Giáo chế Dòng tu Tiếp Hiện
Phần I: Danh xưng, tôn chỉ, cơ sở truyền thừa
Điều 1: Nay thành lập một giáo đoàn Phật giáo mới lấy tên là Dòng Tu Tiếp Hiện, gọi tắt là Dòng Tiếp Hiện.
Điều 2: Tôn chỉ của Dòng Tiếp Hiện là hiện đại hóa đạo Bụt bằng cách nghiên cứu, thực nghiệm và áp dụng đạo Bụt một cách linh động, hữu hiệu vào đời sống mới của bản thân và xã hội với chí nguyện bồ tát lợi sinh.
Điều 3: Dòng Tiếp Hiện được thành lập trong truyền thống của đạo Bụt đại thừa và dựa trên cơ sở tinh thần phá chấp, khế cơ, thực chứng và phương tiện, bốn đặc tính của giáo lý truyền thống.
Phần II: Kinh điển y cứ, Giáo lý căn bản, Quan điểm hành đạo
Điều 4: Dòng Tiếp Hiện không căn cứ đơn phương vào một kinh điển hoặc một nhóm kinh điển nào trong kinh tạng đạo Bụt mà tìm tới tinh hoa của giáo lý đạo Bụt hàm chứa trong tất cả các kinh điển của đại tạng. Dòng Tiếp Hiện không chấp nhận quan điểm phán giáo (Systematisierung der buddhistischen Lehren) của bất cứ một hệ phái nào. Dòng Tiếp Hiện tìm thể hiện tinh thần đạo Bụt trong giáo lý nguyên thỉ và qua quá trình phát triển của tinh thần ấy trong lịch sử giáo đoàn, giáo lý và tu chứng của mọi truyền thống đạo Bụt.
Điều 5: Dòng Tiếp Hiện quan niệm tất cả các kinh điển trong đại tạng, dù là do Bụt thuyết hay do Phật tử biên soạn theo tinh thần đạo Bụt dưới hình thái Bụt thuyết, đều là kinh điển đạo Bụt. Dòng Tiếp Hiện chủ trương rằng sự khai triển tư tưởng đạo Bụt nguyên thỉ và sự thành lập các hệ phái giáo lý mới căn cứ trên cơ bản giáo lý nguyên thỉ ấy để khế cơ hóa việc hành đạo là những thực hiện cần thiết và chân chính. Dòng Tiếp Hiện cho rằng chỉ có hành đạo như thế mới làm cho Phật chủng không đoạn tuyệt và cho sinh khí đạo Bụt được lưu nhuận trong cuộc đời.
Điều 6: Dòng Tiếp Hiện được xây dựng trên cơ sở tuệ giác và từ bi của Bụt, tin tưởng rằng tuệ giác và từ bi ấy có thể đóng góp lớn lao cho hòa bình và hạnh phúc con người. Dòng Tiếp Hiện nhận định phương pháp Phá Chấp và Thực Chứng là trọng tâm của giáo lý đạo Bụt về mặt nhận thức thực tại. Dòng Tiếp Hiện nhận định phương pháp Khế Cơ và Phương Tiện là trọng tâm của giáo lý đạo Bụt về mặt hành động lợi sinh. Giáo lý Phá Chấp, Thực Chứng, Khế Cơ và Phương Tiện được thể hiện trong tất cả các kinh điển hệ trọng nhất của đại tạng, như Bát Nhã, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Niết Bàn… Tinh thần phá chấp và thực chứng đưa tới thái độ khách quan, bao dung và từ bi trong nhận thức cũng như trong sự giao tiếp giữa con người với con người. Tinh thần khế cơ và phương tiện đưa tới thái độ sáng tạo và khả năng dung hợp cần thiết cho sự tiến hóa và sự thành đạt hữu hiệu chí nguyện lợi sinh.
