tinh thần của đạo Bụt là phá chấp và cởi mở nên khi đạo Bụt  truyền đến nước nào thì sẽ hòa nhập vào văn hóa truyền thống của nước đó. Đạo Bụt đã khéo léo mượn âm nhạc dân tộc cổ truyền để đưa giáo lý và sự thực tập đi sâu vào lòng người dân. Vì thế kinh văn được tụng theo âm điệu của âm nhạc cổ truyền địa phương. Ở Việt Nam, giọng tụng niệm miền Bắc mang âm hưởng của những bài chầu văn. Đến miền Trung thì giọng tụng niệm mang âm hưởng của nhã nhạc cung đình. Vào tới miền Nam thì giọng tụng niệm lại có âm điệu ngọt ngào của dân ca Nam Bộ. Đây là tính cách văn hóa trong nghi thức tụng niệm.

Nếu chưa quen tụng niệm thì mình ngồi yên, thở, dừng lại mọi sự suy nghĩ và lắng nghe. Mình mở rộng lòng ra để cho lời kinh thấm từ từ vào trong tâm thức. Nếu đã biết tụng niệm thì mình tụng theo, hòa điệu cùng mọi người. Mình ngồi tụng kinh, lưng thẳng và đẹp, đem thân, khẩu và ý hợp nhất làm một. Như thế, mình chế tác ra được năng lượng chánh niệm hùng hậu để hiến tặng cho mọi người trong tăng thân. Nếu không chế tác được năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm thì chúng ta chỉ tụng một cách hình tức mà không có gì để hiến tặng cho các bạn đồng tu.

Tôi nhớ, lúc Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu vừa được thành lập, Thầy có sang Đức và cho một buổi pháp thoại công cộng trong một thính đường lớn ở Köln. Trước khi Thầy cho pháp thoại, các thầy các sư cô lên sân khấu niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Một ông người Đức ngồi cạnh nói xoay qua nói với tôi sau khi nghe quý thầy quý sư cô niệm Bồ tát xong:“Họ nói cái gì vậy? Tôi không hiểu gì cả nhưng tôi cảm thấy nó đánh động tôi rất nhiều. Tôi rất xúc động.“ Nếu mình tụng niệm có chánh niệm thì năng lượng chánh niệm đó sẽ tác động tích cực lên mọi người chung quanh.

Tụng kinh niệm Bụt là một pháp môn thực tập chánh niệm quan trọng và sâu sắc. Nếu thực tập tụng kinh niệm Bụt một cách tinh tấn thì mình cũng sẽ có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc như khi mình ngồi thiền hoặc đi thiền vậy.

Lễ lạy

Trong nghi thức tụng niệm luôn có phần lễ lạy. Chúng ta lạy Bụt, lạy chư vị Bồ tát và các vị tổ sư. Chúng ta không lạy để cầu xin một điều gì hay để có phước đức. Lạy Bụt là sự thiền tập rất sâu sắc có thể đưa tới tuệ giác và từ bi.

Trong trường hợp của tôi, tôi thường hay có cái cảm giác“xa lạ với mọi người chung quanh, lạc lõng giữa nơi mình đang ở“. Ví dụ như, đang có mặt vui vẻ trong một nhóm người như là nhóm bạn bè hay một số bạn đồng tu thì đột nhiên tôi cảm thấy như mình là một vật thể hoàn toàn không dính líu tới môi trường đó nữa. Tôi như một người xa lạ, bơ vơ đứng bên ngoài và tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng vô cùng. Có lẽ nguyên do là lúc còn nhỏ tôi không tìm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình hay ngoài xã hội chăng? Nghe Thầy giảng, tôi biết mình có thể chuyển hóa được cái cảm giác cô đơn, bơ vơ, lạc lõng bằng sự thực tập mà không cần phải cố moi tìm nguyên nhân nào đã khiến cho mình có cảm giác phóng thể đó. Nếu cắm được rễ vào nguồn cội của mình thì mình sẽ không còn cô đơn nữa.

