Archiv der Kategorie: Những lá thư tình

Cùng bước với Thầy 

Allan Badiner

Hồi ký 30 năm cùng chung bước với một thiền sư Việt Nam của Allan Badiner, một đệ tử lâu năm của thiền sư Nhất Hạnh

Trở lại khoảng thập niên 80, tôi có quen với một anh thiền sinh cư sĩ tên Michael Attie. Giới truyền thông thường gọi Michael là “ông tu sĩ đồ lót” tại vì có một lần anh tổ chức một buổi ngồi thiền trên sân thượng cơ sở kinh doanh của anh. Đó là tòa nhà Playmates Hollywood, một trong những cửa hàng kinh doanh đồ lót lớn nhất thế giới. 

Vì anh cứ luôn rủ rê nên năm 1987, vào một ngày chủ nhật, tôi đã nhận lời cùng anh tới gặp một ông thầy tu Phật giáo người Việt Nam cũng là một nhà hoạt động chống chiến tranh. Thầy đang có một buổi nói chuyện dưới gốc cây gọi là “Teaching Tree” của Hiệp Hội Ojai, cách Los Angeles khoảng 90 phút lái xe. Hiệp hội do Joan Halifax, một nhà nhân chủng học, thành lập. Joan Halifax từng làm việc chung với Joseph Campbell, một nhà văn và thần thoại học nổi tiếng với câu châm ngôn mà chúng ta thường nghe ”Hãy theo đuổi hạnh phúc của đời bạn”. Mục đích của hội là kết hợp các nhà giáo gốc Hoa Kỳ và các thiền sư Phật giáo cùng giảng với nhau trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đối diện với rặng núi Topa Topa.

Lần đầu tiên vừa nhìn thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường được học trò gọi là “Thầy”), trong tiếng Việt có nghĩa là “thầy giáo”, tôi đã bị thu hút bởi sự trầm lặng nơi Thầy. Tôi vẫn luôn nhớ cái cách Thầy bắt đầu câu nói:” Quý anh chị thân mến, cuộc ước hẹn với sự sống của chúng ta chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại.”. Người ta thấy rõ ông thầy tu dễ mến và đầy nhiệt quyết này là một thí dụ sống để cho chúng ta hiểu thế nào là một vị Bụt.

Trong chiến tranh Việt Nam, phe Cộng sản cho Thầy là CIA, và CIA thì cho Thầy là Cộng Sản. Bị cấm trở về nước, Thầy sống lưu vong ở Pháp. Cùng năm đó Thầy được ông Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa Bình. Khi Thầy nói về hòa bình thì chúng ta cảm thấy một sự bình an thật sự phát sinh ra trong ta và chung quanh ta.  Thầy lấy sự giảng dạy thực tập chánh niệm và nghệ thuật chế tác bình an cho tất cả các quốc gia có liên quan đến cuộc chiến dai dẳng và tàn hại trên đất nước và dân tộc của Thầy làm sự nghiệp của đời mình, tôi tin chắc như vậy. Liền ngay sau buổi nói chuyện đó thì tôi trở thành một thành viên trong cộng đồng của Thầy, một cộng đồng được nhà văn Phật giáo Rick Fields gọi là “Tăng Thân lưu động quốc tế và liên tôn” (International and interdenominational floating sangha) và tôi tham dự khóa tu 10 ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức tại Ojai.

Từ đó, trong suốt 10 năm, tôi tham dự các khóa tu mùa hè tại Làng Mai, một trung tâm tu học ở miền Tây Nam nước Pháp. Tôi tháp tùng Thầy trong 3 chuyến đi thuyết giảng ở Ấn Độ, tham gia những chuyến hành hương ở Nhật, Trung Quốc và Việt Nam, tiếp đón Thầy ở Rom và được Thầy làm chủ hôn trong lễ cưới. Tôi thấy được ở Thầy một con người và một bậc thầy, cái phong thái nhẹ nhàng, dễ thương có lúc giống như trẻ thơ cùng với sự dũng mãnh và trung thực đến vô tình. 

Đối với tôi Thầy là một người cha, một người thầy, một ngôi sao nhạc Rock và cũng có khi là một người xa lạ. Thầy giống ba tôi một cách lạ lùng, từ tướng mạo (kể cả cái khoảng trống giữa hai răng cửa) cho tới tính cách biết chừng mực. Thầy có sức chịu đựng bền bỉ của một người kém hơn 20 tuổi. Tôi vẫn thường kinh ngạc vì năng lượng đi hoằng pháp khắp nơi không ngừng nghỉ của Thầy, và đồng thời Thầy cũng còn có thời giờ để sáng tác ra hơn 100 cuốn sách và giảng hơn ngàn bài pháp thoại công cộng.

Khi số Tricycle này đang được phát hành thì ông Thầy 88 tuổi đang nằm trong bệnh viện sau khi bị xuất huyết não. Tôi chỉ là một trong mười ngàn người trên khắp thế giới tích cực tham gia cầu nguyện cho Thầy được hồi phục, ngược lại với sự chẩn đoán.  Thật là khó cho tôi khi phải quán chiếu sự sống trong một thế giới không có thầy Thích Nhất Hạnh. Tất cả các quan niệm của cá nhân tôi về những chủ đề sâu sắc của sự hiện hữu, về ý nghĩa của sự sống, về tình thương, về cho và nhận và về cái chết đều được hình thành một phần không nhỏ bởi những bài giảng và lối sống gương mẫu của Thầy. Trong khi Thầy đang ở trong tình trạng giữa sống và chết thì tôi không thể nào không hồi tưởng lại những khoảng thời gian thực tập đánh dấu cho cuộc hành trình của tôi cùng Thầy trong 28 năm qua.  

Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân 

Một buổi tối ở Sanarth, Ấn Độ, nơi Bụt đã cho bài pháp thoại đầu tiên, Thầy thức rất khuya để cùng tôi viết ra Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm dưới ánh nến. Bài này sẽ được đọc như lời phát nguyện trong lễ cưới của tôi, một lễ cưới bằng tiếng Anh đầu tiên mà Thầy làm chủ lễ. Thầy dịch sơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh và tôi cố gắng hết sức để trau chuốt lại. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Thầy đã soạn ra như thế nào đó để tôi có thể nhớ được trong buổi lễ. Hôm sau, sau khi đi một vòng quanh tháp Dhamekh, tiệc cưới được bày ra dưới góc một cây xoài to và chúng tôi đọc Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm mà trọng tâm là ý thức được hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân. 

Chúng con ý thức rằng tất cả các thế hệ tổ tiên và con cháu đều đang có mặt trong chúng con. 

Chúng con ý thức sự mong đợi của tổ tiên, của con cháu và của con cháu họ nơi chúng con.

Chúng con ý thức rằng niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của chúng con là niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của tổ tiên con, của con cháu con và của con cháu họ. 

Chúng con ý thức rằng sự hiểu biết là yếu tố căn bản nhất của tình thương.

Chúng con ý thức rằng trách móc và tranh cãi không bao giờ giúp được cho chúng con mà chỉ tạo thêm sự xa cách; chỉ có sự hiểu biết, sự tin tưởng và tình thương mới có thể giúp cho chúng con thay đổi và lớn lên. 

Vợ tôi và tôi phải đọc lời phát nguyện này mỗi giữa tháng với sự chứng kiến của các thành viên trong tăng thân, hoặc như lời Thầy nói: “Hôn nhân có thể tan vỡ”. Điều này đã xảy ra 20 năm sau.

Công năng của sự thực tập đơn giản

Khóa tu trên núi Fuji, Nhật bản, vừa kết thúc thì chúng tôi vội vã rời đi ngay để bắt kịp xe lửa. Thầy đang vẫy chào các sinh viên đến bến xe để tiễn Thầy. Cửa xe lửa vừa đóng lại thì tôi thấy nhiều bạn sinh viên đột nhiên quỵ xuống đất giống như là họ cùng ngã lăn ra bất tĩnh cùng một lúc vậy. Khi chúng tôi đến nơi (Kamakura) thì bỗng nhiên tôi không nhìn thấy gì nữa cả và cũng không sử dụng được hai chân của mình. Richard Baker chở tôi tới Ryokan (một nhà trọ truyền thống Nhật bản). Thầy và sư cô Chân Không ở sát bên tôi cho đến khi tôi cảm thấy khá hơn. Sau này chúng tôi biết là do một loại nấm người ta hái trên núi để nấu thức ăn cho khóa tu sau. Nấm có độc và hơn 60 người đã phải nhập viện. Trong số những người theo Thầy chỉ có tôi là đi lấy một ít thức ăn trưa trong nhà ăn trên đường ra trạm xe lửa. Tôi nhớ tới pháp môn đơn giản “thở và cười” mà Thầy đã dạy và tôi bắt đầu thực tập để có thể đối phó với nỗi lo sợ không biết là mắt mình có thể nhìn thấy trở lại được hay không. 

Không thiên vị 

Thầy là vị thầy mẫu mực đối xử với công bình với tất cả mọi người, mặc dù một vài đệ tử nước ngoài thường có khuynh hướng muốn tìm sự chú ý, sự khen ngợi và sự công nhận của Thầy. Sự công nhận của Thầy, phần lớn là một nụ cười và thỉnh thoảng Thầy nhấp nháy mấy ngón tay hoặc là được Thầy mời vào trong cốc uống trà nhưng rất hiếm khi. Được Thầy của mình công nhận là một sự mong đợi hợp lý, và Thầy cũng hành xử như thế nhưng với một mức độ tối thiểu. Tôi rất kính phục cách hành xử không phân biệt của Thầy đối với học trò, mặc dù vì thế cho nên nhiều vị đệ tử lâu năm của Thầy cảm thấy bất mãn vì bị đối xử giống như những thiền sinh vừa tới thực tập lần đầu tiên. Và họ đã bỏ đi không đến nữa. Một anh học trò đã bỏ đi hỏi tôi:”Anh không cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải nghe lặp đi lặp lại như vậy à?”Tôi không cần suy nghĩ lâu để trả lời câu hỏi anh ta. Tôi nói, vì tính của tôi mau quên nên nghe đi nghe lại một bài pháp thoại rất có ích cho tôi. Đôi khi, tham dự một khóa tu của Thầy cũng giống như là thực tập với Bụt lịch sử. Thầy vẫn hay nói:”Tôi không phải là Bụt đời này. Quí vị đừng chờ đợi một vị Bụt đời này. Bụt đời này chính là Tăng Thân.”

Đón nhận cái mới

Năm 1995 tôi lập trang nhà cho các tổ chức và các nhóm, và công việc này rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi và Arnie Kotler, một đệ tử khác của Thầy, cùng làm một tủ sách trên mạng cho nhà xuất bản của Thầy là Parallax Press. Và lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu Thầy Thích Nhất Hạnh và những pháp môn của Thầy trên mạng.  Đầu năm 1996 tại Làng Mai, chúng tôi trình bày thử trang mạng mới này cho Thầy, quý thầy quý sư cô và vài học trò tại gia của Thầy xem. Phản ứng của người xem rất là tích cực, đối với một vài vị thì đây là lần đầu tiên mà họ nhìn thấy một trang mạng. Nhưng có một cô học trò phản đối thật hùng hồn về mặt triết học. Cô cho rằng trang mạng là công cụ của các tập đoàn, là sự mở rộng lòng tham và sự thống trị của họ đối với giai cấp công nhân. Cô không thích ý tưởng thu nhỏ vị thầy tâm linh của mình lại thành những tính hiệu nhị phân 1 và 0, và Thầy được chế tạo ra bằng điện tử cho những mục tiêu thương mại. Tôi sửng sốt!

Thời gian dành cho buổi thuyết trình đã hết và mọi người quay về công việc của mình. Thầy đến gần tôi nói, Thầy rất thích trang nhà này và khuyên tôi đừng nên nản chí. Thầy đồng ý là công nghệ thông tin rất có ích trong việc truyền bá pháp môn thực tập. Và Thầy chấp thuận cho trang mạng được tiến hành. 

Trẻ em là ưu tiên số một

Thầy luôn mời trẻ em nắm tay Thầy đi thiền hành trong những buổi giảng hay trong những khóa tu. Thầy thích thực tập với những người trẻ. Có vẻ như họ tiếp thu được rất nhanh pháp môn thiền hành và thực tập giỏi hơn cả người lớn. Con gái của tôi, nay đã trưởng thành, vẫn rất trân quý kỷ niệm được đi thiền hành với Thầy. Lúc nó 6 tuổi, Thầy đã ngừng lại giữa buổi pháp thoại để gởi lời chúc bình an sau khi được tin nó ngả bệnh vào đêm qua. Sau này, khi tôi đến cảm ơn Thầy thì Thầy nói ngắn gọn là tôi đừng nên cảm ơn Thầy mà hãy biết ơn vì con gái tôi đã không sao. 

Có một lần chúng tôi cùng ngồi thành vòng tròn với Thầy trong Vườn Tre, nơi ngày xưa được dùng làm chỗ ở của Bụt và tăng đoàn. Bây giờ nơi này đã trở thành công viên công cộng bị bỏ phế của một ngôi làng ở thành phố Rajgir. Chúng tôi ngồi im lặng, lắng nghe những tiếng động chung quanh. Giữa những tiếng chim kêu ồn ào đó bỗng nhiên xuất hiện em bé trai và một em bé gái khoảng 7, 8 tuổi. Chúng đến ngồi dưới chân Thầy và đưa tay ra xin ăn. Thầy ra dấu cho chúng đến ngồi kế bên và nắm tay chúng trong suốt biểu viếng thăm đó để biểu lộ tình thương.

Có mặt cho người khác 

Chúng tôi chuẩn bị leo lên Ngũ Đài Sơn, một ngọn núi thiêng liêng của Phật giáo ở Trung Quốc. Bỗng nhiên Thầy kêu gọi mọi người trong xe buýt (phần đông là quý thầy và quý sư cô) hãy đi thật chậm và chỉ bước một bước chân thật chánh niệm cho mỗi hơi thở. Thầy thấy đau lòng khi nhìn thấy học trò xuất sĩ của mình hấp ta hấp tấp như những khách du lịch khác. Trước đó tôi đã thấy Thầy ngồi quan sát các thầy, các sư cô đi thiền trong bãi đậu xe từ cửa sổ xe buýt. Có vẻ như là Thầy rất vui. Khi chúng tôi leo từng bước rất là nghi lễ lên con đường mòn đá cũ thì có những nhóm nhỏ khách du lịch trung quốc vượt nhanh qua chúng tôi và sau đó trở xuống lại mà hình như cũng chẳng nhận ra sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nghĩ là chúng tôi đã chế tác ra một thứ năng lượng khác lạ nào đó khiến mình trở nên vô hình đối với họ. 

