Bình thơ: Thông điệp (thơ: Nhất Hạnh)

Thầy Nguyên Tịnh bình thơ ngày 29 Tết năm quý Tỵ tại thiền đường Hương Cau, ni xá Diệu Trạm

Thông điệp

Trán tôi đã từng nhăn
Và ưu tư cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
Trên khoảng trời mai ấy
Nhưng trẻ thơ tâm hồn tôi hôm nay trở lại
Hoa lá về trên nụ cười buông thả
Vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi
Như mưa chiều nay xóa đi những dấu chân trên bãi vắng – qua một chu kỳ.
Tôi đi giữa rừng chông gai như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo
Đầu cất cao, nụ cười ngày xưa còn đó
Những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
Nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm trên chiến trường vàng vọt
Bỗng đã trở thành mưa. Tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá
Quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về
Mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn.
Tôi vẫn còn – nụ cười chiều nay bình lặng
Trái ngọt chín trên cây rừng cay đắng
Ôm xác em thơ, tôi băng qua ruộng lúa quê hương đêm nay
Đất mẹ sẽ giữ gìn em
Để trên bãi cỏ xanh non, sáng nay em sẽ luân hồi thành những bông hoa mới
Những bông hoa cười thầm lặng trong bình minh đồng nội.
Giờ phút này em có còn khóc đâu – qua một đêm dài thăm thẳm sâu
Sáng nay tôi quỳ trên bãi cỏ xanh khi trông thấy những bông hoa mang nụ cười huyền diệu
Thông điệp của hy sinh của hiểu biết quả đã tới nơi rồi.

Thơ: Nhất Hạnh

Năm 1964, Thầy của chúng ta chủ trương một tờ báo tên Hải Triều Âm và người chăm sóc tờ báo này là thầy Châu Toàn. Thầy Châu Toàn một người em mà Thầy rất thương. Thầy Châu Toàn có năng khiếu kết nối được nhiều nhà văn, nhà thơ thời đó lại với nhau. Thầy thường ngồi chơi, uống trà với những nhà thơ lớn nổi tiếng lúc đó như Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ … Nhiều văn nghệ sĩ miền Nam thời đó rất nghèo. Hai nhà thơ trên thường vào chùa để ăn cơm chùa và được gần gũi với các thầy làm văn nghệ có đầu óc tiến bộ. Một lần Vũ Hoàng Chương nói với thầy Châu Toàn là nhóm Sáng Tạo tức nhóm của những nhà thơ chủ trương và nâng cao thể thơ tự do như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, v.v… Nhưng theo Vũ Hoàng Chương thì người thành công nhất trong thể thơ tự do là thầy Nhất Hạnh, dù thầy chưa bao giờ tuyên bố mình làm thơ tự do. Vũ Hoàng Chương xem đây là điều rất lạ lùng: một người âm thầm đăng lên báo của Phật giáo Việt Nam như tờ Hải Triều Âm những bài thơ rất tự do, rất nhân bản.

Từ khi còn trẻ Thầy chúng ta đã xác định, cách tổ chức và làm văn nghệ phải có tính chất nuôi dưỡng và trị liệu, là một ngọn đèn để tạo dựng niềm tin, là bếp lửa ấm để giúp cho mọi người có một nếp sống tích cực. Làm văn nghệ như vậy mới có thể giúp cho thế hệ trẻ, giúp cho đất nước đi lên. Và Thầy đã giữ tinh thần này rất bền, giữ mãi thủy chung. Những bài thơ Thầy viết, dù đôi khi có những đoạn thật buồn, thật tang thương vì thơ được viết trong thời chiến tranh, nhưng trong đó luôn luôn chứa đựng chất liệu của tình thương và sự hiểu biết, khuyến khích và an ủi nhau đi tới. Xin nguyện đứng bên nhau mà dựng lại quê hương (Ruột đau chín khúc, thơ: Nhất Hạnh). Một trong những chất liệu mà Thầy khuyến khích chúng ta nên chế tác là nuôi lớn quê hương tuổi thơ.

