Tâm tình với các bạn trẻ: Chia sẻ về nghi thức tụng niệm và lễ lạy

Các bạn trẻ thương quý,

Tôi viết thư này như những lời tâm tình với các bạn trẻ, lẽ dĩ nhiên là các bạn trẻ người Việt. Tôi không muốn giảng pháp cũng có ý không thuyết phục. Tôi chỉ chia sẻ với các bạn những gì tôi đã thực tập, đang thực tập hàng ngày và sự thực tập này đã mang lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.

Lúc còn trẻ, tôi thường được bà ngoại dẫn đi chùa vào những ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy và Rằm tháng Mười. Bà tôi không phải là một Phật tử nhưng bà có lời nguyện, mỗi năm sẽ đi mười chùa trong những ngày Rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười. Bà ngoại tôi đi chùa chỉ để lạy Bụt, cầu xin Bụt ban sự bình an cho tất cả mọi người trong gia đình. Còn tôi, tôi thích đi theo bà để được ăn cơm chùa. Trong những ngày lễ lớn như vậy nhà chùa nấu ăn rất ngon, có nhiều món lạ và chùa mời tất cả mọi người, không phân biệt bất cứ ai, đến ăn cỗ mà khỏi phải trả tiền. Bà tôi tới chùa, thắp hương, lạy Bụt và bảo tôi quỳ xuống lạy Bụt như bà để đựợc phước. Lúc đó trong lòng tôi bỗng nổi lên sự phản kháng. Tôi cứ đứng lì ra đó và không chịu lạy xuống. Tôi cảm thấy lạy như thế thì có vẻ như là hạ mình và mất nhân phẩm.

Tôi quên nói với các bạn là từ nhỏ, lúc vừa bắt đầu đi học, tôi đã được gửi vào trường của một dòng tu Thiên chúa giáo, và học ở đấy 12 năm cho đến khi tốt nghiệp trung học. Trường học cũng đồng thời là tu viện của một dòng nữ tu, có nhà nguyện xây theo phong cách gothic Tây phương. Thành thật mà nói, tuy tôi không theo Thiên chúa giáo, nhưng hình ảnh của nhà thờ và những ma sơ còn quen thuộc với tôi hơn là hình ảnh của ngôi chùa với các thầy và các sư cô. Tôi học thuộc thánh kinh nhưng hoàn toàn không biết gì về kinh điển Phật giáo. Lúc đó là thời chiến tranh đang rất khốc liệt, cứ lâu lâu tôi lại nghe tiếng tụng niệm của các thầy Phật giáo làm lễ cầu siêu cho đám tang ở những nhà lân cận. Tiếng tụng kinh nghe buồn thê thảm. Tôi rất sợ nghe tiếng tụng niệm đó vì mỗi lần nghe tụng kinh là tôi nghĩ ngay tới người chết và đau khổ. Tôi kể với các bạn điều này để các bạn biết là tôi đã từng có thành kiến với tụng niệm và lễ lạy như thế nào.

Cho mãi tới sau này, khi đã lập gia đình và có con, đối diện với những bế tắc trong cuộc đời, chới với và sợ hãi, tôi mới có cơ duyên được gặp Thầy và những pháp môn thực tập. Tôi đưọc Thầy dạy cho giáo lý đạo Bụt, những pháp môn thực tập áp dụng được vào trong đời sống cho bớt khổ như thiền ngồi, thiền đi, thiền ăn cơm, thiền trà, v.v… và nhất là thiền lạy. Thầy giảng cách thức nghe pháp thoại mà không bị kẹt vào định kiến, nhất là Thầy giảng rất kỹ về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy. Hiểu được ý nghĩa sâu sắc của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì cái nút thắt trong lòng tôi được tháo gỡ. Tôi có thể lạy xuống một cách tự nhiên và tôi rất hạnh phúc. Hai mươi mấy năm nay tôi vẫn thực tập nghi thức tụng niệm và lễ lại mỗi ngày tại nhà. Tôi xin được chia sẻ với những người trẻ về pháp môn thực tập sâu sắc này.