Khi tới gần ngôi chùa trên Ngũ Đài Sơn thì tôi hiểu ra rằng Thầy muốn năng lượng chánh niệm tập thể của phái đoàn sẽ tạo một ấn tượng cho vị trụ trì của ngôi chùa. Sau khi vào trong chùa, giữa khung cảnh của toàn tỉnh Sơn Tây Trung Quốc bao quanh, Thầy và Shantum Steth, anh hướng dẫn viên người Ấn và cũng là học trò lâu năm của Thầy, tổ chức một buổi thiền trà nghi lễ với vị trụ trì trong sự chứng kiến của phái đoàn. Thầy cười thật tươi, có còn khi bật cười to lên nữa. Niềm vui của Thầy lan rộng đến mọi người có mặt trong lúc đó. Chúng tôi là một nhóm người hành hương rất hạnh phúc đang tận hưởng một buổi hoàng hôn mà chúng tôi chắc rằng hùng vĩ nhất trên toàn nước Trung Quốc. 

Lớn lên và thay đổi

Trong chuyến hành hương đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1987 thì sự di chuyển trong khu vực Phật giáo (một khu vực nghèo nhất ở Ấn Độ) thật là vất vả. Đường đi gập ghềnh, nhà trọ thì đầy loại gậm nhấm và không có cả nước máy. Mặc kệ sự phản đối của Thầy, tất cả mọi người, kể cả quý thầy và quý sư cô, đều nhất quyết vào một khách sạn sang trọng mới xây của người Nhật để ăn mì và tắm rửa. Thầy ngồi lại một mình trong xe buýt nóng tới bốc khói. Đối với tôi, lúc đó Thầy trở nên một con người thực hơn bao giờ hết. Sau đó, tôi đi viếng các hang động gần ngọn núi. Tôi vào một động có tên là Động Bụt. Vào bên trong, thấy Thầy đang thắp hương nên tôi quay ra để không làm phiền Thầy. Nhưng Thầy mời tôi ở lại, nở một nụ cười thật ấm áp, và rời khỏi hang động ít phút sau đó. Trong những lần viếng thăm thành phố Rajgir sau này thì Thầy đến ở khách sạn nhật bản cùng với mọi người.

Chấp nhận những thử thách 

Tôi, sư cô Chân Không và Thầy – lúc đó 80 tuổi – cùng leo lên những ngọn núi gần tu viện Lộc Uyển ở San Diego. Thầy và sư cô rất thích những ngọn núi này. Thầy không có một dấu hiệu mệt mỏi nào, mặc dù vừa hướng dẫn xong khóa tu một tuần cho gần 200 thiền sinh. Thầy leo lên thật chậm rãi và thong thả, chọn chỗ đặt chân lên một cách cẩn thận. Ấy vậy mà tôi vẫn phải ráng sức leo cho nhanh để bắt kịp Thầy. Khi lên tới đỉnh chúng tôi đứng lặng yên một lúc để thưởng thức gió mát và quang cảnh chung quanh. Chúng tôi nói với nhau, đứng nhìn ở góc độ này thật là thú vị – mình ở trên cao bỏ lại những vấn đề đang chờ mình phía dưới. Rồi Thầy thú nhận một điều khiến tôi giật mình. Thầy cảm thấy sức mình từ từ yếu đi bởi cái trách nhiệm đối với bao nhiêu là đệ tử, trong đó có cả đệ tử xuất gia.  Họ chờ đợi Thầy phải luôn hành xử như một siêu nhân trong mọi tình huống. Đó là sự thử thách không ngừng đối với Thầy. Thầy nói, so với những lúc cảm thấy thoải mái thì Thầy phải nổ lực nhiều hơn để có được cái cảm giác tự do. Tôi nhận ra rằng làm một vị thầy không phải là công việc dễ dàng và tuyệt vời như mình nghĩ. Lợi ích của việc trở thành người lãnh đạo, chủ yếu là dành cho người khác. 

Từ lần gặp gỡ đầu tiên với Thầy dưới gốc cây ở Ojai, tôi và những người có mặt ở đó đã nhận ra rất rõ là Thầy có một khả năng truyền đạt giáo lý Bụt thật phi thường – lời nói đi đôi với việc làm. Thầy sử dụng những từ ngữ giản dị, cân nhắc, sâu sắc, cũng như mọi động tác của thầy đều được tẩm bằng chánh niệm. Giọng nói của Thầy có hai tính chất – vừa dịu dàng vừa mãnh liệt – không khác gì giáo pháp mà Thầy đã cống hiến hết cả cuộc đời của mình. 

Học với Thầy có thể giúp tôi chuẩn bị tốt cho một sự chuyển tiếp, như là hành xử như thế nào trong tình trạng hiện nay của Thầy. Chính Thầy đã nói:

Thân này không phải là tôi; tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy. 

Tôi là sự sống thênh thang,

Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt.

Nhìn kia biển rộng trời cao,

Tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức.

Tự muôn đời tôi vẫn tự do.

Tử sinh là cửa ngõ ra vào.

Tử sinh là trò chơi cút bắt. 

Là một người cha tâm linh của bao nhiêu người, Thầy nhắc nhở cho chúng ta rằng, cha mẹ ta vẫn còn sống dù cho là họ đã qua đời. Họ đã tặng cho chúng ta một món quà cuối cùng. Đó là một phần của chính chúng ta. Thầy giải thích, có một phần tinh hoa nằm ngủ sâu trong ta cho tới khi cha hay mẹ ta qua đời. Khi cha hay mẹ ta mất thì cái phần tinh hoa ấy sẽ thức dậy, và ta sẽ trở thành ta một cách trọn vẹn.  Nói cách khác là “cha mẹ ta không bao giờ chết, họ vẫn tiếp tục sống trong ta.”

Thầy nói: 

Hãy nắm tay tôi 

Hãy vẫy chào

Để rồi tức thì gặp lại.

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn.

Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngày nẻo sống. 

(Dịch từ“On the path with Thay“ của Allen Badiner đăng trên tạp chí tricycle, số mùa xuân 2015)

Mỗi bước chân là phép lạ

Thương mến tặng em 

Như có lần Thầy đã từng nói: „Thầy có một sự may mắn là thầy chưa bao giờ đánh mất liên lạc với tuổi trẻ„. Tôi cũng có cơ duyên là luôn được tiếp xúc với rất nhiều những bậc thiện tri thức cũng như những người trẻ. 


Một trong những bạn trẻ mà tôi quý mến là em Khoẻ. Gặp em lần đầu tiên trong chương trình „Buổi sáng bình an“ do thầy Minh Hy tổ chức tại cửa biển Thuận An. Tôi cứ thắc mắc không hiểu sao trong khi mọi người đi thiền hành trên bờ biển thì em ấy ngồi yên. Lúc đầu tôi cứ ngỡ chắc em ấy bị ốm vì cũng thấy mọi người quan tâm hỏi han và gọi ra chụp ảnh lưu niệm nhưng em ấy vẫn ngồi yên. Tôi đem thắc mắc này hỏi anh bạn đi cùng thì mới biết rằng em ấy bị liệt từ năm 18 tuổi và sau đó em đã đi bằng đôi chân của anh trai mình. Một người anh trai phải có một tình thương rất lớn mới có thể làm đôi chân cho em, cõng em đi tham dự mọi hoạt động của tăng thân. 


Sau khi kết bạn trên Facebook, thỉnh thoảng đọc những dòng chia sẻ về sự thực tập của em, tôi biết em đã nương vào pháp môn của Thầy rất nhiều để vượt qua chướng duyên mà em gặp phải. Em đã chuyển hóa từ tuyệt vọng khi biết tin mình không thể đi được nữa, dần dần nhờ pháp môn mà em có thể bình thản chấp nhận và còn truyền năng lượng bình an, tích cực cho mọi người. Tôi quý mến em từ đó. 


Tôi luôn theo dõi các bài viết cũng như hành trình cuộc đời của em. Và khi nghe tin em có thể được làm phẫu thuật để hồi phục lại đôi chân, rồi những ngày em mổ, quãng thời gian em bình phục, bắt đầu tập những bước chân đầu tiên tôi đã rất xúc động. Dù ở xa nhưng tôi luôn động viên và gửi năng lượng bình an tới em. 


Rồi một ngày cuối tháng 8, em nhắn cho tôi là sắp ra Hà Nội và nếu được anh em gặp nhau. Tôi đã bảo với em rằng: „chắc chắn anh sẽ gặp em dù có bận đến đâu„. Em bảo giờ chân đỡ hơn rồi, dù vẫn phải dùng thiết bị trợ giúp nhưng em muốn đi ra miền Bắc, muốn đi lên vùng Tây Bắc, Sapa. Em muốn đi khắp nơi, ra khỏi „lũy tre làng“ ở Huế. Em muốn đi cho cha, cho mẹ, những người dù đã lớn tuổi mà chưa có cơ hội đi đây đó. 


Nhìn những bước chân chậm rãi của em bước đi trên vỉa hè Hà Nội làm tôi rất xúc động. Những bước chân đó rồi sẽ đi lên núi cao, lên những bản làng ở biên giới phía Bắc. Dù rất khó khăn nhưng sẽ là những bước chân huyền thoại. Em sẽ đi thay cho Thầy, thay cho cha mẹ em tới những miền đất lạ. Khi nhìn những bước chân đó, tôi nhớ lời Thầy đã dạy:

„Phép lạ không phải là đi trên than hồng, phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ chính là đi những bước chân thảnh thơi và bình an trên đất Mẹ. Hãy đi như đôi chân mình đang hôn lên mặt đất.“


Tôi đã ghi lại những lời dạy này vào cuốn „An lạc từng bước chân“ của Thầy và tặng em. Tôi mong rằng khi em mang theo cuốn sách bên mình, thì em sẽ được tiếp nhận năng lượng an lành từ Thầy, như Thầy đang cùng bước đi theo em trong suốt hành trình. Em đã mang cuốn sách lên tận đỉnh Fansipan và tôi cảm thấy như Thầy, như tôi cũng đang có mặt ở trên đó cùng em. 


Cảm ơn em đã có mặt cho tăng thân, đã truyền những năng lượng tích cực tới cho mọi người. Chúc em luôn khoẻ mạnh, bước chân sẽ dần vững chãi như chính cái tên KHOẺ rất ý nghĩa mà cha mẹ đã đặt cho em. Chắc chắn tới một ngày nào đó, em sẽ tự mình bước đi trên mặt đất. 


Hà Nội, 11/9/2019
Tâm Đại Bi

Thu dạ độc tọa – Ngồi một mình trong đêm thu – Vương Duy và tuệ giác vô sinh

Thu dạ độc tọa 

Độc tọa bi song mấn
Không đường dục nhị canh
Vũ trung sơn quả lạc
Đăng hạ thảo trùng minh
Bạch phát chung nan biến
Hoàng kim bất khả thành
Dục tri trừ lão bệnh
Duy hữu học vô sinh 

Ngồi một mình trong đêm thu 

Một mình ngồi tóc mai buồn
Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang
Trong mưa rơi rụng trái rừng
Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non
Tóc xanh rồi bạc lẽ thường
Thời vàng son ấy có còn gì đâu
Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già
Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh


Đọc bài thơ „Thu dạ độc tọa“ (Ngồi một mình trong đêm thu) của Vương Duy, bỗng nhiên thấy cảm thán nên viết vài lời tâm tình chia sẻ với các bạn. Tôi tạm dịch bài thơ theo cái hiểu còn rất hạn hẹp của mình. Bài thơ dịch còn nhiều thiếu sót xin các bạn hoan hỷ bỏ qua cho.

Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và nhà thư pháp nổi tiếng thời Thịnh Đường. Ông là người thông hiểu Phật pháp nên thơ của ông thấm đượm mùi Thiền. Bài thơ ”Thu dạ độc tọa” không phải là bài thơ nổi tiếng nhất của Vương Duy nhưng nó chứa đựng tuệ giác vô thường, cái ý thức muốn vượt thoát sinh-lão-bệnh-tử thì chỉ có con đường duy nhất là thực tập để đạt tới cái thấy vô sinh tức cái thấy”vô sinh bất diệt – không có không không” của đạo Bụt. Đó là mục đích tối hậu của người tu tập.

Độc tọa bi song mấn
Không đường dục nhị canh

Một mình ngồi tóc mai buồn
Canh hai vừa vọng gian phòng vang vang

Độc là một mình, tọa là ngồi, song mấn là hai bên tóc mai.

Đây là hình ảnh của một người tuổi đã xế chiều. Ngồi một mình và nhận ra rằng, hai bên tóc mai của mình đã bắt đầu phai màu.

Với cái tuổi đời chồng chất, trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, mình ngồi lại một mình và bỗng nhận ra hai bên tóc mai đã bạc. Cảm thấy một chút thê lương? Giờ phút này mình mới được ngồi yên mà nhìn lại mình cho rõ, cái giờ phút này thật quý báu mà có người cho đến hết cuộc đời cũng không bao gờ có được.

Nhị canh là canh hai. Mỗi canh có hai giờ đồng hồ. Canh một bắt đầu từ 19 giờ đến 21 giờ tức giờ tuất. Canh hai bắt đầu từ 21 giờ đến 23 giờ tức giờ hợi. Không đường là không gian trong phòng.

Không đường dục nhị canh là tiếng trống báo canh hai vọng đến gian phòng. Ngày xưa người ta hay dùng tiếng trống để báo sang canh.

Chúng ta có thể hiểu, Vương Duy là một người thực tập Thiền và có thể ông đang thực tập Mười sáu phép quán niệm hơi thở. Vào lúc khoảng chín giờ tối, Vương Duy ngồi yên một mình trong thiền phòng và thở. Tiếng trống báo canh hai có thể được xem là tiếng chuông gia trì giúp ông đem tâm trở về với thân. Ngồi yên và thở. Đây là hơi thở giúp mình nhận diện, làm lắng dịu hình hài và cảm thọ. Ông ý thức hai bên tóc mai của mình đã bạc và nhận ra cái cảm thọ buồn man mát (bi song mấn).

Vũ trung sơn quả lạc
Đăng hạ thảo trùng minh

Trong mưa rơi rụng trái rừng
Dưới đèn nghe tiếng côn trùng nỉ non

Vũ trung là trong mưa. Sơn quả là trái rừng. Lạc là rơi xuống. Sơn quả lạc có nghĩa là trái rừng rụng xuống.

Đăng hạ là dưới đèn. Thảo trùng là côn trùng. Minh là kêu. Thảo trùng minh có nghĩa là côn trùng kêu, ở đây chúng ta dịch là côn trùng nỉ non.

Vuơng Duy ngồi yên và có mặt trong giây phút hiện tại. Ông ý thức được những gì đang xảy ra chung quanh mình. Bây giờ là mùa thu, bên ngoài mưa nhẹ ra rít nên nghe được tiếng trái rừng chín rơi rụng trong mưa. Trong thiền phòng, thiền giả ngồi yên dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng đang nỉ non. Chúng ta có thể hiểu Vương Duy đang ngồi thiền trong một gian nhà đơn sơ giữa rừng. Ông chọn một khung cảnh thiên nhiên, vắng vẻ và u mặc để ngồi thiền tối. Có phải lúc đó người ngồi trong thiền phòng, tiếng mưa, tiếng trái rừng rơi rụng xuống đất và tiếng côn trùng đã trở thành một? Cái biên giới giữa người ngồi thiền và không gian trong đó có người đang ngồi thiền không còn nữa.

Bạch phát chung nan biến
Hoàng kim bất khả thành

Tóc xanh rồi bạc lẽ thường
Thời vàng son ấy có còn gì đâu

Bạch phát là tóc bạc. Chung nan biến là không thể thay đổi. Hoàng kim có nghĩa là vàng bạc, cũng có thể hiểu là thời vàng son, hưng thịnh. Bất khả thành là không thể có được, không nắm bắt được.

Dục tri trừ lão bệnh
Duy hữu học vô sinh 

Bỗng nhiên ngộ thoát bệnh già
Chỉ khi chứng được cái nhìn vô sinh

Dục tri là muốn biết được. Trừ lão bệnh là thoát khỏi bệnh hoạn và cái già.

Duy hữu học vô sinh có nghĩa là chỉ có được khi có tuệ giác vô sinh.

Muốn thoát khỏi sự già nua, bệnh tật thì chỉ có một phương pháp là chứng được tuệ giác vô sinh. Vô sinh có nghĩa là vô sinh bất diệt, là cái thấy vượt thoát sinh và diệt, có và không, tới và đi, còn và mất.

Đây là sự chứng ngộ. Vương Duy là thi sĩ, họa sĩ và thiền giả. Thấy được sự thay đổi của chính bản thân mình và của sự vật chung quanh mình, ông nhận ra rằng các pháp đều không thật sự có, chúng không có tự tánh. Nó chỉ là những biểu hiện do duyên sinh, đủ duyên thì hợp, không đủ duyên thì tan.

Trong một bài thơ ngũ ngôn bát cú Vương Duy vẽ ra cho chúng ta bức tranh tuyệt đẹp của một thiền giả ngồi tọa thiền trong một gian nhà vào đêm tối. Trong thiền phòng vọng đến tiếng trống báo canh hai và đó cũng là tiếng chuông chánh niệm đưa tâm trở về với thân. Những hình ảnh rất thi ca hòa lẫn với những âm thanh của thiên nhiên làm tăng thêm tính chất thiền vị của bài thơ. Ngoài kia đang mưa, tiếng mưa lẫn với tiếng trái rừng rơi xuống đất. Trong gian nhà, người ngồi dưới ánh đèn và lắng nghe tiếng côn trùng nỉ non. Thật là một khung cảnh êm đềm và bình an của một buổi ngồi thiền. Phải thật sự có mặt mới có thể sống và và cảm nhận được cái giây phút mầu nhiệm này.

Thiền giả ngồi yên, thân tâm lắng dịu, ý thức rõ ràng tóc mình đã bạc. Tóc đã bạc thì không thể trở lại xanh như trước. Tiền tài, danh vọng, giàu sang cũng không giúp cho mình thoát được già yếu, bệnh tật. Mình cũng không nắm bắt được cái thời vàng son ấy (Hoàng kim bất khả thành). Ông ngộ ra rằng muốn vượt thoát già yếu, bệnh tật thì chỉ có con đường thực tập để có được tuệ giác vô sinh.

Vương Duy đã thực tập và đã thấy được nhờ thiền quán. Chúng ta cũng là những người thực tập, chúng ta đã tìm ra chưa? Không phải chỉ những người tuổi hạc đã cao mà tôi nghĩ những người trẻ cũng đã từng có mối ưu tư đó, vì cái lẽ vô thường là chung cho tất cả sự vật. Làm sao thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử? Các bạn có khi nào suy tư đến vấn đề này không?

Tôi chợt nhớ tới một bài thơ của thiền sư Nhất Hạnh, là một bài thơ nhưng viết theo thể văn xuôi, có tựa là Tái sinh. Bài thơ trình bày tuệ giác vô sinh sâu sắc nhưng mang màu sắc nhẹ nhàng của thi ca:

CGL

Tươi son bền sắt

Chân Đức Hạnh là một Tiếp Hiện cư sĩ ở Việt Nam. Lá thư anh viết gửi đến Thầy nói lên tấm lòng tha thiết mong cầu được tiếp nhận và thọ trì Năm Giới quý báu như thế nào. Với tấm lòng mong cầu mạnh mẽ đó, anh đã có thể vượt qua những khó khăn, trở ngại và anh đã hạnh phúc như thế nào khi cái mong ước cao đẹp của mình trở thành sự thật.

Thầy kính thương,

Lâu rồi con không thực tập viết thư cho người thương, nhưng sự tu tập của con cũng không vì đó mà thuyên giảm. Con vẫn „giữ cho bền sắt tươi son“ dù thỉnh thoảng có trải qua những „cơn ba đào„.

Hôm nay, nhân bắt đầu tuần lễ kính mừng Đức Bụt đản sinh, con muốn viết thư tới Thầy để trước hết vấn an sức khỏe của Thầy, sau đó con xin kể Thầy nghe một chuyện rất vui mà con đang thực tập ạ.

Con thực tập theo Thầy bắt đầu bằng việc đọc sách, những cuốn sách của Thầy đã tưới tẩm những hạt giống bồ đề trong con rất nhiều. Ngày xưa khi đưa Mẹ con đi chùa mỗi dịp năm mới hay ngày lễ, con thường đứng ngoài vì thấy đi chùa như mê tín, không phù hợp với giới trẻ như con.

Thế nhưng, ngay lần đầu tiên tham dự khóa tu tại Làng Mai Thái Lan mùa hè năm 2017, con đã có ý định quy y thọ 5 giới với Thầy. Năm đó Thầy đang tĩnh dưỡng tại Làng Mai Thái Lan và có cơ hội được thọ giới tại đây là một điều đặc biệt. Nhưng rồi có nhiều nghịch duyên khác mà rất tiếc con chưa thể thọ giới trong những ngày đó được, nhưng ước nguyện được thọ ba phép quay về nương tựa và năm giới quý báu với Thầy chưa bao giờ tắt trong con.

Tháng 11 năm 2018, ngay khi biết tin Thầy về tĩnh dưỡng tại chùa Tổ Từ Hiếu, con đã sắp xếp công việc để được vào thăm chùa Tổ, nếu có cơ hội thì được đảnh lễ Thầy. Con đi Huế vào đúng ngày 20/11/2018 – ngày Nhà giáo Việt Nam. Khi ngồi trên máy bay, con nghĩ là cần phải viết một lá thư tri ân Thầy – vị thầy tâm linh đầu tiên của con. Con hoàn thành bức thư tay ngay khi hạ cánh, con bắt xe về thẳng chùa Tổ với ước mong kính dâng lên Thầy ngày hôm đó. Con tới chùa khi trời đã tối, con đứng trước Thất Lắng Nghe của Thầy rất lâu và tình cờ gặp quý thầy thị giả nên gửi quý thầy bức thư nhờ kính dâng lên Thầy giúp con.

Con đã có những ngày rất thảnh thơi và hạnh phúc tại chùa Tổ năm đó. Ngày cuối cùng trước khi về Hà Nội, con viết thư tay chào Sư Cô Chân Không và nhờ quý sư cô thị giả gửi giúp. Thật bất ngờ khi ngay sau đó, Sư Cô Chân Không đã nhắn lại bảo con đợi để gặp. Rồi như một phép màu, nguyện ước bấy lâu của con đã thành hiện thực khi Sư Cô từ bi truyền thọ ba phép quay về nương tựa và năm giới quý báu cho con ngay tại chùa Tổ dưới sự chứng minh của Bụt, của Tổ và Thầy.

Sư Cô đặt cho con pháp danh là Tâm Đại Bi với mong muốn con sẽ tiếp nối con đường mà Thầy đã dày công xây dựng để đi về tương lai, đó cũng là tâm nguyện cả đời của con khi phát nguyện thọ năm giới quý báu với Thầy. Ngày 25/11/2018, ngày con chính thức trở thành con Bụt, con của Thầy là một ngày đáng nhớ. Con đã rất hạnh phúc và biết ơn Thầy, biết ơn Sư Cô và tăng thân đã từ bi trao truyền tuệ giác. Kể từ đó, con luôn tâm niệm đã có gốc rễ tâm linh rồi, con cần phải tu tập làm sao cho xứng đáng với gia đình tâm linh đó.

Mùa Đức Bụt đản sinh năm nay 2021 – Phật lịch 2565, con muốn làm một điều gì đó dâng lên cúng dường Bụt, cúng dường Thầy. Con cũng vừa chuyển chỗ ở và cũng muốn làm một việc mà con đã định làm từ lâu là khai báo làm mới thẻ căn cước công dân với việc ghi tôn giáo của mình là Phật giáo, đó sẽ là món phẩm vật con dâng lên cúng dường Bụt. Hầu hết người dân Việt Nam nếu không phải theo các tôn giáo khác thì đều ghi tôn giáo là “không” và trong ý niệm của tất cả mọi người, để thuận lợi nhất thì nên để là không. Nhưng con là một người con Bụt, con của Thầy, con sẽ thay đổi việc đó, dù là việc nhỏ, nhưng lại cũng có thể gây mất nhiều thời gian vì phải giải trình đầy đủ.

Con đi làm thẻ căn cước công dân với một niềm vui sướng, và chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết. Ngay khi chú công an điền thông tin, họ xem chứng minh thư nhân dân của con và ghi vào “tôn giáo: không”, con bảo lại: “nhờ anh ghi giúp là Phật giáo”. Chú công an hỏi: “sao CMND của anh đang để là không mà?”, con bảo lại “ngày trước không là đúng, còn giờ là Phật giáo mới đúng”. Chú công an nói lại “anh có giấy tờ gì chứng minh không?” – con trả lời: “tôi có điệp hộ giới”, rồi con mở ra cho các chú công an xem. Có lẽ là lần đầu tiên các chú công an nhìn thấy điệp hộ giới Làng Mai nên cả 6 – 7 chú cứ xem rồi bảo: “sao chưa nhìn thấy cái này bao giờ?”, “cái này không chứng minh được”, “thôi anh cứ để là không đi cho tiện” …nhưng con nhất định bảo “tôi là con Bụt, nên tôn giáo của tôi phải ghi là Phật giáo”.

Cuối cũng có một chú chắc là đội trưởng, nói: “thôi, có chữ pháp danh Tâm Đại Bi đây rồi, điền cho anh ấy tôn giáo là Phật giáo đi”. Vậy là xong, con đã thực hiện được ý nguyện dù có một vài nghịch duyên khác nữa. Ngay lúc đó con nghĩ tới mấy vần thơ của Thầy mà con thường thực tập:

Trước sau xin chớ ngại ngần

Những bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

Giữ cho bền sắt tươi son

Giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

Con đã hoàn thành tâm nguyện này vào đúng ngày bắt đầu tuần lễ kính mừng Đức Bụt đản sinh, và con xin dâng vật phẩm này cúng dường lên Bụt, lên Tổ và lên Thầy. Vật phẩm của con chính là sự VÔ ÚY mà Bụt đã dạy, mà con đã học được qua những bài pháp thoại của Thầy.

Tâm đã quyết rồi hiềm gì bạo lực

Thân đi vào đời cưỡi trên ba đào

Con kính chúc Thầy luôn khỏe mạnh, bình an để làm nơi nương tựa cho tứ chúng Làng Mai.

Thành kính dâng lên Thầy,

Hà Nội, 19/5/2021

Chân Đức Hạnh

Giọt nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa

Anh Jean Pierre – Chân Linh Từ là một giáo thọ Tiếp Hiện cư sĩ người Pháp sinh hoạt trong tăng thân Paris. Lá thư anh viết gửi Thầy và các bạn đồng tu là những lời tâm tình từ trái tim của một người, không phải là nguời Việt, nhưng đã tìm thấy hạnh phúc thật sự nhờ sự thực tập trong một cộng đồng tu tập người Việt. Nhờ sự thực tập mà anh đã nhận diện và chữa lành được những vết thưong của quá khứ. Xin mời các bạn đọc bức thư tâm tình đầy xúc cảm này.

 

Kính bạch Thầy,

Kính thưa quí thầy, quí sư cô,

Kính thưa đại chúng,

Khi đến Làng Mai lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1983 tôi chỉ mới 26 tuổi. Hồi đó Làng Mai có tên là Làng Hồng. Người ra đón tôi ở Xóm Hạ ở Meyrac là cô Phượng, tức sư cô Chân Không của chúng ta bây giờ. Sau khi nghe tôi giới thiệu mình là ai, do đâu mà tôi biết được Làng để tới một cách bất ngờ như vậy thì cô Phượng kêu lên:“A thì ra là anh, anh là Jean Pierre! Anh Jean Pierre đã từng giúp cho những người Việt đến tị nạn ở Pháp phải không?“ Tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ở đây lại biết tôi, một nơi mà trước đây tôi chưa hề đặt chân tới, hơn nữa lại là một nơi chỉ toàn là người gốc Việt.

