(Giây neo, thơ: Nhất Hạnh)Cành lá thì thào
Rồi cành lá lặng yên
Thuyền tôi cập bến trăng sao
Hơi thở là dây neo
Tôi duy trì vũ trụ
Ngồi giữa gió xuân
“Ngồi giữa gió xuân“ (Tọa xuân phong) có nghĩa là ngồi như thế nào để chúng ta cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, thảnh thơi. Mỗi khi vào thiền đường ngồi xuống là mình có thể ngồi giữa gió xuân, ngồi xuống trên bãi cỏ cũng là ngồi giữa gió xuân. Ngồi chỉ để mà ngồi thôi.
Tôi nhớ hồi tôi còn là sa di, tôi được làm thị giả đi tới chùa Hải Đức. Tới chùa tôi thấy một vị thiền sư đang ngồi trên bộ ván gõ. Ngày xưa trong chùa không có bàn ghế mà chỉ có những bộ ván. Bộ ván được làm bằng năm tấm gỗ kê lại, rất láng và rất sạch. Trên bộ ván đặt một cái bàn nhỏ thấp có bốn chân cong. Trên bàn có một cuốn kinh, một bình trà hay một bình hoa. Tôi thấy hòa thượng đang ngồi rất đẹp, rất thẳng trên sập gỗ. Tôi rất ấn tượng và hình ảnh đó vẫn còn sống mãi cho đến bây giờ. Hòa thượng ngồi rất thẳng, mềm và tự nhiên. Thấy hình ảnh đó bỗng nhiên trong trái tim của chú sa di phát sinh ra một ý nguyện: Mình phải làm sao để ngồi được như vậy. Ngồi như vậy là hạnh phúc rồi, mình không cần phải làm, không cần phải nói gì hết. Hồi còn nhỏ, thấy được hình vẽ Bụt đang ngồi trên cỏ, tôi đã ấn tượng rồi. Bụt ngồi thảnh thơi, an nhiên, buông thư, nét mặt rất hiền. Bây giờ thấy một người thật, bằng da bằng thịt cũng ngồi như vậy, tôi còn ấn tượng hơn nữa. Nếu được hỏi, ngồi như vậy để làm gì, có lẽ hòa thượng sẽ trả lời: Không để làm gì cả, ngồi chỉ để mà ngồi thôi.
Cũng giống như khi thấy một em bé đang ăn chocolat, chúng ta hỏi: Em ăn chocolat để làm gì? Em bé sẽ trả lời: Em ăn chỉ để ăn thôi. Chúng ta đi dạo, đứng trên đồi một mình, có người tới hỏi: Sư cô đứng trên đồi làm gì? Sư cô sẽ trả lời: Tôi đâu có làm gì đâu. Đứng trên đồi đã là hạnh phúc rồi, cần gì phải làm gì nữa? Cũng như thấy một thầy đang đi thiền hành chầm chậm, mình hỏi: Bạch thầy, thầy đi thiền hành để làm gì? Sự thực tập của chúng ta là: đi để mà đi, ngồi để mà ngồi, đứng để mà đứng thôi. Mình có hạnh phúc ngay trong lúc đó, mình không cần phải biết đi để làm gì, ngồi để làm gì, đứng để làm gì. Khi ngồi thiền, mình đừng nghĩ mình ngồi thiền để để thành Phật. Không cần phải thành Phật, mình chỉ cần ngồi đó thôi, ngồi như thế nào để có hạnh phúc, để thật sự có mặt. Mình ngồi với ý thức soi chiếu là mình đang có mặt đó. Thế giới mầu nhiệm đang có mặt trong mình và chung quanh mình. Ngồi như vậy là ý thức, là chánh niệm. Chúng ta ngồi đây và ý thức được trên đầu mình có biết bao là ngôi sao, có cả một dòng sông sao đang vận chuyển gọi là tinh hà. Mình đang ngồi trên hành tinh rất xinh đẹp, hành tinh đó đang vận chuyển trong dải ngân hà (milky way). Mình còn đòi hỏi gì nữa? Mình thấy rõ sự mầu nhiệm của vũ trụ, của hành tinh xanh gọi là trái đất. Ngồi như vậy là ngồi có ý thức. Mình ôm lấy cả thời gian từ quá khứ cho tới tương lai, mình ôm lấy cả không gian. Ngồi như vậy mình có hạnh phúc rất lớn
