Allan Badiner
Hồi ký 30 năm cùng chung bước với một thiền sư Việt Nam của Allan Badiner, một đệ tử lâu năm của thiền sư Nhất Hạnh
Trở lại khoảng thập niên 80, tôi có quen với một anh thiền sinh cư sĩ tên Michael Attie. Giới truyền thông thường gọi Michael là “ông tu sĩ đồ lót” tại vì có một lần anh tổ chức một buổi ngồi thiền trên sân thượng cơ sở kinh doanh của anh. Đó là tòa nhà Playmates Hollywood, một trong những cửa hàng kinh doanh đồ lót lớn nhất thế giới.
Vì anh cứ luôn rủ rê nên năm 1987, vào một ngày chủ nhật, tôi đã nhận lời cùng anh tới gặp một ông thầy tu Phật giáo người Việt Nam cũng là một nhà hoạt động chống chiến tranh. Thầy đang có một buổi nói chuyện dưới gốc cây gọi là “Teaching Tree” của Hiệp Hội Ojai, cách Los Angeles khoảng 90 phút lái xe. Hiệp hội do Joan Halifax, một nhà nhân chủng học, thành lập. Joan Halifax từng làm việc chung với Joseph Campbell, một nhà văn và thần thoại học nổi tiếng với câu châm ngôn mà chúng ta thường nghe ”Hãy theo đuổi hạnh phúc của đời bạn”. Mục đích của hội là kết hợp các nhà giáo gốc Hoa Kỳ và các thiền sư Phật giáo cùng giảng với nhau trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đối diện với rặng núi Topa Topa.
Lần đầu tiên vừa nhìn thiền sư Thích Nhất Hạnh (thường được học trò gọi là “Thầy”, trong tiếng Việt có nghĩa là “thầy giáo”, tôi đã bị thu hút bởi sự trầm lặng nơi Thầy. Tôi vẫn luôn nhớ cái cách Thầy bắt đầu câu nói:” Quý anh chị thân mến, cuộc ước hẹn với sự sống của chúng ta chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại.”. Người ta thấy rõ ông thầy tu dễ mến và đầy nhiệt quyết này là một thí dụ sống để cho chúng ta hiểu thế nào là một vị Bụt.
Trong chiến tranh Việt Nam, phe Cộng sản cho Thầy là CIA, và CIA thì cho Thầy là Cộng Sản. Bị cấm trở về nước, Thầy sống lưu vong ở Pháp. Cùng năm đó Thầy được ông Martin Luther King Jr. đề cử giải Nobel Hòa Bình. Khi Thầy nói về hòa bình thì chúng ta cảm thấy một sự bình an thật sự phát sinh ra trong ta và chung quanh ta. Thầy lấy sự giảng dạy thực tập chánh niệm và nghệ thuật chế tác bình an cho tất cả các quốc gia có liên quan đến cuộc chiến dai dẳng và tàn hại trên đất nước và dân tộc của Thầy làm sự nghiệp của đời mình, tôi tin chắc như vậy. Liền ngay sau buổi nói chuyện đó thì tôi trở thành một thành viên trong cộng đồng của Thầy, một cộng đồng được nhà văn Phật giáo Rick Fields gọi là “Tăng Thân lưu động quốc tế và liên tôn” (International and interdenominational floating sangha) và tôi tham dự khóa tu 10 ngày cho văn nghệ sĩ được tổ chức tại Ojai.
Từ đó, trong suốt 10 năm, tôi tham dự các khóa tu mùa hè tại Làng Mai, một trung tâm tu học ở miền Tây Nam nước Pháp. Tôi tháp tùng Thầy trong 3 chuyến đi thuyết giảng ở Ấn Độ, tham gia những chuyến hành hương ở Nhật, Trung Quốc và Việt Nam, tiếp đón Thầy ở Rom và được Thầy làm chủ hôn trong lễ cưới. Tôi thấy được ở Thầy một con người và một bậc thầy, cái phong thái nhẹ nhàng, dễ thương có lúc giống như trẻ thơ cùng với sự dũng mãnh và trung thực đến vô tình.
