
Nhà Phật học không phải là nhà nghiên cứu Phật học (Buddhist studies) mà là một nhà thực tập theo đạo Bụt. Chúng ta có thể sử dụng danh từ đạo học để bảo trọng được những truyền thống khác như Lão giáo, Cơ đốc giáo, v.v…Danh từ nhà đạo học có tính cách người thực tập nhiều hơn, còn danh từ nhà Phật học có vẻ dùng để chỉ một học giả. Nhà đạo học là the spiritual practioner, chúng ta cũng có thể dùng chữ the yogi. The yogi and the scientist holding hand together.
Khoa học có mục đích của khoa học và Phật học có mục đích của Phật học. Mục đích của Phật học rất rõ ràng và thực tế là đi tìm phương pháp giúp cho người bớt khổ. Khoa học chỉ muốn tìm hiểu mà không có một mục đích nhất định nào. Nhưng hai truyền thống, khoa học và Phật học, có một cái chung là sự thao thức đi tìm sự thật. Phật học tin chắc rằng nếu tìm ra sự thật thì mình sẽ hết khổ. Phật học có sự thao thức tìm ra sự thật với mục đích là làm cho con người bớt khổ. Khoa học cũng có sự thao thức tìm cầu sự thật, nếu khám phá ra được sư thật đó thì có thể áp dụng vào kỹ thuật, v.v…Đó là sự khác nhau giữa khoa học và Phật học. Tháng sáu năm tới chúng ta sẽ đi sâu vào vấn đề này: sự khác biệt giữa nhà khoa học và nhà đạo học (the difference between the yogi and the scientist).
Khổ và vui
Sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đi tìm năm người bạn tu ngày xưa để nói cho họ biết là Ngài đã tìm ra được sự thật. Sự thật đó đã giải phóng được Ngài và Ngài muốn trao truyền lại cho những người bạn đó kinh nghiệm mà Ngài đã đạt được. Bài pháp thoại đầu tiên Bụt nói với năm thầy là Tứ điệu đế. Trong bài pháp thoại này Bụt đề cập đến khổ đau (dukkha) tức sự thật thứ nhất. Chữ dukkha có nghĩa là không mãn ý, không thích ý. Chúng ta dịch là ill-being, le mal-être. Mình cảm thấy không vừa lòng, không thoải mái, không an lạc. Dukkha, dịch ra chữ Hán thì người ta dùng chữ khổ, khổ có nghĩa là đắng (bitter) như khổ qua (mướp đắng). Tuy vị đắng không dễ chịu nhưng vẫn có người thích ăn khổ qua. Tại sao Bụt lại nói tới cái khổ để bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình? Đặt câu hỏi đó rồi thì chúng ta tìm ra được một vài câu trả lời.
Nếu Bụt bắt đầu sư giảng dạy bằng cái khổ là tại vì giáo lý của Ngài có tính cách thiết thực, có mục đích rất rõ ràng là giải quyết khổ đau của con người và của những loài khác. Nhà Phật học phải thực tế, nhà Phật học không thể đi vào thế giới mông lung của suy tưởng, hí luận (speculation) như những câu hỏi: Trước khi tôi sinh ra đã có tôi chưa hay sau khi tôi chết rồi còn có tôi không? Thế giới này là hữu hạn hay vô hạn?
Đi vào trong khoa học, chúng ta thấy khoa học có khuynh hướng hí luận, tức khoa học đặt ra những câu hỏi không dính líu trực tiếp gì tới khổ đau của con người. Đây là một đề tài để hai bên đối thoại với nhau. Tuy rằng chúng ta nói Đức Thế Tôn bắt đầu bằng dukkha nhưng trong bài pháp thoại cũng có nói tới sukkha tức cái lạc hay sự chấm dứt khổ đau. Nếu dukkha là sự thật thứ nhất thì sự thât thứ ba là sự chấm dứt dukkha, sự chuyển hóa khổ đau tức là sự an lạc. Bài pháp thoại đầu tiên không hẳn nói về khổ đau mà còn nói về cái ngược lại của khổ đau tức an lạc, tại vì khổ đau và an lạc đi đôi với nhau như trái và phải. Nếu không nói về lạc thì không thể hiểu về khổ, và không nói về khổ thì sẽ không hiểu về lạc. Hiếu được cái khổ là nhờ mình thấy được bối cảnh của cái lạc, hiểu được cái lạc là nhờ mình thấy được bối cảnh của cái khổ. Khổ và lạc làm sáng cho nhau, nó có tính cách tương đối. Khổ và lạc không phải là một thực tại khách quan mà tùy thuộc rất nhiều vào cái nhìn và cách suy tư của con người.
