Mười động tác chánh niệm

Nguồn gốc của 10 động tác chánh niệm

(pháp thoại của Thầy ngày 08.11.2012 tại thiền đường Hội Ngàn Sao, xóm Hạ, Làng Mai trong khóa An Cư Kết Đông 2012-2013)

Trong ba bốn chục năm nay chưa ai hỏi tôi 10 động tác chánh niệm là từ đâu tới? Vị tổ nào đã truyền lại 10 động tác chánh niệm? Tổ sư của 10 động tác chánh niệm này là một triết gia người Anh, cũng là một nhà giáo dục và một nhà xã hội học. Tên của ông là Herbert Spencer. Spencer là một triết gia rất đặc biệt. Ông không chủ trương “nói” mà chủ trương “phải làm mhững gì mình nói”. Đây là một điều rất hiếm ở xã hội Tây phương, vì ở Tây phương những nhà triết học chỉ “nói” mà không đem ra làm. Có sự chia cắt giữa “cái nói” và “cái làm”. Hai vị triết gia Tây phương nổi bật vì không chỉ “nói” mà quyết tâm “làm những điều mình nói” là Schopenhauer người Đức và Spencer người Anh. Spencer chủ trương sự tiến hóa của con người và của các loài đi từ chỗ thuần (homogène) đến chỗ tạp (hétérogène).

Khoảng 60 năm trước tôi đã tiếp thu được 10 động tác chánh niệm từ H. Spencer. Nhưng tôi có thêm thắt vào nhiều hơn như:

  1. Làm cho những động tác nhu nhuyễn (mềm) ra.
  2. Kết hợp hơi thở vào từng động tác.
  3. Làm cho các động tác liên tục với nhau hơn.
  4. Làm có chánh niệm: đây là một điều rất đặc biệt. Spencer làm 10 động tác để có sức khỏe còn chúng ta thực tập phối hợp 10 động tác với chánh niệm.
  5. Chúng ta thực tập 10 động tác không phải để có sức khỏe hay hạnh phúc trong tương lai mà là để có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Chúng ta phải thực tập như thế nào để có hạnh phúc ngay trong khi làm. Có chánh niệm thì ta đã có hạnh phúc. Khi đưa hai tay lên tôi đã có thể thấy được rất nhiều chuyện ví dụ như tôi thấy rằng những người cùng một thế hệ với tôi phần lớn đều đã đi rồi. Những người còn ở lại thì rất yếu không thể đưa tay lên được như tôi, hay có những người đang ngồi trên xe lăn. Với chánh niệm tôi thấy hạnh phúc liền trong khi đưa tay lên hay đưa tay xuống chứ không phải làm xong rồi mới có hạnh phúc. Nếu chân bị gãy thì làm sao chúng ta đưa chân lên được? Có chánh niệm ta sẽ so sánh bây giờ với lúc ta bị gãy chân không đưa chân lên được. Ta sẽ cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc có liền lập tức.

Đó là năm điều tôi cho thêm vào 10 động tác của Spencer để làm thành 10 động tác thực tập chánh niệm của Làng Mai từ 40 năm nay. Trong đạo Bụt có nói Phật pháp được làm bằng thế gian pháp. Nếu biết cách sử dụng thì chúng ta có thể làm cho bất cứ pháp nào của thế gian cũng trở thành ra Phật pháp. Bây giờ quí vị đã biết nguồn gốc của 10 động tác chánh niệm.