Và tôi chọn pháp môn thiền lạy để thực tập kết nối lại với gốc rễ của mình. Mỗi sáng tôi thắp hương trước bàn thờ Bụt, đưa cây hương lên ngang trán tôi thở vào thở ra ba lần rồi đọc bài dâng hương. Tôi đặt tất cả sự chú tâm vào từng câu kệ. Cắm hương vào bát hương xong tôi bắt đầu thực tập thiền lạy. Tôi chắp tay đưa trước trán, rồi đưa tay xuống trước ngực, sau đó dang hai tay hạ xuống hai bên và từ từ lạy xuống. Những động tác đó có ý nghĩa là mình đem hết cả tâm ý và thân hợp lại thành một và có mặt thật sự trong khi lạy xuống. Đầu, hai tay và hai đầu gối chạm sát mặt đất, tôi từ từ ngửa lòng bàn tay ra. Điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn phó thác mình cho đất, hai tay của tôi trống rỗng, tôi không giữ lại bất cứ một cái gì. Tôi thở vào thở ra ba lần và quán chiếu, tôi mang trong tôi tất cả tổ tiên huyết thống. Trong cái lạy thứ hai tôi quán chiếu, tất cả tổ tiên tâm linh đều đang có mặt trong tôi. Trong cái lạy thứ ba tôi quán chiếu, tôi và mọi sự vật chung quanh đều dính líu mật thiết với nhau, cái này không có thì cái kia cũng không có.

Thiền lạy, không những giúp mình kết nối lại với gốc rễ để mình trở nên vững chãi, có sự bình an, không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng mà hơn nữa thiền lạy còn giúp làm phát khởi lòng biết ơn đối với tất cả mọi loài và mọi sự vật. Và khi nảy sinh ra lòng biết ơn thì mình sẽ có hạnh phúc.

Trong phần nghi lễ, sau khi vị chủ lễ xướng danh hiệu của Bụt, của chư vị Bồ tát, của các tổ sư thì mình lạy xuống để tỏ lòng biết ơn và cũng để quán chiếu, thấy được Bụt không phải là pho tượng gỗ kia mà Bụt là năng lượng của hiểu và thương đang có mặt trong mỗi người chúng ta. Các vị Bồ tát và các vị tổ sư không phải là những danh hiệu suông mà là những đức tính đang có mặt trong mình. Lạy xuống như vậy sẽ cho mình rất nhiều bình an và hạnh phúc. Hơn nữa lạy cũng là một nét đẹp của văn hóa truyền thống. Người Việt Nam chúng ta thường lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn.

Vì vậy, nghi thức tụng niệm và lễ lạy không phải chỉ dành riêng cho các cụ lớn tuổi, nghĩ rằng mình không còn bao nhiêu ngày nữa nên tụng niệm lạy lục cầu xin một chỗ để quay về. Nghi thức tụng niệm và lễ lạy là một pháp môn thực tập chánh niệm sâu sắc có công năng giúp cho chúng ta có được tuệ giác, từ bi, bình an và hạnh phúc.

Hôm nào các bạn hãy thử tham dự một buổi nghi thức tụng niệm và lễ lạy với các bạn đồng tu. Các bạn chuẩn bị trước cho mình thái độ khi tham dự: thư giản toàn thân, dừng lại mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ trong đầu như“Trời ơi, tụng kinh nghe chán quá, đã không hiểu gì hết mà lại còn mất thì giờ. Lạy cái tượng như vậy thì có ý nghĩa gì? Có vẻ mê tín dị đoan quá!“. Đã hiểu được ý nghĩa của nghi thức, mình nên thực hành cho có nội dung. Mình để cho thân tâm được hợp nhất, thân thật thoải mái, tâm thật rỗng rang thì mới tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của pháp môn và mình mới thành công. Hơn nữa tụng niệm và lễ lạy cũng là văn hóa hay và đẹp của dân tộc chúng ta. Nếu thực tập cho tốt thì chúng ta cũng góp phần vào công trình giữ gìn di sản tâm linh của dân tộc để trao truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Các bạn hãy thử thực tập đi, đừng bỏ qua rất uổng, và xin hãy kiên nhẫn.  Các bạn biết không, tôi phải thực tập pháp môn thiền đi đến ba năm mới thấy được hạnh phúc trong khi đi.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì xin đọc sách“Công phu nở đóa sen ngàn cánh“ do Làng Mai biên soạn. Trong sách ý nghĩa của tất cả Kinh văn, nghi thức Tụng kinh, Niệm Bụt, Tán Bụt, Lạy Bụt đều được trình bày và giải thích cặn kẽ, rõ ràng.

Chúc các bạn thực tập thành công, khám phá ra được một pháp môn thực tập chánh niệm hiệu quả có thể đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ này tư đầu đến cuối.