Có những người không có may mắn có được“quê hương tuổi thơ“. Vì vậy ngay trong gây phút hiện tại chúng ta phải làm sao để làm sống dậy một“quê hương tuổi thơ“ mới. Ý tưởng này không xa lạ mà đã có trong kinh Bụt từ xưa. Trong kinh có câu chuyện của Angulimala. Anh này giết người như ngóe, nghĩ rằng giết nhiều người thì sẽ đạt được một thứ trí tuệ và thần thông khủng khiếp không ai địch lại. Cho tới khi gặp Bụt thì ông nhận ra rằng mình đã sống quá dại dột, quá sai lầm. Ông nguyện thay đổi đời sống của mình. Sau khi xuất gia, thầy Angulimala trở thành một học trò rất hiền của Bụt. Ông hiền như cục đất, hiền từ lời nói, từ ánh mắt, từ cử chỉ và từ sự suy tư. Ông trở thầy ông thầy tu bất hại, không làm hại ai cả, dù đó là một sinh vật nhỏ bé. Kể cả khi bị người ta đánh thầy Angulimala cũng không đánh trả, không bỏ chạy, không thể hiện sự hận thù giận dữ. Thầy được gọi là một người được Pháp sinh ra. Khi được mời tới chú nguyện cho một cô sắp sinh em bé thầy Angulimala đã nói:“Tôi là người được Pháp sinh ra, tôi không có ý muốn làm hại ai và nhờ năng lượng này mà tôi xin nguyện cho chị sinh con được bình an, khỏe mạnh“. Pháp sinh ra có nghĩa là tuổi thơ của Angulimala đã trở lại một lần nữa. Một em bé, một tuổi thơ hồn nhiên được sinh ra một lần nữa trong một con người lúc đó chắc cũng hơn 30 tuổi.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã 50, 60 tuổi hay 20 mấy, 30 mấy tuổi, có thể chúng ta đã có một tuổi thơ thiếu thốn, bây giờ chúng ta có cơ hội để tạo một tuổi thơ mới gọi là ngày con được Pháp sinh ra. Chúng ta trở thành một sư chú, một sư cô. Chúng ta trở thành học trò của Bụt, dù dưới bóng dáng người cư sĩ, thì chúng ta cũng được Pháp sinh ra một lần nữa. Chúng ta nuôi tuổi thơ của mình một lần nữa. Đó là thông điệp Thầy chúng ta viết trong bài thơ có tên là: Thông điệp. Bài thơ được viết vào khoảng năm 1965. Đã 60 năm qua mà em bé đó cũng vẫn còn là một em bé. Thầy của chúng ta cũng như bao nhiêu người đi qua chiến tranh đã phải đối diện với rất nhiều mất mát của chính mình cũng như của những người thương, của quê hương đất nước. Một người nhân bản nào cũng đau khổ, xót xa trong hoàn cảnh đó. Thầy viết bài thơ Thông điệp, thông điệp có nghĩa là trái tim, là nếp sống. Đây là khoảng thời gian Thầy viết rất nhiều bài thơ tự dơ như bài Bướm bay vườn cải hoa vàng, Thông điệp, Dặn dò… những bài thơ rất hay, có nhiều tuệ giác. Thầy nói cho các bạn biết rằng: Tôi cũng đi qua rất nhiều khó khăn và khổ đau. Thầy không phải sinh ra là một thiên thần và suốt cả đời là một thiên thần.

Trán tôi đã từng nhăn
Và ưu tư cuộc đời đã về ghi dấu chân nặng nề
Trên khoảng trời mai ấy

Gần 40 tuổi trán đã bắt đầu nhăn rồi. Những ưu tư như làm sao để làm mới đạo Bụt, làm sao để đất nước thoát khỏi sự tàn khốc của chiến tranh, làm sao để dựng lại quê hương, làm sao để giúp những người ở vùng nông thôn, những người chịu nhiều oan nghiệt? Những câu hỏi đó làm nhăn trán của một ông thầy tu. Khoảng trời của một ông thầy tu phải là khoảng trời của khoảng đạt, của tự do, nhưng bây giờ cũng phải ưu tư, phải đồng sự với tang thương, mất mát và buồn tủi của dân tộc. Mối ưu tư này là một lời nguyền truyền kiếp cũng là  mối ưu tư  của bao nhiêu người Việt Nam thời đó.

