Thiền ăn cơm

Mặt trời xanh rờn một rổ rau tươi
Mặt trời dẻo thơm trong bát cơm gạo tám

(Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, thơ Nhất Hạnh)

Ăn cơm là một sự thực tập

Ngày nào mà ta không ăn cơm, ăn sáng, ăn trưa, rồi ăn chiều. Ăn cơm là một sự thực tập. Chúng ta đã học về thiền đi và thiền ngồi, bây giờ chúng ta nói về thiền ăn. Ăn cơm cũng có thể có hạnh phúc, và mình cần có một chút niệm, định và tuệ để chế tác hạnh phúc. Khi đưa một miếng bánh mì hay một muỗng cơm vào miệng, chúng ta phải có một chút niệm: Đây là cơm! Tâm của mình không phóng đi nơi khác, tâm mình ở tại đó nên mình biết rằng mình đang cầm một miếng bánh mì và mình đang cắn một miếng bánh mì. Đó là niệm, và trong niệm có định. Khi chú ý tới miếng bánh mì thì mình biết nó từ đâu tới. Chỉ trong một tích tắc đồng hồ mình thấy bánh mì tới từ những cánh đồng lúa mì thênh thang. Chỉ cần một chút niệm và định thì có tuệ, và có tuệ thì mình thấy được miếng bánh mì này từ đâu tới. Mình chỉ cần một sát na là thấy được trong miếng bánh mì có đám mây, có ánh sáng mặt trời, có người cày, người gặt. Trong đạo Phật gọi đó là lượng bỉ lai xứ tức là biết thức ăn này từ đâu tới. Bỉ là thức ăn, lượng là đo lường, thăm dò và biết được thức ăn này từ đâu tới (lai xứ). Chỉ cần nhìn miếng bánh mì là có thể thấy được nó từ đâu tới: Nó tới từ ruộng lúa mì, từ phân bón, từ vũ trụ. Muốn có được tuệ chúng ta không cần phải cố gắng khó khăn, không cần phải suy nghĩ nhiều mà chỉ cần một chút niệm để tâm chú ý tới. Mình thấy miếng bánh mì này là một phép lạ, nó từ vũ trụ tới để nuôi mình. Tự nhiên mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vũ trụ. Điều này xảy ra trong một hay hai giây đồng hồ, nhưng  trong một hay hai giây đồng hồ đó có niệm, định và tuệ tức có cái thấy. Cái thấy đó giúp mình tiếp xúc được với vũ trụ và đem lại cho mình niềm vui.

Trong đời sống hằng ngày có thể mình bị cô lập hóa bởi những lo lắng, buồn khổ, sợ hãi của mình. Bây giờ đây mình nâng miếng bánh mì lên, nhìn nó vài giây đồng hồ, nhận diện ra nó là một miếng bánh mì trong đó có mặt trời, đám mây, ruộng lúa, công phu lao tác. Mình thấy rằng đây là một vị sứ giả của vũ trụ gửi tới để nuôi mình. Tự nhiên mình không còn bị cô lập hóa, mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vũ trụ để được nuôi dưỡng không phải chỉ bởi một miếng bánh mì mà còn bởi những nhiệm mầu của vũ trụ.

Trong truyền thống Cơ đốc giáo, khi thực tập bí tích thánh thể (Eucharistie), cầm miếng bánh lên người ta nói: “Đây là hình hài của chúa Jésus.” Tôi thấy sự thực tập “thấy hình hài của chúa Jésus trong miếng bánh mì“ còn khó hơn là thực tập “thấy được vũ trụ trong miếng bánh mì“. Cầm miếng bánh mì, mình rất rõ là tất cả vũ trụ đều có mặt trong đó, kể cả đám mây, mặt trời, ruộng đất, người làm ruộng. Trong đạo Bụt, thay vì nói “miếng bánh mì này là hình hài của chúa Ki Tô“, thì mình nói “miếng bánh mì này là hình hài của vũ trụ“. Ở đây không đòi hỏi một đức tin, đây là một sự thật. Tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vũ trụ thì mình có hạnh phúc.