Thương quý,

CGL

Quê hương nơi này

Hai năm trưóc, vào năm 1966 khi tôi đang tham dự một hội nghị tại Washington DC thì được một phóng viên của tờ Baltimore Sun báo tin là chính phủ Sài Gòn đã ra công văn thúc giục nhà nước Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Nhật không công nhận hộ chiếu của tôi với lý do là tôi đã tuyên bố những lời lẽ chống đối cuộc chiến chống Cộng Sản của chính phủ Sài Gòn. Các quốc gia trên chấp nhận sự yêu cầu đó và hộ chiếu của tôi trở nên vô hiệu lực. Vài người bạn của tôi ở Washington khuyên tôi nên trốn ở lại Hoa Kỳ. Nhưng nếu trốn ở lại thì sẽ có nguy cơ là tôi bị trục xuất và ngồi tù. Vì thế tôi quyết định không ở lại Hoa Kỳ mà sang Pháp xin tị nạn. Chính phủ Pháp cho phép tôi được tị nạn và cấp cho tôi giấy thông hành vô quốc tịch. Vô quốc tịch có nghĩa là bạn không thuộc về quốc gia nào cả, bạn là người vô tổ quốc. Với giấy thông hành này, tôi có thể đến bất cứ quốc gia nào ở Châu Âu đã từng ký kết Hiệp Ước Geneva. Nhưng muốn sang Hoa Kỳ hay Canada tôi phải xin cấp chiếu kháng nhập cảnh. Điều này rất khó khi bạn không còn là công dân của một nước nào cả. Ý định ban đầu của tôi là rời Việt Nam trong ba tháng để đến giảng dạy tại trường đại học Cornell và đồng thời làm một chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Sau đó tôi sẽ trở về quê hương. Gia đình tôi, bạn bè và cộng tác viên của tôi, cả cuộc đời tôi đều ở Việt Nam. Nhưng ai ngờ giờ đây tôi phải sống lưu vong, mà lưu vong đến tận 40 năm.

Mỗi lần nộp đơn xin chiếu kháng nhập cảnh Hoa Kỳ là tôi bị từ chối. Chính phủ Hoa Kỳ không chào đón tôi. Họ nghĩ tôi sẽ làm hại đến sự chiến đấu của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tôi cũng không được đến nước Anh. Tôi phải viết thư cho những nghị sĩ như ông George McGovern hay ông Robert Kennedy nhờ họ viết cho tôi một thư mời. Họ đã trả lời tôi như thế này:“Kính thưa thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi mong muốn được hiểu rõ thêm về tình trạng chiến tranh ở Việt Nam. Xin mời thầy đến trình bày sự việc cho chúng tôi. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề chiếu kháng, xin thầy hãy gọi cho tôi qua số này…“ Chỉ khi có một lá thư mời như thế thì tôi mới xin được chiếu kháng nhập cảnh, còn nếu không thì vô phương.

Phải nhìn nhận một điều là tôi đã có rất nhiều khó khăn trong hai năm đầu sống lưu vong. Cho dù đã là một ông thầy tu 40 tuổi và có nhiều đệ tử, tôi vẫn chưa tìm ra được quê hương đích thực của mình. Tôi có thể nói những bài pháp thật hay về sự thực tập đạo Bụt, nhưng tôi chưa thực sự đã về đã tới. Trên phương diện tri thức thì tôi tinh thông Phật pháp vì đã từng được đào tạo trong những trường Phật Học và tôi đã thực tập đạo Bụt từ năm 16 tuổi. Nhưng tôi vẫn chưa tìm được quê hương đích thực của mình.

Tôi định làm một chuyến du thuyết ở Hoa Kỳ, nói rõ cho dân Hoa Kỳ hiểu về tình trạng thực sự ở Việt Nam, sự thật mà họ không được nghe qua truyền thanh hay không được đọc trên báo chí. Trong chuyến du thuyết, tôi chỉ ngủ lại ở mỗi thành phố một hay hai đêm. Có những đêm tôi chợt thức giấc mà không biết là mình đang ở đâu. Tôi rất khổ sở. Tôi phải thở vào thở ra và cố nhớ lại là mình đang ở nước nào và ở thành phố nào.

