Cộng đồng của người Tiếp Hiện
Dòng Tiếp Hiện được tổ chức thành hai chúng: chúng Chủ Trì và chúng Đồng Sự. Chúng có nghĩa là đoàn thể. Chúng Chủ Trì là đoàn thể của những người đã chính thức thọ giới Tiếp Hiện, trong đó có các vị xuất gia được gọi là các Thầy, các Sư cô, và các vị tại gia được gọi là các Anh và các Chị. Chúng Đồng sự là đoàn thể của những người hành trì theo các pháp môn Tiếp Hiện, nhưng không hoặc chưa thọ giới Tiếp Hiện. Những người trong chúng Đồng Sự thân cận và cọng tác với chúng Chủ Trì trong mọi sinh hoạt tu tập và hành đạo. Họ cũng tham dự vào các buổi tụng giới Tiếp Hiện chung với các Anh và các Chị trong chúng Chủ Trì. Những người muốn thọ giới Tiếp Hiện để gia nhập vào chúng Chủ Trì phải trải qua một thời gian thực tập ít nhất là một năm và sinh hoạt trong chúng Đồng Sự. Sau khi gia nhập chúng Chủ Trì, họ phải có một số ngày tĩnh tu trong năm, tối thiểu là 60 ngày.
Sự thực tập chánh niệm của dòng tu Tiếp Hiện
Như ta đã biết, giáo chế Tiếp Hiện không phải chỉ là một số những điều răn cấm mà là một đường hướng và một ý thức soi sáng mọi giây phút của sự sống hàng ngày. Các giới luật khác thường bắt đầu bằng sự kiểm soát và điều phục thân nghiệp, vì vậy luôn luôn được bắt đầu bằng các giới bất sát, bất đạo, bất dâm. Giới luật Tiếp Hiện bắt đầu bằng sự soi sáng tâm ý, do đó giới đầu được dành ra cho tâm ý. Điểm này không những không làm cho giới Tiếp Hiện đi xa đạo Bụt mà trái lại, còn làm cho giới Tiếp Hiện đi vào cốt tủy của đạo Bụt. Trong các pháp, tâm là chủ. Tâm là Vua. Tâm là họa sĩ vẽ ra tất cả các pháp. Vì vậy, tâm là căn bản. Dành những giới đầu cho tâm, đó là một điểm đặc biệt của giới Tiếp Hiện, mười bốn pháp tu tập chánh niệm. Điều này làm cho giới Tiếp Hiện gần gũi nhất với Bát Chánh Đạo, giáo lý căn bản của đạo Bụt, nguyên thỉ cũng như đại thừa. Bát chánh đạo đã được gọi là giới luật đích thực, là tự tính giới (tiếng Pali là pakati-sila), khác với những giới luật được sáng chế cho ưu bà tắc, sa di, tỳ khưu và bồ tát, được gọi là chế giới (pannatti-sila). Bát chánh đạo cũng bắt đầu bằng chánh kiến (kiến giải chân thực) và chánh tư duy (tư duy chân thực) tức là những nguyên tắc chỉ đạo tâm ý.
Ta có thể tạm chia mười bốn giới Tiếp Hiện thành ba nhóm: bảy giới đầu về ý, hai giới giữa về ngữ, và năm giới cuối cùng về thân. Tuy nhiên, đó chỉ là một lối phân tích tạm thời. Trong suốt cả mười bốn giới, Ý luôn luôn có mặt như một ngọn đèn soi sáng. Các vị từng tụng giới Tiếp Hiện chuyên cần, chắc đã thấy rõ được điều đó.
(Tài liệu: Giới Tiếp Hiện chú giải)
Vai trò-Trách nhiệm của Tiếp Hiện cư sĩ
Mỗi người Tiếp Hiện, mỗi thành viên của dòng tu Tiếp Hiện phải là một cột trụ, phải là một nguồn cảm hứng. Màu áo nâu tượng trưng cho sự khiêm cung. Khi chúng ta khoác lên mình chiếc áo màu nâu, chúng ta phải chứng minh được mình là một người khiêm cung. Màu áo nâu ở Việt Nam là màu của nông dân, là màu của khiêm nhường. Màu nâu cũng là màu của sức mạnh đại hùng, đại lực. Sức mạnh thầm lặng. Im lặng nhưng rất hùng tráng. Khi mình mặc lên chiếc áo nâu của người xuất gia, mình phải biểu trưng cho được tinh thần đó – một đức khiêm cung. Mình không cho mình hơn người, không cho mình là có quyền hơn những người khác. Mình có sức mạnh tâm linh và sức mạnh đó không ồn ào mà rất im lặng. Đó là ý nghĩa của màu nâu. Người cư sĩ Tiếp Hiện cũng vậy, khi mặc lên chiếc áo Tiếp Hiện cư sĩ màu nâu là cũng mang theo tinh thần đó. Mang theo tinh thần khiêm cung, mang theo sức mạnh của sự im lặng.