Đối với tôi Thầy là một người cha, một người thầy, một ngôi sao nhạc Rock và cũng có khi là một người xa lạ. Thầy giống ba tôi một cách lạ lùng, từ tướng mạo (kể cả cái khoảng trống giữa hai răng cửa) cho tới tính cách biết chừng mực. Thầy có sức chịu đựng bền bỉ của một người kém hơn 20 tuổi. Tôi vẫn thường kinh ngạc vì năng lượng đi hoằng pháp khắp nơi không ngừng nghỉ của Thầy, và đồng thời Thầy cũng còn có thời giờ để sáng tác ra hơn 100 cuốn sách và giảng hơn ngàn bài pháp thoại công cộng.
Khi số Tricycle này đang được phát hành thì ông Thầy 88 tuổi đang nằm trong bệnh viện sau khi bị xuất huyết não. Tôi chỉ là một trong mười ngàn người trên khắp thế giới tích cực tham gia cầu nguyện cho Thầy được hồi phục, ngược lại với sự chẩn đoán. Thật là khó cho tôi khi phải quán chiếu sự sống trong một thế giới không có thầy Thích Nhất Hạnh. Tất cả các quan niệm của cá nhân tôi về những chủ đề sâu sắc của sự hiện hữu, về ý nghĩa của sự sống, về tình thương, về cho và nhận và về cái chết đều được hình thành một phần không nhỏ bởi những bài giảng và lối sống gương mẫu của Thầy. Trong khi Thầy đang ở trong tình trạng giữa sống và chết thì tôi không thể nào không hồi tưởng lại những khoảng thời gian thực tập đánh dấu cho cuộc hành trình của tôi cùng Thầy trong 28 năm qua.
Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân
Một buổi tối ở Sanarth, Ấn Độ, nơi Bụt đã cho bài pháp thoại đầu tiên, Thầy thức rất khuya để cùng tôi viết ra Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm dưới ánh nến. Bài này sẽ được đọc như lời phát nguyện trong lễ cưới của tôi, một lễ cưới bằng tiếng Anh đầu tiên mà Thầy làm chủ lễ. Thầy dịch sơ từ tiếng Việt ra tiếng Anh và tôi cố gắng hết sức để trau chuốt lại. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng Thầy đã soạn ra như thế nào đó để tôi có thể nhớ được trong buổi lễ. Hôm sau, sau khi đi một vòng quanh tháp Dhamekh, tiệc cưới được bày ra dưới góc một cây xoài to và chúng tôi đọc Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm mà trọng tâm là ý thức được hạnh phúc không phải là một vấn đề cá nhân.
Chúng con ý thức rằng tất cả các thế hệ tổ tiên và con cháu đều đang có mặt trong chúng con.
Chúng con ý thức sự mong đợi của tổ tiên, của con cháu và của con cháu họ nơi chúng con.
Chúng con ý thức rằng niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của chúng con là niềm vui, sự bình an, tự do và sự hòa hợp của tổ tiên con, của con cháu con và của con cháu họ.
Chúng con ý thức rằng sự hiểu biết là yếu tố căn bản nhất của tình thương.
Chúng con ý thức rằng trách móc và tranh cãi không bao giờ giúp được cho chúng con mà chỉ tạo thêm sự xa cách; chỉ có sự hiểu biết, sự tin tưởng và tình thương mới có thể giúp cho chúng con thay đổi và lớn lên.
Vợ tôi và tôi phải đọc lời phát nguyện này mỗi giữa tháng với sự chứng kiến của các thành viên trong tăng thân, hoặc như lời Thầy nói: “Hôn nhân có thể tan vỡ”. Điều này đã xảy ra 20 năm sau.
Công năng của sự thực tập đơn giản
Khóa tu trên núi Fuji, Nhật bản, vừa kết thúc thì chúng tôi vội vã rời đi ngay để bắt kịp xe lửa. Thầy đang vẫy chào các sinh viên đến bến xe để tiễn Thầy. Cửa xe lửa vừa đóng lại thì tôi thấy nhiều bạn sinh viên đột nhiên quỵ xuống đất giống như là họ cùng ngã lăn ra bất tĩnh cùng một lúc vậy. Khi chúng tôi đến nơi (Kamakura) thì bỗng nhiên tôi không nhìn thấy gì nữa cả và cũng không sử dụng được hai chân của mình. Richard Baker chở tôi tới Ryokan (một nhà trọ truyền thống Nhật bản). Thầy và sư cô Chân Không ở sát bên tôi cho đến khi tôi cảm thấy khá hơn. Sau này chúng tôi biết là do một loại nấm người ta hái trên núi để nấu thức ăn cho khóa tu sau. Nấm có độc và hơn 60 người đã phải nhập viện. Trong số những người theo Thầy chỉ có tôi là đi lấy một ít thức ăn trưa trong nhà ăn trên đường ra trạm xe lửa. Tôi nhớ tới pháp môn đơn giản “thở và cười” mà Thầy đã dạy và tôi bắt đầu thực tập để có thể đối phó với nỗi lo sợ không biết là mắt mình có thể nhìn thấy trở lại được hay không.