Khi đó tôi thường hay mơ mình trở lại quê hương, trong ngôi chùa tổ ở miền Trung Việt Nam. Tôi leo lên đồi Dương Xuân đầy canh xây mướt, nhưng giữa đường thì tôi thức dậy và nhận ra rằng mình đang sống lưu vong. Giấc mơ đó thường trở lại với tôi. Trong thời gian đó tôi hoạt động rất nhiều, tôi học chơi với trẻ em đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Mỹ, Anh. Tôi kết bạn với các cha Anh giáo, các cha Công giáo, các mục sư Tin Lành, các giáo sĩ Do Thái giáo và nhiều người khác nữa. Tôi thực tập chánh niệm. Mỗi ngày, tôi sống trong giây phút hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Nhờ sự thực tập đó mà tôi sống sót. Cây cỏ ở Châu Âu rất khác với Việt Nam. Hoa trái, người dân cũng hoàn toàn khác với Việt Nam. Sự thực tập đưa tôi trở về quê hương đích thực bây giờ và ở đây. Sau cùng tôi không còn đau khổ và giấc mơ kia cũng không trở lại nữa.

Người ta nghĩ tôi đau khổ tại vì không được phép trở về quê hương. Nhưng không phải như vậy. Khi tôi được trở về Việt Nam sau gần 40 năm sống lưu vong thì niềm vui của tôi là mình có thể cống hiến giáo lý, sự thực tập chánh niệm và Đạo Bụt Dấn Thân cho các thầy, các sư cô và các cư sĩ ở đây; niềm vui được nói chuyện với các nghệ sĩ, nhà văn, nhà giáo. Tuy nhiên, nếu đến lúc phải rời quê hương lần nữa thì tôi cũng sẽ không đau khổ.

“ Đã về, đã tới“ là sự thực tập của tôi. Đó là một trong những pháp ấn của Làng Mai. Nó diễn đạt sự hiểu biết của tôi về Phật pháp và là tinh hoa của sự thực tập của tôi. Từ khi tìm được quê hương đích thực, tôi không còn đau khổ nữa. Quá khứ không còn là ngục tù giam hãm tôi, tương lai cũng vậy. Tôi có thể sống ngay bây giờ và ở đây và tiếp xúc với quê hương đích thực. Tôi có thể“đã về đã tới“ trong từng hơi thở, trong từng bước chân mà không cần mua vé hay qua trạm kiểm soát an ninh. Chỉ cần vài giây là tôi đã về đã tới.

Trong khi tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại thì chúng ta cũng đồng thời tiếp xúc với quá khứ và tương lai. Nếu biết cách xử lý giây phút hiện tại thì quá khứ cũng được chữa lành. Thực ra, chính nhờ không có quê hương mà tôi có cơ hội tìm được cho mình một quê hương đích thực. Điều này rất quan trọng. Nhờ không thuộc về riêng một quốc gia nào mà tôi đã cố gắng đột phá và tìm được quê hương đích thực. Cái cảm giác không được chấp nhận, không có nơi thuộc về, không có đặc tính quốc gia đó đã kích thích sự đột phá cần thiết để chúng ta tìm ra được quê hương đích thực của mình.

Thiền sư Nhất Hạnh

(dịch từ At Home in the World)

Hãy là nụ cười

Ngày nào cũng thực tập quán niệm, giờ nào cũng thực tập quán niệm… Nói thì dễ nhưng thực hành cho được thường xuyên là chuyện không dễ… Vậy cho nên tôi đề nghị những người trong lớp thiền tập nên để dành một ngày trong tuần để khởi sự thực tập. Đã đành trên nguyên tắc ngày nào cũng là ngày của mình, giờ nào cũng là giờ của mình, nhưng trên thực tế mình hoàn toàn chưa thể nào chủ động được và mình có cảm tưởng gia đình, sở làm và xã hội chiếm mất hết thì giờ của mình. Vì vậy tôi đề nghị họ lấy một ngày trong tuần làm“ngày của mình“. Ngày này sẽ là bàn đạp tạo nên thói quan tốt đẹp của sự thực tập quán niệm.

Tác viên xã hội ai cũng có quyền có một ngày như vậy mỗi tuần, nếu không ta sẽ tự đánh mất mình một cách dễ dàng trong cuộc đời náo động. Ta tạm gọi cái ngày thứ bảy kia là ngày quán niệm. Muốn tổ chức ngày quán niệm ta hãy chuẩn bị làm sao khi thức dậy trong buổi sáng, ta có thể nhớ ngày dó là ngày quán niệm. Treo một cái gì ở trên trần nhà hay ở trong mùng. Ví dụ như một chữ“quán“ hay một cành thông chẳng hạn, để khi thức dậy là ta có thể trông thấy và biết đây là ngày quán niệm, ngày“của mình“.

