Siddharta thấy rõ là đau khổ của dân chúng không chỉ nằm ở chỗ nô lệ, nghèo đói, áp bức, bất công mà còn nằm ở phiền não. Phiền não là gốc của đau khổ mà ít có ai thấy được. Phiền não (kleśa) là những tâm hành đen tối, trong đó có sự tham đắm, vướng mắc, thèm khát, giận hờn, kỳ thị, mà người ta không cho đó là những nguồn gốc của đau khổ. Những người có lý tưởng chống lại nghèo đói, bất công, áp bức rất thành thật. Họ thật sự muốn làm như vậy, nhưng trong họ vẫn có những nguồn gốc của phiền não. Họ vẫn thèm khát, giận hờn, u mê và khi những tâm hành đen tối đó biểu hiện ra thì họ làm khổ họ và làm khổ luôn những đồng chí của họ. Trong những đảng chính trị người ta trở thành nạn nhân của những phiền não của chính họ và những người trẻ theo họ đều ngã quỵ. Vì vậy cho nên một mục tiêu mà ta phải đánh dẹp là những phiền não trong con người. Chính Siddharta đã thấy điều đó, chúng ta phải đưa chiều hướng tâm linh vào thì mới có thể thành công. Sở dĩ các đảng chính trị thất bại và làm cho những thanh niên theo họ mất hết niềm tin và ngã quỵ tại vì họ không có chương trình chống phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến) trong con người của mình.
Nói tóm lại là nhà chính trị phải có đạo đức, người làm cách mạng phải có đạo đức gọi là đạo đức cách mạng. Nhìn vào lịch trình của các đảng thì ta thấy đạo đức cách mạng bị tiêu diệt, bị xói mòn từ từ. Bây giờ ta thấy trong đảng không còn đạo đức nữa, nó hoàn toàn thối nát, tham nhũng. Người nào cũng mong nắm vững địa vị của mình. Người nào cũng tìm cách cất tiền bạc chuyển ra ngoại quốc. Bây giờ người ta không dám mở miệng ra nói cái mà trong quá khứ họ hô hào là “đạo đức của cách mạng, tại vì chính họ đã không còn đạo đức cách mạng nữa. Bây giờ họ đi tìm sự giàu sang và quyền lực. Lý tưởng của họ không còn hoặc còn rất ít, vì vậy những người trẻ theo họ làm sao mà có hạnh phúc? Những người trẻ đã ngã quỵ trong phong trào của họ. Tin rằng, quyền năng chính trị là điều kiện tiên quyết để có sự thay đổi xã hội, không ít thì nhiều là một sự mê tín. Nhiều người đã nắm được chính quyền nhưng không làm được điều mình mơ ước, tại vì thực tại có những ràng buộc và trong con người mình có những phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Vì vậy tu là cái không thể không có đối với người có chí hướng làm việc xã hội.
Muốn làm việc xã hội để đem lại lợi ích cho dân mà mình không biết tu, không trì giới, không biết trấn ngự những phiền não thì mình cũng làm giống như những nhà chính trị hay những nhà xã hội kia thôi. Mình không làm chủ được mình thì làm sao mình thực hiện được điều mình mơ ước. Có những nhóm người trẻ rất nhiệt tình, hăng hái, tâm hồn rất trong sạch nhưng làm việc với nhau một thời gian thì tan rã, chí khí tiêu ma tại vì họ không sống chung được với nhau một cách hòa bình, an lạc, hạnh phúc. Người nào cũng muốn làm “number one“. Vì vậy ta phải chú ý tới vấn đề này. Ta nói cần một tăng thân mới có thể làm được việc mà muốn có tăng thân thì phải biết cách xây dựng tăng thân. Muốn xây dựng tăng thân thì phải chú ý tới những phiền não, đừng để cho phiền não chiếm thượng phong, Vì vậy cho nên chiều hướng thực tập rất quan trọng.
Có một cái khác nhau là tác viên xã hội biết rõ rằng đối tượng của mình không những là ngu dốt, bệnh tật, nghèo đói, bất công mà còn là những phiền não. Vì vậy tác viên phải về tu học mỗi tuần một ngày chánh niệm. Từ năm 1964, 1965, trường TNPSXH đã có một ngày chánh niệm cho mọi người tu học và tụng giới (Năm Giới và Giới Tiếp Hiện). Mình làm việc xã hội mà không đánh mất mình trong công việc xã hội. Mình không để tham lam, giận dữ, si mê kéo mình đi để chàng dũng sĩ lúc ban đầu trở thành ra một con quái vật. Trong truyện „Cửa tùng đôi cánh gài“ chàng dũng sĩ không thực tập đã trở thành ác quỷ. Chàng dũng sĩ không sử dụng cái gương chiếu yêu tức chánh niệm. Người tác viên xã hội đúng theo nghĩa của nó là phải tu. Từ năm 1964 đã có truyền thống, mỗi tuần tu một ngày chánh niệm và làm việc với tăng thân, phải tụng giới, phải tu tập, phải biết nhận diện và chuyển hóa những tâm hành của mình.
Nếu không có sự tu học thì nhà chính trị cũng trở thành ma, nhà xã hội cũng trở thành ma và vị hòa thượng cũng trở thành ma. Mình tưởng mình đang phục vụ cho lý tưởng, kỳ thực mình đang phục vụ cho tham vọng. Trong xã hội chúng ta có nhiều người có thiện chí mong thay đổi xã hội, đem lại công bằng, an lạc, hòa bình và tình huynh đệ. Thiện chí thì nhiều lắm, có rất nhiều những chàng dũng sĩ của cuộc đời. Nhưng khi đi ra rồi thì thành ma, thành quỷ quá nhiều tại vì trên bước đường phụng sự họ không có được chiều hướng đạo đức và tâm linh. Không có tăng thân đi cạnh bên, mình trở thành ác quỷ lúc nào không biết.
Chính những người xuất gia cũng vậy, trái tim nóng hổi lúc ban đầu, cái sơ tâm của mình rất trong sáng, đẹp đẽ. Nhưng nếu không có tăng thân hướng dẫn, không có sự tu học đàng hoàng thì mình sẽ trở thành ác quỷ mà không hay. Tu học ở đây là tu học thật sự chứ không phải tu học hình thức. Có khi mình cũng ngồi thiền, cũng tụng kinh, cũng học Phật pháp nhưng mình vẫn thành ác quỷ, tại vì đó là sự tu tập hình thức. Mình không biết cái gì đang xảy ra cho tâm tư của mình.
(Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh)