Vẻ đẹp của mùa Xuân – Mối tình đầu

Chúng ta hãy cố nhớ lại mối tình đầu của mình. Hãy từ từ hình dung lại xem mối tình đầu của mình đã hình thành như thế nào và ở đâu. Cái gì đã đưa ta đến khoảnh khắc ấy. Ta hãy nhớ lại trải nghiệm đó, nhìn nó thật sâu, một cách bình lặng, với tất cả sự hiểu biết và thương yêu. Ta sẽ khám phá ra rất nhiều điều mà khi ấy ta đã không nhận ra. Đó là một công án Thiền,“Bản lai diện mục của ta như thế nào trước khi cha mẹ ta sinh ra ta?“ Đó là một lời mời gọi chúng ta làm một cuộc hành trình trở về tìm lại cái tôi đích thực. Nhìn thật sâu vào“ mối tình đầu“ và nhận ra mặt mũi đích thực của nó. Ta sẽ thấy“mối tình đầu“ không thật sự là mối tình đầu tiên, và diện mục của ta khi sinh ra không thật sự là bản lai diện mục. Nhìn cho sâu ta sẽ có thể khám phá ra bản lai diện mục cũng như mối tình đầu tiên của mình. Mối tình đầu của ta vẫn luôn còn có mặt đây và nó vẫn tiếp tục định dạng cuộc đời ta. Đây là một đối tượng của thiền quán.

Lần đầu tôi gặp cô ấy không hẳn là giây phút chúng tôi gặp nhau lần đầu. Nếu không thì làm sao mà điều này có thể xảy ra dễ dàng như thế được? Nếu tôi chưa từng nhìn thấy hình Bụt trên cái tạp chí đó thì cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã không thể xảy ra. Nếu cô ấy không phải là một sư cô thì tôi cũng không thể yêu cô ấy. Nơi cô ấy thoát ra sự an nhiên, hoa trái của công phu tu tập nghiêm túc. Sự bình an đó tôi chưa được nhìn thấy ở những người khác. Cô ấy đang tu trong một chùa ni ở Huế và cô ấy hiện ra thật an nhiên, giống như hình Bụt ngồi trên bãi cỏ trên trang tạp chí. Viếng thăm ông Đạo và nếm được nước giếng thơm trong ngày xưa ấy cũng là một phần trong lần gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi. Lần đầu tiên nhìn cô ấy, tôi đã nhận ra nơi cô ấy tất cả những gì tôi trân quý nhất.

Cô ấy lên cao nguyên thăm gia đình, nhưng vì là một sư cô nên cô ấy thích ở trong chùa. Nghe tôi mở một khóa giảng về Phật pháp căn bản nên cô ấy chờ để gặp tôi, nhưng tôi không hay biết gì về chuyện ấy. Khi leo lên tới bực thang trên cùng, tôi cúi chào và hỏi tên cô ấy. Chúng tôi đi vào trong chùa để trao đổi làm quen với nhau. Trong các chùa đều có một chiếc ghế ngồi đặc biệt dành cho vị trụ trì. Tôi ngồi vào ghế ấy, thầy trụ trì nhờ tôi thay mặt thầy trong thời gian vài ngày thầy đi vắng. Tôi mời cô ấy ngồi ở ghế đối diện nhưng cô ấy lại ngồi qua một bên. Đó chỉ là hình thức. Muốn nhìn mặt nhau chúng tôi phải quay đầu lại.

Là một sư cô, cô ấy giữ uy nghi thật hoàn hảo, từ phong cách khi đi, khi nhìn, khi nói. Cô ấy trầm lặng, không bao giờ phát biểu nếu không được hỏi tới và chỉ nhìn xuống trước mặt mình. Tôi cũng nhút nhát. Tôi chỉ nhìn thẳng vào cô ấy không quá hơn một hay hai giây rồi lại nhìn xuống đất. Sau một vài phút, tôi chào từ biệt cô ấy và đi vào phòng. Tôi không biết điều gì đã xảy ra, nhưng tôi biết là sự bình an của tôi đã bị xáo trộn. Tôi cố gắng làm một bài thơ nhưng không viết được hàng nào. Và tôi bắt đầu đọc thơ, hy vọng làm như vậy thì tâm mình sẽ lắng dịu.

Tôi đọc nhiều bài thơ của Nguyễn Bính. Ông ta đang nhớ mẹ và chị, và tôi cũng cùng chung tâm trạng đó. Đi tu từ khi còn trẻ, chúng ta thường nhớ gia đình. Ở Việt Nam, trước khi đọc thơ chúng ta thường đốt hương, thắp nến rồi ngâm thơ. Tôi nhớ tôi đã rưng rưng nước mắt khi đọc bài thơ bằng chữ nho này:

Xuân miên bất giác hiểu
Xứ xứ văn đề điểu
Dạ lai phong vũ thanh
Hoa lạc tri đa thiểu

Tôi tiếp tục đọc thơ suốt buổi chiều và cả buổi tối. Tôi nghĩ tới gia đình và ngâm thơ thật to, cố gắng làm dịu những cảm xúc trong lòng, những cảm xúc mà tôi cũng không hiểu nổi. Đến 6 giờ, cô ấy đến gõ cửa phòng mời tôi ra ăn chiều. Trước khi đi, thầy trụ trì nhờ cô ấy mỗi ngày đến chùa để giúp nấu cơm trưa và cơm chiều.

