Quê hương nơi này

Hai năm trưóc, vào năm 1966 khi tôi đang tham dự một hội nghị tại Washington DC thì được một phóng viên của tờ Baltimore Sun báo tin là chính phủ Sài Gòn đã ra công văn thúc giục nhà nước Hoa Kỳ, Pháp, Anh và Nhật không công nhận hộ chiếu của tôi với lý do là tôi đã tuyên bố những lời lẽ chống đối cuộc chiến chống Cộng Sản của chính phủ Sài Gòn. Các quốc gia trên chấp nhận sự yêu cầu đó và hộ chiếu của tôi trở nên vô hiệu lực. Vài người bạn của tôi ở Washington khuyên tôi nên trốn ở lại Hoa Kỳ. Nhưng nếu trốn ở lại thì sẽ có nguy cơ là tôi bị trục xuất và ngồi tù. Vì thế tôi quyết định không ở lại Hoa Kỳ mà sang Pháp xin tị nạn. Chính phủ Pháp cho phép tôi được tị nạn và cấp cho tôi giấy thông hành vô quốc tịch. Vô quốc tịch có nghĩa là bạn không thuộc về quốc gia nào cả, bạn là người vô tổ quốc. Với giấy thông hành này, tôi có thể đến bất cứ quốc gia nào ở Châu Âu đã từng ký kết Hiệp Ước Geneva. Nhưng muốn sang Hoa Kỳ hay Canada tôi phải xin cấp chiếu kháng nhập cảnh. Điều này rất khó khi bạn không còn là công dân của một nước nào cả. Ý định ban đầu của tôi là rời Việt Nam trong ba tháng để đến giảng dạy tại trường đại học Cornell và đồng thời làm một chuyến du thuyết kêu gọi hòa bình ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Sau đó tôi sẽ trở về quê hương. Gia đình tôi, bạn bè và cộng tác viên của tôi, cả cuộc đời tôi đều ở Việt Nam. Nhưng ai ngờ giờ đây tôi phải sống lưu vong, mà lưu vong đến tận 40 năm.

Mỗi lần nộp đơn xin chiếu kháng nhập cảnh Hoa Kỳ là tôi bị từ chối. Chính phủ Hoa Kỳ không chào đón tôi. Họ nghĩ tôi sẽ làm hại đến sự chiến đấu của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tôi cũng không được đến nước Anh. Tôi phải viết thư cho những nghị sĩ như ông George McGovern hay ông Robert Kennedy nhờ họ viết cho tôi một thư mời. Họ đã trả lời tôi như thế này:“Kính thưa thầy Thích Nhất Hạnh. Tôi mong muốn được hiểu rõ thêm về tình trạng chiến tranh ở Việt Nam. Xin mời thầy đến trình bày sự việc cho chúng tôi. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề chiếu kháng, xin thầy hãy gọi cho tôi qua số này…“ Chỉ khi có một lá thư mời như thế thì tôi mới xin được chiếu kháng nhập cảnh, còn nếu không thì vô phương.

Phải nhìn nhận một điều là tôi đã có rất nhiều khó khăn trong hai năm đầu sống lưu vong. Cho dù đã là một ông thầy tu 40 tuổi và có nhiều đệ tử, tôi vẫn chưa tìm ra được quê hương đích thực của mình. Tôi có thể nói những bài pháp thật hay về sự thực tập đạo Bụt, nhưng tôi chưa thực sự đã về đã tới. Trên phương diện tri thức thì tôi tinh thông Phật pháp vì đã từng được đào tạo trong những trường Phật Học và tôi đã thực tập đạo Bụt từ năm 16 tuổi. Nhưng tôi vẫn chưa tìm được quê hương đích thực của mình.

Tôi định làm một chuyến du thuyết ở Hoa Kỳ, nói rõ cho dân Hoa Kỳ hiểu về tình trạng thực sự ở Việt Nam, sự thật mà họ không được nghe qua truyền thanh hay không được đọc trên báo chí. Trong chuyến du thuyết, tôi chỉ ngủ lại ở mỗi thành phố một hay hai đêm. Có những đêm tôi chợt thức giấc mà không biết là mình đang ở đâu. Tôi rất khổ sở. Tôi phải thở vào thở ra và cố nhớ lại là mình đang ở nước nào và ở thành phố nào.

Khi đó tôi thường hay mơ mình trở lại quê hương, trong ngôi chùa tổ ở miền Trung Việt Nam. Tôi leo lên đồi Dương Xuân đầy canh xây mướt, nhưng giữa đường thì tôi thức dậy và nhận ra rằng mình đang sống lưu vong. Giấc mơ đó thường trở lại với tôi. Trong thời gian đó tôi hoạt động rất nhiều, tôi học chơi với trẻ em đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Mỹ, Anh. Tôi kết bạn với các cha Anh giáo, các cha Công giáo, các mục sư Tin Lành, các giáo sĩ Do Thái giáo và nhiều người khác nữa. Tôi thực tập chánh niệm. Mỗi ngày, tôi sống trong giây phút hiện tại và tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Nhờ sự thực tập đó mà tôi sống sót. Cây cỏ ở Châu Âu rất khác với Việt Nam. Hoa trái, người dân cũng hoàn toàn khác với Việt Nam. Sự thực tập đưa tôi trở về quê hương đích thực bây giờ và ở đây. Sau cùng tôi không còn đau khổ và giấc mơ kia cũng không trở lại nữa.

Người ta nghĩ tôi đau khổ tại vì không được phép trở về quê hương. Nhưng không phải như vậy. Khi tôi được trở về Việt Nam sau gần 40 năm sống lưu vong thì niềm vui của tôi là mình có thể cống hiến giáo lý, sự thực tập chánh niệm và Đạo Bụt Dấn Thân cho các thầy, các sư cô và các cư sĩ ở đây; niềm vui được nói chuyện với các nghệ sĩ, nhà văn, nhà giáo. Tuy nhiên, nếu đến lúc phải rời quê hương lần nữa thì tôi cũng sẽ không đau khổ.

“ Đã về, đã tới“ là sự thực tập của tôi. Đó là một trong những pháp ấn của Làng Mai. Nó diễn đạt sự hiểu biết của tôi về Phật pháp và là tinh hoa của sự thực tập của tôi. Từ khi tìm được quê hương đích thực, tôi không còn đau khổ nữa. Quá khứ không còn là ngục tù giam hãm tôi, tương lai cũng vậy. Tôi có thể sống ngay bây giờ và ở đây và tiếp xúc với quê hương đích thực. Tôi có thể“đã về đã tới“ trong từng hơi thở, trong từng bước chân mà không cần mua vé hay qua trạm kiểm soát an ninh. Chỉ cần vài giây là tôi đã về đã tới.

Trong khi tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại thì chúng ta cũng đồng thời tiếp xúc với quá khứ và tương lai. Nếu biết cách xử lý giây phút hiện tại thì quá khứ cũng được chữa lành. Thực ra, chính nhờ không có quê hương mà tôi có cơ hội tìm được cho mình một quê hương đích thực. Điều này rất quan trọng. Nhờ không thuộc về riêng một quốc gia nào mà tôi đã cố gắng đột phá và tìm được quê hương đích thực. Cái cảm giác không được chấp nhận, không có nơi thuộc về, không có đặc tính quốc gia đó đã kích thích sự đột phá cần thiết để chúng ta tìm ra được quê hương đích thực của mình.

Thiền sư Nhất Hạnh

(dịch từ At Home in the World)