Khi chúng ta tới Làng Mai, có người hỏi: Bác tới Làng Mai để làm gì? Chúng ta có thể trả lời: Tôi tới Làng Mai không để làm gì cả. Sự có mặt của mình ở Làng Mai là hạnh phúc rồi, đi mình cũng hạnh phúc, ngồi mình cũng hạnh phúc, ăn cơm mình cũng hạnh phúc, quét nhà mình cũng hạnh phúc. Chúng ta ngồi cho yên, cho có mặt thực sự tại đó. Ta ngồi để tiếp xúc được với tất cả mầu nhiệm của vũ trụ, của sự sống trong giây phút hiện tại. “Con ngồi đây, con không có mục đích gì hết. Con không cần thành Phật, con không cần giải thoát, con ngồi đây có hạnh phúc là được rồi.“
Trong khi ngồi mà ta lao tác mệt nhọc, ta gồng để thành Phật, để giác ngộ thì rất là mệt. Trong truyền thống Tào Động Tông có nói: Chỉ quản đả tọa, tiếng Nhật là Shikantaza, có nghĩa là chỉ cần ngồi đó thôi, ngồi có an, có lạc và tiếp xúc với những nhiệm mầu của vũ trụ.
Ngồi như một con người tự do
Khi ngồi thiền quí vị thử ngồi như thế này, ngồi chỉ để mà ngồi, không phải làm gì khác trong đó có chuyện giác ngộ thành Phật. Chúng ta không cần giác ngộ thành Phật, chúng ta chỉ ngồi đó, nhưng ngồi như thế nào để có tự do, để có mặt thật sự, không bị quá khứ và tương lai lôi kéo, không bị phiền não, ganh tị, giận hờn lôi kéo. Chúng ta ngồi như một con người tự do.
Tôi có một sư cô học trò, ngày xưa sư cô bị bắt bỏ tù. Trong tù, sau khi tắt đèn thì sư cô ngồi thiền. Sư cô theo học với tôi từ hồi còn trung học, sau đó qua Mỹ du học và tốt nghiệp về Anh ngữ. Sư cô về Việt Nam xuất gia, trong thời kỳ tranh đấu cho hòa bình thì sư cô bị bắt ở tù. Ban ngày, nếu mình ngồi thiền thì những người cai tù không thích tại vì họ thấy mình ngồi bất động trong phòng giam như vậy có vẻ như thách thức họ. Sư cô đợi tới khi tắt đèn mới ngồi thiền, ngồi như một con người tự do. Về phương diện hình thức thì đang bị tù đày, nhưng trong nội dung sư cô có thể ngồi tự do. Như vậy những chấn song và những cánh cửa không còn nữa. Mình ngồi tiếp xúc với vũ trụ, với những mầu nhiệm một cách thanh thản. Mình còn có tự do hơn cả những người đang giam hãm mình. Những người cai tù, những người cảnh sát bắt giam mình, nhưng chưa chắc họ đã có tự do bằng mình. Và sư cô đi thiền hành trong phòng dù căn phòng rất nhỏ, chỉ đi độ bảy tám bước là phải xoay trở lại. Ngồi và đi như vậy làm cho sư cô có thể có không gian trong lòng. Sư cô đã dạy cho những người cùng bị nhốt trong phòng về cách ngồi, thở và đi để cho họ bớt khổ. Trong hoàn cảnh đó, sư cô cũng đã làm được công việc của một vị giáo thọ. Đó là sư cô Trí Hải.