Vào thời nhà Lý có một vị ni sư tên là Diệu Nhân, ni sư để lại môt bài kệ rất hay:
Sinh lão bệnh tử,
Tự lý thường nhiên.
Dục cầu xuất ly,
Giải phược thiêm triền.
Sinh-lão-bệnh-tử là lý đương nhiên của sự sống, tại sao anh phải đi tìm giải thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử. Càng tìm giải thoát thì anh càng bị ràng buộc. Có sự sống thì phải có sinh-lão-bệnh-tử. Như vậy sinh-lão-bệnh-tử là sự thường nhiên. Vì muốn giải thoát khỏi sinh-lão-bệnh-tử nên anh lại càng bị ràng buộc thêm cũng như mình đang an lành, tự nhiên leo lên cây cao rồi mình sợ té. Khổ hay không khổ, lạc hay không lạc tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức của mình. Khổ và lạc không phải là một thực tại khách quan nằm ngoài mình. Cùng sống trong một môi trường, cùng hưởng thọ những điều kiện của môi trường đó, nhưng tại sao có người khổ và có người không khổ, có người hạnh phúc và có người không hạnh phúc? Đó là do môi trường hay do tâm thức của mình? Buổi sáng 300 người đi thiền hành với nhau để có cơ hội buông bỏ, tiếp xúc với thiên nhiên và với chính mình bằng từng bước chân, từng hơi thở. Mọi người trong chúng đều có cơ hội đó. Ai cũng được đi thiền hành, ai cũng có không khí trong lành của ban mai, ai cũng có hai chân và hai lá phổi, ai cũng đã tiếp nhận những lời chỉ dẫn của Bụt và của thầy. Nhưng tại sao khi đi thiền hành thì có người hạnh phúc, có người không có hạnh phúc bao nhiêu, và ó người còn trốn đi thiền hành? Vậy cái vui và cái khổ tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường hay tùy thuộc vào nhận thức và vào trí tuệ của mình?
Trong kinh văn nói sinh, lão, bệnh, ưa mà không đạt được, không mong muốn mà gặp, không thương nhau mà ở phải chung (oán tăng hội khổ), thương nhau mà phải xa cách nhau (ái biệt ly khổ) là khổ. Khi mới cưới mình nói:”Không có em làm sao anh sống nổi!” Bây giờ mình nói:”Trời ơi, có bà ta 24 giờ đồng trong ngày làm sao chịu nổi!” Cũng là một thực tế đó, nhưng tùy ở cách nghĩ của mình mà người kia trở thành nguồn gốc của khổ đau hay nguồn gốc của hạnh phúc của mình. Nhưng phương pháp của Bụt hay ở chỗ là nói tới cái khổ không như một giáo điều, không cho rằng tất cả đều là khổ. “Tất cả đều là khổ“ là không đúng với sự thật. Cái khổ được thành lập trên cái vui, cũng như cái vui được thành lập trên cái khổ. Đồng tiền Euro có hai mặt trái và phải, không có mặt trái thì không có mặt phải, không có mặt phải thì không có mặt trái. Nhưng nhiều Phật tử rất thao thức muốn chứng minh lời Bụt nói là đúng nên cho là cái gì cũng khổ. Họ đã làm ngược lại ý của Bụt. Khổ và vui tương tức, không có khổ thì không có vui và không có vui thì không có khổ.