Lượng bỉ lai xứ có nghĩa là thấy được thức ăn này từ đâu tới. Theo truyền thống, chúng ta nghĩ là thấy được từ đâu tới để phát khởi lòng biết ơn. Nhưng thật ra, phát khởi lòng biết ơn chỉ là một trong những tác dụng của sự quán chiếu. Còn một tác dụng khác nữa là hạnh phúc. Hạnh phúc rất quan trọng! Cầm miếng bánh mì, mình thấy hạnh phúc vì mình tiếp xúc được với mầu nhiệm của vũ trụ. Sự tiếp xúc giữa mình và miếng bánh mì đem lại sự nuôi dưỡng và niềm vui. Mình được ngồi đây với tăng thân và ăn miếng bánh mì này. Mình không còn bị cô lập hóa, mình tiếp xúc được với tăng thân và với vũ trụ qua miếng bánh mì.

Trong khi ăn mình không cần suy nghĩ, tại vì nhìn miếng bánh mì và thấy vũ trụ trong đó không phải là một sự suy nghĩ mà là một cái thấy. Niệm, định và tuệ không phải là sự suy nghĩ. Niệm là có mặt đó, định là chú ý và tuệ là thấy. Thiền tập là chấm dứt sự suy nghĩ để cho phép niệm, định và tuệ có mặt. Khi niệm, định và tuệ có mặt thì mình có niềm vui, hạnh phúc.

Khi cúng ngọ mình nói:

Nhược phạn thực thời

Đương nguyện chúng sanh

Thiền duyệt vi thực

Pháp hỷ sung mãn

Thiền duyệt vi thực có nghĩa là niềm vui của sư thực tập thiền địnhlà thức ăn hằng ngày của mọi người. Pháp hỷ sung mãn là niềm vui trong khi thực tập chánh pháp đầy tràn.

Trong khi ngồi ăn, nếu mình suy nghĩ tới chuyện này chuyện khác thì mình không có mặt đó cho tăng thân, mình không có mặt đó cho thực phẩm. Miếng bánh mì này là một mầu nhiệm tới từ vũ trụ mà mình không thèm để ý tới nó. Mình không biết là mình đang nhai miếng bánh mì. Mình đang tiếp xúc với vũ trụ mà mình chỉ nhai những lo lắng, buồn khổ và những tư tưởng của mình thôi thì rất là tội nghiệp. Mình đã phụ lòng, đã hững hờ, không biết trân quí. Vì vậy trong khi ăn mình phải để ý tới sự có mặt của tăng thân và các bạn tu, mình để ý tới miếng bánh mì như một tặng phẩm của đất trời. Như vậy mình đã ăn với lòng biết ơn. Không những ăn miếng bánh mì mà trong khi ăn hết bữa cơm mình cũng ăn như vậy. Bữa cơm đó sẽ đầy niềm vui của sự thực tập thiền định và đầy hạnh phúc của giáo pháp.

Chúng ta có thể thực tập thiền trong khi ăn, khi rửa bát, khi quét nhà. Người tu phải khéo léo, phải biết trân quí và phải biết chế tác cho mình hạnh phúc và niềm vui trong mỗi giây phút của đời sống hằng ngày.

Trong tiếng Việt chữ “ngon“ thường đi đôi với chữ “lành“ (ngon lành không?). Cái ngon phải đi với cái lành cho nên chúng ta phải làm thế nào để cái ngon có nghĩa là cái lành. “Ngon“ có nghĩa là ăn như thế nào để có sức khỏe và đừng tàn phá cơ thể và sinh môi.

Trong đời sống tu tập mình phải làm thế nào để buổi ngồi thiền của mình vừa ngon vừa lành. Mình tận hưởng mỗi giây phút của giờ ngồi thiền, làm cho buổi ngồi thiền có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. “Chúc anh có buổi ngồi thiền ngon lành!“ Trong khi ngồi thiền, mình thở, cơ thể buông thư và mình quán chiếu. Mình sử dụng hơi thở, thân và tâm ý để làm cho mỗi giây phút của buổi ngồi thiền được lành. Trong buổi ngồi thiền, nếu mình chưa hưởng được cái ngon lành đó là mình chưa biết ngồi thiền, mình phải học thêm tại vì ngồi thiền là một sự tiêu thụ giống như ăn cơm vậy. Nếu mình chưa thấy hạnh phúc lắm, chưa thấy nuôi dưỡng, chưa thấy ngon lành trong buổi ngồi thiền thì mình phải tham khảo với các sư anh, sư chị và các bạn đồng tu để có thể tận hưởng hạnh phúc của giây phút ngồi thiền.

Sống trong tu viện, mình có được quyền lợi tiêu thụ một bữa ngồi thiền sáng, một bữa ngồi thiền chiều. Đó là quyền lợi mà mình phải tận hưởng. Trong một bữa cơm, mình phải biết nghệ thuật tiêu thụ thì bữa cơm đó mới ngon lành và bổ dưỡng. Mình phải chuẩn bị buổi ngồi thiền để đừng bị uổng phí. Mình phải sử dụng hơi thở, thân và tâm cho khéo để giây phút của buổi thiền tọa trở nên ngon lành, nuôi dưỡng và phát khởi được niềm vui, hạnh phúc và tình thương.

Chúng ta ăn cơm không phải chỉ để cung cấp chất bổ dưỡng cho cơ thể mà thôi. Bữa ăn cơm, dù là ăn sáng hay ăn trưa, cũng phải ngon và lành. Chúng ta phải có hạnh phúc trong khi ăn sáng, trong khi ăn trưa. Tại Làng Mai chúng ta được dạy rất kỹ làm thế nào để có hạnh phúc, có nuôi dưỡng trong khi ăn, làm thế nào để bữa ăn vừa ngon vừa lành. Hôm chủ nhật đi khất thực tôi thấy trên bàn có hai chay tương ớt. Tương ớt có thể ngon nhưng không lành. Ngon thì phải lành, nếu chưa lành thì chưa ngon.

Trước khi ăn mình thực tập “năm quán“, ăn cơm là một sự thục tập để nuôi dưỡng thân và tâm của mình:

1. Thức ăn này là tặng phẩm của đất, trời, của muôn loài và công phu lao tác.

2. Xin nguyện ăn trong chánh niệm và với lòng biết ơn để xứng đáng thọ nhận thức ăn này.

3. Khi ăn, xin nhớ nhận diện và chuyển hóa những tâm hành xấu, nhất là tật ăn uống không có chừng mực.

4. Xin nguyện ăn như thế nào để giảm thiểu khổ đau của muôn loài, bảo hộ được trái đất và chấm dứt những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu bất thường.

5. Vì muốn xây dựng tăng thân, nuôi dưỡng tình huynh đệ và chí nguyện độ đời nên chúng con xin thọ nhận thức ăn này.

Chất liệu nuôi dưỡng không phải chỉ là thức ăn mà còn là sự có mặt của mình, của tăng thân, sự có mặt của chánh niệm. Chúng ta quán niệm ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi tức tự do, giải thoát. Trong khi ăn, nếu bị một trăm sợi giây ràng buộc (những lo lắng, buồn khổ, suy tư, dự tính) thì mình ăn không ngon. Khi ăn thì mình chỉ ăn thôi, mình buông bỏ những suy tư, lo lắng. Mình ăn cơm như thế nào để có sự thảnh thơi, có tình huynh đệ và có hạnh phúc trong khi ăn. Thức ăn nuôi dưỡng nhưng sự thảnh thơi, tình huynh đệ và niềm vui cũng nuôi dưỡng.

Trong cửa thiền chúng ta nói: Thiền tập có công năng nuôi dưỡng. Thiền duyệt vi thực tức niềm vui của sự thực tập thiền là thức ăn hàng ngày. Vì vậy ăn cơm là ăn mà ngồi thiền cũng là ăn. Trước bữa cơm nào chúng ta cũng đọc “ngũ quán“, ta cũng được nhắc ăn cơm như thế nào để được thảnh thơi. Khi ngồi, lưng của chúng ta có thẳng, có buông thư, có thảnh thơi không hay là ta co rúm lại, bị giam hãm trong thế giới của lo lắng, của buồn khổ riêng mình. Ta không thật sự có mặt với tăng thân, không đóng góp được cho tăng thân sự có mặt tươi mát của mình.

Ăn cơm là một phép thực tập ngồi cho thảnh thơi, ngồi cho có tươi mát, có niềm vui. Sự thảnh thơi, sự có mặt đích thực của mình, nụ cười của mình góp phần tạo ra tình huynh đệ mà tình huynh đệ thì có tính nuôi dưỡng rất lớn. Mình ăn cơm như thế nào để có thảnh thơi, có hạnh phúc và có tình huynh đệ. Chúng ta người nào cũng phải cố gắng chế tác được ba chất liệu đó.

