Không có cái chết, đừng sợ hãi!

Đây là bài viết của cô Anne Lühe, một Tiếp Hiện cư sĩ người Đức, thực tập tại Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu (EIAB). Anne chia sẻ với chúng ta trải nghiệm của chính bản thân cô. Sự thực tập đã giúp Anne đối diện với cái chết như thế nào và cô đã có thể đã sống hạnh phúc với bệnh nan y của mình.

Tôi leo lên Đồi Táo với Thầy. Hàng trăm người đi theo Thầy, rất chánh niệm, chậm rãi và yên lặng. Waldbröl là nơi mà tôi đã hội ngộ với Thầy tôi.

Năm năm trước, tôi đã nghĩ là cuộc đời mình không còn ý nghĩa gì nữa.  Tất cả đều sụp đổ. Khi đó tôi 42 tuổi và biết là mình bị ung thư vú. Tôi sống sót nhưng bị chứng suy nhược kinh niên. Tôi không thể làm việc trở lại. Tôi không có sức khỏe, không có việc làm. Gia đình tôi tan vỡ. Hai đứa con tôi rời nhà để đi học đại học. Chồng tôi quen với một người đàn bà khác và chia tay với tôi.

Tôi tuyệt vọng vô cùng. Việc tiếp tục sống trong ngôi nhà đó làm cho tôi rất mệt mỏi. Vào các buổi chiều tôi thường lấy xe đạp vào rừng. Rừng là tăng thân đầu tiên của tôi. Tôi cảm thấy được sự liên hệ giữa mình với cây cỏ và những sinh vật sống ở đó. Tôi cảm nhận được năng lượng trị liệu từ chúng.

Mùa hè năm 2008 là lúc tôi rơi vào cái hố sâu nhất. Một ngày nọ, trong khi đang lái xe, tôi nghe về Viện Phật Học Ứng Dụng Âu Châu (EIAB) tại Waldbröl qua radio. Đó là một trung tâm tu học do một thiền sư Phật giáo người Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh, thành lập. Tôi không có ý niệm gì về đạo Bụt hay văn hóa Việt Nam. Tôi sợ mình sẽ phạm sai lầm. Tôi hoang mang, không chắc điều gì sẽ xảy ra cho mình ở đó.

Nhưng nỗi lo sợ đó tan biến rất nhanh. Tăng thân Waldbröl đã mở rộng cửa nhà và trái tim để đón nhận tôi. Tôi đã tìm được cho mình một quê hương, một con đường và sư thực tập tâm linh.

Vì không còn phải gánh trách nhiệm gì với gia đình hay công việc nên hai năm tiếp theo đó tôi coi EIAB chính là nhà của mình. Tôi sống với tăng thân xuất sĩ với tư cách một cư sĩ thường trú. Tôi cũng làm việc có ích cho trung tâm. Ban đêm tôi dạy tiếng Đức cho các thầy, các sư cô trẻ. Ban ngày tôi làm việc trong văn phòng, giúp phiên dịch trang mạng của EIAB và những tờ chương trình từ tiếng Anh sang tiếng Đức.

Trong những tháng đầu tiên ở EIAB tôi đặt trọng tâm của sự thực tập vào câu: Tôi ý thức rằng, hạnh phúc chân thực đến từ tự tâm chứ không phải do những điều kiện bên ngoài và tôi có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại bằng cách nhận ra rằng tôi đã có quá đủ những điều kiện hạnh phúc. Phép thực tập chánh niệm thứ 3 này là sự thực tập quan trọng nhất đối với tôi. Tôi có thể áp dụng nhiều phương pháp như sự thực tập: dừng lại thở khi nghe tiếng chuông được thỉnh lên mỗi 15 phút, hát những bài thiền ca trước khi đi thiền hành, đọc và quán chiếu những bài kệ của Thầy trên những bức thư pháp hay những tấm thiệp treo khắp nơi. Sự buồn khổ to lớn mà tôi đã từng kẹt vào dần dần được chuyển hóa nhờ sự có mặt của các thầy và các sư cô. Họ đã tặng cho tôi những nụ cười hay nắm lấy tay tôi khi tôi khóc. Chúng tôi đã cùng trải nghiệm những giây phút hạnh phúc trong khi im lặng, trong khi chơi xe trượt tuyết trên Đồi Táo, trong khi đi dạo hay chơi bóng với nhau.