Bài pháp thoại Tứ diệu đế nói tới khổ, nhưng cũng nói tới hết khổ tức là vui. Có một con đường đưa tới khổ và có một con đường đưa tới hết khổ. Trong con đường đưa tới khổ có tà tư duy, trong con đường đưa tới hạnh phúc có chánh tư duy. Tùy theo nhận thức của mình mà có khổ hay không có khổ, có vui hay không có vui. Trong Truyện Kiều có câu:
Khổ vui ở tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai
Đó là lúc sau 15 năm lưu lạc Kiều gặp lại Kim Trọng. Buổi sáng hôm đó Kim Trọng nhớ lại ngày xưa Kiều đã đàn cho mình nghe. Bản đàn của Thúy Kiều sáng tác ngày xưa làm nát gan nát ruột người nghe, đó là bản “Đoạn trường“ (đứt ruột). Khi nghe bản nhạc đó Kim Trọng chịu không nổi:
Khi tựa gối khi cúi đầu
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
Và Kim Trọng phê bình:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Thúy Kiều trả lời tại tính của mình sinh ra như vậy:
Rằng quen mất nết đi rồi
Tẻ vui âu cũng tính trời biết sao
Nhưng sau 15 năm lưu lạc, đã từng xuất gia làm sư cô hai lần thì Kiều gặp lại gia đình. Tuy Thúy Kiều muốn tiếp tục tu nhưng gia đình ép Kiều phải trả hiếu và tình ngày xưa. Thúy Kiều phải bỏ sư chị trở về nhà. Gia đình ép Thúy Kiều phải sống lại nếp sống gia đình. Thúy Kiếu đồng ý trên hình thức, tôn trọng lời hứa năm xưa, nhưng trong nội dung thì Thúy Kiều muốn giữ giới không dâm dục để sống phạm hạnh:
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ
Kim Trọng hiểu và hứa sẽ tôn trọng ý nguyện của Thúy Kiều trong đời sống tại giaphạm hạnh. Nghe như vậy Thúy Kiều đứng dậy, sửa áo, chắp tay lạy xuống ba lạy nói:”Rằng anh mới thật là người tri kỷ của em.” Hai người đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ tức là sống với nhau như hai người bạn. Nhớ lại ngày xưa Kim Trọng yêu cầu Thúy Kiều đàn cho mình nghe. Tuy không muốn nhưng vì chìu người cũ nên Thúy Kiều đem đàn ra đàn. Nhưng có điều lạ là tiếng đàn đã thay đổi hẳn. Qua những năm tu học, qua những kinh nghiệm khổ đau nên có sự chuyển hóa trong lòng, Thúy Kiều đã vượt thoát nên tiếng đàn rất hay, không còn tính cách khổ đau. Tiếng đàn bây giờ đầm ấm, trong sáng, không còn tính chất sầu đau:
Phím đàn dìu dật tay tiên
Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa
Khúc đâu đầm ấm chan hòa
Đó là hồ điệp hay là Trang sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Hay hồn Thục đế hay mình Đỗ Quyên
Trông sao soi rõ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông
Kim Trọng ngạc nhiên quá, có phải bản nhạc ngày xưa hay không mà sao gẩy lên hay như vậy và tiếng đàn ấm áp, thanh thoát, ấm áp như vậy? Có phải khổ đau hay hạnh phúc là do trong lòng mình mà ra hay không? Hay là khi khổ hết thì vui tới?
Khổ vui ở tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai
Cam là ngọt. Kim Trọng đặt câu hỏi: Khổ hay vui có phải do tâm của mình hay không? Câu trả lời là: Đúng vậy, tâm của Thúy Kiều đã giải thoát, trong sáng, không còn hệ lụy khổ đau. Kiều biết giữ giới, biết sống đời sống tâm linh nên những khổ đau được chuyển hóa.
Thiện và ác
Trong khi khổ người ta đi tìm nguyên do của cái khổ, và thường thì người ta đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nếu có một cái gì có dáng dấp làm cho mình khổ thì mình gọi đó là ác. Nếu có cái gì có dáng dấp làm cho mình vui thì mình gọi đó là thiện. Trong lịch sử loài người nhiều lúc có thiên tai, có khổ đau như bão tố, nước lụt, động đất, hải chấn. Người ta rất khổ và cho là thiên địa bất nhân, trời đất không dễ thương với mình. Trong Đạo Đức Kinh có câu: Thiên địa bất nhân, thị vạn vật vi sô cẩu, có nghĩa là trời đất ác, không dễ thương, coi muôn loài như con chó rơm. Tại sao trời đất sinh ra muôn loài rồi lại tạo ra những thiên tai khủng khiếp như vậy, cho nên người ta oán trời trách đất. Nhưng những khi hạnh phúc, thấy hoa vàng, trúc tím, trăng trong, mây bạc thì mình nghĩ trời đất rất dễ thương, mình cho trời đất là thiện. Chúng ta thử đặt vấn đề: Thiên địa thiện hay ác? Ví dụ mặt trời và trái đất, mà mình thường gọi là hai vị bồ tát lớn, là dễ thương hay không dễ thương? Trong Cơ đốc giáo, thánh Saint François d‘Assise có viết một bài thơ để ca ngợi mặt trời hùng dũng, sáng chói đã đem lại sự sống cho muôn loài, có nghĩa là ca tụng mặt trời là dễ thương, là thiện. Khi ca ngợi trái đất là mẹ của muôn loài, chúng ta cũng cho trái đất là dễ thương đã đem lại cho chúng ta sự sống và hạnh phúc. Vì vậy quan niệm về khổ và vui làm nền tảng cho quan niệm về thiện và ác, dễ thương hay không dễ thương. Thiện và ác là cặp bài trùng đi đôi với nhau cũng như khổ và vui. Ý niệm về khổ-vui đưa tới ý niệm về thiện-ác. Nếu khổ và vui là do ở tại lòng người nhiều hơn thì thiện và ác cũng vậy. Trời đất có thể không thiện cũng không ác, trời đất chỉ là trời đất. Nhưng mình có thể nói trời đất là thiện hay là ác tùy theo lúc mình đang khổ hay đang vui.