Nhớ ra như vậy rồi, ta nên mỉm cười để chứng tỏ rằng ta đang có ý thức trọn vẹn và cũng là nuôi dưỡng ý thức trọn vẹn đó. Nằm trên giường ta bắt đầu theo dõi hơi thở, điều phục hơi thở, thở những hơi chậm, dài và ý thức. Rồi ta từ từ vén chăn ngồi dậy (đừng tung chăn chồm dậy như thường nhật). Nuôi dưỡng quán niệm trong từng cử chỉ. Ta xúc miệng đánh răng, chải đầu, cạo râu hay điểm trang một cách nhẹ nhàng, thong thả, cử động nào cũng được nhiếp phục trong quán niệm. Theo dõi hơi thở, nắm lấy hơi thở, đừng để tâm loạn động. Khi làm những cử động thể dục buổi sáng cũng vậy. Các cử động thể dục nên làm thong thả, đi đôi với nhịp thở dài và nhẹ. Trong khi tập thể dục, duy trì nụ cười hàm tiếu trên môi.

Nên để ra ít nhất là nửa giờ để tắm gội thong thả trong chánh niệm. Đôi khi tắm xong là ta đã thấy nhẹ nhàng khoan khoái rồi. Sau đó ta có thể đi làm việc nội trợ, giặt áo quần, chùi nhà, lau bàn, sửa bếp, xếp dọn sách vở. Những công việc ấy phải được làm thật khoan thai, nhẹ nhàng trong chánh niệm. Làm tức là tu, đừng mong cho chóng xong. Bí quyết là làm thong thả. Để tâm ý vào đó, ưa thích nó, đồng nhất với nó. Phải tìm được sự an lạc trong khi làm những việc đó. Nếu không thì ngày quán niệm đó xem như là thất bại. Những người mới tập thì nên giữ im lặng trong ngày quán niệm. Vận tốc của các cử động dưới ảnh hưởng của quán niệm được giảm xuống rất nhiều. Hãy nhìn những vị thiền sư. Họ đi đứng khoan thai, nhất cử nhất động đều nhẹ nhàng, không vụt chạc hay nóng nảy. Nói như thế không có nghĩa là trong ngày quán niệm ta không nên nói chuyện. Ta cũng có thể nói chuyện và cũng có thể hát nữa. Nhưng ta chỉ nên nói hay hát ít thôi, trong khi duy trì ý thức minh mẫn về những gì ta đang nói hoặc đang hát. Cố nhiên ta có thể vừa hát vừa quán niệm. Biết rõ là ta đang hát và ta đang hát gì. Tuy thế nên biết rằng trong khi ta hát, tình tiết và âm diệu có thể đưa ta lạc ra ngoài chánh niệm nếu năng lực tập trung của ta còn yếu kém. Buổi trưa ta có thể tự nấu cơm. Việc ăn cơm, rửa bát, nghỉ ngơi, tất cả cũng đều được thực hành trong chính niệm. Buổi sáng sau khi nhà cửa đã được dọn hay chăm bón, vun mấy khóm hoa. ta pha trà và ngồi uống trà trong chánh niệm. Để dành thật nhiều thì giờ cho công việc này. Đừng uống trà như người ta ăn hủ tiếu, cà phê ngoài tiệm trước khi đi làm, nghĩa là hấp tấp quá. Uống trà thật thảnh thơi, khoan thai, như nhịp đi của bốn mùa, như nhịp quay của trái đất, thong thả, đều đặn, không hấp tấp. Không đi tìm tương lai. Sống với giờ phút hiện tại. Chỉ có giờ phút hiện tại mới là sự sống. Đừng đồng nhất sự sống với tương lai. Đừng luôn nghĩ tới chuyện phải đi về tương lai. Đừng luôn luôn nghĩ tới chuyện khởi hành. Ngày xưa trong“Bướm bay vượn cải hoa vàng“, tôi viết :

Em hãy là đóa hoa đứng yên bên hàng giậu,  

Là nụ cười,  

Là một phần của hiện hữu nhiệm mầu.  

Tôi đứng đây, chúng ta không còn khởi hành.  