Dòng Tiếp Hiện chủ trương sự tu dưỡng tâm linh là thức ăn cần thiết để phát triển và bảo tồn sự toàn vẹn (intégrité) của mình và của người, cũng như của lý tưởng, trước và trong khi dấn thân vào các công tác lợi sinh trong xã hội.
Điều 7: Dòng Tiếp Hiện bác bỏ thái độ giáo điều trong nhận thức và trong hành động. Dòng Tiếp Hiện chấp nhận một thái độ hành đạo linh động để có thể phản ảnh tinh thần cầu tiến và khế cơ của đạo Bụt và làm cho trí giác, từ bi và bao dung của đạo Bụt được thực sự có mặt trong cuộc đời. Dòng Tiếp Hiện coi trọng sự sinh tồn của tinh thần và sinh khí đạo Bụt hơn sự sinh tồn của những hình thái và tập tục đạo Bụt. Dòng Tiếp Hiện chủ trương Phật tử phải mang tuệ giác đạo Bụt đứng vào hàng ngũ những người đi tiên phong trong việc tìm giải quyết những vấn đề của sự sống bản thân và xã hội. Theo nguyên tắc tùy duyên bất biến, Dòng Tiếp Hiện chủ trương thích ứng với điều kiện xã hội để cải tiến xã hội mà vẫn giữ được sự toàn vẹn của lý tưởng tuệ giác mình. Mang chí nguyện bồ tát, người Tiếp Hiện thực tập chuyển hóa tự thân nhằm đưa tới chuyển hóa xã hội theo con đường thương yêu và hiểu biết..
Phần III: Giáo quyền, đoàn viên, cơ cấu và hệ thống tổ chức
Điều 8: Để bảo vệ và tôn trọng tinh thần nhận thức tự do và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong giáo giáo đoàn, Dòng Tiếp Hiện không thiết lập giáo quyền và cũng không công nhận một giáo quyền nào.
Các vị tu sĩ cũng như cư sĩ nam và nữ cùng thực tập với nhau trong Dòng Tiếp Hiện. Dòng Tiếp Hiện không có cấp bậc giáo phẩm.
Điều 9: Dòng Tiếp Hiện không công nhận sự cần thiết của một vai trò môi giới thiêng liêng nào giữa con người và Bụt, giữa con người và chân lý. Dòng Tiếp Hiện nhận định rằng, chỉ có sự hướng dẫn và khai thị của những người đi trước căn cứ vào trí tuệ, kinh nghiệm và thực chứng của họ là cần thiết cho người đi sau. Tuy nhiên Dòng Tiếp Hiện chủ trương không ai có quyền đại diện hoặc nhân danh chân lý, nhân danh thực chứng hoặc nhân danh Bụt.
Điều 10: Các đoàn viên của dòng Tiếp Hiện được nhiếp thu làm hai chúng:
Chúng Chủ Trì và Chúng Đồng Sự. Chúng Chủ Trì gồm có những người đã chính thức phát nguyện hành trì giới luật Tiếp Hiện, được gọi là các Anh (viết hoa) hoặc các Chị (viết hoa) của Dòng Tiếp Hiện.
Chúng Đồng Sự gồm có những người đang học tập thực hành theo giới luật Tiếp Hiện, nhưng không hoặc chưa làm lễ phát nguyện nhận giới này.
Điều 11: Chúng Chủ Trì có trách nhiệm hỗ trợ cho tăng thân địa phương, tổ chức các lễ tụng giới, ngày quán niệm và các khoá tu.
Chúng Đồng Sự thân cận với Chúng Chủ Trì và cọng tác với Chúng Chủ Trì trong mọi sinh hoạt tu tập và hành đạo. Họ tham dự các buổi tụng giới mỗi hai tuần cùng với các sinh hoạt khác do Chúng Chủ Trì tổ chức. Người nào trong Chúng Đồng Sự đã thực tập thường xuyên với Chúng Chủ Trì trong thời gian một năm, hoặc lâu hơn, nên tìm hiểu và hội ý về việc xin gia nhập Chúng Chủ Trì. Điều nên ghi nhớ là các vị này cần thọ trì năm giới trước.
Điều 12: Giáo thọ (Dharmacharyas) gồm các vị trong Chúng Chủ Trì đã được chọn căn cứ trên sự vững chãi trong việc tu tập sống an lạc. Các giáo thọ có trách vụ khơi mở sự an lạc và vững chãi trong tăng thân địa phương. Tăng thân địa phương được khuyến khích đề nghị các giáo thọ cho địa phương của mình.
Phần IV: Giới luật Tiếp Hiện, Điều kiện thọ giới
Điều 13: Giới Tiếp Hiện phản chiếu thực chất của dòng tu, lấy sự tu dưỡng tâm linh làm nền tảng cho mọi công tác xã hội.
Điều 14: Sự thực tập Mười Bốn giới là trái tim của giáo chế Tiếp Hiện. Người Tiếp Hiện được khuyến khích tụng Năm giới và Mười Bốn giới mỗi hai tuần. Nếu không tụng giới trong ba tháng thì lễ truyền giới được xem như là không còn hiệu lực.
Điều 15: Mọi người từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, màu da, nam nữ và quan điểm về đời sống lứa đôi đều có thể xin gia nhập Chúng Chủ Trì của Dòng Tiếp Hiện. Điều thiết yếu là những vị này có chí nguyện sống đời sống Tiếp Hiện, chứng tỏ có khả năng hiểu về lý tưởng Tiếp Hiện và có khả năng hành đạo như một Tiếp Hiện. Bằng cấp và địa vị xã hội không phải là tiêu chuẩn xét định về khả năng thọ giới của một cá nhân. Bất cứ học giả hay thợ thuyền đều có thể thọ giới Tiếp Hiện.
Điều 16: Người xin thọ giới cần chính thức bày tỏ ước nguyện gia nhập Chúng Chủ Trì của mình. Thơ này được trao cho Chúng Chủ Trì của tăng thân địa phương hoặc một tăng thân ở gần đó, hoặc gửi đến các vị giáo thọ. Người xin thọ giới Tiếp Hiện cần thọ trì Ba Sự Quay Về và Năm giới trước khi thọ giới Tiếp Hiện. Một hoặc vài Anh, Chị trong Chúng Chủ Trì sẽ làm người hướng dẫn tinh thần cho vị này ít nhất là một năm cho đến khi người xin thọ giới có được an lạc và vững chãi phần nào trong sự thực tập, cũng như chứng tỏ được là mình có khả năng sống hòa hợp với tăng thân. Những điều kể trên nhằm mục đích giúp người xin thọ giới có cơ hội tìm hiểu về Chúng Chủ Trì, cũng như Chúng Chủ Trì có cơ hội hiểu người xin thọ giới để có thể hiến tặng cho vị này mọi hướng dẫn và nâng đỡ cần thiết, nhất là trong lãnh vực mà người đó còn yếu kém. Đây cũng là để giúp cho người xin thọ giới có thời gian học tập về vai trò của người Tiếp Hiện.
Khi các điều kiện kể trên đã hội đủ, hồ sơ của giới tử sẽ được Chúng Chủ Trì, giáo thọ phê chuẩn sau hội ý với đại chúng (gồm những người thực tập lâu ngày với tăng thân) về việc giới tử có sẵn sàng hay chưa trong việc tiếp nhận giới Tiếp Hiện.
Công việc của người Tiếp Hiện chủ trì là xây dựng tăng thân, hỗ trợ việc hành đạo và giảng giải về đạo Bụt dựa trên kinh nghiệm tu tập của cá nhân mình. Người Tiếp Hiện nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm nơi mình và người khác, cũng như thường xuyên thực tập thiền quán, sống an lạc, hài hòa với gia đình và cọng đồng. Đó đều là những biểu hiện của chí nguyện bồ tát lợi tha.
Điều 17: Các tăng thân địa phương có khi được khuyến khích gia giảm các thể thức gia nhập dòng tu cho thích hợp với văn hóa, địa lý và hoàn cảnh nơi địa phương đó, miễn là mục tiêu và lý tưởng Tiếp Hiện không vì thế mà bị tổn thương. Thể thức xin thọ giới Tiếp Hiện cũng có thể được gia giảm trong những hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ như vì lý do sức khoẻ, khi các điều kiện thọ giới khác đã được hội đủ. Trong trường hợp này, nhiếp chúng trưởng và giáo thọ nên được hội ý trước và nếu có thì giờ thì nên hội ý với các vị khác trong Chúng Chủ Trì.
Khi người xin thọ giới đã hội đủ các điều kiện quy định trong việc tiếp nhận giới Tiếp Hiện thì đơn xin thọ giới này sẽ được phê chuẩn và một vị trong Chúng Chủ Trì sẽ được đề cử để thông báo cho người xin thọ giới. Khi cử hành lễ truyền giới, chi tiết về tên tuổi, ngày tháng và địa điểm truyền giới cũng như tên của Thầy truyền giới cần được ghi chép rõ ràng.
Điều 18: Người Tiếp Hiện chủ trì có thể dành phần lớn thì giờ của đời mình trong các cơ sở tĩnh tu, nhưng nếu có phận sự trong xã hội, người Tiếp Hiện cần duy trì ít nhất 60 ngày tĩnh tu trong một năm.
Nếu có lúc vì gia cảnh đặc biệt hay vì phận sự khác mà người Tiếp Hiện không hành trì đúng như những điều nói trên thì họ có thể được gia giảm, nhưng cần có sự chấp thuận của tăng thân.
Điều 19: Đối với tất cả chúng chủ trì Tiếp Hiện, dòng tu kỳ vọng và tin cậy các vị này tham gia vào việc tổ chức các sinh hoạt tu học và thực tập cùng với tăng thân địa phương.
Điều 20: Người nào biết sống theo tinh thần của Năm giới quý báu và Mười Bốn giới Tiếp Hiện đều được kể là thích hợp để gia nhập Chúng Chủ Trì, dù độc thân hay có gia đình. Trong trường hợp có gia đình, sự hành trì của vị này sẽ được dễ dàng hơn nếu người bạn lứa đôi của người đó cũng là một thành phần trong Chúng Chủ Trì hay Chúng Đồng Sự, hoặc là một thân hữu của tăng thân, hay ít nhất biết sống hài hòa, nâng đỡ và khích lệ sự tu tập của người bạn lứa đôi của mình
Phần V: Điều hành, Tài sản giáo đoàn, Đại Hội Tiếp Hiện
Điều 21: Đại hội Chúng Chủ Trì được triệu tập đều đặn để bầu Hội Đồng Tiếp Hiện. Tất cả thanh chúng đều được thông báo trước sáu tháng về thời giờ và địa điểm của đại hội. Nếu vị nào vắng mặt thì có thể đề cử người đại diện cho mình.
Thể thức trưng cầu ý kiến sẽ được trình bày, duyệt xét và sửa đổi mỗi khi đại hội bắt đầu.
Ban chủ tọa đại hội được đề cử theo tính cách luân phiên. Ít nhất phải có một vị phái nam và một vị phái nữ từ hai quốc gia khác nhau làm chủ tọa buổi họp. Biên bản của mỗi buổi họp của đại hội sẽ được lưu trữ thành hồ sơ mang tính chất sống động, phản ảnh dòng sinh mệnh của dòng tu. Mọi người trong Chúng Chủ Trì đều có thể đọc các hồ sơ nầy khi có yêu cầu.
Điều 22: Trong Đại Hội Tiếp Hiện, Chúng Chủ Trì sẽ chọn lựa người đứng vào Hội Đồng Nhiệm Trưởng để phụ trách tổ chức và hướng dẫn các công việc của người Tiếp Hiện trong thời gian giữa hai kỳ đại hội cũng như để bầu các điều hành viên cho Hội Đồng Nhiệm Trưởng trong số các vị ở trong hội đồng này.
Đại Hội Tiếp Hiện sẽ quyết định về các cơ cấu và tổ chức nhằm hỗ trợ chí nguyện làm vơi bớt khổ đau và thể hiện lý tưởng Bồ Tát lợi tha của người Tiếp Hiện cũng như tạo nên sự liên hệ chặt chẽ giữa các Tiếp Hiện. Chúng Chủ Trì sẽ nương tựa nơi sự vững chãi trong đời sống và sự tu tập của các Anh Chị lớn trong thanh chúng cũng như được hưởng sự trong sáng và tươi mát của các Tiếp Hiện trẻ có mặt trong các công tác. Như thế, thanh chúng sẽ được lợi lạc nhờ sự hiện diện của Hội Đồng Trưởng Lão (Council of the Elders) và Hội Đồng Tiếp Hiện Trẻ (Council of Youth).
Điều 23: Để giúp cho mối liên hệ giữa các tăng thân trên thế giới được dễ dàng, các tăng thân địa phương được khuyến khích tổ chức thanh chúng theo thể thức phù hợp với tinh thần của giáo chế Tiếp Hiện.
Điều 24: Người Tiếp Hiện trong Chúng Chủ Trì không bắt buộc phải đóng niên liễm, tuy nhiên có thể được khuyến khích đóng góp tùy hỷ dưới hình thức công đức nhằm trợ giúp cho các công việc của dòng tu. Tất cả ngân khoản của dòng tu được bỏ vào một ngân quỹ đặc biệt thuộc „Dòng Tiếp Hiện“. Hàng năm, người thủ quỹ soạn thảo và trình bày bản báo cáo tài chánh cho các thành viên của Chúng Chủ Trì.
Sau khi trang trải chi phí về tài chánh, ngân quỹ của dòng tu có thể được sử dụng để giúp tăng thân địa phương cấp học bổng cho Tiếp Hiện về dự các khóa tĩnh tu do dòng tu tổ chức hoặc hỗ trợ cho các công việc của Tiếp Hiện nhằm làm vơi bớt khổ đau.
Điều 25: Các bất động sản của dòng tu cần được cất giữ, bảo trì thể theo luật pháp của quốc gia và địa phương.
Để bảo vệ cho những cá nhân đứng ra lãnh trách nhiệm điều hành bất động sản của cọng đồng, tất cả trương mục, ngân quỹ, nhà đất, xe cộ… đều nên được làm kế toán theo quy chế hiện hành.
Nếu tăng thân địa phương có giữ ngân quỹ thuộc dòng Tiếp Hiện quốc tế thì trương mục này nên để riêng và biên bản sẽ gửi đến thủ quỹ của dòng tu hàng năm.
PhầnVI: Tu chỉnh giáo chế
Điều 26: Các chữ và câu trong giáo chế Tiếp Hiện đều có thể trở thành đối tượng của sự tu chỉnh. Như vậy là để giúp cho tinh thần của giáo chế được sinh động trong suốt quá trình lịch sử tu tập của dòng tu.
Điều 27: Mười Bốn giới và giáo chế được cứu xét lại trong mỗi kỳ họp đại hội của Chúng Chủ Trì.
Điều 28: Giáo chế này gồm có sáu chương và hai mươi chín điều, được cứu xét và tu chỉnh trong các kỳ đại hội của Chúng Chủ Trì để giáo chế luôn phản ảnh được xã hội trong đó người Tiếp Hiện đang sống.
Điều 29: Thể theo truyền thống sinh hoạt trong tăng thân, tất cả mọi tu chỉnh cần thể theo sự trưng cầu và đồng ý chung của mọi người (consensus) chứ không phải chỉ dựa trên đa số (simple majorit).
(Tài liệu: Giới Tiếp Hiện chú giải)