Nhìn kỹ vào sự sống ta thấy luôn luôn có khuynh hướng muốn có sự thăng bằng trong môi trường để sự sống có thể tiếp diễn dễ dàng. Sự thăng bằng mất đi thì sẽ có sự xáo trộn lớn. Tất cả đều được sắp đặt trên bình diện vũ trụ. Những gì xảy ra trên trái đất không chỉ do trái đất mà do cả vũ trụ quyết định. Sự sống phát sinh trên trái đất không phải chỉ do những yếu tố trên trái đất mà còn có sự tham dự của các hành tinh và các ngôi sao khác. Không khí, khí hậu, bầu khí quyển trên trái đất không phải chỉ do trái đất sinh ra mà còn do mặt trời, mặt trăng và những tinh cầu khác làm ra. Chính con người cũng vậy, trong con người có Đất Mẹ, có các vì sao. Các vì sao đã gửi tới rất nhiều hạt, trong mỗi chúng ta đều có những hạt tới từ các vì sao xa. Khi một loài trên trái đất phát triển quá nhiều, quá đông, làm mất cân bằng của sự sống thì tự nhiên có sự phản ứng trở lại khiến cho loài đó bị tiêu diệt gần hết. Sự kiện này cũng đúng với loài người, một loài sinh vật đã sinh sôi nẩy nở rất mau. Loài người đã vượt tới con số 7 tỷ người, sư có mặt đông đảo của loài người có tính cách đe dọa cho sự thăng bằng của sự sống. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì một ngày nào đó những điều kiện sinh ra từ bên trong loài người sẽ làm cho loài người tự tiêu diệt tới một mức nào đó để có thể tạo ra sự thăng bằng. Những điều kiện đó không hẳn từ bên ngoài tới mà từ bên trong ra, tại vì sự có mặt của loài người tạo ra sự hư hoại của thiên nhiên, làm diệt chủng các loài khác. Cố nhiên nhu yếu thiết lập sự thăng bằng cần có đó. Nền văn minh mà con người đã lập nên có thể sẽ bị tiêu diệt bởi chính con người.
Chúng ta biết rất rõ có những trái bom nguyên tử rất độc hại và những lò điện nguyên tử rất nguy hiểm, nhưng chúng ta không ngừng lại được. Chúng ta hiếp đáp nhau nên ta cũng muốn có một trái bom nguyên tử để tự vệ. “Tại sao anh có bom nguyên tử mà anh lại cấm tôi có bom nguyên tử?“, Iran đã nói như vậy, “Anh có bom nguyên tử để bảo vệ tổ quốc của anh mà anh không cho tôi có quyền có bom nguyên tử!“ Chúng ta sợ và chúng ta cứ chạy đua. Bà thủ tướng Đức đã có quyết định giúp nước Đức thoát ra khỏi năng lượng nguyên tử. Trong tương lai nước Đức sẽ không sử dụng năng lượng nguyên tử nữa. Đó là một sự thức tỉnh lớn, đó là giác ngộ mà không nhân danh đạo Phật. Giác ngộ là giác ngộ, không hẳn phải là đạo Phật mới có giác ngộ. Con số những người Đức giác ngộ có đủ để bà thủ tướng có thể đưa ra quyết định đó. Bên Pháp, tổng thống Pháp chưa sẵn sàng để làm như vậy. Đảng Xã Hội muốn đi về hướng đó, nhưng không biết khi lên nắm quyền đảng Xã Hội có làm được hay không? Tất cả đều tùy thuộc vào tâm của mình.