Không thiên vị
Thầy là vị thầy mẫu mực đối xử với công bình với tất cả mọi người, mặc dù một vài đệ tử nước ngoài thường có khuynh hướng muốn tìm sự chú ý, sự khen ngợi và sự công nhận của Thầy. Sự công nhận của Thầy, phần lớn là một nụ cười và thỉnh thoảng Thầy nhấp nháy mấy ngón tay hoặc là được Thầy mời vào trong cốc uống trà nhưng rất hiếm khi. Được Thầy của mình công nhận là một sự mong đợi hợp lý, và Thầy cũng hành xử như thế nhưng với một mức độ tối thiểu. Tôi rất kính phục cách hành xử không phân biệt của Thầy đối với học trò, mặc dù vì thế cho nên nhiều vị đệ tử lâu năm của Thầy cảm thấy bất mãn vì bị đối xử giống như những thiền sinh vừa tới thực tập lần đầu tiên. Và họ đã bỏ đi không đến nữa. Một anh học trò đã bỏ đi hỏi tôi:”Anh không cảm thấy mệt mỏi vì cứ phải nghe lặp đi lặp lại như vậy à?”Tôi không cần suy nghĩ lâu để trả lời câu hỏi anh ta. Tôi nói, vì tính của tôi mau quên nên nghe đi nghe lại một bài pháp thoại rất có ích cho tôi. Đôi khi, tham dự một khóa tu của Thầy cũng giống như là thực tập với Bụt lịch sử. Thầy vẫn hay nói:”Tôi không phải là Bụt đời này. Quí vị đừng chờ đợi một vị Bụt đời này. Bụt đời này chính là Tăng Thân.”
Đón nhận cái mới
Năm 1995 tôi lập trang nhà cho các tổ chức và các nhóm, và công việc này rất có ý nghĩa đối với tôi. Tôi và Arnie Kotler, một đệ tử khác của Thầy, cùng làm một tủ sách trên mạng cho nhà xuất bản của Thầy là Parallax Press. Và lần đầu tiên chúng tôi giới thiệu Thầy Thích Nhất Hạnh và những pháp môn của Thầy trên mạng. Đầu năm 1996 tại Làng Mai, chúng tôi trình bày thử trang mạng mới này cho Thầy, quý thầy quý sư cô và vài học trò tại gia của Thầy xem. Phản ứng của người xem rất là tích cực, đối với một vài vị thì đây là lần đầu tiên mà họ nhìn thấy một trang mạng. Nhưng có một cô học trò phản đối thật hùng hồn về mặt triết học. Cô cho rằng trang mạng là công cụ của các tập đoàn, là sự mở rộng lòng tham và sự thống trị của họ đối với giai cấp công nhân. Cô không thích ý tưởng thu nhỏ vị thầy tâm linh của mình lại thành những tính hiệu nhị phân 1 và 0, và Thầy được chế tạo ra bằng điện tử cho những mục tiêu thương mại. Tôi sửng sốt!
Thời gian dành cho buổi thuyết trình đã hết và mọi người quay về công việc của mình. Thầy đến gần tôi nói, Thầy rất thích trang nhà này và khuyên tôi đừng nên nản chí. Thầy đồng ý là công nghệ thông tin rất có ích trong việc truyền bá pháp môn thực tập. Và Thầy chấp thuận cho trang mạng được tiến hành.
Trẻ em là ưu tiên số một
Thầy luôn mời trẻ em nắm tay Thầy đi thiền hành trong những buổi giảng hay trong những khóa tu. Thầy thích thực tập với những người trẻ. Có vẻ như họ tiếp thu được rất nhanh pháp môn thiền hành và thực tập giỏi hơn cả người lớn. Con gái của tôi, nay đã trưởng thành, vẫn rất trân quý kỷ niệm được đi thiền hành với Thầy. Lúc nó 6 tuổi, Thầy đã ngừng lại giữa buổi pháp thoại để gởi lời chúc bình an sau khi được tin nó ngả bệnh vào đêm qua. Sau này, khi tôi đến cảm ơn Thầy thì Thầy nói ngắn gọn là tôi đừng nên cảm ơn Thầy mà hãy biết ơn vì con gái tôi đã không sao.
Có một lần chúng tôi cùng ngồi thành vòng tròn với Thầy trong Vườn Tre, nơi ngày xưa được dùng làm chỗ ở của Bụt và tăng đoàn. Bây giờ nơi này đã trở thành công viên công cộng bị bỏ phế của một ngôi làng ở thành phố Rajgir. Chúng tôi ngồi im lặng, lắng nghe những tiếng động chung quanh. Giữa những tiếng chim kêu ồn ào đó bỗng nhiên xuất hiện em bé trai và một em bé gái khoảng 7, 8 tuổi. Chúng đến ngồi dưới chân Thầy và đưa tay ra xin ăn. Thầy ra dấu cho chúng đến ngồi kế bên và nắm tay chúng trong suốt biểu viếng thăm đó để biểu lộ tình thương.
Có mặt cho người khác
Chúng tôi chuẩn bị leo lên Ngũ Đài Sơn, một ngọn núi thiêng liêng của Phật giáo ở Trung Quốc. Bỗng nhiên Thầy kêu gọi mọi người trong xe buýt (phần đông là quý thầy và quý sư cô) hãy đi thật chậm và chỉ bước một bước chân thật chánh niệm cho mỗi hơi thở. Thầy thấy đau lòng khi nhìn thấy học trò xuất sĩ của mình hấp ta hấp tấp như những khách du lịch khác. Trước đó tôi đã thấy Thầy ngồi quan sát các thầy, các sư cô đi thiền trong bãi đậu xe từ cửa sổ xe buýt. Có vẻ như là Thầy rất vui. Khi chúng tôi leo từng bước rất là nghi lễ lên con đường mòn đá cũ thì có những nhóm nhỏ khách du lịch trung quốc vượt nhanh qua chúng tôi và sau đó trở xuống lại mà hình như cũng chẳng nhận ra sự hiện diện của chúng tôi. Tôi nghĩ là chúng tôi đã chế tác ra một thứ năng lượng khác lạ nào đó khiến mình trở nên vô hình đối với họ.
Khi tới gần ngôi chùa trên Ngũ Đài Sơn thì tôi hiểu ra rằng Thầy muốn năng lượng chánh niệm tập thể của phái đoàn sẽ tạo một ấn tượng cho vị trụ trì của ngôi chùa. Sau khi vào trong chùa, giữa khung cảnh của toàn tỉnh Sơn Tây Trung Quốc bao quanh, Thầy và Shantum Steth, anh hướng dẫn viên người Ấn và cũng là học trò lâu năm của Thầy, tổ chức một buổi thiền trà nghi lễ với vị trụ trì trong sự chứng kiến của phái đoàn. Thầy cười thật tươi, có còn khi bật cười to lên nữa. Niềm vui của Thầy lan rộng đến mọi người có mặt trong lúc đó. Chúng tôi là một nhóm người hành hương rất hạnh phúc đang tận hưởng một buổi hoàng hôn mà chúng tôi chắc rằng hùng vĩ nhất trên toàn nước Trung Quốc.
Lớn lên và thay đổi
Trong chuyến hành hương đầu tiên ở Ấn Độ vào năm 1987 thì sự di chuyển trong khu vực Phật giáo (một khu vực nghèo nhất ở Ấn Độ) thật là vất vả. Đường đi gập ghềnh, nhà trọ thì đầy loại gậm nhấm và không có cả nước máy. Mặc kệ sự phản đối của Thầy, tất cả mọi người, kể cả quý thầy và quý sư cô, đều nhất quyết vào một khách sạn sang trọng mới xây của người Nhật để ăn mì và tắm rửa. Thầy ngồi lại một mình trong xe buýt nóng tới bốc khói. Đối với tôi, lúc đó Thầy trở nên một con người thực hơn bao giờ hết. Sau đó, tôi đi viếng các hang động gần ngọn núi. Tôi vào một động có tên là Động Bụt. Vào bên trong, thấy Thầy đang thắp hương nên tôi quay ra để không làm phiền Thầy. Nhưng Thầy mời tôi ở lại, nở một nụ cười thật ấm áp, và rời khỏi hang động ít phút sau đó. Trong những lần viếng thăm thành phố Rajgir sau này thì Thầy đến ở khách sạn nhật bản cùng với mọi người.