Sau khi tôi sống với Tăng Thân được 9 tháng thì sư cô Chân Đức mở một khóa tu về Tình thương đích thực theo giáo lý của đạo Bụt. Trong dịp đó tôi đã nhận Năm Giới. Từ đây, tôi cảm thấy đã sẵn sàng để tiếp tục đi trên con đường thực tập. Sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp danh là “Wahre Präzenz des Herzens”. Pháp danh này giúp cho tôi có được cái nhìn thoáng hơn trong sự thực tập, trong ước muốn thực hành ước nguyện của mình và hiểu một cách đúng đắn hơn câu nói của các thầy, các sư cô: Cô Anne, cô không cần phải làm gì cả. Sự có mặt của cô cũng đã yểm trợ cho Tăng Thân rồi.

Thực tập trong một Tăng Thân có công năng trị liệu, cái thấy đó và sự biết ơn đưa tôi tới một chí nguyện sâu xa hơn. Tôi được tập sự trong dòng tu Tiếp Hiện dưới sự chỉ dẫn của y chỉ sư của tôi là cô Annabelle Zinser trong 2 năm. Trong thời gian này tôi học được nhiều kỹ năng quan trọng nhờ sự gợi ý của cô, ví dụ như cô nói: Đừng suy nghĩ nhiều mà hãy chỉ thử nhìn một cách đơn thuần,“là nó đó”, hay là em tự hỏi mình: Tôi đã sẵn sàng cho hơi thở vào này, cho hơi thở ra này, cho cảm thọ này, cho tâm hành này chưa?

Sự thực tập giúp rất nhiều cho tôi. Khi truyền giới sư cô Chân Đức đặt cho tôi pháp tự là “True Inclusiveness of the Ocean”. Tôi rất vui được tu tập theo pháp tự này. Tôi thích đại dương và tôi thích ví dụ này: Nếu bỏ một nắm muối vào ly nước thì nước trong ly không uống được nữa. Nhưng nếu bỏ một nám muối vào đại đương thì nước của đại dưong vẫn không hề hấn gì.

Vào tháng 10 năm 2017, khi bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy với di căn vào gan thì tôi chấp nhận thông tin đó mà không có phản kháng nào. Trong tâm, tôi thấy mình rộng lớn như đại dương. Tôi bình tĩnh, tôi thấy có không gian trong lòng, không sợ hãi, không tuyệt vọng và bất an. Tôi nghĩ “là nó đó”, và không có gì ngoài việc thở. Giờ đây tôi có thể trải nghiệm những gì được học với chính bản thân mình: Nếu ta có thể chấp nhận bệnh tật trong cơ thể thì ta sẽ đau khổ ít hơn.

Đêm đó tôi đã thức rất lâu. Tôi nhớ lại 13 năm trước tôi đã đón nhận tin mình bị ung thư như thế nào, đã đối diện với cái chết như thế nào, và đã cảm thấy cô đơn như thế nào. Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ chết cô độc một mình, con đường chuyển tiếp đó tôi sẽ phải đi qua một mình. Ý nghĩ đó làm tôi đau buồn và sợ hãi. Cái cảm thọ “mặt đất dưới chân mình bị lấy đi” cũng rất mạnh. Sự an toàn, sự tin tưởng và sự gắn bó vào đời sống đều biến mất trong thân, trong cảm thọ và trong tư tưởng của tôi.

Nhưng lần này mọi việc khác hẳn. Tôi thức, nằm đó và cảm thấy được nối kết, bảo bọc. Tôi đang nằm trong bóng tối, cảm nhận được nền đất dưới lưng mình và sự liên kết với tất cả chúng sinh, với Đất Mẹ, với tất cả những người thương và đặc biệt là với Tăng Thân của tôi. Bên cạnh mẹ tôi, con tôi, bạn đồng hành của tôi, tôi còn thấy những người thầy, những em gái và em trai trong đạo của tôi, những người tôi cảm thấy rất gắn bó vì cùng chung chí hướng, cùng chung một sự thực tập và sự trải nghiệm tương tức.

Điều đó có nghĩa là tôi biết mình sẽ được tiếp nối một cách rất cụ thể trong tương lai khi tôi không còn biểu hiện dưới hình thức này nữa. Mỗi phân tử của thân thể tôi sẽ tiếp tục tồn tại, mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và hành động của tôi sẽ không mất đi mà tiếp tục sống trong những người đó. Tôi biết, nếu ý niệm về cái chết không có thì sự sợ hãi cũng không còn: Không có cái chết, đừng sợ hãi! Điều này không có nghĩa là tôi phủ nhận mình sẽ chết. Trái lại tôi còn ý thức “mình sẽ chết” trong từng giây từng phút. Và chính ý thức đó làm cho đời sống của tôi đẹp hơn. Tôi không viết tình trạng của mình thành một bi kịch. Tôi không tìm tòi trong mạng mà tin tưởng hoàn toàn vào bác sĩ của mình. Tôi ý thức được trọn vẹn rằng cái chết trong giờ phút này chỉ là một ý niệm. Tôi biết, là hình hài này ngày nào đó sẽ ngừng thở, trái tim này một ngày nào đó sẽ ngừng đập. Nhưng điều đó chưa xảy ra bây giờ, trong hiện tại tôi đang sống trong những điều kiện thật màu nhiệm.

Chúng ta không cần phải là Phật tử mới có được thái độ đó. Chúng ta không cần theo một tôn giáo (hiểu theo định nghĩa thông thường của chữ tôn giáo) mới nhận ra rằng, đời sống trên hành tinh này là một sự mầu nhiệm. Chúng ta cần thực tập, thực tập buông bỏ ý niệm Có-Không, an trú trong giây phút hiện tại, không đánh mất mình trong sự hối tiếc về quá khứ và sợ hãi, lo lắng cho tương lai. Đó là sự thực tập chánh niệm.

Sự thực tập mà tôi thích nhất là luôn ý thức được: Phút giây hiện tại, phút giây tuyệt vời! Tôi có may mắn là vẫn còn sống 3 năm sau khi chẩn đoán bị ung thư. Cho tới nay tôi vẫn không sụt cân và vẫn còn sức. Khi có sự đau đớn trong cơ thể (rất hiếm khi) thì tôi thực tập: Thở vào, tôi cảm thấy có cái đau trong thân, thở ra tôi mỉm cười với cái đau đó. Sự buồn nôn, đối với tôi còn khó chịu hơn sự đau đớn. Tôi thực tập: Thở vào, thở ra. Tôi để Bụt thở cho tôi. Tôi để Bụt nằm cho tôi, để Bụt đi cho tôi. Đôi khi, tôi tưởng tượng mình đang nằm trên một cái võng mà Bụt hay vũ trụ giăng lên cho tôi, và như vậy tôi cảm thấy thật thư giãn và nhẹ nhàng.

Ăn cơm trong chánh niệm cũng cho tôi nhiều niềm vui. Tôi ý thức được mình có rất nhiều thức ăn tốt lành và bổ dưỡng! Tôi không đau răng! Tôi không có vết thương và mụn trong miệng! Kể cả khi có vết thương trong miệng tôi cũng hạnh phúc vì ý thức rõ rằng, nếu ăn mà không bị đau đón trong miệng thì thoải mái biết nhường nào.  Ở EIAB chúng tôi cũng có thực tập chánh niệm trong khi đi vệ sinh. Thực vậy, tôi rất hạnh phúc mỗi khi đi tiêu hay đi tiểu mà không có vấn đề gì. Điều này chứng tỏ là những bộ phận trong cơ thể tôi còn hoạt động tốt và thân này là một tác phẩm mầu nhiệm như thế nào.

Có thể một ngày nào đó bạn sẽ đến thăm EIAB. Ở nơi đó, chùa tổ của tôi, bạn có thể có được những trải nghiệm được những cái giống như tôi. Cũng có thể bạn sẽ tìm được con đường hạnh phúc của mình ở một nơi khác. Nhưng dù bằng cách nào, ở nơi nào, vào lúc nào thì khi bạn đi ra một cánh đồng và ngước nhìn lên bầu trời, bạn cũng sẽ hội ngộ với tôi. Một đám mây không bao giờ chết.

Không có con đường đưa tới hạnh phúc

Hạnh phúc là con đường

Với tuệ giác này Anne đã bắt đầu một cuộc sống mới với bệnh ung thư.

Có được hạnh phúc trong những hoàn cảnh bất hạnh, đó là một điều này có thể xảy ra.

Anne Lühe ( No death no fear )