Khi có một trận hải chấn, núi lửa phun hay một trận bão thì đó không phải là tại vì trời đất ác coi mọi loài như con chó rơm mà đó là sự tất yếu để thiết lập lại thăng bằng. Đó không phải là sự trừng phạt của Thượng đế hay của thần linh. Nếu sự thăng bằng mất đi thì sẽ có sự xáo trộn, cho nên những yếu tố bên trong và bên ngoài phối hợp với nhau để tái lập sự thăng bằng. Thấy được như vậy mình vượt thoát được ý niệm “trời đất ác hay hiền”. Không chỉ cái vui hay cái khổ tùy thuộc ở tâm mình mà ý niệm thiện-ác cũng do tâm mình tạo ra.
Cách mạng nhận thức
Nhìn vào cái khổ, Đức Thế Tôn thấy được những nguyên do đưa tới cái khổ. Những nguyên do đó được diễn tả bằng sự thật thứ hai là tập đế (samudaya). Nhìn vào khổ diệt (tức hạnh phúc), Đức thế Tôn thấy được nguyên nhân đưa tới sư chấm dứt khổ đau, đó là Bát Chánh Đạo. Nếu nguyên nhân của hạnh phúc là con đường Bát Chánh Đạo (the Noble Path) thì nguyên nhân của khổ đau là con đường Bát tà đạo (the Ignoble Path). Con đường Bát Chánh Đạo bắt đầu bằng chánh kiến (right view). Khổ hay không khổ tùy thuộc vào cái thấy của mình. Khổ không phải là một cái gì khách quan. Nếu mình chuyển nhận thức của mình thì cái khổ trở thành cái không khổ. Ni sư Diệu Nhân đã thấy sinh, lão, bệnh, tử, lý vi thường nhiên nên không có nhu yếu muốn thoát ra khỏi bốn cái đó và chấp nhận nó một cách dễ dàng. Nhìn một một ngọn lá sinh ra trong mùa xuân, nhởn nhơ trong mùa hè, chín vàng trong mùa thu và rớt xuống trong mùa đông mình thấy ngọn lá đi ngang qua sinh, lão, bệnh, tử mà không có khổ đau. Lá rụng về cội. Trong thời gian ở trên cây, nó đã làm đủ mọi cách để nuôi cây. Làm xong thì lá rơi xuống đất, làm cho đất tốt thêm để nuôi cây và lá sẽ trở lại. Tại sao lá phải khổ? Tại sao mình phải khổ vì sinh, lão, bệnh, tử?
Đôi khi trong kinh nói mình khổ vì có sinh, lão, bệnh, tử. Ni sư cũng là một Phật tử nhưng cho sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường, tại sao mình lại phải khổ cho nên ni sư không khổ. Có khổ hay không có khổ là do nhận thức của mình. Do đó con đường Bát chánh bắt đầu bằng chánh kiến. Có chánh kiến về khổ đau và hạnh phúc thì sẽ có chánh kiến về thiện và ác và những cặp bài trùng khác như sanh và diệt, có và không. Khảo cứu về vấn đề thiện-ác, có-không, nhà đạo học không đi vào phạm vi hí luận tại vì họ luôn luôn nhớ rằng những công việc đó có mục đích duy nhất là giải quyết vấn đề khổ đau.
