Thiền ôm
Lần đầu tiên tôi biết ôm là vào năm 1966 tại Atlanta. Một nữ thi sĩ đưa tôi ra phi trường và trước khi từ giả bà hỏi tôi:
- Tôi có thể ôm một ông thầy tu Phật giáo không ạ?
Ở nước tôi, người ta không có thói quen diễn đạt tình cảm như thế trước công chúng, nhưng tôi nghĩ, mình là một thiền sư, ôm bà ta một cái cũng không có vấn đề gì đối với tôi. Vì thế tôi nói:
- Tại sao không?
Và bà tôi tới ôm tôi, nhưng tôi lại đứng đơ người ra. Trong khi ngồi trên máy bay tôi quyết định, nếu muốn làm việc với những người bạn Tây phương thì tôi phải học văn hóa của họ. Do đó tôi đã chế tác ra pháp môn Thiền ôm.
Thiền ôm là một pháp môn kết hợp Đông và Tây, cũng giống như là trà túi vậy. Trà thì đến từ Á đông, nơi mà lá trà được hái và ướp một cách cẩn thận. Khi trà đến Tây phương thì được cho vào túi nhỏ cho nhanh và tiện.
Theo đúng sự thực tập thì ta phải ôm thật sự người mà ta muốn ôm. Ta phải làm cho người đó có mặt thật sự trong tay của mình. Ta không làm cho có hình thức, vổ nhẹ hai hay ba cái lên vai người đó để chứng tỏ là ta đang có mặt ở đó. Ta phải có mặt thật sự, có mặt hoàn toàn. Ta phải thở trong khi làm thiền ôm, ôm với tất cả thân tâm và trái tim. “Thở vào, tôi biết là người thương của tôi đang ở trong tay tôi, người thương của tôi đang còn sống. Thở ra, người kia quí giá đối với tôi biết nhường nào.“ Trong khi ta ôm người kia và thở vào, thở ra ba lần thì người ở trong tay ta là một thực tại và đồng thời ta cũng là một thực tại. Khi thương một người thì ta muốn người đó được hạnh phúc. Nếu người kia không có hạnh phúc thì ta cũng không thể nào có hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là vấn đề của cá nhân. Trong tình thương đích thực phải có sự hiểu biết sâu sắc. Thực ra thì tình thương là một tên gọi khác của sự hiểu biết. Nếu không hiểu thì ta sẽ không thương thât sự mà chỉ làm cho người kia bị thương mà thôi.
Thiền quít
Nhiều năm trước tôi có gặp một thanh niên người Mỹ tên là Jim. Anh xin tôi dạy cho anh phương pháp thực tập chánh niệm. Một hôm chúng tôi ngồi với nhau và tôi tặng cho anh một trái quít. Anh đưa tay nhận trái quít nhưng miệng vẫn tiếp tụ kể lể những dự án của mình như là việc làm cho hòa bình, công tác xã hội, v.v…Anh vừa ăn, vừa suy nghĩ, vừa nói cùng một lúc. Tôi ngồi với anh trong khi anh bóc vỏ quít, tách từng múi quít ra bỏ vào miệng, nhai và nuốt xuống thật nhanh.
Cuối cùng tôi nói với anh:“Jim, dừng lại!“ Anh nhìn tôi, và tôi nói:“Ăn trái quít của anh đi!“ Anh hiểu ngay. Anh ngưng nói và bắt đầu ăn trái quít của mình một cách chậm rãi và có chánh niệm hơn. Anh cẩn thận tách những múi quít còn lại, ngữi mùi hương tuyệt vời của quít và cho từng múi vào miệng, cảm nhận được nước quít bao quanh lưỡi mình. Ăn quít như vậy chỉ mất có vài ba phút. Jim biết anh không có lý do gì để vội vã, anh có đủ thì giờ để thưởng thức một trái quít. Ăn như vậy thì trái quít sẽ có mặt thật sự và sự sống cũng có mặt thật sự trong giây phút đó. Mục đích của việc ăn quít là gì? Ăn quít chỉ để ăn quít mà thôi. Trong suốt thời gian ăn quít thì ăn quít là công việc trọng nhất trong đời của mình.
Lần sau, trong sở làm hay trong trường, nếu có ăn nhẹ cái gì như một trái quít chẳng hạn thì bạn hãy đặt trái quít trong lòng bàn tay và nhìn nó như thế nào để trái quít có mặt thật sự. Không tốn nhiều thì giờ đâu, chỉ cần nhìn như vậy hai hay ba giây thôi, bạn sẽ thấy được cây quít thật đẹp, hoa quít, ánh sáng mặt trời, mưa, và thấy một trái quít nhỏ xíu được hình thành. Bạn sẽ thấy sự tiếp nối của ánh sáng mặt trời, của mưa và sự thay đổi từ một trái quít bé tí teo thành ra trái quít trong lòng bàn tay của bạn. Bạn thấy được trái quít chuyển từ màu xanh sang màu cam, thấy nó từ từ chín và ngọt. Nhìn như vậy bạn sẽ nhận ra rằng tất cả vũ trụ đều có mặt trong trái quít như ánh sáng mặt trời, mưa, mây, cây, lá, tất cả. Bóc vỏ, ngữi mùi hương rồi thưởng thức một trái quít, bạn có thể cảm thấy rất là hạnh phúc.
Thiền sư Nhất Hạnh
Dịch từ Learning to hug và Tangerine Meditation trong At home in the World