Tôi đến Làng Hồng theo sự chỉ dẫn của một anh bạn người Việt Nam tên là Bá Thư. Anh Bá Thư đã tặng tôi cuốn sách“Phép lạ của sự tỉnh thức“ của Thầy do Lá Bối xuất bản. Cuốn sách đã đánh động tôi rất nhiều, thậm chí tôi đã chép tay ra toàn bộ cuốn sách để cho dễ thấm hơn. Khi đó tôi chưa biết là cuộc đời mình sẽ thay đổi tới mức nào.

Khi gần kết thúc mùa hè năm 1982, tôi định dành vài ngày phép còn lại của mình để trở về Làng. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt đầu thực tập thiền với cuốn sách quý báu của mình mặc dù chưa hiểu gì nhiều. Tôi tập rửa bát, tập ngồi, tập đi. Tôi cũng nhận ra được rằng thời gian làm việc luôn luôn là “thời gian của tôi“ mà không phải là thời gian “mất đi“ ví dụ như khi mình làm một việc  không thú vị gì mấy.

Tôi quen với Bá Thư ở Lyon, tại Hội Ái Hữu Sinh Viện Việt Nam qua sự giới thiệu của một anh bạn khác là Hoàng. Tôi gặp Hoàng lần đầu tiên ở Metz trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Hoàng cũng đi nghĩa vụ quân sự vì anh ấy có quốc tịch Pháp. Tôi còn nhớ rất rõ cuộc gặp gỡ lạ lùng giữa tôi và Hoàng.

Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1977 khi tôi đã đến trại được 6 tháng. Đầu năm 1977 có một toán những người mới đến. Hoàng ở trong nhóm những người được “kêu gọi đầu quân“ trong một năm. Khi gặp nhau Hoàng đi tới chào tôi một cách rất tự nhiên, và tôi cũng cảm thấy gần gũi như quen biết nhau từ lâu, giống như hai anh em sinh đôi gặp lại nhau sau một thời gian dài xa cách. Tôi rất vui có được một người bạn như Hoàng. Chúng tôi thấu hiểu nhau và trở thành một đôi bạn thân không thể tách rời nhau. Sau này tôi mới biết thêm rằng chúng tôi cũng có chung một niềm đau nỗi khổ thật sâu. Sau khi thời hạn nghĩa vụ quân sự chấm dứt tôi xuất ngũ để trở về đời sống dân sự.

Hơn sáu tháng, một hôm có tiếng điện thoại reo, mẹ tôi nhấc lên nghe và gọi tôi:“Jean Pierre, có anh bạn Việt nam của con nè!“ Đó là Hoàng. Trước tiên anh ta cất giọng trách cứ:“Bộ quên người anh già này rồi hả?“ Rồi anh ta mời tôi về chơi nhà bố mẹ anh ở Vaulx-en-Velin gần Lyon.

Gia đình Hoàng tiếp đón tôi như con cái trong nhà. Tôi đã ở đó trọn một tuần lễ và đã học cách ăn cơm bằng đũa. Tôi còn nhớ ba của Hoàng đã món gà nấu ớt cho bữa cơm chào đón tôi ngày đầu tiên. Ông đã phải đóng hết tất cả các cửa để ớt không bay ra trong không khí. Nhưngchúng tôi cũng bị ho sặc sụa vì mùi ớt.

Sau đó tôi thường xuyên trở lại Lyon để thăm Hoàng. Hoàng đã giới thiệu tôi vào Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam họp mặt mỗi tuần ở l’INSA Lyon. Tôi đã được tiếp đón như một người bạn. Khi đó tôi hoàn toàn không hiểu gì về người Việt nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi ở chung với họ. Tôi chỉ cần có mặt ở đó, trong bầu không khí không hề quen thuộc đối với tôi, nhưng lạ lùng là tôi cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Từ từ tôi bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng của hội. Hoàng không bao giờ quên mời tôi tham dự những buổi lễ hay những buổi biểu diễn văn hóa được tổ chức để giúp cho thuyền nhân tị nạn. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình là một người có ích. Tôi lấy xe chở hành lý, chở thực phẩm hay chở người đến những trung tâm tiếp cư cho người tị nạn hoặc đưa họ tới những nơi mà họ cần phải tới. Tôi rất cảm động khi thấy có những người đã mất hết tất cả, trong tình trạng sức khỏe bấp bênh và vừa trải qua những điều kiện khắc nghiệt trên thuyền trong nhiều tuần mà vẫn còn tràn đầy niềm vui và sức sống. Có một anh bạn tên Hoa đã lênh đênh trên thuyền trong suốt 18 tuần lễ. trong suốt thời gian trên thuyền hầu như anh chỉ đứng vì thuyền có quá đông người tị nạn.

Bá Thư đề nghị tôi đến thăm Làng Hồng, anh cho biết có một thiền sư người Việt Nam đang sống ở đó. Tôi chấp nhận ngay đề nghị của anh, nghĩ rằng tới đó tôi sẽ gặp một “thiền sư già“, giống như trong những phim kiếm hiệp Trung Hoa mà chúng tôi đã từng xem với nhau. Ông thiền sư với bộ râu trắng dài và dĩ nhiên là ở cái cái tuổi đáng kính. Nhưng khi đến Làng tôi đã không gặp được một “thiền sư già“ với bộ râu bạc.

Tôi đã gặp Thầy ngay ngày thứ nhất của tôi ở Làng. Hơn chục người chúng tôi ngồi trong một cái vựa cũ, bây giờ là nhà ăn của Xóm Hạ, trên những chiếc băng dài xấp theo hình vòng cung trước cái bảng dùng để giảng bài. Trước bảng có một người dùng hình vẽ để giảng giải. Ông ấy mặc một bộ đồ giản dị, gồm áo vạt hò và quần dài. Tuy không hiểu gì hết những gì ông nói nhưng tôi cảm thấy rất thú vị. Tôi nghĩ chắc ông ấy là thiền sư của Làng. Nhưng bỗng nhiên có một người, cũng ăn mặc giản dị, đứng lên từ chiếc băng khác, ngắt lời ngưòi đang nói một cách thẳng thắn. Ông đến trước bảng và điều chỉnh lại những mô hình mà người trước đã vẽ. Thật rõ ràng, đây chính là thiền sư mà Bá Thư đã nói với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thầy, một người tươi mát, dịu dàng, đồng thời cũng thẳng thắn, với một uy lực thật tự nhiên và đầy từ bi.

Ngày thứ hai của tôi ở Làng cũng đầy ấn tượng. Khi đó các em nhỏ tụ họp lại dưới hai cây sồi lớn ở Xóm Hạ để tập hát những bái hát bằng tiếng Việt. Những chiếc băng dài được xếp theo vòng tròn. Tôi giữ khoảng cách và có hơi nhút nhát. Không có người nào của Hội Ái Hữu Sinh Viên có mặt, và tôi không quen ai ở đó cả. Trong khi các em đang hát thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có hai bàn tay đặt lên vai tôi và đẩy nhẹ tôi về phía các em. Tôi nghe một giọng nói mời tôi tới cùng hát với các em:“Jean Pierre, anh ngồi xuống với các em và tập hát bằng tiếng Việt đi!“ Đó chính là Thầy, Thầy đã đến sau lưng tôi hồi nào mà tôi không hay.

Một hôm khác Thầy gọi tôi tới ngồi gần bên Thầy, đối diện với những cây mận. Thầy giới thiệu Làng với tôi, nói cho tôi biết cách sống ở Làng như thế nào, kể cho tôi nghe những ý tưởng của Thầy về tương lai của Làng, làm sao để vừa trồng cây mận vừa bảo vệ được sự sống…Và sau cùng Thầy hỏi tôi:“Anh nghĩ gì về Làng của chúng tôi?“. Lạ thay, một người nhút nhát như tôi lại trả lời thầy một cách rất tự nhiên:“Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người đến đây vì người ta rất cần một nơi như thế này!“ Tôi ngạc nhiên khi mình nói được như thế, có thể vì tôi cảm thấy thoải mái an tâm ở bên Thầy.

Tôi theo người Việt tới Làng, nhưng cuối cùng tôi cũng có nhu cầu được thực tập chánh niệm. Điều này với tôi rất quan trọng. Sự thực tập thấm vào tôi từ từ, tôi thích đi dạo trên những cánh đồng, đi trong rừng hay đi qua những vườn nho.

Một hôm thấy những giáo lý quá nặng nề đối với tôi, Thầy nói:“Jean Pierre, anh không cần phải biết kinh điển hay học thuộc những từ ngữ Phật giáo khó khăn. Anh chỉ cần sống trong Làng với chúng tôi là được rồi.“ Những lời nói đó làm cho tôi rất xúc động.

Tôi cũng xin mượn lá thư này để trả lời một câu hỏi mà tôi hay thường nghe là:“Tại sao lúc nào anh Jean Pierre cũng có mặt trong cái đám người Việt vậy?“ Lúc đầu thì tôi cười nói:“Tại sao không?“ Tôi tiếp xúc lần đầu với người Việt Nam thời còn chiến tranh trước năm 1975 qua những tin tức trên truyền hình. Lúc đó tôi còn là một thiếu niên, trong giờ tin tức buổi chiều tôi thấy gương mặt của một phụ nữ việt nam, gương mặt hằn sâu đau khổ vì các con mình đã chết trong bom đạn và một bé gái trần truồng, thân hình cháy xém, chạy trên con đường đất giữa đồng ruộng. Trái tim tôi vỡ vụn và nước mắt tôi trào ra. Tôi hiểu ra rằng, dù thời thơ ấu của tôi có nhiều khó khăn, nhưng không chỉ riêng mình tôi có khổ đau mà bất kỳ ai trên đời này đều có thể có niềm đau nỗi khổ. Tôi cảm thấy gần gũi với những người mà tôi chưa hề quen biết.

Sau này, nhờ Hoàng tôi biết được trách nhiệm của đất nước tôi thế nào trong việc tạo ra những bi kịch đó và tôi cảm thấy chính mình cũng có trách nhiệm một phần nào. Sâu tận trong đáy lòng tôi nghĩ mình phải có mặt cho những người Việt, tại vì nếu tôi bị mất một đứa con hay bị tách ra khỏi gia đình thì tôi cũng sẽ đau khổ y như những người đó. Trong tâm tôi nghĩ mình phải làm gì đó để bù đắp lại lỗi lầm do đất nước mình gây ra.

1983 – Thầy và Làng đi vào cuộc đời tôi

Thời gian đầu tiếp xúc với Thầy và Làng (trong khoảng 12 năm) không thay đổi được tận gốc lối sống của tôi. Tôi vẫn tiếp tục sống một cách đơn độc, khép kín và trốn tránh đối diện với chính mình. Ở đây tôi muốn nói tới sự đối diện với những nỗi khổ niềm đau trong tôi. Tôi sống với khổ đau trong lòng và lẩn tránh những người khác càng nhiều càng tốt.

Hồi đó cộng đồng tu học, chỉ gồm có những người bạn Việt, đã chăm sóc tôi. Mỗi cuối tuần chúng tôi tổ chúc một ngày quán niệm. Dù rất bị đánh động bởi cuốn sách “Phép lạ của sự tỉnh thức“ tôi vẫn không thoát ra khỏi sự cô đơn, tôi chỉ đến Làng vì những người bạn rủ tôi đi để cùng sinh hoạt hay thực tập chung với nhau. Cuối cùng thì thiền tập chỉ là một yếu tố nữa để gắn liền tôi với cộng đồng người Việt (có thể đó chỉ là một yếu tố phụ thôi). Điều đó không quan trọng đối với tôi. Điều quan trọng là tôi có được những giờ phút vui vẻ, cởi mở, cùng hát, cùng đùa chơi hay cùng đi nhặt hạt dẻ trong rừng Fontainebleau, cùng rong chơi…sống không lo nghĩ! Những giây phút  đó giúp tôi quên đi nỗi lo sợ mà tôi không chia sẻ được với ai, kể cả Thầy, người mà tôi rất kính mến, người mà tôi biết là sẽ lắng nghe tôi. Tôi không muốn mình tỏ ra đáng thương. Hơn nữa tôi nhút nhát, tôi nghĩ Thầy là một người “lớn“ còn tôi chỉ là một người“nhỏ bé“, tôi không thể làm phiền Thầy vì những vấn đề riêng tư của mình.

Cùng với Thầy và cộng đồng người Việt, tôi sống những giây phút hạnh phúc trong những buổi chia sẻ, những buổi thực tập chánh niệm hoặc những buổi sinh hoạt gia đình quanh cái bàn đầy thức ăn chay ngon lành hay quanh một bình trà nóng. Từ từ một gia đình được dựng lên chung quanh tôi. Gia đình đó nhận nuôi tôi như một người con, điều này rất mới lạ với tôi vì tôi bị tách ra khỏi gia đình huyết thống lúc 6 tuổi và đưọc nhận nuôi bởi một gia đình xa lạ. Tôi biết được thế nào là bạo động, sự sợ hãi và vất vả của công việc trong một nông trại, chưa kể tới nềm đau của sự chia cắt.

Một sự thay đổi lớn đã ảnh hưởng tới cuộc đời tôi: tôi gia nhập vào một gia đình tâm linh, nơi đã nuôi dưỡng và che chở tôi bằng tình bạn và lòng ưu ái. Và đồng thời tôi cũng được nhận vào một gia đình mới, gia đình Việt Nam. Tôi bị rúng động, tôi không biết phải làm gì và hành xử như thế nào. Tôi nói đùa rất nhiều và cười vui một cách dễ dàng để che dấu cảm xúc và nước mắt của mình. Trái tim đầy những vết sẹo của tôi không cho phép tôi nói đến điều đó. Nhưng chắc chắn điều quan trọng nhất là tôi giữ liên lạc với hai gia đình mới đó, tôi biết như vậy.