Chấp nhận những thử thách
Tôi, sư cô Chân Không và Thầy – lúc đó 80 tuổi – cùng leo lên những ngọn núi gần tu viện Lộc Uyển ở San Diego. Thầy và sư cô rất thích những ngọn núi này. Thầy không có một dấu hiệu mệt mỏi nào, mặc dù vừa hướng dẫn xong khóa tu một tuần cho gần 200 thiền sinh. Thầy leo lên thật chậm rãi và thong thả, chọn chỗ đặt chân lên một cách cẩn thận. Ấy vậy mà tôi vẫn phải ráng sức leo cho nhanh để bắt kịp Thầy. Khi lên tới đỉnh chúng tôi đứng lặng yên một lúc để thưởng thức gió mát và quang cảnh chung quanh. Chúng tôi nói với nhau, đứng nhìn ở góc độ này thật là thú vị – mình ở trên cao bỏ lại những vấn đề đang chờ mình phía dưới. Rồi Thầy thú nhận một điều khiến tôi giật mình. Thầy cảm thấy sức mình từ từ yếu đi bởi cái trách nhiệm đối với bao nhiêu là đệ tử, trong đó có cả đệ tử xuất gia. Họ chờ đợi Thầy phải luôn hành xử như một siêu nhân trong mọi tình huống. Đó là sự thử thách không ngừng đối với Thầy. Thầy nói, so với những lúc cảm thấy thoải mái thì Thầy phải nổ lực nhiều hơn để có được cái cảm giác tự do. Tôi nhận ra rằng làm một vị thầy không phải là công việc dễ dàng và tuyệt vời như mình nghĩ. Lợi ích của việc trở thành người lãnh đạo, chủ yếu là dành cho người khác.
Từ lần gặp gỡ đầu tiên với Thầy dưới gốc cây ở Ojai, tôi và những người có mặt ở đó đã nhận ra rất rõ là Thầy có một khả năng truyền đạt giáo lý Bụt thật phi thường – lời nói đi đôi với việc làm. Thầy sử dụng những từ ngữ giản dị, cân nhắc, sâu sắc, cũng như mọi động tác của thầy đều được tẩm bằng chánh niệm. Giọng nói của Thầy có hai tính chất – vừa dịu dàng vừa mãnh liệt – không khác gì giáo pháp mà Thầy đã cống hiến hết cả cuộc đời của mình.
Học với Thầy có thể giúp tôi chuẩn bị tốt cho một sự chuyển tiếp, như là hành xử như thế nào trong tình trạng hiện nay của Thầy. Chính Thầy đã nói:
Thân này không phải là tôi; tôi không bị kẹt vào nơi thân ấy.
Tôi là sự sống thênh thang,
Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt.
Nhìn kia biển rộng trời cao,
Tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức.
Tự muôn đời tôi vẫn tự do.
Tử sinh là cửa ngõ ra vào.
Tử sinh là trò chơi cút bắt.
Là một người cha tâm linh của bao nhiêu người, Thầy nhắc nhở cho chúng ta rằng, cha mẹ ta vẫn còn sống dù cho là họ đã qua đời. Họ đã tặng cho chúng ta một món quà cuối cùng. Đó là một phần của chính chúng ta. Thầy giải thích, có một phần tinh hoa nằm ngủ sâu trong ta cho tới khi cha hay mẹ ta qua đời. Khi cha hay mẹ ta mất thì cái phần tinh hoa ấy sẽ thức dậy, và ta sẽ trở thành ta một cách trọn vẹn. Nói cách khác là “cha mẹ ta không bao giờ chết, họ vẫn tiếp tục sống trong ta.”
Thầy nói:
Hãy nắm tay tôi
Hãy vẫy chào
Để rồi tức thì gặp lại.
Gặp lại hôm nay
Gặp lại ngày mai
Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn.
Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngày nẻo sống.
(Dịch từ“On the path with Thay“ của Allen Badiner đăng trên tạp chí tricycle, số mùa xuân 2015)