Thường thì chúng ta nghĩ rằng muốn giải quyết khổ đau thì ta phải thay đổi hoàn cảnh. Trong xã hội có nghèo đói, có bất công, muốn cho bớt khổ thì phải thay đổi xã hội không còn bất công, không còn bạo động. Chúng ta nghĩ rằng khổ đau có nguyên nhân ngoại tại, nhưng thật ra khổ đau cũng có nguyên nhân nội tại là nhận thức của mình. Nếu mình bị tràn ngập bởi khổ đau, bất công, áp bức thì mình sẽ không làm được gì để thay đổi hoàn cảnh xã hội. Chỉ khi nào mình có an lạc, thoải mái, thảnh thơi thì mình mới giúp thay đổi được hoàn cảnh. Vì vậy những người hoạt động (activist), nếu không biết tu tập thì trong khi hành động để thay đổi xã hội, họ có thể làm cho xã hội rối bời thêm, khổ đau thêm tại vì họ không có an lạc mà muốn hiến tặng sự an lạc cho cuộc đời. Nhà đạo học biết rằng mình phải có an lạc, không oán trời trách đất thì mình mới có thể làm một điều gì để giúp cho người khác cũng được an lạc như mình. Vấn đề quan trọng vào bậc nhất là điều chỉnh lại nhận thức của con người chứ không phải là điều chỉnh lại hoàn cảnh. Đây là một cuộc cách mạng, nhưng là một cuộc cách mạnh bắt đầu từ nhận thức của mình chứ không phải là từ ước muốn thay đổi hoàn cảnh. Cách mạng nhận thức, tà kiến đổi thành chánh kiến, tà tư duy đổi thành chánh tư duy, đó là cách mạng của đạo Bụt.
Cho rằng cuộc đời chỉ là khổ là một tà tư duy, cho rằng có một cõi chỉ có lạc là một tà tư duy. Chánh tư duy là: Khổ và lạc tương tức với nhau và tùy thuộc vào tâm của mình. Trước hết chúng ta phải có chánh kiến và chánh tư duy. Trong chúng ta có người cảm thấy không thoải mái trong hoàn cảnh của mình, trong sự liên hệ giữa mình với gia đình mình, với người bạn hôn phối của mình, với cha, mẹ, anh chị mình và mình muốn thoát ra. Mình nghĩ mình chỉ có thể tiếp tục sống được nếu mình thay đổi. Mình phải ly dị, mình cần luật sư. Mình cho rằng đau khổ của mình hoàn toàn do những nguyên nhân ngoại tại. Mình không thấy rằng sở dĩ mình và người kia khổ là do nhận thức của mình. Có thể là mình chưa có chánh kiến, có chánh kiến thì sẽ bớt khổ mà không cần thay đổi chung quanh. Mình thấy người kia cũng đang khổ, không phải mình là người duy nhất đang khổ, nội chuyện đó thôi cũng đã đủ thay đổi tình trạng. Trong khi mình khổ, mình cứ đổ lỗi cho người kia hay là mình đổ lỗi cho hoàn cảnh, đó là tà kiến. Cái khổ của mình tùy thuộc vào cái thấy của mình rất nhiều, mình tự làm khổ mình rất nhiều. Nếu đi được một bước và thấy rằng mình không phải là duy nhất đang khổ mà người kia cũng đang khổ thì tự nhiên có sự thay đổi, mình không còn ý muốn trừng phạt, đổ lỗi, trách móc, lên án người kia nữa và mình bớt khổ liền. Vì vậy vấn đề nhận thức rất quan trọng. Phương pháp của đạo Bụt là mình đừng nên cựa quậy, mình ngồi lại cho yên, nhìn lại cho kỹ. Mình có cựa quậy, có thay đổi môi trường mới thì mình vẫn đau khổ như thường. Mình ly dị người này, cưới người khác, nhưng nhận thức của mình vẫn y như cũ, và khổ đau sẽ trở lại rất mau. Mình không biết nguyên do của khổ đau nằm rất nhiều trong nhận thức của mình.
Nếu có những khổ đau thì mình đừng vội vàng cho rằng tại hoàn cảnh hay tại môi trường của mình. Mình phải nhìn cho kỹ, đó gọi là thiền quán. Mình phải thấy trách nhiệm, vai trò của nhận thức của mình. Mình phải vượt thoát cái thấy lưỡng nguyên, tà kiến và tà tư duy của mình. Sự giác ngộ đem tới cho mình sự giải phóng, nó làm cho mình bớt khổ và có ảnh hưởng lập tức tới hoàn cảnh. Người kia cũng sẽ bớt khổ liền. Cái khổ của anh có liên hệ tới người đó, cái khổ của người đó có liên hệ tới anh. Nếu anh giúp được anh thì anh giúp được người đó và giúp được người đó thì anh cũng giúp được anh.
Thiền sư Nhất Hạnh
(Trích trong bài pháp thoại ngày 21 tháng 12 năm 2011 tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng, Làng Mai trong khóa An Cư Kiết Đông 2011-2012)