Sự thực tập chánh niệm đi tôi vào  thật nhẹ nhàng

Về phương diện tu tập, mặc dù đã trải qua vài năm, nhưng khoảng cách giữa đời sống cô độc và khoảng thời gian ở chung với cộng đồng của tôi tại Fontvannes (Phương Vân Am) hay Thiền Đường Hoa Quỳnh vẫn còn rất lớn. Cả sau khi thọ 14 giới Tiếp Hiện vào năm 1986 thì sự thực tập chánh niệm và quán chiếu nhìn sâu mới từ từ đi vào đời sống hàng ngày của tôi, giúp cho tôi có được một vài chuyển hóa mà tôi cũng không nhận ra được. Nhưng khi có vấn đề xảy ra như lúc mẹ tôi mất thì sự chuyện hóa đó mới biểu hiện ra. Tôi trông nom mấy đứa cháu trai và cháu gái giúp cho chị tôi vì chị hầu như hoàn toàn mất hết lý trí. Tôi đã hướng dẫn một buổi thiền hành, tôi làm một cách thật tự nhiên, không có cố gắng gì cả. Buổi thiền hành điễn ra rất tốt đẹp. Trong lúc dừng lại nghỉ ngơi, tôi có chia sẻ là mẹ của chúng tôi không bao giờ thật sự mất đi đâu hết. Nếu nhớ mẹ thì chúng tôi có thể gặp lại mẹ một cách dễ dàng khi nhìn sâu vào bàn tay của mình, khi đi thật bình an, lắng nghe thiên nhiên, cây cỏ, chim chóc hay giản dị là khi mình có mặt thật sự cho mình trong giây phút đó. Tôi đã chia sẻ như vậy và hướng dẫn thiền hành lần đầu tiên vào tháng bảy năm 1990.

Và nhiều lần tôi được giữ chuông trong những buổi thiền tập, trong những buổi lễ tụng 14 giới Tiếp Hiện, lúc tụng Bát Nhã tâm kinh hay lúc hướng dẫn ngồi thiền cho các bạn thiền sinh. Tất cả đều bằng tiếng Việt. Người ta có lòng tin ở tôi hơn cả chính tôi.

Cũng có khi những người không hề thực tập thiền Phật giáo nhận xét về tôi như thế này:“Jean Pierre, cái nhìn của anh đã khác hơn trước, nó dịu dàng hơn!“, hoặc lúc tôi làm việc ở nông trại trong mùa hè:“Anh đã thay đổi, anh làm việc chậm hơn, chăm chú hơn mà không bị mệt!“(tôi nhớ lúc đó mình đã làm việc trong chánh niệm). Có một lần tôi đi thiền tới tiệm bán bánh mì trong làng nơi tôi lớn lên thì ông bán bánh mì nói với tôi:“ Ông có vẻ thật bình an!“. Có những sự kiện nhỏ nhặt như vậy xảy ra trong suốt những tháng năm, có những bất ngờ bé bé thú vị, những bông hoa nở thật đẹp trên con đường đầy đá sỏi. Điều này không làm cho tôi hãnh diện một cách đặc biệt nhưng lại khuyến khích tôi thêm trong sự thực tập.

Tiếp xúc với em bé trong tôi

Lúc mới bắt đầu thực tập ở Xóm Hạ tôi không biết là trong tôi có niềm đau nỗi khổ. Hơn nữa tôi không đến Làng vì có khổ đau. Tôi chưa biết nhận diện sự mặt của khổ đau trong tôi. Tôi không biết trong tôi có một em bé đang đau khổ, em bé còn mang tất cả những vết thương sâu của quá khứ.

Trong sách ”Phép lạ của sự tỉnh thức” có một chương với tựa đề: Thiền làm sáng tỏ và trị liệu. Tôi đã để rất nhiều thì giờ để tìm hiểu tựa đề đó, vì qua nhiều năm thực tập khổ đau của tôi ngày càng hiện rõ nhưng nó vẫn không được chữa trị. Thầy của chúng tôi dạy rằng thiền tập không làm cho mình khổ, mà trái lại. Tôi còn nhớ có một lần đến Làng tôi ho nhiều lắm. Lồng ngực của tôi đau nhức từ hơn một tháng rồi. Qua hình chụp quang tuyến tôi biết là mình không có bệnh gì cả nhưng tôi rất đau. Cô Phượng đưa Thầy đến gặp tôi. Thầy nói với tôi chỉ giản dị như này:”Jean Pierre, thiền không làm mình đau, thở không làm mình đau. Anh đừng quá cứng ngắt trong sự thực tập…”Sáng hôm sau tôi hết ho và ngực tôi không còn đau nữa. Đây là nói về sự đau nhức của thân. Đó là thời gian mà tôi nghĩ rằng thực tập thiền cũng như là tập võ thuật vậy, nó giúp cho mình mạnh khỏe hơn…một sự thực tập sai lạc. Về phương diện tâm, thì khổ đau của tôi chỉ dường như có chút chuyển hóa thôi. Tôi biết là nếu với mức độ đó thì sự thực tập của mình không đúng chút nào, dù là tôi đã biết học nhận diện và ôm ấp em bé 5 tuổi của ngày xưa trong tôi.

Sau khi kết hôn thì tôi bắt đầu xa Làng trong một thời gian khá lâu, ngoài trừ tôi có đến thăm Thiền Đường Hoa Quỳnh vài lần và một lần tôi đưa gia đình nhỏ của mình về Xóm Mới. Vợ tôi không có cùng ý muốn thực tập hay thích về Làng như tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi đã không biết cách làm cho vợ mình có ý thích đó, bởi chính tôi, tôi cũng có nhiều do dự và không dứt khoát. Cách thức hành xử của một người chồng và một người cha không được dạy trong trường học và tôi đã phạm rất nhiều lỗi lầm. Từ từ tôi thấy biểu hiện ra sự giận dữ mà tôi đã được nuôi trong đó từ lúc nhỏ. Nó mạnh như núi lửa…sự giận dữ lớn dần lên trong tâm, tiếng la hét nổ ra, chúng tôi đi tới tình trạng rất khó khăn và chia tay.

Lúc đó Thầy thường ở bên cạnh bên tôi ban đêm, nhưng tôi không hiểu ra sự có mặt của Thầy. Tôi chỉ cảm thấy một sự thiếu vắng giống như lúc tôi rời xa mẹ tôi ngày xưa. Và một lần nữa tôi lại trốn chạy trước thực tế của một đời sống gia đình. Tôi không thấy được là tôi đã có quá đủ những gì cần thiết để sống hạnh phúc. Tôi bị kẹt vào nỗi khổ niềm đau của thời thơ ấu, của cảm giác mình là một nạn nhân…

Nhiều lần tôi đã trở về miền quê đó, nơi tôi đã lớn lên. Tôi cảm thấy mình thật bất hạnh, tôi muốn thấu hiểu và làm dịu đi niềm đau đó. Tôi đi bộ rất nhiều trong rừng, trên những cánh đồng, những bãi cỏ, những nơi mà tôi đã từng sống và làm việc. Tôi không nhận được ra là mình đang thực tập thiền hành. Điều này xảy ra rất rõ vào một buổi sáng sớm lúc 7 giờ khi tôi nghe tiếng chuông nhà thờ văng vẳng trong sương mù. Tự nhiên tôi dừng lại và trở về với hơi thở, với hình hài của mình. Thật là một sự tái sinh, sự thực tập của tôi không “mất” đi đâu hết. Tôi thấy được khổ đau tôi đã gây ra cho chính mình và cho gia đình. Tôi không thể nào làm như vậy được, đem bạo động trong mình đổ lên người khác. Tôi gánh phần lớn trách nhiệm trong việc tạo ra tình trạng đó cho gia đình mình, cho sự kiệt quệ và sự phóng thể của mình. Tôi đã đánh mất gia đình của tôi. Nhưng một mình cô đơn không có gia đình thì sẽ ra sao?

Chỉ cần đi, đi một cách bất bạo động thì sẽ có bình an! Đó là thiền! Chăm sóc hình hài của mình, hơi thở của mình. Chú ý, chỉ chú ý tới cái gì đang xảy ra…Ngày hôm đó tôi tìm lại được tăng thân, gia đình tâm linh của tôi dưới hình thái của cỏ cây, đất đá và những con thú nhỏ như chú sóc thường hay đến cười với tôi quanh cây sồi lớn.

Tôi tiếp tục thực tập thiền hành trên những con đường trong rừng. Tôi hái nấm dại về tự nấu ăn. Tôi lượm hạt dẻ và hạt hồ đào. Và chủ yếu là tôi được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì đẹp đẽ và tươi mát. Tôi thấy rất rõ hạnh phúc mình đã có được ngay cả trong khổ đau của thời thơ ấu. Tôi thấy rất rõ khổ đau và yếu kém của nguời đã gây ra khổ đau cho tôi. Và tôi bắt đầu thương người đó thật sự.

Tôi thấy tôi là đứa bé 6 tuổi của thời đó. Trên một con đường rừng đầy ánh sáng đứa bé đã đến nắm tay tôi, nét mặt tươi cười và bước đi cùng với tôi. Thân tôi trở nên nhẹ bỗng, chân tôi như đặt trên mây, tôi cảm thấy gương mặt mình hoàn toàn thư giãn và êm dịu, một cảm giác thật bình an. Và tôi thấy cây cỏ, đất đá, thú vật, đất với trời trở thành một, trong một khoảng khắc không còn sự cách biệt nào cả. Chỉ còn lại một làn gió nhẹ giống như cái cảm giác được giải thoát hoàn toàn khỏi sự khổ đau. Khổ đau chuyển hóa hoàn toàn, nhường chỗ cho tình thương vô tận. Vài bước chân, vài hơi thở và tôi trở về nhà, lòng đầy bình an. Tâm tôi trống rỗng và tôi gởi sự bình an tới cho người đó.

Tôi không có lời nào để diễn tả được trạng thái đó, tôi chỉ có những bài thơ và đặc biệt là bài thơ tôi làm lúc nhận truyền đăng:

“Tôi đặt tay lên chiếc ngực trơ xương, người đó nằm trên giường hấp hối,

Tôi ôm người đó trong tay, rồi chúng tôi cùng khóc.

Tôi thương người đó, người đã in dấu sắt nung đỏ trên thân tâm tôi.

Tình thương bất tận thấm vào trái tim, tháo tung xiềng xích của vô minh.

Những hạt giống tốt đẹp đã nẩy mầm trên tro tàn tham dục.

Không có gì cần chuyển động, chỉ vài bước chân đã đủ giẫm vào cửa Tự Do.

«Sur ton lit d’agonisant, mes mains sur ta poitrine décharnée,

   Je t’ai pris dans mes bras, puis ensemble, nous avons pleuré

   Et je t’ai aimé, oh toi qui as marqué mon corps et mon esprit au fer rouge.

   L’amour infini pénètre les cœurs, brise les chaînes de l’ignorance,

   Sur les cendres du désir et de l’avidité, germent les graines de la bienveillance.

   Quelques pas ont alors suffi pour toucher à la Liberté, sans que rien ne bouge. 

Năm 1999 người mà tôi cùng sống chung lúc nhỏ qua đời. Tôi đã đến thăm lúc ông hấp hối. Ông chỉ còn da bọc xương và thở những hơi thở cuối cùng. Ông nhận ra tôi, không hận thù không giận dữ. Trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần tôi đến đặt tay lên ngực  ông và cùng thở với ông. Sau đó tôi đi thiền hành ngoài đồng và khi trở về tôi im lặng đến bên ông và nói: ”Tôi đã đi cho ông…”. Chiều chủ nhật tôi trở về Paris. Ông ra đi một cách bình an trong đêm ngày thứ ba. Ông đã chờ tôi.

Để kết thúc

Cộng động người Việt đã đón nhận tôi như một người con, tôi rất biết ơn.

Hoàng, bạn của tôi, bây giờ đã mất. Anh chưa bao giờ tới Làng. Tôi rất nhớ anh.

Bá Thư, chính anh đã đưa tôi tới Làng, pháp tự của anh là Chân Trí. Tôi gặp lại anh tháng 6 năm 2016, sau hơn 20 năm. Anh cùng với sư cô Định Nghiêm cho pháp thoại vào tháng 6 năm 2016. Bá Thư là người anh lớn của tôi trong đạo.

Tôi còn nhớ vài người bạn như Minh, Hải, Hoa, Vinh, Tuyết, Thái…và còn những bạn khác mà tôi quên tên.

Ba mẹ và anh chị em của Hoàng.

Tôi tâm niệm: ”Chúng ta không thể xây dựng hòa bình bằng phương tiện chiến tranh!”.

Và để có một đời sống gia đình êm ấm tôi thực tập Bốn câu thần chú.

Với tất cả lòng biết ơn

Jean Pierre – Chân Linh Từ (Compassion Sacrée Authentique)

 

Không có cái chết, đừng sợ hãi!

Đây là bài viết của cô Anne Lühe, một Tiếp Hiện cư sĩ người Đức, thực tập tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB). Anne chia sẻ với chúng ta trải nghiệm của chính bản thân cô. Sự thực tập đã giúp Anne đối diện với cái chết như thế nào và cô đã có thể đã sống hạnh phúc với bệnh nan y của mình.

Tôi leo lên Đồi Táo với Thầy. Hàng trăm người đi theo Thầy, rất chánh niệm, chậm rãi và yên lặng. Waldbröl là nơi mà tôi đã hội ngộ với Thầy tôi.

Năm năm trước, tôi đã nghĩ là cuộc đời mình không còn ý nghĩa gì nữa.  Tất cả đều sụp đổ. Khi đó tôi 42 tuổi và biết là mình bị ung thư vú. Tôi sống sót nhưng bị chứng suy nhược kinh niên. Tôi không thể làm việc trở lại. Tôi không có sức khỏe, không có việc làm. Gia đình tôi tan vỡ. Hai đứa con tôi rời nhà để đi học đại học. Chồng tôi quen với một người đàn bà khác và chia tay với tôi.

