Tổ Huyền Quang rất yêu hoa cúc. Ngài là tổ thứ ba của dòng thiền Trúc Lâm ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 13, 14. Ngài tu tại chùa Côn Sơn miền Bắc Việt Nam. Ngài trồng hoa cúc khắp vườn chung quanh chùa.
Khi thích một vật gì đó thì chúng ta kẹt vào cái tướng của nó. Chúng ta biết nó sẽ thay đổi và biến mất đi nên chúng ta đau khổ. Một bông hoa biểu hiện ra, từ nụ rồi trở thành hoa. Nó ở với chúng ta một vài tuần rồi bắt đầu thay đổi và cánh hoa từ từ héo đi. Đến một lúc nào đó thì bông hoa rụng xuống và chết. Nếu yêu một bông cúc thì chúng ta phải thấy được bông cúc đó vượt ra ngoài cái tướng sinh-trú-dị-diệt của nó. Khi nó biểu hiện thì chúng ta mỉm cười và vui với nó. Nhưng khi nó ẩn tàng thì ta đừng nên buồn khổ và than khóc. Ta nói:“Năm sau ta sẽ gặp lại em nhé!“
Trong cốc của tôi bên Pháp có trồng một bụi hoa trà. Hoa trà thường nở vào mùa xuân. Nhưng mùa Đông năm đó, vì thời tiết ấm áp nên hoa trà nở sớm hơn. Một đêm, trời trở lạnh và đông cứng bất ngờ. Sáng hôm sau, khi đi thiền hành tôi thấy tất cả hoa trên cây đều chết cả. Tôi nghĩ:“Chắc năm nay mình không có hoa trà để cúng Bụt rồi.“
Vài tuần sau, thời tiết ấm áp trở lại. Tôi đi ra vườn và thấy trên cành cây hoa trà đã mọc ra những nụ mới. Tôi hỏi chúng:“Em là một hay là khác với những bông hoa bị đông chết kia?“Bông hoa trả lời tôi:“Chúng em không phải một cũng không phải khác. Khi những điều kiện đầy đủ thì chúng em biểu hiện, khi những điều kiện không đầy đủ thì chúng em ẩn tàng. Chỉ giản dị vậy thôi.“
Đó là giáo lý Bụt dạy. Khi điều kiện đầy đủ thì sự vật biểu hiện. Khi điều kiện không còn đầy đủ nữa thì sự vật rút lui và chờ đến khi thích hợp để biểu hiện ra trở lại. Trước khi sinh tôi thì mẹ tôi có mang một em bé khác. Bà bị sẩy thai và em bé đó không được sinh ra. Khi còn nhỏ tôi thường tự hỏi câu này: Em bé đó là anh tôi hay là tôi? Người nào muốn biểu hiện ra vào lúc đó? Nếu em bé mất đi thì có nghĩa là những diều kiện chưa đầy đủ để em bé biểu hiện ra và nó quyết định rút lui để chờ những điều kiện tốt hơn.“ Người thương ơi, tôi rút lui là hay nhất. Tôi sẽ trở lại một ngày gần đây.“ Chúng ta phải tôn trọng ý muốn của em bé đó. Nếu nhìn cuộc đời bằng con mắt đó thì chúng ta sẽ bớt khổ hơn nhiều. Em bé mà mẹ tôi mất đó là anh của tôi hay nó chính là tôi. Tôi sắp sửa biểu hiện nhưng nghĩ lại,“Bây giờ chưa phải lúc,“ và tôi rút lui.
Thiền sư Nhất Hạnh (dịch từ Hide-and-Seek trong At Home in the World)