Nhưng trẻ thơ tâm hồn hôm nay trở lại
Hoa lá về trên nụ cười buông thả
Vô tình xóa mờ những nếp nhăn đi
Như mưa chiều nay xóa đi những dấu chân trên bãi vắng – qua một chu kỳ

Trong lúc có cảm giác đã mất đi nụ cười, mất đi sự hồn nhiên và bắt đầu ưu tư, vầng trán có nếp nhăn thì tự nhiên Thầy gặp lại quê hương tuổi thơ của mình. Trong rất nhiều bài thơ Thầy chúng ta đã nhắc đến quê hương tuổi thơ đó. Tuổi thơ vô lo, được những người thương bên cạnh bảo vệ, thấy một bông hoa cũng đẹp, một miếng bánh cũng đẹp. Tuổi thơ đó trở về để nuôi dưỡng một anh chàng đang bắt đầu khốn đốn vì những ưu tư và cuộc đời bắt đầu ghi những dấu chân nặng nề lên sự sống.

Có khi, chỉ cần một hơi thở ta có thể trở về tiếp xúc với quê hương tuổi thơ. Nhiều người may mắn có một tuổi thơ đẹp hay ít nhất là có những khoảnh khắc đẹp trong tuổi thơ. Ta cần để ra thời gian để nhớ lại, để sống lại những khoảnh khắc đó cho nụ cười hồn nhiên được dịp trở về trên khuông mặt. Nhờ vậy những nếp nhăn sẽ vô tình được xóa đi. Chỉ cần có nụ cười tuổi thơ thì tự nhiên nếp nhăn ưu tư sẽ tự biến mất. Chỉ cần trở về với hơi thở, với sự thực tập thì tự nhiên những khốn đốn sẽ lắng dịu. Và chúng ta bắt đầu đi qua một chu kỳ. Thầy chúng ta đã nhận diện ra được khoảnh khắc này khi nó xuất hiện lần đầu tiên và sử dụng nó như một chiếc chìa khóa, một pháo cứu sinh, một câu thần chú để có thể đi qua những khắc nghiệt.

Chúng ta, ai cũng có những giây phút rất huy hoàng trong cuộc đời. Nếu có đủ chánh niệm, tỉnh táo, tĩnh lặng để dừng lại và nhận diện thì những khoảnh khắc đó sẽ cứu lấy cuộc đời của mình. Những khoảnh khắc có thể có mặt trong khi ta ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm hay hát thiền ca. Nó có thể đến trong vòng vài giây nhưng nếu biết nắm lấy cơ hội đó thì nó sẽ trở thành chiếc chìa khóa bảo hộ sự sống của mình. Khi tiếp xúc với quê hương tuổi thơ thì Thầy nhận ra đây là phao cứu sinh, là căn nhà để mình có thể trở về những khi cần thiết.

Tôi đi giữa rừng chông gai như đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo
Đầu cất ao, nụ cười ngày xưa còn đó

Thì ra chưa có gì mất cả. Đang đi giữa rừng chông gai nhưng nhờ tiếp xúc với tuổi thơ mà ta như đang đi giữa vườn kỳ hoa dị thảo. Nụ cười của em bé 5, 7, 10 tuổi, nụ cười của một điệu Sung, một sư chú Phùng Xuân còn đó.

Trong những bài thơ, có lúc Thầy cuối đầu khi đi:

Tôi sẽ đi một mình, đầu tôi cúi xuống
Tình yêu thương bỗng trở nên bất diệt
(Dặn dò, thơ: Nhất Hạnh)

Đi một mình, thầm lặng, cũng nuôi được tình thương. Là con cháu, nếu ta nuôi được tình thương khi ngẩng đầu, khi cuối đầu thì chắc Thầy chúng ta sẽ hạnh phúc lắm. Đó là một sự tiếp nối đúng nghĩa của sự tiếp nối.