Tôi tuyệt vọng vô cùng. Việc tiếp tục sống trong ngôi nhà đó làm cho tôi rất mệt mỏi. Vào các buổi chiều tôi thường lấy xe đạp vào rừng. Rừng là tăng thân đầu tiên của tôi. Tôi cảm thấy được sự liên hệ giữa mình với cây cỏ và những sinh vật sống ở đó. Tôi cảm nhận được năng lượng trị liệu từ chúng.

Mùa hè năm 2008 là lúc tôi rơi vào cái hố sâu nhất. Một ngày nọ, trong khi đang lái xe, tôi nghe về Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (EIAB) tại Waldbröl qua radio. Đó là một trung tâm tu học do một thiền sư Phật giáo người Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh, thành lập. Tôi không có ý niệm gì về đạo Bụt hay văn hóa Việt Nam. Tôi sợ mình sẽ phạm sai lầm. Tôi hoang mang, không chắc điều gì sẽ xảy ra cho mình ở đó.

Nhưng nỗi lo sợ đó tan biến rất nhanh. Tăng thân Waldbröl đã mở rộng cửa nhà và trái tim để đón nhận tôi. Tôi đã tìm được cho mình một quê hương, một con đường và sư thực tập tâm linh.

Vì không còn phải gánh trách nhiệm gì với gia đình hay công việc nên hai năm tiếp theo đó tôi coi EIAB chính là nhà của mình. Tôi sống với tăng thân xuất sĩ với tư cách một cư sĩ thường trú. Tôi cũng làm việc có ích cho trung tâm. Ban đêm tôi dạy tiếng Đức cho các thầy, các sư cô trẻ. Ban ngày tôi làm việc trong văn phòng, giúp phiên dịch trang mạng của EIAB và những tờ chương trình từ tiếng Anh sang tiếng Đức.

Trong những tháng đầu tiên ở EIAB tôi đặt trọng tâm của sự thực tập vào câu: Tôi ý thức rằng, hạnh phúc chân thực đến từ tự tâm chứ không phải do những điều kiện bên ngoài và tôi có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng tôi đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc. Phép thực tập chánh niệm thứ 3 này là sự thực tập quan trọng nhất đối với tôi. Tôi có thể áp dụng nhiều phương pháp như sự thực tập: dừng lại thở khi nghe tiếng chuông được thỉnh lên mỗi 15 phút, hát những bài thiền ca trước khi đi thiền hành, đọc và quán chiếu những bài kệ của Thầy trên những bức thư pháp hay những tấm thiệp treo khắp nơi. Sự buồn khổ to lớn mà tôi đã từng kẹt vào dần dần được chuyển hóa nhờ sự có mặt của các thầy và các sư cô. Họ đã tặng cho tôi những nụ cười hay nắm lấy tay tôi khi tôi khóc. Chúng tôi đã cùng trải nghiệm những giây phút hạnh phúc trong khi im lặng, trong khi chơi xe trượt tuyết trên Đồi Táo, trong khi đi dạo hay chơi bóng với nhau.

Sau khi tôi sống với Tăng Thân được 9 tháng thì sư cô Chân Đức mở một khóa tu về Tình thương đích thực theo giáo lý của đạo Bụt. Trong dịp đó tôi đã nhận Năm Giới. Từ đây, tôi cảm thấy đã sẵn sàng để tiếp tục đi trên con đường thực tập. Sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp danh là “Wahre Präzenz des Herzens”. Pháp danh này giúp cho tôi có được cái nhìn thoáng hơn trong sự thực tập, trong ước muốn thực hành ước nguyện của mình và hiểu một cách đúng đắn hơn câu nói của các thầy, các sư cô: Cô Anne, cô không cần phải làm gì cả. Sự có mặt của cô cũng đã yểm trợ cho Tăng Thân rồi.

Thực tập trong một Tăng Thân có công năng trị liệu, cái thấy đó và sự biết ơn đưa tôi tới một chí nguyện sâu xa hơn. Tôi được tập sự trong dòng tu Tiếp Hiện dưới sự chỉ dẫn của y chỉ sư của tôi là cô Annabelle Zinser trong 2 năm. Trong thời gian này tôi học được nhiều kỹ năng quan trọng nhờ sự gợi ý của cô, ví dụ như cô nói: Đừng suy nghĩ nhiều mà hãy chỉ thử nhìn một cách đơn thuần,“là nó đó”, hay là em tự hỏi mình: Tôi đã sẵn sàng cho hơi thở vào này, cho hơi thở ra này, cho cảm thọ này, cho tâm hành này chưa?

Sự thực tập giúp rất nhiều cho tôi. Khi truyền giới sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp tự là “True Inclusiveness of the Ocean”. Tôi rất vui được tu tập theo pháp tự này. Tôi thích đại dương và tôi thích ví dụ này: Nếu bỏ một nắm muối vào ly nước thì nước trong ly không uống được nữa. Nhưng nếu bỏ một nám muối vào đại đương thì nước của đại dưong vẫn không hề hấn gì.

Vào tháng 10 năm 2017, khi bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy với di căn vào gan thì tôi chấp nhận thông tin đó mà không có phản kháng nào. Trong tâm, tôi thấy mình rộng lớn như đại dương. Tôi bình tĩnh, tôi thấy có không gian trong lòng, không sợ hãi, không tuyệt vọng và bất an. Tôi nghĩ “là nó đó”, và không có gì ngoài việc thở. Giờ đây tôi có thể trải nghiệm những gì được học với chính bản thân mình: Nếu ta có thể chấp nhận bệnh tật trong cơ thể thì ta sẽ đau khổ ít hơn.

Đêm đó tôi đã thức rất lâu. Tôi nhớ lại 13 năm trước tôi đã đón nhận tin mình bị ung thư như thế nào, đã đối diện với cái chết như thế nào, và đã cảm thấy cô đơn như thế nào. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết cô độc một mình, con đường chuyển tiếp đó tôi sẽ phải đi qua một mình. Ý nghĩ đó làm tôi đau buồn và sợ hãi. Cái cảm thọ “mặt đất dưới chân mình bị lấy đi” cũng rất mạnh. Sự an toàn, sự tin tưởng và sự gắn bó vào đời sống đều biến mất trong thân, trong cảm thọ và trong tư tưởng của tôi.

Nhưng lần này mọi việc khác hẳn. Tôi thức, nằm đó và cảm thấy được nối kết, bảo bọc. Tôi đang nằm trong bóng tối, cảm nhận được nền đất dưới lưng mình và sự liên kết với tất cả chúng sinh, với Đất Mẹ, với tất cả những người thương và đặc biệt là với Tăng Thân của tôi. Bên cạnh mẹ tôi, con tôi, bạn đồng hành của tôi, tôi còn thấy những người thầy, những em gái và em trai trong đạo của tôi, những người tôi cảm thấy rất gắn bó vì cùng chung chí hướng, cùng chung một sự thực tập và sự trải nghiệm tương tức.

Điều đó có nghĩa là tôi biết mình sẽ được tiếp nối một cách rất cụ thể trong tương lai khi tôi không còn biểu hiện dưới hình thức này nữa. Mỗi phân tử của thân thể tôi sẽ tiếp tục tồn tại, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và hành động của tôi sẽ không mất đi mà tiếp tục sống trong những người đó. Tôi biết, nếu ý niệm về cái chết không có thì sự sợ hãi cũng không còn: Không có cái chết, đừng sợ hãi! Điều này không có nghĩa là tôi phủ nhận mình sẽ chết. Trái lại tôi còn ý thức “mình sẽ chết” trong từng giây từng phút. Và chính ý thức đó làm cho đời sống của tôi đẹp hơn. Tôi không viết tình trạng của mình thành một bi kịch. Tôi không tìm tòi trong mạng mà tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ của mình. Tôi ý thức được trọn vẹn rằng cái chết trong giờ phút này chỉ là một ý niệm. Tôi biết, là hình hài này ngày nào đó sẽ ngừng thở, trái tim này một ngày nào đó sẽ ngừng đập. Nhưng điều đó chưa xảy ra bây giờ, trong hiện tại tôi đang sống trong những điều kiện thật màu nhiệm.

Chúng ta không cần phải là Phật tử mới có được thái độ đó. Chúng ta không cần theo một tôn giáo (hiểu theo định nghĩa thông thường của chữ tôn giáo) mới nhận ra rằng, đời sống trên hành tinh này là một sự mầu nhiệm. Chúng ta cần thực tập, thực tập buông bỏ ý niệm Có-Không, an trú trong giây phút hiện tại, không đánh mất mình trong sự hối tiếc về quá khứ và sợ hãi, lo lắng cho tương lai. Đó là sự thực tập chánh niệm.

Sự thực tập mà tôi thích nhất là luôn ý thức được: Phút giây hiện tại, phút giây tuyệt vời! Tôi có may mắn là vẫn còn sống 3 năm sau khi chẩn đoán bị ung thư. Cho tới nay tôi vẫn không sụt cân và vẫn còn sức. Khi có sự đau đớn trong cơ thể (rất hiếm khi) thì tôi thực tập: Thở vào, tôi cảm thấy có cái đau trong thân, thở ra tôi mỉm cười với cái đau đó. Sự buồn nôn, đối với tôi còn khó chịu hơn sự đau đớn. Tôi thực tập: Thở vào, thở ra. Tôi để Bụt thở cho tôi. Tôi để Bụt nằm cho tôi, để Bụt đi cho tôi. Đôi khi, tôi tưởng tượng mình đang nằm trên một cái võng mà Bụt hay vũ trụ giăng lên cho tôi, và như vậy tôi cảm thấy thật thư giãn và nhẹ nhàng.

Ăn cơm trong chánh niệm cũng cho tôi nhiều niềm vui. Tôi ý thức được mình có rất nhiều thức ăn tốt lành và bổ dưỡng! Tôi không đau răng! Tôi không có vết thương và mụn trong miệng! Kể cả khi có vết thương trong miệng tôi cũng hạnh phúc vì ý thức rõ rằng, nếu ăn mà không bị đau đón trong miệng thì thoải mái biết nhường nào.  Ở EIAB chúng tôi cũng có thực tập chánh niệm trong khi đi vệ sinh. Thực vậy, tôi rất hạnh phúc mỗi khi đi tiêu hay đi tiểu mà không có vấn đề gì. Điều này chứng tỏ là những bộ phận trong cơ thể tôi còn hoạt động tốt và thân này là một tác phẩm mầu nhiệm như thế nào.

Có thể một ngày nào đó bạn sẽ đến thăm EIAB. Ở nơi đó, chùa tổ của tôi, bạn có thể có được những trải nghiệm được những cái giống như tôi. Cũng có thể bạn sẽ tìm được con đường hạnh phúc của mình ở một nơi khác. Nhưng dù bằng cách nào, ở nơi nào, vào lúc nào thì khi bạn đi ra một cánh đồng và ngước nhìn lên bầu trời, bạn cũng sẽ hội ngộ với tôi. Một đám mây không bao giờ chết.

Không có con đường đưa tới hạnh phúc

Hạnh phúc là con đường

Với tuệ giác này Anne đã bắt đầu một cuộc sống mới với bệnh ung thư.

Có được hạnh phúc trong những hoàn cảnh bất hạnh, đó là một điều này có thể xảy ra.

Anne Lühe ( No death no fear )

Tâm tình với các bạn trẻ: Chia sẻ về nghi thức tụng niệm và lễ lạy

Các bạn trẻ thương quý,

Tôi viết thư này như những lời tâm tình với các bạn trẻ, lẽ dĩ nhiên là các bạn trẻ người Việt. Tôi không muốn giảng pháp cũng có ý không thuyết phục. Tôi chỉ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã thực tập, đang thực tập hàng ngày và sự thực tập này đã mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.

Lúc còn trẻ, tôi thường được bà ngoại dẫn đi chùa vào những ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Bà tôi không phải là một Phật tử nhưng bà có lời nguyện, mỗi năm sẽ đi mười chùa trong những ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Bà ngoại tôi đi chùa chỉ để lạy Bụt, cầu xin Bụt ban sự bình an cho tất cả mọi người trong gia đình. Còn tôi, tôi thích đi theo bà để được ăn cơm chùa. Trong những ngày lễ lớn như vậy nhà chùa nấu ăn rất ngon, có nhiều món lạ và chùa mời tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai, đến ăn cỗ mà khỏi phải trả tiền. Bà tôi tới chùa, thắp hương, lạy Bụt và bảo tôi quỳ xuống lạy Bụt như bà để đựợc phước. Lúc đó trong lòng tôi bỗng nổi lên sự phản kháng. Tôi cứ đứng lì ra đó và không chịu lạy xuống. Tôi cảm thấy lạy như thế thì có vẻ như là hạ mình và mất nhân phẩm.

Tôi quên nói với các bạn là từ nhỏ, lúc vừa bắt đầu đi học, tôi đã được gửi vào trường của một dòng tu Thiên chúa giáo, và học ở đấy 12 năm cho đến khi tốt nghiệp trung học. Trường học cũng đồng thời là tu viện của một dòng nữ tu, có nhà nguyện xây theo phong cách gothic Tây phương. Thành thật mà nói, tuy tôi không theo Thiên chúa giáo, nhưng hình ảnh của nhà thờ và những ma sơ còn quen thuộc với tôi hơn là hình ảnh của ngôi chùa với các thầy và các sư cô. Tôi học thuộc thánh kinh nhưng hoàn toàn không biết gì về kinh điển Phật giáo. Lúc đó là thời chiến tranh đang rất khốc liệt, cứ lâu lâu tôi lại nghe tiếng tụng niệm của các thầy Phật giáo làm lễ cầu siêu cho đám tang ở những nhà lân cận. Tiếng tụng kinh nghe buồn thê thảm. Tôi rất sợ nghe tiếng tụng niệm đó vì mỗi lần nghe tụng kinh là tôi nghĩ ngay tới người chết và đau khổ. Tôi kể với các bạn điều này để các bạn biết là tôi đã từng có thành kiến với tụng niệm và lễ lạy như thế nào.