Quê hương chúng ta đẹp như quê hương của tuổi thơ.  

Xin đừng ai xâm phạm. Tôi vẫn còn hát ca….“.

Buổi chiều ta có thể đọc kinh, chép kinh, viết thơ cho bạn, làm bất cứ việc gì mà ta thích từ công việc trong tuần. Tôi nhắc em là làm gì cũng làm trong chánh niệm. Buổi tối ăn ít thôi, khoảng 10 – 11 giờ ta ngồi thiền đến nửa đêm sau khi bách bộ chừng một giờ để thở không khí trong lành, theo dõi hơi thở bằng quán niệm, đo chiều dài hơi thở bằng quán niệm, đo chiều dài hơi thở bằng bước chân ta về phòng và đi ngủ trong chánh niệm.

Thiến sư Nhất Hạnh

Trò chơi trốn tìm

Tổ Huyền Quang rất yêu hoa cúc. Ngài là tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 13, 14. Ngài tu tại chùa Côn Sơn miền Bắc Việt Nam. Ngài trồng hoa cúc khắp vườn chung quanh chùa.

Khi thích một vật gì đó thì chúng ta kẹt vào cái tướng của nó. Chúng ta biết nó sẽ thay đổi và biến mất đi nên chúng ta đau khổ. Một bông hoa biểu hiện ra, từ nụ rồi trở thành hoa. Nó ở với chúng ta một vài tuần rồi bắt đầu thay đổi và cánh hoa từ từ héo đi. Đến một lúc nào đó thì bông hoa rụng xuống và chết. Nếu yêu một bông cúc thì chúng ta phải thấy được bông cúc đó vượt ra ngoài cái tướng sinh-trú-dị-diệt của nó. Khi nó biểu hiện thì chúng ta mỉm cười và vui với nó. Nhưng khi nó ẩn tàng thì ta đừng nên buồn khổ và than khóc. Ta nói:“Năm sau ta sẽ gặp lại em nhé!“

Trong cốc của tôi bên Pháp có trồng một bụi hoa trà. Hoa trà thường nở vào mùa xuân. Nhưng mùa Đông năm đó, vì thời tiết ấm áp nên hoa trà nở sớm hơn. Một đêm, trời trở lạnh và đông cứng bất ngờ. Sáng hôm sau, khi đi thiền hành tôi thấy tất cả hoa trên cây đều chết cả. Tôi nghĩ:“Chắc năm nay mình không có hoa trà để cúng Bụt rồi.“

Vài tuần sau, thời tiết ấm áp trở lại. Tôi đi ra vườn và thấy trên cành cây hoa trà đã mọc ra những nụ mới. Tôi hỏi chúng:“Em là một hay là khác với những bông hoa bị đông chết kia?“Bông hoa trả lời tôi:“Chúng em không phải một cũng không phải khác. Khi những điều kiện đầy đủ thì chúng em biểu hiện, khi những điều kiện không đầy đủ thì chúng em ẩn tàng. Chỉ giản dị vậy thôi.“

Đó là giáo lý Bụt dạy. Khi điều kiện đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Khi điều kiện không còn đầy đủ nữa thì sự vật rút lui và chờ đến khi thích hợp để biểu hiện ra trở lại. Trước khi sinh tôi thì mẹ tôi có mang một em bé khác. Bà bị sẩy thai và em bé đó không được sinh ra. Khi còn nhỏ tôi thường tự hỏi câu này: Em bé đó là anh tôi hay là tôi? Người nào muốn biểu hiện ra vào lúc đó? Nếu em bé mất đi thì có nghĩa là những diều kiện chưa đầy đủ để em bé biểu hiện ra và nó quyết định rút lui để chờ những điều kiện tốt hơn.“ Người thương ơi, tôi rút lui là hay nhất. Tôi sẽ trở lại một ngày gần đây.“ Chúng ta phải tôn trọng  ý muốn của em bé đó. Nếu nhìn cuộc đời bằng con mắt đó thì chúng ta sẽ bớt khổ hơn nhiều. Em bé mà mẹ tôi mất đó là anh của tôi hay nó chính là tôi. Tôi sắp sửa biểu hiện nhưng nghĩ lại,“Bây giờ chưa phải lúc,“ và tôi rút lui.

Thiền sư Nhất Hạnh (dịch từ Hide-and-Seek trong At Home in the World)