Những vần thơ đã nở trong tiếng gào súng đạn
Nước mắt ngày xưa khóc nắng quái chiều hôm trên chiến trường vàng vọt
Bỗng đã trở thành mưa. Tiếng mưa rơi êm êm trên mái lá
Quê hương tuổi thơ thầm gọi tôi về
Mưa xóa đi bao tâm tư sầu muộn.

Những cơn mưa Thầy thưởng thức trong tuổi thơ trở về trong tiếng trực thăng, tiếng bom đạn để những câu thơ thương yêu, tràn đầy chất liệu của niềm tin được viết lên.

Đọc lại Nẻo về của ý, chúng ta thấy có đoạn viết Thầy thưởng thức buổi trưa, thưởng thức mưa, thưởng thức buổi sáng. Những khoảng đó chưa bao giờ mất đi. Chúng ta đã có những cơn mưa như vậy chưa? Lúc mới 5, 7 tuổi ta đã nắm tay mẹ đi chợ lần nào chưa? Lúc còn nhỏ ta đã sau sau xe ôm cứng bụng ba để ba chở đi đây đi đó chưa? Chúng ta mời những khoảnh khắc đó sống trở lại. Những khoảnh khắc đó nhiều lắm, ta không bao giờ thua thiệt đâu. Ta còn rất nhiều gia tài, rất nhiều vốn liếng. Có rất nhiều món quà vốn dĩ cuộc đời đã tặng cho ta. Ta nhớ đem ra sử dụng mà đừng ngồi đó khóc than, tuyệt vọng, trách móc, chán nản. Ta phải nhen lại bếp lửa đó trong mình.

Ai trong lòng có buồn tủi, năm nay nên viết chữ“quê hương tuổi thơ“dán lên bàn học để nhắc nhở ta trở về. Quê hương tuổi thơ có thể xuất hiện lúc ta vừa gặp Thầy, vừa gặp tăng thân hay một hình dáng thực tập nào đó mà có thể ta đã quên mất đi sau 5, 10 năm thực tập. Quê hương tổi thơ không chỉ có lúc ta 5, 7 tuổi. Nó có thể có lúc ta được Pháp sinh ra một lần nữa.

Tôi vẫn còn – nụ cười chiều nay bình lặng
Trái ngọt chín trên cây rừng cay đắng
Ôm xác em thơ, tôi băng qua ruộng lúa quê hương đêm nay
Đất mẹ sẽ giữ gìn em
Để trên bãi cỏ xanh non, sáng nay em sẽ luân hồi thành những bông hoa mới
Những bông hoa cười thầm lặng trong bình minh đồng nội.

Những thương tích, khổ đau trong ta trở thành những em bé để ta bồng nó, dù là bồng cái xác của em, băng qua những ruộng lúa quê hương. Ta có cơ hội đặt em bé nằm xuống bằng tình thương trọn vẹn, bằng sự tha thứ bao dung để những hạt giống, những em bé buồn tủi được luân hồi biểu hiện thành những bông hoa mới.

Đây là một sự khai giải bùa thiên yểm. Ta nghĩ khổ đau là bản chất của mình, ta không thể thoát ra được, ta bị yểm bùa. Nhưng không, bằng sự thực tập ta có thể khai giải được. Ta có thể làm mới, ôm nỗi khổ niềm đau như ôm một em bé và đặt nó xuống trên bãi cỏ xanh của quê hương, của đất mẹ bằng tình thương, bằng chất liệu của giọt nước Cam Lộ giúp em bé khổ  đau, buồn tủi rữa ra và biến thành một bông hoa mới.

Có khi trong giờ ngồi thiền, dù mắt đang nhỏ những giọt nước mắt nhưng ta vẫn nở nụ cười, vì trong khoảnh khắc đó ta thấy có bông hoa bắt đầu nở trong sự thực tập. Những chuyển hóa gốc rễ bắt đầu xảy ra. Nụ cười đó trầm lặng nhưng được Pháp tái sinh.