Cho mãi tới sau này, khi đã lập gia đình và có con, đối diện với những bế tắc trong cuộc đời, chới với và sợ hãi, tôi mới có cơ duyên được gặp Thầy và những pháp môn thực tập. Tôi đưọc Thầy dạy cho giáo lý đạo Bụt, những pháp môn thực tập áp dụng được vào trong đời sống cho bớt khổ như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm, thiền trà, v.v… và nhất là thiền lạy. Thầy giảng cách thức nghe pháp thoại mà không bị kẹt vào định kiến, nhất là Thầy giảng rất kỹ về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì cái nút thắt trong lòng tôi được tháo gỡ. Tôi có thể lạy xuống một cách tự nhiên và tôi rất hạnh phúc. Hai mươi mấy năm nay tôi vẫn thực tập nghi thức tụng niệm và lễ lại mỗi ngày tại nhà. Tôi xin được chia sẻ với những người trẻ về pháp môn thực tập sâu sắc này.

Tụng kinh và niệm Bụt

Phần đông người trẻ thường không cảm thấy hạnh phúc lắm với những nghi thức tán tụng. Một phần vì mình không được hướng dẫn và giải thích rõ ràng về ý nghĩa của sự thực tập. Người trẻ quen nghe âm nhạc mới và vẫn còn lạ lẫm với âm nhạc cổ truyền dân tộc. Nếu giọng tụng kinh niệm Bụt theo âm điệu cổ truyền không mang nhiều định lực của sự bình an thì sẽ không đi được vào lòng của những người trẻ.

Pháp môn tụng kinh và niệm Bụt là một phép thực tập chánh niệm đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi lạc. Pháp môn tụng niệm và lễ lạy cũng quan trọng không kém gì pháp môn thiền ngồi, thiền đi, v.v…

Kinh là lời dạy của Bụt, là sự trao truyền tuệ giác của Bụt cho những học trò. Ngày xưa khi Bụt nói Pháp, học trò lắng nghe Pháp rồi lặp đi lặp lời lời dạy của thầy mình để nhớ và thực tập theo. Ngày nay chúng ta may mắn có được kinh điển ghi chép trên giấy, thống nhất và dễ đọc tụng. Và Thầy của chúng ta, thiền sư Nhất Hạnh, đã bỏ rất nhiều công sức viết lại nghi thức tụng niệm bằng chữ quốc ngữ cho dễ hiểu, khi tụng lên thì nghe như nhưng bài thơ vừa nhẹ nhàng vừa thi vị, dễ đi vào lòng người. Ví dụ như trong bài kệ Tán Quan Âm có những câu mà khi tán tụng lên mình có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp:

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài

Đứng yên trên sóng sạch trần ai

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Hào quang quét sạch buổi nguy tai

Liễu biếc phất bày muôn thế giới

Sen hồng nở hé vạn lâu đài

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm.

Nếu ngồi yên một cách thoải mái, thư giản toàn thân, ngưng hết mọi sự suy tư, thở và chú tâm vào từng chữ, từng câu tụng của bài tán này thì mình sẽ cảm nhận được năng lượng từ bi của Đức Quan Âm thấm vào lòng mình. Và các bạn hãy tưởng tượng, nếu tất cả mọi người tham dự buổi nghi lễ đều thực tập như vậy thì sẽ tạo ra một năng lượng chánh niệm tập thể rất hùng mạnh có thể nuôi dưỡng và trị liệu cho mọi người và cho cả môi trường chung quanh.

Mình niệm danh hiệu của Bụt và chư vị Bồ Tát để tưới tẩm hạt giống tốt lành trong mình vì mỗi vị Bồ Tát tượng trưng cho một đức tính. Ví dụ như Bồ Tát Manjushri (Văn Thù Sư Lợi) tượng trưng cho trí tuệ lớn, Bồ Tát Samantabhadra (Phổ Hiền) tượng trưng cho hạnh nguyện lớn, Bồ Tát Avalokiteshvara (Quan Thế Âm) tượng trưng cho tình thương lớn, v.v… Mình biết những đức tính đó có mặt trong mỗi người chúng ta và mình để cho lời niệm danh hiệu của Bụt và Bồ Tát thấm vào trong tâm, tưới tẩm những hạt giống tốt như Từ, Bi, Hỷ, Xả và nuôi cho nó lớn lên.

Tinh thần của đạo Bụt là phá chấp và cởi mở nên khi đạo Bụt  truyền đến nước nào thì sẽ hòa nhập vào văn hóa truyền thống của nước đó. Đạo Bụt đã khéo léo mượn âm nhạc dân tộc cổ truyền để đưa giáo lý và sự thực tập đi sâu vào lòng người dân. Vì thế kinh văn được tụng theo âm điệu của âm nhạc cổ truyền địa phương. Ở Việt Nam, giọng tụng niệm miền Bắc mang âm hưởng của những bài chầu văn. Đến miền Trung thì giọng tụng niệm mang âm hưởng của nhã nhạc cung đình. Vào tới miền Nam thì giọng tụng niệm lại có âm điệu ngọt ngào của dân ca Nam Bộ. Đây là tính cách văn hóa trong nghi thức tụng niệm.

Nếu chưa quen tụng niệm thì mình ngồi yên, thở, dừng lại mọi sự suy nghĩ và lắng nghe. Mình mở rộng lòng ra để cho lời kinh thấm từ từ vào trong tâm thức. Nếu đã biết tụng niệm thì mình tụng theo, hòa điệu cùng mọi người. Mình ngồi tụng kinh, lưng thẳng và đẹp, đem thân, khẩu và ý hợp nhất làm một. Như thế, mình chế tác ra được năng lượng chánh niệm hùng hậu để hiến tặng cho mọi người trong tăng thân. Nếu không chế tác được năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm thì chúng ta chỉ tụng một cách hình tức mà không có gì để hiến tặng cho các bạn đồng tu.

Tôi nhớ, lúc Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu vừa được thành lập, Thầy có sang Đức và cho một buổi pháp thoại công cộng trong một thính đường lớn ở Köln. Trước khi Thầy cho pháp thoại, các thầy các sư cô lên sân khấu niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Một ông người Đức ngồi cạnh nói xoay qua nói với tôi sau khi nghe quý thầy quý sư cô niệm Bồ tát xong:“Họ nói cái gì vậy? Tôi không hiểu gì cả nhưng tôi cảm thấy nó đánh động tôi rất nhiều. Tôi rất xúc động.“ Nếu mình tụng niệm có chánh niệm thì năng lượng chánh niệm đó sẽ tác động tích cực lên mọi người chung quanh.

Tụng kinh niệm Bụt là một pháp môn thực tập chánh niệm quan trọng và sâu sắc. Nếu thực tập tụng kinh niệm Bụt một cách tinh tấn thì mình cũng sẽ có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc như khi mình ngồi thiền hoặc đi thiền vậy.

Lễ lạy

Trong nghi thức tụng niệm luôn có phần lễ lạy. Chúng ta lạy Bụt, lạy chư vị Bồ tát và các vị tổ sư. Chúng ta không lạy để cầu xin một điều gì hay để có phước đức. Lạy Bụt là sự thiền tập rất sâu sắc có thể đưa tới tuệ giác và từ bi.

Trong trường hợp của tôi, tôi thường hay có cái cảm giác“xa lạ với mọi người chung quanh, lạc lõng giữa nơi mình đang ở“. Ví dụ như, đang có mặt vui vẻ trong một nhóm người như là nhóm bạn bè hay một số bạn đồng tu thì đột nhiên tôi cảm thấy như mình là một vật thể hoàn toàn không dính líu tới môi trường đó nữa. Tôi như một người xa lạ, bơ vơ đứng bên ngoài và tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng vô cùng. Có lẽ nguyên do là lúc còn nhỏ tôi không tìm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình hay ngoài xã hội chăng? Nghe Thầy giảng, tôi biết mình có thể chuyển hóa được cái cảm giác cô đơn, bơ vơ, lạc lõng bằng sự thực tập mà không cần phải cố moi tìm nguyên nhân nào đã khiến cho mình có cảm giác phóng thể đó. Nếu cắm được rễ vào nguồn cội của mình thì mình sẽ không còn cô đơn nữa.

Và tôi chọn pháp môn thiền lạy để thực tập kết nối lại với gốc rễ của mình. Mỗi sáng tôi thắp hương trước bàn thờ Bụt, đưa cây hương lên ngang trán tôi thở vào thở ra ba lần rồi đọc bài dâng hương. Tôi đặt tất cả sự chú tâm vào từng câu kệ. Cắm hương vào bát hương xong tôi bắt đầu thực tập thiền lạy. Tôi chắp tay đưa trước trán, rồi đưa tay xuống trước ngực, sau đó dang hai tay hạ xuống hai bên và từ từ lạy xuống. Những động tác đó có ý nghĩa là mình đem hết cả tâm ý và thân hợp lại thành một và có mặt thật sự trong khi lạy xuống. Đầu, hai tay và hai đầu gối chạm sát mặt đất, tôi từ từ ngửa lòng bàn tay ra. Điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn phó thác mình cho đất, hai tay của tôi trống rỗng, tôi không giữ lại bất cứ một cái gì. Tôi thở vào thở ra ba lần và quán chiếu, tôi mang trong tôi tất cả tổ tiên huyết thống. Trong cái lạy thứ hai tôi quán chiếu, tất cả tổ tiên tâm linh đều đang có mặt trong tôi. Trong cái lạy thứ ba tôi quán chiếu, tôi và mọi sự vật chung quanh đều dính líu mật thiết với nhau, cái này không có thì cái kia cũng không có.

Thiền lạy, không những giúp mình kết nối lại với gốc rễ để mình trở nên vững chãi, có sự bình an, không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng mà hơn nữa thiền lạy còn giúp làm phát khởi lòng biết ơn đối với tất cả mọi loài và mọi sự vật. Và khi nảy sinh ra lòng biết ơn thì mình sẽ có hạnh phúc.

Trong phần nghi lễ, sau khi vị chủ lễ xướng danh hiệu của Bụt, của chư vị Bồ tát, của các tổ sư thì mình lạy xuống để tỏ lòng biết ơn và cũng để quán chiếu, thấy được Bụt không phải là pho tượng gỗ kia mà Bụt là năng lượng của hiểu và thương đang có mặt trong mỗi người chúng ta. Các vị Bồ tát và các vị tổ sư không phải là những danh hiệu suông mà là những đức tính đang có mặt trong mình. Lạy xuống như vậy sẽ cho mình rất nhiều bình an và hạnh phúc. Hơn nữa lạy cũng là một nét đẹp của văn hóa truyền thống. Người Việt Nam chúng ta thường lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn.

Vì vậy, nghi thức tụng niệm và lễ lạy không phải chỉ dành riêng cho các cụ lớn tuổi, nghĩ rằng mình không còn bao nhiêu ngày nữa nên tụng niệm lạy lục cầu xin một chỗ để quay về. Nghi thức tụng niệm và lễ lạy là một pháp môn thực tập chánh niệm sâu sắc có công năng giúp cho chúng ta có được tuệ giác, từ bi, bình an và hạnh phúc.

Hôm nào các bạn hãy thử tham dự một buổi nghi thức tụng niệm và lễ lạy với các bạn đồng tu. Các bạn chuẩn bị trước cho mình thái độ khi tham dự: thư giản toàn thân, dừng lại mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ trong đầu như“Trời ơi, tụng kinh nghe chán quá, đã không hiểu gì hết mà lại còn mất thì giờ. Lạy cái tượng như vậy thì có ý nghĩa gì? Có vẻ mê tín dị đoan quá!“. Đã hiểu được ý nghĩa của nghi thức, mình nên thực hành cho có nội dung. Mình để cho thân tâm được hợp nhất, thân thật thoải mái, tâm thật rỗng rang thì mới tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của pháp môn và mình mới thành công. Hơn nữa tụng niệm và lễ lạy cũng là văn hóa hay và đẹp của dân tộc chúng ta. Nếu thực tập cho tốt thì chúng ta cũng góp phần vào công trình giữ gìn di sản tâm linh của dân tộc để trao truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Các bạn hãy thử thực tập đi, đừng bỏ qua rất uổng, và xin hãy kiên nhẫn.  Các bạn biết không, tôi phải thực tập pháp môn thiền đi đến ba năm mới thấy được hạnh phúc trong khi đi.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì xin đọc sách“Công phu nở đóa sen ngàn cánh“ do Làng Mai biên soạn. Trong sách ý nghĩa của tất cả Kinh văn, nghi thức Tụng kinh, Niệm Bụt, Tán Bụt, Lạy Bụt đều được trình bày và giải thích cặn kẽ, rõ ràng.

Chúc các bạn thực tập thành công, khám phá ra được một pháp môn thực tập chánh niệm hiệu quả có thể đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ này tư đầu đến cuối.

Thương quý,

CGL

Một thoáng …

Cây hoa trà

Buổi sáng thức dậy tôi nghĩ ngay tới những người thương. Những người thương có hạnh phúc không? Tôi thì hạnh phúc lắm! Vì vậy tôi muốn chia sẻ hạnh phúc của tôi với những người thương. Hạnh phúc đó, theo tôi thì tuy rất đơn sơ nhưng cũng làm cho mình vui được cả ngày.

Hôm nay hoa trà màu hồng cánh sen trước nhà đã nở những đóa thật tươi mát. Tôi không chịu nổi lôi máy ra chụp vài tấm hình gởi cho những người thương. Có những cái đã nở to trông rất là khoa trương, có những cái mới vừa he hé, có những cái còn búp nhưng đã tròn ủn ỉn và cũng có những cái còn là búp bé tí teo. Những cái búp đó đã nằm chờ đợi từ mùa Đông năm ngoái rồi đó. Nhưng chúng không nở một lần đâu, chúng nở từ từ cho chúng ta được hạnh phúc lâu chừng nào tốt chừng đó. Chúng dễ thương quá phải không những người thương? Tôi thấy biết ơn cây hoa trà quá chừng chừng!

Hương của ngày xưa

Sáng hôm nay đẹp quá phải không những người thương? Tôi vừa đến góc“trà thất“ định pha trà buổi sáng thì đã ngửi được một mùi hương thơm thật dịu dàng quen thuộc. Tự nhiên trong lòng tôi vui hẳn lên, tôi biết đó là hương của hoa bưởi, hoa cam. Đó là hương của tuổi thơ, hương của ngày xưa hay nói theo văn phong cải lương là“mùi của quê hương“ .