Tụng kinh và niệm Bụt

Phần đông người trẻ thường không cảm thấy hạnh phúc lắm với những nghi thức tán tụng. Một phần vì mình không được hướng dẫn và giải thích rõ ràng về ý nghĩa của sự thực tập. Người trẻ quen nghe âm nhạc mới và vẫn còn lạ lẫm với âm nhạc cổ truyền dân tộc. Nếu giọng tụng kinh niệm Bụt theo âm điệu cổ truyền không mang nhiều định lực của sự bình an thì sẽ không đi được vào lòng của những người trẻ.

Pháp môn tụng kinh và niệm Bụt là một phép thực tập chánh niệm đem lại cho chúng ta rất nhiều lợi lạc. Pháp môn tụng niệm và lễ lạy cũng quan trọng không kém gì pháp môn thiền ngồi, thiền đi, v.v…

Kinh là lời dạy của Bụt, là sự trao truyền tuệ giác của Bụt cho những học trò. Ngày xưa khi Bụt nói Pháp, học trò lắng nghe Pháp rồi lặp đi lặp lời lời dạy của thầy mình để nhớ và thực tập theo. Ngày nay chúng ta may mắn có được kinh điển ghi chép trên giấy, thống nhất và dễ đọc tụng. Và Thầy của chúng ta, thiền sư Nhất Hạnh, đã bỏ rất nhiều công sức viết lại nghi thức tụng niệm bằng chữ quốc ngữ cho dễ hiểu, khi tụng lên thì nghe như nhưng bài thơ vừa nhẹ nhàng vừa thi vị, dễ đi vào lòng người. Ví dụ như trong bài kệ Tán Quan Âm có những câu mà khi tán tụng lên mình có cảm tưởng như đang chiêm ngưỡng một bức tranh tuyệt đẹp:

Trí tuệ bừng lên đóa biện tài

Đứng yên trên sóng sạch trần ai

Cam lộ chữa lành cơn khổ bệnh

Hào quang quét sạch buổi nguy tai

Liễu biếc phất bày muôn thế giới

Sen hồng nở hé vạn lâu đài

Cúi đầu ca ngợi dâng hương thỉnh

Xin nguyện từ bi ứng hiện ngay

Nam mô Bồ Tát Quan Thế Âm.

Nếu ngồi yên một cách thoải mái, thư giản toàn thân, ngưng hết mọi sự suy tư, thở và chú tâm vào từng chữ, từng câu tụng của bài tán này thì mình sẽ cảm nhận được năng lượng từ bi của Đức Quan Âm thấm vào lòng mình. Và các bạn hãy tưởng tượng, nếu tất cả mọi người tham dự buổi nghi lễ đều thực tập như vậy thì sẽ tạo ra một năng lượng chánh niệm tập thể rất hùng mạnh có thể nuôi dưỡng và trị liệu cho mọi người và cho cả môi trường chung quanh.

Mình niệm danh hiệu của Bụt và chư vị Bồ Tát để tưới tẩm hạt giống tốt lành trong mình vì mỗi vị Bồ Tát tượng trưng cho một đức tính. Ví dụ như Bồ Tát Manjushri (Văn Thù Sư Lợi) tượng trưng cho trí tuệ lớn, Bồ Tát Samantabhadra (Phổ Hiền) tượng trưng cho hạnh nguyện lớn, Bồ Tát Avalokiteshvara (Quan Thế Âm) tượng trưng cho tình thương lớn, v.v… Mình biết những đức tính đó có mặt trong mỗi người chúng ta và mình để cho lời niệm danh hiệu của Bụt và Bồ Tát thấm vào trong tâm, tưới tẩm những hạt giống tốt như Từ, Bi, Hỷ, Xả và nuôi cho nó lớn lên.

Tinh thần của đạo Bụt là phá chấp và cởi mở nên khi đạo Bụt  truyền đến nước nào thì sẽ hòa nhập vào văn hóa truyền thống của nước đó. Đạo Bụt đã khéo léo mượn âm nhạc dân tộc cổ truyền để đưa giáo lý và sự thực tập đi sâu vào lòng người dân. Vì thế kinh văn được tụng theo âm điệu của âm nhạc cổ truyền địa phương. Ở Việt Nam, giọng tụng niệm miền Bắc mang âm hưởng của những bài chầu văn. Đến miền Trung thì giọng tụng niệm mang âm hưởng của nhã nhạc cung đình. Vào tới miền Nam thì giọng tụng niệm lại có âm điệu ngọt ngào của dân ca Nam Bộ. Đây là tính cách văn hóa trong nghi thức tụng niệm.

