Thiền đi

Tôi thấy tôi trong em
Đang bước đi những bước chân ý thức
Trên con đường đất
Hai bờ cỏ xanh
Chân nói lời nguyện ước với đất
Mắt ôm lấy bình minh
An trú trong giờ phút
Lá thu rơi, ngập cả nẻo thiền hành.

(An tịnh tâm hành, thơ: Nhất Hạnh)

Trở về tiếp xúc với cội nguồn

Thiền hành (walking meditation) là một phép thực tập rất dễ chịu, nhất là vào lúc ban mai, khi không khí rất là trong lành. Trong khi đi thiền chúng ta phải hợp nhất thân và tâm và phối hợp hơi thở với bước chân. Thở vào ta có thể bước hai, ba hay bốn bước; thở ra ta có thể bước nhiều bước hơn. Ví dụ thở vào ta bước hai bước thì thở ra ta bước ba bước, nếu thở vào ta bước ba bước thì thở ra ta nên bước năm bước, nếu thở vào ta bước bốn bước thì thở ra ta có thể bước sáu bước, thở vào ta bước năm bước thì thở ra ta bước tám bước.

Chúng ta có thể đặt ra những câu thiền ngữ dùng để đi thiền hành. Ví dụ như thở vào đi hai bước ta nói: Đã về, đã tới. Thở ra đi ba bước ta nói: Con đã về, con đã tới. Mình thật sự về, thật sự tới, mình không rong ruổi nữa và mình thích thú với giây phút hiện tại “đã về đã tới“.

Pháp môn Làng Mai rất đơn giản, bài thuyết pháp sâu và ngắn nhất của Làng Mai là: Đã về đã tới, đem thân tâm trở về hiện tại, tiếp xúc với những mầu nhiệm của giây phút hiện tại, những mầu nhiệm đang có trong mình và chung quanh mình để được nuôi dưỡng và trị liệu. Mình thấy thoải mái, an ổn, mãn ý với giây phút hiện tại. Mình không còn muốn chạy đi tìm gì khác nữa. Người nào trong khi ngồi hay khi đi mà thấy thích thú, mãn ý với giây phút hiện tại là người đó thành công. Mình không còn đi tìm gì nữa (no more longing).

Thở vào, đi ba bước ta; thở ra, ta đi năm bước: Con đã về, con đã về thật sự hoặc mỗi bước chân, con đi vào Tịnh độ hoặc là mỗi bước chân, con trở lại suối nguồn. Khi ngồi chúng ta cũng có thể nói: Mỗi hơi thở, con đi vào Tịnh độ hay là mỗi hơi thở, con trở lại suối nguồn. Chúng ta đặt ra những câu thiền ngữ mình thích, khi mình dùng câu này, lúc mình dùng câu kia.

Thở vào đi bốn bước, thở ra đi sáu bước ta nói: Đã về đã tới, con đã về con đã tới.

Có những con đường thiền hành rất đẹp, một con đường đất, hai bờ cỏ xanh và màu đất hồng tươi. Ngày xưa tôi làm một bài thơ tựa là “Cẩn trọng”:

Qua ngõ vắng

Lá rụng đầy

Tôi theo con đường nhỏ

Lá hồng như môi son bé thơ

Bng nhiên tôi cẩn trọng

Từng bước chân đi

Thấy được vẻ đẹp, thấy được sự mầu nhiệm đó, tự nhiên mình tỉnh dậy, mình thấy mình đang sống trong một thế giới hết sức mầu nhiệm mà nếu tâm bị vướng bận bởi những lo lắng, sầu khổ thì mình sẽ không thể thấy được. Khi tỉnh dậy, mình thấy rất quý mỗi giây mà cuộc đời đã cho mình sống. Tôi trân quý từng bước chân đi và trong mỗi bước chân tôi đều có hạnh phúc.

Vì trái đất có hấp dẫn lực (gravity) nên bước chân nào mình cũng phải đi chấm đất, nếu không mình sẽ bay lơ lửng trên không. Đó là một trong bốn lực (four interaction activities) của trái đất. Lực hấp dẫn làm cho bước chân của mình dính vào mặt đất. Với mỗi bước mình dính và tiếp xúc với Đất Mẹ tức là mình tiếp xúc được với cội nguồn của mình.

Trong khi đi thiền hành mình có thể đi cho cha, cho mẹ. Hai chân này là của mình nhưng cũng là hai chân của cha. Ngày xưa có thể cha mình bận rộn, ông không có thì giờ đi thiền hành, ông chưa bao giờ được nếm những bước chân thảnh thơi, có niệm, định và tuệ.