Tôi nhìn lên thì thấy chậu quất (tiếng người miền nam là cây tắc) gần tủ trà đã nở hai đóa hoa trắng nhỏ xíu. Hai cái hoa nhỏ xíu đó đã đủ làm thơm cả cái góc của“trà thất“ rồi.

Sáng nay tôi ngồi uống trà trong hương thơm của hoa quất. Tôi mời những người thương cùng ngồi uống trà với tôi và thưởng thức“ hương của ngày xưa“ đó nha.

Đi dạo

Buổi sáng trời nắng đẹp và ấm. Thấy ngồi trong nhà thì uổng quá tôi mặc áo, quàng khăn, đi dạo“Bunter Garten“. Tôi vừa đi vừa nhớ tới những người thương. Mình cũng thường đi với nhau trong công viên này đây. Tôi đã có chủ ý đem theo máy để chụp vài tấm ánh gởi tới những người thương.“Bunter garten“ chưa“bunt“ gì cả, phần lớn những cây to vẫn còn trơ trụi, nhưng dấu hiệu của mùa Xuân đã rõ ràng lắm rồi. 

Forsythia đã nở vàng rực, vài loại anh đào cũng đã nở rồi. À, có ai biết Forsythia tên tiếng Việt là gì không? Tôi tìm trong tự điển thì thấy đề là cây“liên kiều“, có thể dùng làm thuốc theo Đông y. Nhưng tôi lại gọi Forsythia là“phi mai“, tại vì Forsythia không phải là mai nhưng có thể thay thế cho mai trong những ngày Tết VN ở Tây phương.

Bi quan

Thường thường thì sáng nào thức dậy tôi cũng cảm thấy vui vẻ, lạc quan, cho dù tới tuổi này rồi thì thúc dậy là thấy đau nhức cả người. Vừa ngồi dậy, kéo cửa sổ lên là tôi đã thấy ánh bình mình xuất hiện ngay trước mặt rồi. 

Nhưng cũng có lúc tôi thấy không hứng thú gì cả. Tôi không muốn làm gì hết. Không phải tại vì tôi muốn làm biếng đâu mà đây là một cảm giác chán chường, có hơi bi quan một chút. Tôi không có bệnh cũng không có vấn đề gì mà mới sáng thức dậy đã thấy bi quan rồi! 

Tôi biết ai cũng đều đã từng một lần có tâm trạng giống như tôi. Thầy của tôi thường hay trích câu thơ của Xuân Diệu trong các bài giảng:“Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn?“, còn tôi thì“Tôi chán không biết vì sao tôi chán!“

Nhưng tôi không muốn mang cái tâm trạng chán nản đó trong suốt cả ngày, tôi không muốn lãng phí thì giờ và năng lượng một cách ngu ngốc như thế. Vì thế tôi xin chia sẻ với những người thương phương pháp tôi sử dụng để vượt qua những lúc tệ hại đó. Phương pháp này tôi áp dụng bao giờ cũng thành công cả. 

Tôi mở cửa ra vườn ngay. Vừa ra tiếp xúc với không khí bên ngoài là tôi đã thấy lòng nhẹ ra rồi. Tôi làm việc ngoài trời, quét lá, nhổ cỏ, chăm sóc cây cảnh, hoa trái. Tiếng chim hót rất vui, hương hoa thoang thoảng, gió mát dịu cả lòng. Làm việc ngoài vuờn rất mệt, lúc nào tôi cũng bị cào xước cả tay. Nhưng làm vườn là một pháp môn rất thần diệu, chỉ một lát sau thì cảm giác chán nản biến đâu mất hồi nào không hay. Có lúc tôi không làm vườn mà đi dạo ra công viên. Thiên nhiên là một nhà tâm lý trị liệu thật tài ba. Khi trở vào nhà thì tôi là một người mới hoàn toàn, vui vẻ, yêu đời và tràn đầy năng lượng tích cực. 

Một ngày nào đó nếu bị rơi vào tâm trạng „tôi chán không biết vì sao tôi chán“ thì những người thương thử áp dụng phương pháp này rồi cho tôi biết kết quả nhé.

Tương tức

Chuyện gì mà lạ vậy? Cát trong sa mạc Sahara của Phi Châu lại có liên quan tới sự sống còn của rừng nhiệt đới Amazone ở Nam Mỹ? Hai nơi khác nhau hoàn toàn giống như là hai thái cực chống đối nhau ấy lại có một sự liên hệ rất là mật thiết với nhau sao?

Vào đầu tháng 5, khi ở sa mạc Sahara là mùa khô cằn nóng bức nhất thì ở rừng Amazone lại là mùa mưa dầm dai dẳng không dứt. Trong sa mạc Sahara, đoàn người du mục phải chiến đấu với cơn nóng như thiêu đốt, cát bị tung lên trên mỗi bước chân của đoàn lạc đà. Trong cát có phosphore và sắt tức là hai khoáng chất rất cần thiết cho sự sống. Những hạt cát nhỏ li ti ấy lại được gió đưa lên cao thành những đám mây khổng lồ. Chỉ trong vòng 6 ngày thì những đám mây cát đó đã được thổi tới vùng Amazone cách đó khoảng 8000 cây số. Mây cát và hơi nước trộn vào nhau và rớt xuống thành những cơn mưa dầm không dứt trong suốt tháng 5. Khoáng chất trong cát cũng theo nước mưa mà thấm vào đất của rừng Amazone. Đến cuối tháng 5 khi mùa mưa chấm dứt thì hạt mầm, cây cối nhận được khoáng chất nuôi dưỡng bắt đầu phát triển lên một cách thần tốc. 

Chúng ta ai cũng rất“ngại“ và không“ưa“ cho lắm vùng sa mạc. Nó khô khan, nóng bức, chỉ toàn là cát, nhìn đơn điệu và ảm đạm như một vùng không có sự sống vậy. Chúng ta có ý thích rừng nhiệt đới hơn vì ở đó có nhiều loài thảo mộc đủ các màu sắc, là chỗ ở của nhiều loài cầm thú và chim muông rất đẹp. Hơn nữa rừng nhiệt đới còn được gọi là „lá phổi xanh“ của chúng ta nữa. Nhưng nhìn cho kỹ thì nếu không có cái khô cằn nóng cháy của sa mạc Sahara thì sẽ không có khu rừng ẩm thấp xanh tươi khổng lồ Amazone. 

Vì vậy chúng ta hãy bớt“ngại“ và“ưa“ sa mạc hơn một chút đi nhé vì sa mạc cũng có thể được gọi là“khúc ruột vàng“ của chúng ta nữa đó! 

Ngắm mưa

Đã lâu rồi không tâm sự với những người thương, một phần vì bận quá và một phần vì lười biếng. Có lúc như vậy đó, mình muốn đóng cửa lại, ngồi một mình và ngắm mưa… tại sao lại ngắm mưa mà không ngắm nắng ban mai, ngắm hoa lá cây cỏ nhỉ? Ngắm mưa thú vị lắm đó người thương ơi. Sân nhà tôi trồng rất nhiều hoa hồng, nói cho văn vẻ một chút là hoa mai quế. Tôi thích uống trà mai quế. Tôi thường cho một ít cánh hoa vào trà xanh để uống buổi sáng. Mai quế đẹp và thơm lắm, nhưng khi rụng thì ôi thôi quét gãy cả lưng luôn. Mỗi ngày tôi đều ra quét cánh hồng có khi tới hai ba lần luôn. Tôi không ưa mai quê rụng tí nào! Ấy vậy mà nếu trời mưa thì cả hoa cả lá đều rụng nhiều hơn, lại nữa không quét được nên sân đầy cả lá, hoa, cành thành đóng. Tôi ngồi nhìn mưa, nhìn luôn cái đóng rác đó mà không quét được. Ngồi ngoài hiên ngắm mưa và mấy cái đóng rác một hồi tự nhiên tôi không còn khó chịu nữa. Tôi bật cười một mình, tôi thấy đó là sự sống! Sự sống luân lưu trong cây hồng, trong hoa hồng, lá hồng và cả trong cánh hồng khi rụng xuống. Nếu không có sự sống thì làm gì có hoa hồng cho tôi ngắm, cho tôi uống trà và không có cả cánh hồng rụng cho tôi quét. Sự sống là sự thay đổi, chuyển biến từng giây từng phút. Tôi muốn có hoa hồng để ngắm, để uống trà mà không muốn quét cánh hồng rụng thì tôi thật là vô lý quá đi!

Monet

Monet là thần tượng của tôi. Những bức tranh của Monet đã cho tôi cảm hứng đến nỗi từ một người hoàn toàn không biết gì về hội họa tôi đã bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên. 

Đã 14 năm nay mỗi lần xem lại tranh Monet thì nguồn cảm xúc vẫn y nguyên như cũ. Lần nào xem lại một bức tranh của Monet cũng là lần đầu tiên đối với tôi. Tôi chưa bao giờ học vẽ nên không biết gì về kỹ thuật hội họa. Mỗi lần bắt đầu vẽ là tôi phải lật sách ra ngắm lại một chút tranh của Monet. Nó cho tôi nguồn cảm hứng, sức mạnh và lòng tự tin. Monet luôn luôn xuất hiện trong những bức tranh của tôi, có thể nói là Monet đã vẽ bằng bàn tay vụng về của tôi. 

Theo tôi, Monet là một họa sư đã lấy cảm hứng từ sự thật vô thường của vũ trụ. Ông nói:“Đối với tôi, một phong cảnh không thể chỉ hiện hữu riêng một mình. Bầu không khí chung quanh và sự thay đổi liên tục của ánh sáng, của thời tiết đã làm cho một phong cảnh trở thành ra sự sống. Với tôi thì chủ đề vẽ không phải là vấn đề. Cái quan trọng là cái gì xảy ra giữa chủ đề được vẽ và người vẽ.“
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chủ đề mất đi tính chất hữu cơ của nó. Vì thời gian, ánh sáng và thời tiết thay đổi không ngừng nên khi Monet cầm cọ, màu và khung đi ra làm việc ngoài thiên nhiên thì ông đã vẽ hàng loạt những bức tranh có cùng một chủ đề trong một lúc và không bao giờ ngừng lại lâu hơn 15 phút ở mỗi bức tranh. Đó là tác phẩm của một họa sư trong sự hài hòa với thiên nhiên.

CGL

Uống trà với Thầy

Sáng nay ngoài trời rất lạnh. Ra ngoài quét lá sồi rụng mà lạnh cứng cả hai bàn tay, lạnh quá nên nước mắt cứ trào ra nhòe nhoẹt. Nhưng nắng rất đẹp, nắng màu vàng anh đổ dài trên ngọn lá bắt đầu vàng úa. Đẹp lắm!

Từ mấy tháng nay mỗi sáng tôi đều ngồi uống trà với Thầy. Thầy và tôi uống trà Long Tỉnh. Thầy trò hạnh phúc lắm! Có điều lạ là từ khi Thầy trở bệnh, tôi lại gần gũi với Thầy hơn nhiều. Mỗi sáng Thầy trò cùng lạy Bụt, cùng ngồi thiền, và cùng uống trà với nhau. Sáng hôm nay cũng vậy, Thầy trò ngồi uống trà Long Tỉnh, hai thầy trò không nói với nhau một lời nào cả. Ly trà của tôi có khắc chữ“trink deinen Tee“, tôi luôn được Thầy nhắc nhở: Uống trà đi con! Ly trà của Thầy có chữ“das ist es“, Thầy nói với tôi: Đây là cái nớ đó con!

Nhưng tôi không có giỏi như vậy đâu. Từ khi nghe tin Thầy bệnh tôi đã chới với lắm rồi, tôi buồn lắm, buồn thật nhiều. Mùa Đông vừa rồi tôi buồn tới nỗi bị trầm cảm luôn. Tôi nhớ Thầy, nhớ những bài pháp thoại trong mùa ACKĐ. Bảy, tám năm nay tôi đã quen với những mùa Đông ngồi chép pháp thoại của Thầy, thật ấm áp, thật bình an, thật hạnh phúc. Thầy trong lòng tôi là một dũng tướng cưỡi con bạch mã cầm gươm xông vào trận chiến, trận chiến“đập cho tan tành đi huyễn tượng“. Bây giờ Thầy không nói pháp thoại nữa, Thầy không tự một mình đi trên những con đường huyền thoại nữa. Tôi buồn tới tê liệt luôn. Như Thầy đã dạy trong các bài pháp thoại: tôi có một pháp thân ốm yếu, èo uột.

Nhưng rồi thì dù sao tôi cũng vẫn là học trò của Thầy, tuy là dở ẹc nhưng vẫn là học trò của Thầy. Tôi phải tự cứu mình và đồng thời cũng cứu luôn Thầy của tôi. Mỗi buổi sáng tôi thắp hương trước bàn thờ Bụt và lạy xuống ba lạy. Trong ba lạy đó tôi thực tập trở về với hơi thở, nhìn cho kỹ để tìm thấy tôi, tìm thấy tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh và Thầy trong tôi. Ngồi thiền trong 10 phút tôi áp dụng những gì tôi đã ghi chép trong suốt 7, 8 năm qua:

Để thầy thở, để thầy ngồi
Mình khỏi thở, mình khỏi ngồi

Thầy đang thở, thầy đang ngồi
Mình đang thở, mình đang ngồi

Thầy là thở, thầy là ngồi
Mình là thở, mình là ngồi

Chỉ có thở, chỉ có ngồi
Không người thở, không người ngồi

An khi thở, lạc khi ngồi
An là thở, lạc là ngồi

Rồi tôi mời Thầy cùng uống trà với tôi. Hai thầy trò uống trà Long Tỉnh. Tôi thực tập như vậy trong mấy tháng qua, tại vì chỉ có như vậy thì tôi mới xứng đáng với tình thương của Thầy. Và bây giờ tôi đã khá lắm rồi. Tôi cảm thấy gần gũi với Thầy hơn xưa. Tôi bớt buồn nhiều lắm vì tôi biết lúc nào Thầy cũng đang ở cạnh bên tôi, Thầy đang ở trong tôi.

CGL viết trong ngày tiếp nối của Thầy 11.10.2015