Bên Trung Quốc không có chữ “Đạo Bụt nhập thế” nhưng có danh từ “Nhân gian Phật giáo”, nghĩa là Phật giáo trong nhân gian. “Nhân gian” là cõi người ta. Trong truyện Kiều có câu: “Trăm năm trong cõi người ta.” Đạo Phật ngay trong xã hội. Danh từ “Nhân gian Phật giáo” cũng là “Phật giáo nhập thế” mà thôi. Ngay từ năm 1930 trở đi, tức là khoảng 80 năm trước, ở Việt Nam đã bắt đầu có phong trào đạo Phật đi vào cuộc đời. Thời ấy, những tạp chí Phật giáo ở Việt Nam đã bắt đầu nói tới “Nhân gian Phật giáo”, “đạo Bụt đi vào cuộc đời”.
Đạo Bụt đi vào cuộc đời thật ra không phải là có từ năm 1930, mà nó có từ lâu lắm rồi, trong truyền thống của mình. Đó không phải là một tư trào mới và mình chỉ là sự tiếp nối thôi. Mình đã có những tác phẩm như là “Đạo Phật ngày nay”, “Đạo Phật hiện đại hóa”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”… Và khi mình hiểu được ý nghĩa hai chữ: “Tiếp” và “Hiện” thì câu chuyện của thầy trò mình thành ra rất đơn giản: Từ Phật giáo nhập thế đi tới Phật giáo ứng dụng. Chỉ có chừng đó thôi.
Mình đã có chữ “Đạo Phật đi vào cuộc đời” (Engaged Buddhism) nay mình có thêm chữ “Đạo Phật ứng dụng” (Applied Buddhism). Chữ ‘ứng dụng’ được dùng ngoài đời như là Khoa học ứng dụng (Applied science), hoặc Toán học ứng dụng (Applied Mathematics). Chữ ứng dụng được sử dụng rất nhiều.
Khi nói về Tam Bảo, mình giảng cho mọi người hiểu thế nào là Bụt, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng thì mình cũng phải chỉ cho người ta cái cách áp dụng giáo lý Tam Bảo vào đời sống hàng ngày. Trong khóa tu tiếng Đức này, mình có một bài giảng về phương pháp ứng dụng giáo lý Tam Bảo. Làm thế nào để thực tập quy y Tam Bảo? Khi mình tụng: “Con về nương tựa Bụt” hay là “Buddha saranam gachami” thì những cái đó chưa phải là quy y. Những cái đó chỉ là tuyên bố quy y thôi. Mình phải chế tác cho được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Khi năng lượng đó bảo hộ cho mình thì mình mới đang được che chở bởi năng lượng của Tam Bảo, (Bụt, Pháp và Tăng).
Cũng như vậy, khi thực tập bài kệ
“Quay về nương tựa
Hải đảo tự thân
Chánh niệm là Bụt
Soi sáng xa gần.
Hơi thở là Pháp
Bảo hộ thân tâm
Năm uẩn là Tăng
Phối hợp tinh cần.”
Thì mình phải thực tập thở như thế nào để khi thở ra, thở vào mình chế tác được năng lượng Niệm, Định và Tuệ. Trong khi mình thở ra, thở vào như thế thì mình chế tác được năng lượng của Bụt, của Pháp và của Tăng. Trong lúc ấy mình thật sự đang được che chở bởi Tam Bảo. Rất an toàn! Những lúc mình chới với, hụt hẫng, bức xúc, không biết làm gì thì đó là những lúc mà mình cần phải quy y, quay về nương náu với năng lượng Tam Bảo. Làm được như vậy thì mình mới thực sự là một người Tiếp Hiện. Mình phải làm sao để có một sự thực tập cho vững chãi.