Khi đồng hồ đánh nhạc mỗi mười lăm phút thì tất cả mọi người ngừng ăn, lắng tai nghe. Tự nhiên một năng lượng chánh niệm tập thể được chế tác ra trong giấy phút đó. Chúng ta thấy rõ ràng là mình đang có mặt với tăng thân. Mình thấy mình đang có mặt đó, mình đang hiến tặng sự có mặt của mình cho tăng thân và tăng thân cũng đang có mặt đó cho mình. Đó là một sự thức tỉnh, sự thức tỉnh do đồng hồ gợi lên. Đồng hồ là một trợ duyên giúp tạo ra cái gọi là như lý tác ý. Như lý tác ý khiến ta phát khởi được tuệ giác “mình đang có mặt và tăng thân đang có mặt cho mình, mình đang được ngồi ăn với tăng thân như một gia đình tâm linh“. Chuyện này rất hiếm, rất ít có được. Chỉ có mấy nốt nhạc mà tạo ra được không khí đó.

Nếu trong khi ăn mà mình bị tư duy xâm chiếm, mình đánh mất ý thức là mình đang có mặt, tăng thân đang có mặt và đây là một giây phút hạnh phúc thì đã có tiếng đồng hồ nhắc mình. Xóm Hạ, xóm Mới, xóm Thượng đều có đồng hồ trong thực đường rất hay. Tiếng nhạc đồng hồ có một ý nghĩa rất đặc biệt đối với mình. Nhà nào cũng có đồng hồ, nhưng khi đồng hồ đánh nhạc thì người ta không làm được như chúng ta, tại vì chúng ta cho âm thanh của đồng hồ một ý nghĩa cũng như ta cho tiếng chuông một ý nghĩa. Khi nghe tiếng chuông nhấp thì chúng ta ngưng nói năng, suy nghĩ và bắt đầu thở vào, thở ra rất ngon ba lần. Ba tiếng chuông cung cấp cho ta cơ hội thở vào, thở ra chín lần rất ngon.  Cái ngon không phải chỉ do mình tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc trong giây phút hiện tại mà còn do mình tiếp xúc được với sự thật là mình đang có đó và tăng thân đang có đó với mình. Nghe chuông mình chế tác được một năng lượng tập thể của chánh niệm có tính cách nuôi dưỡng rất quí giá, rất hiếm, không thể tìm có được ngoài siêu thị.

Trong một khóa tu bên Đức cho thiền sinh Đức, có bốn năm thiếu phụ và các em bé nhỏ xíu ngồi ở hàng đầu. Các bà phải cho các em vào pháp đường và các em không khóc nên tôi có thể nói pháp thoại. Tôi thấy có hai ba bà mẹ đang cho con bú. Tôi không biết nhà thờ có cho phép không, nhưng trong thiền đường của chúng ta bên Đức cho phép làm như vậy. Tôi thấy rất rõ mỗi khi tiếng chuông vọng lên và gần một ngàn người thở thì năng lượng rất hùng hậu, rất nhiệm mầu. Đó là một thức ăn rất tốt. Mấy em bé chưa biết tiếng chuông, chưa biết chánh niệm là gì, chưa hiểu được tiếng người, nhưng nó cũng cảm được năng lượng đó. Vì vậy các em bé vừa được nuôi bằng sữa mẹ vừa được nuôi bằng năng lượng hòa bình, an lạc, chánh niệm được chế tác một cách tập thể trong pháp đường. Đó là thức ăn rất quí không thể tìm được ngoài chợ.

Mình có bao nhiêu cơ hội trong khi ngồi thiền, trong khi ăn cơm. Mình có cả một tăng thân nên mình chế tác được năng lượng tập thể. Năng lượng đó quí hơn vàng, nó bảo hộ, trị liệu cho mình. Nếu những người bệnh tới mà biết mở lòng ra để năng lượng tập thể đó đi vào trong cơ thể, trong trái tim thì sẽ họ sẽ được trị lành rất mau. Trong bữa cơm chúng ta phải sắp đặt, hành trì như thế nào để bữa cơm trở thành một buổi thực tập có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu. Đứng về phương diện vật chất mình làm cho bữa cơm được ngon lành và đứng về phương diện tinh thần mình ăn cơm như vậy thì mới đáng. Chúng ta có những người rất giỏi về phương diện tổ chức. Chúng ta cần những người như vậy để tổ chức những buổi ngồi thiền và những bữa ăn cơm rất ngon, rất lành và rất trị liệu.

(thiền sư Nhất Hạnh)