Nếu chưa quen tụng niệm thì mình ngồi yên, thở, dừng lại mọi sự suy nghĩ và lắng nghe. Mình mở rộng lòng ra để cho lời kinh thấm từ từ vào trong tâm thức. Nếu đã biết tụng niệm thì mình tụng theo, hòa điệu cùng mọi người. Mình ngồi tụng kinh, lưng thẳng và đẹp, đem thân, khẩu và ý hợp nhất làm một. Như thế, mình chế tác ra được năng lượng chánh niệm hùng hậu để hiến tặng cho mọi người trong tăng thân. Nếu không chế tác được năng lượng chánh niệm trong khi tụng niệm thì chúng ta chỉ tụng một cách hình tức mà không có gì để hiến tặng cho các bạn đồng tu.

Tôi nhớ, lúc Viện Phật Học Ứng Dụng Châu Âu vừa được thành lập, Thầy có sang Đức và cho một buổi pháp thoại công cộng trong một thính đường lớn ở Köln. Trước khi Thầy cho pháp thoại, các thầy các sư cô lên sân khấu niệm Bồ Tát Quan Thế Âm. Một ông người Đức ngồi cạnh nói xoay qua nói với tôi sau khi nghe quý thầy quý sư cô niệm Bồ tát xong:“Họ nói cái gì vậy? Tôi không hiểu gì cả nhưng tôi cảm thấy nó đánh động tôi rất nhiều. Tôi rất xúc động.“ Nếu mình tụng niệm có chánh niệm thì năng lượng chánh niệm đó sẽ tác động tích cực lên mọi người chung quanh.

Tụng kinh niệm Bụt là một pháp môn thực tập chánh niệm quan trọng và sâu sắc. Nếu thực tập tụng kinh niệm Bụt một cách tinh tấn thì mình cũng sẽ có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc như khi mình ngồi thiền hoặc đi thiền vậy.

Lễ lạy

Trong nghi thức tụng niệm luôn có phần lễ lạy. Chúng ta lạy Bụt, lạy chư vị Bồ tát và các vị tổ sư. Chúng ta không lạy để cầu xin một điều gì hay để có phước đức. Lạy Bụt là sự thiền tập rất sâu sắc có thể đưa tới tuệ giác và từ bi.

Trong trường hợp của tôi, tôi thường hay có cái cảm giác“xa lạ với mọi người chung quanh, lạc lõng giữa nơi mình đang ở“. Ví dụ như, đang có mặt vui vẻ trong một nhóm người như là nhóm bạn bè hay một số bạn đồng tu thì đột nhiên tôi cảm thấy như mình là một vật thể hoàn toàn không dính líu tới môi trường đó nữa. Tôi như một người xa lạ, bơ vơ đứng bên ngoài và tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng vô cùng. Có lẽ nguyên do là lúc còn nhỏ tôi không tìm thấy hạnh phúc khi sống trong gia đình hay ngoài xã hội chăng? Nghe Thầy giảng, tôi biết mình có thể chuyển hóa được cái cảm giác cô đơn, bơ vơ, lạc lõng bằng sự thực tập mà không cần phải cố moi tìm nguyên nhân nào đã khiến cho mình có cảm giác phóng thể đó. Nếu cắm được rễ vào nguồn cội của mình thì mình sẽ không còn cô đơn nữa.

Và tôi chọn pháp môn thiền lạy để thực tập kết nối lại với gốc rễ của mình. Mỗi sáng tôi thắp hương trước bàn thờ Bụt, đưa cây hương lên ngang trán tôi thở vào thở ra ba lần rồi đọc bài dâng hương. Tôi đặt tất cả sự chú tâm vào từng câu kệ. Cắm hương vào bát hương xong tôi bắt đầu thực tập thiền lạy. Tôi chắp tay đưa trước trán, rồi đưa tay xuống trước ngực, sau đó dang hai tay hạ xuống hai bên và từ từ lạy xuống. Những động tác đó có ý nghĩa là mình đem hết cả tâm ý và thân hợp lại thành một và có mặt thật sự trong khi lạy xuống. Đầu, hai tay và hai đầu gối chạm sát mặt đất, tôi từ từ ngửa lòng bàn tay ra. Điều này có nghĩa là tôi hoàn toàn phó thác mình cho đất, hai tay của tôi trống rỗng, tôi không giữ lại bất cứ một cái gì. Tôi thở vào thở ra ba lần và quán chiếu, tôi mang trong tôi tất cả tổ tiên huyết thống. Trong cái lạy thứ hai tôi quán chiếu, tất cả tổ tiên tâm linh đều đang có mặt trong tôi. Trong cái lạy thứ ba tôi quán chiếu, tôi và mọi sự vật chung quanh đều dính líu mật thiết với nhau, cái này không có thì cái kia cũng không có.