Cô ấy và tôi ăn cơm im lặng, rồi chúng tôi cùng uống trà và nói chuyện với nhau thật nhẹ nhàng. Cô ấy kể cho tôi nghe cô đã trở thành một sư cô như thế nào, đã tập sự xuất gia ở đâu trước khi vào học ở Viện Phật học Huế và đã học được những gì. Cô ây vẫn tiếp tục nhìn xuống và chỉ nhìn lên khi tôi đặt câu hỏi. Cô ấy giống như Đức bồ tát Quan Thế Âm, dịu dàng, từ bi và thanh thoát. Thỉnh thoảng tôi cũng nhìn cô ấy nhưng không dám nhìn lâu. Nếu cô ấy biết tôi nhìn cô như vậy thì rất là vô phép. Sau 10, 15 phút thì tôi đứng lên xin phép đi vào Phật đường để ngồi thiền và tụng kinh.

Sáng hôm sau, tôi lại vào Phật đường để ngồi thiền tụng kinh. Sau vài ba phút, tôi nghe tiếng cô ấy tụng kinh bên cạnh mình. Sau buổi tụng kinh chúng tôi rời Phật đường, trao đổi vài ba câu trước khi ăn sáng. Sáng hôm đó, cô ấy về thăm gia đình, tôi ở lại chùa một mình. Buổi chiều tôi đi vào trong làng giúp các bạn trẻ tập kịch. Khi trở về chùa, leo lên các bậc thang tôi lại thấy cô ấy đứng trước chùa, nhìn lên vườn trà trên lưng đồi. Chúng tôi cùng ăn chiều, sau đó tôi đọc cho cô ấy nghe vài bài thơ của tôi. Và tôi trở về phòng đọc thơ một mình. Không có gì thay đổi từ buổi gặp gỡ đầu tiên, nhưng trong lòng, tôi hiểu là tôi đã yêu cô ấy. Tôi chỉ muốn được ở gần cô ấy, ngồi gần và ngắm nhìn cô ấy.

Đêm ấy tôi không ngủ được nhiều. Sáng hôm sau, sau buổi công phu tôi đề nghị cùng vào bếp để nhóm lửa. Trời lạnh và cô ấy đồng ý. Chúng tôi uống với nhau vài chén trà. Bằng tất cả khả năng của mình, tôi cố gắng nói cho cô ấy biết là tôi yêu cô ấy. Tôi kể đủ thứ chuyện khác, hy vọng cô ấy có thể hiểu được. Cô ấy lắng nghe chăm chú rồi trả lời, giọng nhỏ nhẹ:“Tôi không hiểu một chữ nào của thầy“.

Nhưng ngày hôm sau cô ấy nói với tôi rằng cô ấy đã hiểu. Thật là khó xử cho tôi, nhưng lại càng khó xử hơn cho cô ấy. Tình yêu của tôi như một cơn bão, và cô ấy đã bị cuốn vào. Cô ấy cố gắng cưỡng lại nhưng không được, và cuối cùng thì cô ấy chấp nhận. Hai chúng tôi đều cần tình thương. Chúng tôi còn trẻ, chúng tôi đang bị cuốn trôi. Chúng tôi có ước nguyện sâu thẳm nhất là trở thành người xuất gia để mang những gì chúng tôi trân quý từ lâu tiến về phía trước- nhưng chúng tôi đã bị tình yêu cuốn hút.

Đêm đó tôi tôi làm một bài thơ:

Mùa Xuân vô ý

Đây một mùa Xuân thầm lặng tới
Để một mùa Đông thầm lặng đi
Chiều về sắc núi in quan tái
Tím ngắt trần gian hoa loạn ly

Nhè nhẹ vết thương thuần sắc máu
Buồn như hình ảnh của phân kỳ
Mùa Xuân vô ý đem hương thắm
Về chận đường tôi. Mất lối đi!

Đau quá, hồn tôi tràn giá lạnh
Bơ vơ run tợ tiếng cầm ti
Lắng nghe trong gió mùa Xuân đến
Tràn ngập nhân gian vạn tiếng bi.

Chầm chậm sương mai vừa hé dậy
Gió đàn tâm sự ướt đôi mi
Chao ôi, bến nước thờ ơ quá
Một chuyến về, sau một chuyến đi!

Đường quê mấy ngả qua sông núi
Lặng lẽ cùng tôi nói những gì?
Nghe chăng xuân ý ngàn phương dậy
Đang phổ lòng tôi khúc hận ly?

Tôi làm bài thơ này để có được sự lắng dịu. Làm thế nào để có thể tiếp tục làm một người tu mà vẫn giữ được tình cảm quý giá này?

Người tu thường không chia sẻ những câu chuyện như thế này, nhưng tôi nghĩ chia sẻ rất là quan trọng. Nếu không thì làm sao các thế hệ trẻ sau này biết được cách hành xử khi bị rơi vào tình trạng đó. Là một người tu, chúng ta không thể nào có tình cảm yêu đương. Nhưng đôi khi sức mạnh tình yêu lại lớn hơn chí nguyện. Câu chuyện này đề cập đến vấn đề giới luật, chánh niệm, tăng thân, bồ đề tâm và sự chuyển hóa.

Thiền sư Nhất Hạnh

(Dịch từ sách tiếng Anh Cultivating the Mind of Love, Parallax Press xuất bản 1996)