Giới Tiếp Hiện được trì tụng ít ra là hai tuần một lần. Người thuyết giới thường thường được mời từ chúng Chủ Trì. Tuy nhiên các đoàn viên của chúng Đồng Sự cũng có thể được mời làm người thuyết giới. Giờ thuyết giới tốt nhất là vào giờ thiền tọa buổi sáng. Ta có thể uống trà trước giờ tụng giới nhưng chỉ nên ăn sáng sau khi tụng giới xong. Người tụng giới ngồi thành hai dãy đối diện nhau, với giới bản đặt trên bàn, trước mặt mọi người.
Nên sử dụng giới bản cùng một ấn kỳ để mỗi khi lật trang, tất cả mọi người đều lật một lần, tránh sự gây tiếng động.
Ngồi đầu dãy bên phải là vị Duy Na, phụ trách về chuông. Ngồi đầu dãy bên trái là vị Duyệt Chúng, phụ trách về mõ (hoặc linh, nếu không có mõ). Người thuyết giới có thể ngồi trước một chiếc bàn nhỏ, nơi mọi người có thể nhìn thấy.
Thường thường vị Duy Na làm chủ lễ, dâng hương và hướng dẫn mọi người lạy. Vào đầu buổi tụng giới, đại chúng sắp hàng đứng trước bàn Bụt, chắp tay và theo dõi hơi thở. Vị chủ lễ đứng trước. Người ấy nhận lấy cây hương do một vị phụ tá trao cho, hai tay đưa hương lên và xướng bài dâng hương. Bài dâng hương xướng xong, người ấy cúi đầu và trao cây hương cho người phụ tá cắm xuống bình hương. Đợi người phụ tá cắm xong hương và đến an tọa xong trước chuông gia trì, người chủ lễ bắt đầu xướng các bài kệ quán tưởng và khen ngợi Bụt, và sau đó xướng từng danh hiệu để mọi người lạy xuống theo nhịp chuông. Người chủ lễ có thể tùy tiện giảm bớt các bài kệ quán tưởng hay khen ngợi Bụt, nếu muốn. Lạy Bụt xong, mọi người về an tọa trước giới bản của mình.
Chỉ sau khi mọi người an tọa vững chãi và yên lặng hoàn toàn thì người Duy Na mới nhập chuông và các vị Duy Na và Duyệt Chúng mới bắt đầu khai chuông mõ. Sau khi niệm danh hiệu Bụt Thích Ca và tụng bài kệ khai kinh, đại chúng giữ im lặng hoàn toàn để cho người thuyết giới lên tiếng tụng giới.
Từ lúc mới vào Phật đường, mọi người phải nhiếp giữ tâm ý, sử dụng việc theo dõi hơi thở và những bài thi kệ, trong những động tác như chấp tay, bước chân, ngồi xuống, điều thân, v.v…
Cố nhiên là trong lúc tụng giới mọi người phải để hết tâm ý vào nội dung của giới. Tai theo dõi tiếng tụng giới mà mắt theo dõi giới bản. Thị giác và thính giác hợp nhất với ý thức tạo nên một định lực vững chãi không để cho những tạp niệm có cơ hội xen vào. Người thuyết giới cần có giọng đọc trôi chảy, rõ ràng, chuyên chở được nội dung giới luật. Sự thanh tịnh của đại chúng trong giờ tụng giới tùy thuộc rất nhiều ở người thuyết giới.
Khi người thuyết giới hỏi: „Các vị đã sẵn sàng chưa?“, mọi người có thể trả lời „sẵn sàng“ trong tâm mình, không nhất thiết phải nói ra bằng lời. Người thuyết giới sau khi đọc xong một giới nên ngừng lại trong một thời gian khoảng ba hơi thở vào và ba hơi thở ra trước khi hỏi câu hỏi: „Đó là giới thứ … của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?“ Ngừng như vậy để mọi người có cơ hội nắm vững được giới tướng. Phương pháp dễ nhất để nắm vững giới tướng là lấy mắt đọc lại giới vừa tụng và lần này chú tâm vào nội dung của giới, thay vì vào chữ nghĩa. Thời gian ba hơi thở đủ để ta làm việc ấy.
Sau đó, người thuyết giới mới bắt đầu lên tiếng: „Đó là giới thứ … của dòng tu Tiếp Hiện. Quý vị có học tập và giữ gìn giới ấy hay không?“ Hỏi xong, người thuyết giới cũng phải giữ im lặng trong khoảng ba hơi thở, ra và vào. Trong thời gian đó, mọi người tự trả lời câu hỏi trong tâm mình. Thường thường câu trả lời ít khi rơi vào hai thái cực không và có. Người tu học theo Tiếp Hiện không ít thì nhiều trong tuần qua cũng đã có thực tập chánh niệm và sống trong ý thức. Trả lời không thì không đúng. Mà trả lời có thì trả lời không được mạnh dạn lắm, nhất là vào những tuần ít tinh tiến. Vì vậy câu trả lời thường là: „đã có, nhưng chưa đủ, xin sẽ cố gắng thêm“. Thời gian ba hơi thở này là thời gian quý báu nhất trong buổi tụng giới. Phải để cho câu hỏi đi sâu vào tâm hồn mình, và tác động trong tâm hồn mình. Câu trả lời có khi không cần thiết bằng sự cởi mở tâm hồn để cho câu hỏi đi vào. Tác động của câu hỏi sẽ rất lớn, nếu ta biết sử dụng thời gian ba hơi thở ấy. Ta phải theo dõi hơi thở trong thời gian này trong khi để cho câu hỏi đi vào lòng ta. Người thuyết giới phải rất ý thức điều đó. Và cả người Duy Na nữa. Người Duy Na phải thở ra thở vào cho đầy ba hơi thở trước khi thỉnh một tiếng chuông. Mọi người chấp tay thành búp sen khi nghe tiếng chuông ấy. Lúc bấy giờ, người thuyết giới mới đi sang giới điều kế tiếp.
Điều cấm kỵ nhất là đưa tay để lật trang hoặc để dự tính lật trang trong thời gian ba hơi thở. Ta chỉ có quyền đưa tay ra lật trang sau khi tiếng chuông ngân lên, và mọi người đã chắp tay búp sen xong. Để cho những buổi thuyết giới được thanh tịnh, những người tham dự tụng giới lần đầu cần phải được chỉ dẫn cặn kẽ trước giờ tụng giới.
(Tài liệu: Giới Tiêp Hiện chú giải)