Tuệ là một cái gì dễ đạt tới. Ý thức được mình đang còn sống, chân mình đang còn khỏe, mắt mình đang còn sáng và mình đang được bước đi trên con đường đầy lá mùa thu, đó là một hạnh phúc rất lớn. Hôm trước đi với thị giả Pháp Biểu, tôi nói: “Này con, trên mặt trăng làm gì có được một lá sồi. Ở đây mình đang được đạp lên bao nhiêu là lá sồi, sướng thật!” Đó là tuệ, tuệ đưa tới hạnh phúc. Niệm luôn luôn đưa tới tuệ và hạnh phúc. Ngày xưa ba có quá nhiều công việc, ba không có cơ hội bước được những bước chân như mình, ba không giẫm được lên lá sồi như mình đang giẫm với hạnh phúc rất lớn. Mình đi cho ba, cho má.

Mẹ đi với con, mẹ giẫm lên lá sồi với con

Ba đi với con, ba giẫm lên lá sồi với con

Ba leo núi Pyrénées với con

Mẹ đi trên bờ sông Seine với con

Trong khi đi trái tim mình đầy ắp sự yêu thương. Mình đi cho Bụt, đi cho thầy, đi cho đất nước, cho dòng họ, cho những người đã chết, cho những người chưa bao giờ được đi.

Thực tập thiền đi một trăm phần trăm

Chúng ta cũng biết rằng nếu ta thực tập được 100% thì rất dễ, còn nếu ta chỉ thực tập nửa vời thì sẽ không thành công. Thực tập được thành công thiền đi thì chúng ta sẽ thực tập được thành công trong những pháp môn khác.

Chúng ta đã quyết định phải thực tập thiền đi 100%, nghĩa là mỗi bước chân phải đi trong chánh niệm. Muốn có chánh niệm chúng ta phải ngưng sự suy nghĩ, bởi tư duy làm chúng ta bay bổng lên không trung, hay kéo ta đi về quá khứ hoặc hướng tới tương lai. Tư duy tuy đôi khi cũng hay nhưng thường thì không có lợi. Nó kéo ta đi về hướng thất niệm, làm tâm trí ta bị phân tán và suy nghĩ lung tung. Cách hay nhất để làm ngưng lại sự suy nghĩ là cột tâm vào hơi thở, dùng hơi thở làm đối tượng duy nhất của tâm, gọi là tâm nhất điểm. Tâm nhất điểm là định. Tâm ta chỉ để ý tới hơi thở và ta phối hợp hơi thở với bước chân. Hơi thở vào kết hợp với một, hai hay ba bước chân, hơi thở ra kết hợp với một, hai, ba hay bốn bước. Khi ta cột sự chú tâm vào hơi thở và bước chân thì tự nhiên tư duy ta sẽ ngưng lại. Tùy theo ý ta muốn mà ta có thể an trú trong trạng thái “không tư duy” đó trong thời gian mười, mười lăm hay hai mươi phút hay hơn nữa.

Mỗi khi đi ta không nói chuyện cũng không suy nghĩ. Không nói chuyện trong khi đi là điều chúng ta đã thực tập mấy chục năm nay, vì nếu nói chuyện trong khi đi thì ta không thể để tâm vào bước chân và hơi thở. Và nếu suy nghĩ thì ta cũng không có cơ hội để chú tâm vào bước chân và hơi thở. Sự suy nghĩ đã mang chúng ta ra khỏi giây phút hiện tại. Không phải trước đây chúng ta không thực tập “không suy nghĩ trong khi đi”, Nói thẳng ra là: Khi đi thiền hành thì thầy không được suy nghĩ, sư chú không được suy nghĩ.

Phái thiền Tào Động (Soto Zen) nói rằng: Bí quyết của thiền là không suy nghĩ (phi tư lương). Phi tư lương là không suy nghĩ. Không phải thiền cấm ta tư duy, nhưng phần lớn các tư duy của ta không phải là chánh tư duy mà chỉ là những tư duy vòng quanh không đưa ta đi tới đâu. Nếu là chánh tư duy thì không sao, nhưng nếu không phải chánh tư duy thì ta bị kéo theo dòng tư tưởng và ta không để tâm được vào hơi thở và bước chân. Vì vậy nhắc nhau đừng suy nghĩ trong khi đi là một việc rất quan trọng. Trong khi đi ta để ý tới bước chân và hơi thở để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống trong hình hài ta và chung quanh ta để được nuôi dưỡng và trị liệu.