Giờ phút này em có còn khóc đâu – qua một đêm dài thăm thẳm sâu
Sáng nay tôi quỳ trên bãi cỏ xanh khi trông thấy những bông hoa mang nụ cười huyền diệu
Thông điệp của hy sinh của hiểu biết quả đã tới nơi rồi.

Thầy quỳ trước những bông hoa đã bắt đầu nở, những bông hoa nở từ tình thương, từ sự hiểu biết và sự hy sinh của mình. Nhớ lại cuộc đời của Thầy từ lúc vào Sàigòn cho đến khi thành mây, ta có thể thấy được sự trầm lặng, sự hy sinh, thương yêu, hiểu biết thật là vô tận. Có những tháng ngày cô đơn, không ai hiểu, không ai yểm trợ cho những phát nguyện, những chương trình của mình. Có những lúc được tin những người thương ra đi vì bệnh tật, vì chiến tranh, vì thời cuộc. Có những tháng ngày phải đóng cửa nhập thất, ngồi thở và thực tập để chuyển hóa và sống còn. Những giây phút đó có thể được gọi là những thông điệp của hy sinh. Anh chị em mình cũng có những giây phút như vậy, mình bị hiểu lầm, mình không thực tập đến nơi đến chốn, mình phải chịu lời thị phi của ai đó. Mình cần một khoảng thời gian như một thông điệp của hy sinh, của hiểu biết, của sự trầm lặng để lớn lên, để giúp làm nở những bông hoa trong trái tim. Sự thực tập giúp mình trở nên sinh động.

Thầy chúng ta luôn khuyến khích nếp thực tập tỉnh thức, nhưng cách sống của Thầy cho mình thấy Thầy rất linh động. Có lần ở Thái tôi thấy Thầy đang ăn bánh mì buổi sáng. Thầy trải vạt áo ra đất, xé bánh mì ra ăn và đổ mảnh vụn ra khắp cả người. Mình có thể nghĩ:“Thực tập mà tại sao lại đổ dữ vậy?“ Nhưng cách Thầy ăn, cách Thầy để rơi vãi những mảnh vụn bánh mì rất là hồn nhiên. Một vị thầy gần 80 tuổi mà còn biết thưởng thức sự sống và thực tập rất linh động. Còn mình, có khi vì thực tập căng quá nên mình ù ù cạc cạc, mình đi rề rề, mình làm rề rề, nghĩ phải làm như vậy thì mới đủ chánh niệm. Mình cho phép mình có khững khoảng thời gian thực tập như thế, nhưng có những lúc mình phải linh động mà không nên chết cứng trong một khuôn phép. Những lúc cần nhanh thì phải nhanh cho nếp sống được huấn luyện trong sự linh động. Có 5 phút để rửa chén thì mình thể thực tập chánh niệm trong khi rửa chén chậm. Có những khoảng thời gian đại chúng cần gấp một chút thì mình cũng có thể thực tập chánh niệm để linh động. Thực tập nhanh linh động mà không để đánh mất mình rất là quí và khi trở về với sự thực tập chậm ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn.

Các em mới xuất gia thèm tu, thèm ép mình vào khuôn thực tập thì thỉnh thoảng nên cho phép mình thực tập linh động theo dòng chảy của chúng. Những khoảng thời gian riêng cần thực tập chậm thì mình thực tập chậm. Ví dụ khi viết sổ công phu, thay vì viết một dòng trong 5 giây thì mình để ra 15 giây nắn nót từng chữ. Ta có cơ hội được huấn luyện trong nhiều môi trường, đó cũng là một thông điệp thực tập của mình. Ta nghĩ mình phải làm y như những gì Thầy dạy, điều này những người mới thực tập đều kẹt vào một thời gian.

Bây giờ mình được ngồi yên thưởng thức những giờ phút cuối năm, thong thả trở về với hơi thở, chỉ nghe thôi, rất khỏe. Đây cũng là một nếp thực tập.

Đại chúng nhớ năm nay mình có thể trở về nuôi dưỡng lại tuổi thơ của mình. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân là nuôi dưỡng, là trị liệu.