Ở đây chúng ta có một thiền đường quá đẹp mà ta không ngồi được cho có hạnh phúc thì quá uổng. Thiền đường Trăng Rằm rất đẹp, thiền đường Nước Tĩnh ở xóm Thượng cũng rất đẹp, thiền đường Cam Lộ Xóm Hạ cũng rất đẹp và thiền đường Thánh Mẫu Maya của Sơn Hạ cũng đẹp. Thiền đường làm ra để cho mình ngồi. Mình ngồi để làm gì? Không để làm gì hết, ngồi là mục đích cuối cùng (ultimate aim). Ngồi giữa gió xuân, chúng ta phải ngồi như thế nào để trong khi ngồi ta có hạnh phúc, ta phải ngồi như một con người tự do. Ta phải buông bỏ hết, ta đừng đi tìm gì nữa, ta đã có đủ hạnh phúc rồi. Pháp môn của Làng Mai là đã về đã tới. Đã về đã tới với giây phút hiện tại rồi thì tất cả đều có đó.
Trong khi ngồi mình có hơi thở và hình hài của mình, mình đem tâm trở về với thân. Thân và tâm là hai khía cạnh của một thực tại, lấy tâm ra khỏi thân thì thân chết và lấy thân ra khỏi tâm thì tâm cũng chết. Sắc thân và danh thân ở cùng với nhau, lấy danh ra thì sắc không còn, lấy sắc ra thì danh cũng không còn. Thân và tâm là hai mặt của một thực tại, chúng ta đừng nghĩ rằng cái này có được mà không có cái kia. Khi ngồi chúng ta phải để cho thân có tâm và tâm có thân, cũng như phần mềm (software) và phần cứng (hardware) của máy tính. Phần mềm mà không có phần cứng thì không biểu hiện được. Chúng ta sử dụng hơi thở, đem thân với tâm hợp nhất lại, ta buông bỏ hết và có tự do để tiếp xúc với những nhiệm mầu của vũ trụ, tiếp xúc với dòng ngân hà mầu nhiệm đang vận chuyển.
Trong tôi có một ngọn hùng phong đỉnh vươn cao trời mây khói
Trong tôi có một tinh hà chuyển vận âm thầm muôn triệu tinh cầu sáng chói
Uyên nguyên (thơ Nhất hạnh)
Ngồi là một hạnh phúc
Ngồi như vậy là đang làm phép lạ, là đang ôm lấy thời gian vô cùng và không gian vô biên. Dù có 15, 30 hay 45 phút, chúng ta cũng phải thưởng thức từng giây từng phút. Trên đời có bao nhiêu người được ngồi như vậy, buổi sáng được ngồi, buổi tối được ngồi. Ngoài ra còn có nhiều giờ khắc cũng được ngồi như vậy như ngồi ăn cơm, ngồi nghe pháp thoại. Ngồi là một hạnh phúc (lạc tọa):
An khi thở, lạc khi ngồi
An là thở, lạc là ngồi
Ngồi là một nghệ thuật. Trên xóm Thượng có một cái thất tên là “Thất ngồi yên”, ngồi yên là một hạnh phúc rất lớn.
Một hôm có mấy trăm thầy tới thăm Bụt. Các thầy tới lúc chín giờ tối và Bụt cho vào ngồi chung với Bụt. Ngồi chung với Bụt là một hạnh phúc tại vì ngày xưa các thầy phải đi bộ cả tháng mới tới chỗ Bụt ở, và khi tới nơi thì chưa chắc đã có Bụt ở đó. Gặp được Bụt và thầy trò ngồi chung với nhau là rất hạnh phúc. Hôm đó có mấy trăm thầy tới từ xa và may mắn được thầy Xá Lợi Phất sắp đặt cho vào ngồi chung với Bụt, thầy trò ngồi yên từ 9 giờ tối tới 12 giờ khuya. Thầy A Nan nhè nhẹ tới nói với Bụt:
- Bạch Đức Thế Tôn, 12 giờ khuya rồi, Ngài có muốn dạy điều gì cho các thầy không?
Bụt ngồi không nói gì cả. Tới 2 giờ khuya, thầy A Nan đứng dậy bước tới nói nhỏ bên tai Bụt:
- Bạch thầy, đã 2 giờ khuya rồi, Ngài muốn dạy gì thì dạy đi.
Bụt ngồi yên. Thầy A Nan trở lui ngồi xuống. Tới 5 giờ sáng, thầy A Nan đứng dậy, đi nhẹ từng bước tới nói:
- Bạch Đức Thế Tôn đã 5 giờ sáng rồi. Ngài có muốn dạy gì thì Ngài dạy.
Lúc đó Bụt nhìn thầy A Nan hỏi:
- Thầy A Nan, thầy muốn tôi nói gì nữa? Thầy trò ngồi với nhau như vậy chưa đủ hạnh phúc sao?
Đây là một câu chuyện rất hay! Ngồi như ngồi giữa gió xuân, thầy trò ngồi với nhau là hạnh phúc rồi. Nhưng chúng ta phải biết ngồi, phải có khả năng có hạnh phúc trong khi ngồi. Có khả năng ngồi thì mình ngồi ở đâu cũng được, ngồi ở thiền đường hay ở nhà ga hay ở bờ sông hay ngồi trong tù cũng được. Nếu mọi người trên thế giới có khả năng ngồi như vậy thì thế giới sẽ có nhiều an lạc, hòa bình. Trong khi ngồi mình phải thật sự có mặt trong giây phút hiện tại, phải thật sự đã về đã tới. Mình ngồi đó và không có ý tưởng, không có mơ ước, tính toán nào có thể kéo mình theo được.
Nhiều người muốn ngồi thiền nhưng không biết trong khi ngồi thiền thì mình làm gì? Trong khóa tu cho các thầy, các sư cô Làng Mai ở Pak Chong tôi có trả lời câu hỏi “trong khi ngồi thiền thì mình phải làm gì?”. Mình làm việc rất cụ thể chứ không ngồi suy nghĩ vớ vẩn những chuyện siêu hình.
Ngồi thiền là để thực sự tiếp xúc
Một buổi ngồi thiền có thể rất linh động. Trong buổi ngồi thiền mình có thể nói chuyện với mẹ, với cha hay với một người thương. Mình quán chiếu và tiếp xúc. Ngồi thiền không phải là để cắt đứt và ngăn cách mình với thế giới, với thực tại. Ngồi thiền là trở về để thực sự tiếp xúc. Khi ngồi tĩnh lặng, thân và tâm hợp nhất, mình quán chiếu để tiếp xúc với thế gian, với thực tại.
Trong đời sống hằng ngày, nếu không có chánh niệm thì tuy là có tiếp xúc nhưng mình không thực sự tiếp xúc. Chúng ta nói chuyện nhưng không thực sự tiếp xúc. Chúng ta tương tác với người kia nhưng không thực sự tiếp xúc. Chính trong khi ngồi một mình ta mới tiếp xúc sâu sắc hơn. Muốn tiếp xúc với thế gian trước hết mình phải tiếp xúc bằng thân của mình. Chỉ khi nào trở về với bản thân và tiếp xúc sâu sắc với bản thân thì tự nhiên mình có thể tiếp xúc với thế gian. Cái hiểu phát sinh từ cái hiểu về chính mình, về những khổ đau của chính mình. Khổ đau của thế gian có liên hệ tới khổ đau của mình. Nếu tiếp xúc được với khổ đau của chính mình thì mình có thể hiểu được khổ đau của thế gian, của cha mẹ. Nếu tiếp xúc với hạnh phúc của chính mình thì mình có thể hiểu được hạnh phúc của thế gian, của cha mẹ. Đó là nguyên tắc của sự thực tập.
(thiền sư Trừng Quang Nhất Hạnh)