Mỗi khi mình có những khó khăn, mình bị bức xúc hay chới với thì mình biết phải làm gì để lấy lại sự thăng bằng, sự thảnh thơi, sự vững chãi và một trong những phương pháp để thực hiện điều đó là quy y Tam Bảo. Quy y Tam Bảo là một sự thực tập chứ không phải là một lời tuyên bố, một đức tin. Khi mình đang lao đao, nếu nương tựa vào năng lượng của Tam Bảo là Niệm, Định, Tuệ thì mình sẽ vững chãi, sáng suốt trở lại. Trong lúc ấy, mình sẽ biết nên làm gì, không nên làm gì và mình đặt mình trong tình trạng an toàn. Đó là đạo Bụt ứng dụng.
Nếu mình nói về Tam Bảo hay cách mấy mà không ứng dụng được thì chưa phải là Phật học ứng dụng mà chỉ mới là Phật học lý thuyết. Ở tây phương hiện nay có nhiều trường đại học cấp bằng tiến sĩ Phật học, nhưng Phật học đó không phải là Phật học ứng dụng. Mình có thể giỏi tiếng Tây Tạng, tiếng Pali, Sanskrit, lão thông lý thuyết Tam Tạng kinh điển, nhưng đó mới chỉ là Phật học mà chưa phải là Phật học ứng dụng. Nếu những người có bằng cấp tiến sĩ Phật học khi gặp khó khăn, bức xúc mà không biết làm gì để thoát khỏi tình trạng ấy thì Phật học đó nó không giúp được cho mình.
Khi mình giảng dạy Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần… Tất cả những giảng dạy đó đều phải áp dụng được vào đời sống hàng ngày, chứ không chỉ có lý thuyết. Chúng ta có thể giảng kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm rất hay, chúng ta có thể phân tích kinh Kim Cương rất giỏi nhưng những cái đó có thể chỉ là những cái nói để thỏa mãn trí năng.
Chúng ta phải đặt câu hỏi:
- Áp dụng kinh Pháp Hoa như thế nào để giải quyết những vấn đề bức xúc, khổ đau, tuyệt vọng của mình?
- Áp dụng kinh Kim Cương như thế nào?
- Áp dụng giáo lý Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo như thế nào?
Cái đó mới gọi là Phật học ứng dụng. Vì vậy cho nên quan niệm Phật Học Ứng Dụng đến để bổ túc cho Phật Học Đi Vào Cuộc Đời. Việc học Phật của chúng ta ở trong nước cũng như ở các trường đại học đều rất từ chương, rất lý thuyết. Đó không phải là cái học mà Đức Thế Tôn gửi gắm. Chúng ta phải học Phật Học Ứng Dụng mới được. Học tới đâu thì phải hành tới đó. Là một vị giáo thọ thì thầy, thì sư cô phải cung cấp được Phật học ứng dụng cho những ai tới với mình. Và trong đời sống của mình thì mình phải làm một gương mẫu cho Phật học ứng dụng đó. Mình chỉ dạy cái mà mình đang làm.
Mình là một vị cư sĩ, mình là một vị giáo thọ tập sự hay đã được truyền đăng giáo thọ thì mình cũng làm như vậy. Mình không học để khoa trương kiến thức Phật học của mình trong khi pháp đàm, trong khi nói pháp thoại. Mình chỉ nói và chỉ dạy những gì mà mình đang thực sự thực tập. Nếu mình dạy thiền hành thì mình phải thực tập thiền hành thành công tới một mức nào đó rồi mới nên dạy. Còn không thì đừng nên dạy, khoan dạy đã. Đó gọi là thân giáo. Dạy bằng sự sống của mình. Có những vị không thích nói pháp thoại nhưng những vị đó có thể là những giáo thọ rất giỏi vì các vị ấy trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, tiếp xúc, sống với đại chúng rất hài hòa, rất an lạc, rất cởi mở. Đó là những bài pháp thoại linh động. Đó là những viên ngọc quý trong tăng thân. Những người đó không phải chỉ giới hạn trong những vị xuất gia. Trong giới tại gia cũng có nhiều vị tu tập rất giỏi, rất tĩnh lặng, rất bác học. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam có những người như vậy. Các vị ấy là cư sĩ, nhưng cách các vị sống khiến cho các thầy, các sư cô cũng phải kính nể và xem đó như một vị thầy của mình. Cư sĩ Thiều Chửu, tác giả cuốn Hán – Việt từ điển, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám… Họ là những người cư sĩ nhưng hành trì rất vững chãi. Họ lên pháp tòa và dạy kinh cho các thầy, các sư cô. Nhưng họ có đầy đủ sự khiêm cung. Cư sĩ Lê Đình Thám mỗi khi lên dạy các thầy, các sư cô thì luôn mặc áo tràng và đảnh lễ các thầy, các sư cô trước rồi mới lên dạy. Các thầy, các sư cô cũng rất cung kính đối với cư sĩ Lê Đình Thám.
Ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều có những vị cư sĩ như vậy. Và sự thật là các thầy, các sư cô rất cung kính đối với những vị cư sĩ này. Các vị ấy được cung kính không phải bởi vì các vị giàu, hay các vị có quyền năng gì mà các vị được cung kính bởi vì các vị có sự hành trì rất vững chãi. Các vị nói cái mà các vị làm.
Theo nguyên tắc không có chướng ngại nào, không có rào cản nào ngăn cách giới xuất gia và giới tại gia tu tập và làm việc chung với nhau. Vì chúng ta có sứ mạng đem Đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho Đạo Bụt trở thành hiện thực, có thể ứng dụng được trong mọi trường hợp, cho nên chúng ta rất cần các vị giáo thọ. Vì vậy cho nên dòng tu Tiếp Hiện là một cánh tay nối dài của tăng thân xuất gia để đi vào cuộc đời. Cố nhiên là các thầy, các sư cô – những người xuất gia cũng đi vào cuộc đời nhưng số lượng các thầy, các sư cô không đủ. Ví dụ như ở Châu Âu, nước nào cũng muốn có khóa tu, ít nhất là mỗi năm phải có một khóa tu và nếu mình thỏa mãn nhu yếu đó của tất cả các nước Châu Âu thì ở làng Mai sẽ không có người tu trì, thực tập.
Vì vậy, mình cần có những tăng thân thường trú vững mạnh để làm cơ sở. Tại Làng Mai, Tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu, tại Bích Nham, Lộc Uyển, Thái Lan, … hay các trung tâm khác phải luôn có một tứ chúng vững chãi thực tập quanh năm để làm vốn liếng và nếu gửi đi để tổ chức khóa tu ở các nơi khác thì chỉ một số người nào đó luân phiên đi thôi. Vì vậy, số lượng những người Tiếp Hiện xuất sĩ không đủ mà phải cần thêm rất nhiều những người Tiếp Hiện cư sĩ. Những người Tiếp Hiện cư sĩ là cánh tay nối dài của tứ chúng để dang ra cho xã hội. Mình có nhu yếu có hàng ngàn vị cư sĩ Tiếp Hiện như vậy, để làm việc, để giáo hóa. Và cố nhiên mình không làm công việc của các vị giáo sư Phật học. Mình làm công việc tổ chức tu học và mình phải là mẫu mực của sự tu học. Mình phải nắm vững các pháp môn, nắm vững Phật học ứng dụng. Mình phải có hạnh phúc khi ngồi thiền, phải có hạnh phúc khi đi từng bước chân, phải có hạnh phúc khi thực tập im lặng hùng tráng. Mình phải có khả năng tổ chức một tăng thân tại địa phương và các thành viên trong tăng thân địa phương đó phải sống với nhau cho có hạnh phúc. Tăng thân phải có tình huynh đệ, gây được niềm tin cho người trong tỉnh, trong nước. Là người Tiếp Hiện mình phải làm cho được chuyện đó. Vấn đề không phải là có quyền hay không có quyền, vấn đề không phải mình là giáo thọ hay không phải là giáo thọ. Vấn đề là làm sao để tại cái vùng mình ở có một tăng thân tu tập có hạnh phúc, có tình huynh đệ, ở đó mọi người sống với nhau như anh chị em một nhà, không ai giành quyền hành để làm lớn, người nào cũng biết sử dụng ái ngữ và biết cách lắng nghe nhau. Tại mỗi quốc gia, mỗi thành phố mình đều phải có những tăng thân như thế. Mình phải làm như vậy ở Amsterdam, ở Paris, ở Frankfurt, ở Bruxelles, ở New York, v.v… Ai sẽ làm chuyện đó? Người Tiếp Hiện cư sĩ! Các thầy và các sư cô sẽ yểm trợ, có khi đi chung, nhưng chính những người Tiếp Hiện cư sĩ phải làm chuyện đó.
(Pháp thoại của Thầy giảng vào ngày 11.6.2010, tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB), Đức quốc, trong khóa tu dành cho giới Tiếp Hiện)