Thiền lạy, không những giúp mình kết nối lại với gốc rễ để mình trở nên vững chãi, có sự bình an, không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng mà hơn nữa thiền lạy còn giúp làm phát khởi lòng biết ơn đối với tất cả mọi loài và mọi sự vật. Và khi nảy sinh ra lòng biết ơn thì mình sẽ có hạnh phúc.

Trong phần nghi lễ, sau khi vị chủ lễ xướng danh hiệu của Bụt, của chư vị Bồ tát, của các tổ sư thì mình lạy xuống để tỏ lòng biết ơn và cũng để quán chiếu, thấy được Bụt không phải là pho tượng gỗ kia mà Bụt là năng lượng của hiểu và thương đang có mặt trong mỗi người chúng ta. Các vị Bồ tát và các vị tổ sư không phải là những danh hiệu suông mà là những đức tính đang có mặt trong mình. Lạy xuống như vậy sẽ cho mình rất nhiều bình an và hạnh phúc. Hơn nữa lạy cũng là một nét đẹp của văn hóa truyền thống. Người Việt Nam chúng ta thường lạy cha mẹ, ông bà, tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính và biết ơn.

Vì vậy, nghi thức tụng niệm và lễ lạy không phải chỉ dành riêng cho các cụ lớn tuổi, nghĩ rằng mình không còn bao nhiêu ngày nữa nên tụng niệm lạy lục cầu xin một chỗ để quay về. Nghi thức tụng niệm và lễ lạy là một pháp môn thực tập chánh niệm sâu sắc có công năng giúp cho chúng ta có được tuệ giác, từ bi, bình an và hạnh phúc.

Hôm nào các bạn hãy thử tham dự một buổi nghi thức tụng niệm và lễ lạy với các bạn đồng tu. Các bạn chuẩn bị trước cho mình thái độ khi tham dự: thư giản toàn thân, dừng lại mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ trong đầu như“Trời ơi, tụng kinh nghe chán quá, đã không hiểu gì hết mà lại còn mất thì giờ. Lạy cái tượng như vậy thì có ý nghĩa gì? Có vẻ mê tín dị đoan quá!“. Đã hiểu được ý nghĩa của nghi thức, mình nên thực hành cho có nội dung. Mình để cho thân tâm được hợp nhất, thân thật thoải mái, tâm thật rỗng rang thì mới tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của pháp môn và mình mới thành công. Hơn nữa tụng niệm và lễ lạy cũng là văn hóa hay và đẹp của dân tộc chúng ta. Nếu thực tập cho tốt thì chúng ta cũng góp phần vào công trình giữ gìn di sản tâm linh của dân tộc để trao truyền lại cho các thế hệ tiếp theo.

Các bạn hãy thử thực tập đi, đừng bỏ qua rất uổng, và xin hãy kiên nhẫn.  Các bạn biết không, tôi phải thực tập pháp môn thiền đi đến ba năm mới thấy được hạnh phúc trong khi đi.

Nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm về ý nghĩa của nghi thức tụng niệm và lễ lạy thì xin đọc sách“Công phu nở đóa sen ngàn cánh“ do Làng Mai biên soạn. Trong sách ý nghĩa của tất cả Kinh văn, nghi thức Tụng kinh, Niệm Bụt, Tán Bụt, Lạy Bụt đều được trình bày và giải thích cặn kẽ, rõ ràng.

Chúc các bạn thực tập thành công, khám phá ra được một pháp môn thực tập chánh niệm hiệu quả có thể đem lại cho mình niềm vui và hạnh phúc. Xin cảm ơn các bạn đã đọc bài chia sẻ này tư đầu đến cuối.

Thương quý,

CGL