Mỗi bước chân là nuôi dưỡng

Mỗi bước chân là trị liệu

Mỗi bước chân là phép lạ

Mỗi bước chân là thảnh thơi

Chữ phép lạ (thần thông) là do tổ Lâm Tế đặt ra, Ngài nói bước đi có chánh niệm trên hành tinh này đã là một phép thần thông. Ta biết mình đang còn sống, hai chân mình vẫn còn khỏe và đang đi những bước thanh thản trên hành tinh này là đang thực hiện một phép thần thông. Đó là địa hành thần thông (the miracle is to walk on earth). Thảnh thơi là giải thoát, không bị ràng buộc. Nếu bước chân có nuôi dưỡng, có trị liệu, có phép lạ, có thảnh thơi thì bước chân ấy đem lại rất nhiều hạnh phúc. Nhìn một người đang đi ở xóm Thượng, xóm Hạ hay ở xóm Mới ta biết người đó có hạnh phúc hay không. Không cần phải chứng đạo, là một người thường ta cũng có thể thấy người đó có để ý tới bước chân, hơi thở và người đó có an lạc, thích thú khi bước đi hay không. Ta có thể nhận ra rất dễ dàng. Trong khuôn viên của chùa, một người đi có chánh niệm, thảnh thơi, an lạc là một tiếng chuông nhắc nhở ta phải thực tập đi như vậy. Sự có mặt của một người biết cách đi và đi trong hạnh phúc rất có lợi cho tăng thân. Ta đi như một người giải thoát, một vị Bụt, một vị Bồ tát.

Ta phải đi có chánh niệm, ta phải có hạnh phúc trong từng bước chân thì ta mới có thể đóng góp phẩm chất an lạc và hạnh phúc của ta cho tăng thân. Thấy người kia đi hấp tấp, không có chánh niệm, đó cũng là một tiếng chuông chánh niệm cho mình. Nếu ta đi đúng và những người khác cũng đi đúng thì người kia sẽ thay đổi cách đi trong một vài ngày. Người kia sẽ đi lại một cách có chánh niệm và có hạnh phúc. Có thể hôm mới tới cô ta không đi được như thế, ngày thứ hai cô cũng chưa đi được. Nhưng thấy các thầy, các sư cô, các đạo hữu khác đi thảnh thơi như vậy thì cô giật mình: Mình tới đây chính là để thực tập những bước chân an lạc, hạnh phúc như thế. Cô ấy thay đổi được là nhờ ta đã thay đổi trước. Khi thực tập thiền đi như một tăng thân, người nào cũng có được an lạc, hạnh phúc thì chúng ta tạo ra được một năng lượng tập thể, năng lượng của niệm, định và tuệ, năng lượng của an và lạc. Năng lượng tập thể đó nuôi dưỡng tất cả mọi người trong tăng thân. Khi 500 người hay 1000 người cùng đi như vậy thì năng lượng của niệm, của định, của lạc và an rất hùng hậu. Năng lượng đó nuôi dưỡng và chữa trị được cho rất nhiều người.

Vậy trong khi đi ta hãy ngưng suy nghĩ và nói năng để có thể chú tâm vào hơi thở và bước chân. Ta phối hợp hơi thở và bước chân, đi như thế nào để mỗi bước chân mang lại sự nuôi dưỡng, nuôi dưỡng bởi những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta như khí trời, cây cỏ, v.v… Khi được nuôi dưỡng thì ta cũng được trị liệu. Sự trị liệu xảy ra khi ta biết buông thư, ta để cho những mầu nhiệm của sự sống thấm vào trong cơ thể và trong tâm hồn của ta. Có những người chỉ đi thiền hành mà trị được bệnh của họ. Mỗi bước chân giúp ta tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống để ta có thể trị liệu, nuôi dưỡng và chế tác được hỷ và lạc. Đó là phương pháp đi của Làng Mai. Đi được như thế ở Làng Mai thì khi trở về thành phố ta cũng đi được như vậy. Ta mang Làng Mai theo bất cứ nơi nào ta tới. 

Trong thiền phái Tào Động có câu: Tư duy cái mà ta không tư duy được thì làm sao mà tư duy? Tư lương cá bất tư lương để, bất tư lương để như hà tư lương? Phi tư lương thị thiền chi yếu dã. How can you conceive of something that cannot be conceived? Not thinking, not conceiving is the secret of meditation. Tư là tư duy, tư lương (hay tư lượng) là đo lường. Thực tại không thể nắm được bằng tư duy. Trong khi đi chúng ta phải thực tập phi tư lương 非 思 量. Ta cột tâm vào hơi thở, vào bước chân. Đó là niệm và định. Niệm là nhớ hơi thở, nhớ bước chân. Định là ở với hơi thở, ở với bước chân. Có niệm và định thì ta có được tuệ giác là ta đang còn sống, ta đang đi trên đất Mẹ mầu nhiệm. Mỗi bước chân có thể có hỷ, có lạc và tự do, đó là thảnh thơi. Chữ thảnh thơi (moksa, vimukti) có nghĩa là tự do (freedom), là không bị ràng buộc, lôi kéo hay đè ép. Có thảnh thơi thì ta mới có hạnh phúc.

Chúng ta hãy nên có mặt một trăm phần trăm trong từng bước đi của mình, để hết tâm ý trong phút giây hiện tại, khi đi thì không nói chuyện và dừng suy nghĩ. Nếu cần trao đổi hoặc lắng nghe thì nên tập dừng lại. Thực tập được như vậy, chúng ta sẽ đem lại rất nhiều hạnh phúc cho mình và cho đại chúng. Chúng ta đang thực tập địa hành thần thông.

(Thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh)