Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
(Kệ thỉnh chuông: Thiền sư Nhất Hạnh)
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
Chuông đại hồng
Ở chùa chúng ta có nhiều thứ chuông, chuông lớn nhất gọi là chuông đại hồng. Theo truyền thống thì buổi sáng và buổi tối đều có thỉnh chuông đại hồng. Ở chùa Tổ vào buổi sáng, tiếng chuông đại hồng sát nhau hơn, giữa tiếng chuông này và tiếng chuông kia không xa cách lắm. Vào buổi tối thì tiếng chuông xa cách hơn, một tiếng chuông ngân hết rồi mời thỉnh tiếng chuông khác. Buổi sáng có năng lượng nhiều nên tiếng chuông dồn dập hơn. Buổi tối năng lượng lắng dịu lại nên khoảng cách giữa hai tiếng chuông xa hơn. Giữa hai tiếng chuông có những bài kệ mình phải học thuộc lòng.
Trong truyền thống, người ta nghĩ tiếng chuông đại hồng buổi tối vọng về thế giới tối tăm nhiều hơn, giống như thông điệp gửi tới những nơi, những chỗ có nhiều đau khổ như địa ngục. Buổi sáng thức dậy mình báo hiệu cho mọi người đây là một ngày mới, chúng ta nên tinh tiến tu tập nên tiếng chuông có vẻ có năng lượng tốt đẹp nhiều hơn. Mình có một bài kệ 54 câu dùng cho 54 tiếng chuông, dùng hai lần cho 108 tiếng chuông.
Chuông gia trì
Chuông gia trì có hình dáng một cái tô, cái chén. Gia trì có nghĩa là yểm trợ. Gia 加 là thêm vào, trì 持 là nắm cho vững, hành trì, thực tập. Tiếng chuông gia trì giúp cho mình thở để thực tập. Tại Làng Mai, mỗi lần nghe tiếng chuông thì mình có cơ hội thở vào ba hơi, thở ra ba hơi thật thoải mái. Trong khi thở mình chế tác được năng lượng tập thể rất nuôi dưỡng, rất hùng hậu. Gia trì là yểm trợ, là thêm năng lượng để có thể hành trì. Gia trì nước tịnh là nước cam lộ, mình có những câu thần chú làm cho nước có khả năng gột rửa những khổ đau.
Tôi đã dạy là mình phải thỉnh như thế nào để tiếng chuông đi lên một cách trong trẻo, không bị ấm ức. Trong chúng có người chưa biết thỉnh chuông gia trì nên tiếng chuông vẫn còn ấm ức. Trước khi thỉnh mình phải lắng lòng. Mình phải thở trước ít nhất là một hơi thở vào và một hơi thở ra để có sự thanh tịnh rồi mình mới thỉnh chuông. Thường thì mình thực tập:
Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe thức tỉnh
Vượt thoát nẻo đau buồn
Mình thở vào thở ra hai lần rồi mình nhấp chuông để báo cho chúng biết. Tiếng báo tuy không lớn nhưng phải nghe được để người ta có thì giờ chuẩn bị tiếp nhận tiếng chuông. Sau khi báo mình phải thở vào và thở ra một hơi rồi mới thỉnh chuông. Cách thỉnh chuông là không nên từ trên đánh xuống, nếu không thì tiếng chuông sẽ ấm ức. Mình phải làm thế nào để tiếng chuông từ trong lòng chuông bay lên như con chim bồ câu. Động tác của cánh tay phải vẽ ra một parabole.
Chuông báo chúng
Chuông báo chúng là chuông treo, hình cũng giống như chuông đại hồng nhưng nhỏ hơn. Có khi chúng ta có khánh treo hay vân bản. Vân là đám mây, bản là một miếng. Trong truyện Kiều có câu: Sớm khuya lá bối phiến mây, có người không hiểu đọc phướn mây. Phướn là tấm vải treo trong chùa từ trên trần xuống để trang trí. Phiến mây là vân bản, bản là một phiến. Lá bối hay bối diệp có nghĩa là kinh. Bối là cây kè, cây thốt nốt. Ngày xưa chư Tổ đã viết kinh lên lá kè. Sớm khuya lá bối phiến mây có nghĩa là buổi sáng và buổi tối mình đọc kinh và thỉnh vân bản, tức là tụng kinh và thỉnh chuông. Vân bản có công dụng tương đương với chuông báo chúng.
Báo là ra hiệu lệnh, chúng là tăng thân, ví dụ như báo cho chúng rằng “đến giờ ngồi thiền, giờ thiền hành rồi, đừng nên chậm trể”. Báo chúng là báo cho chúng biết đã đến giờ rồi. Tiếng chuông báo chúng là một hiệu lệnh. Là người trong chúng mình phải tuyệt đối vâng theo hiệu lệnh đó. Ví dụ như đáng đánh bóng bàn mà nghe tiếng chuông báo chúng là mình phải dừng liền lập tức tại vì mình phải có sự kính trọng tuyệt đối với hiệu lệnh của chúng. Dù vừa mới nói hết nửa câu chuyện mình cũng phải chấm dứt tại vì chuông báo chúng đã gọi mình.
Chuông báo chúng không phải là chuông gia trì. Chuông báo chúng mình phải thỉnh cho giòn, đừng kéo dài rời rạc. Tiếng chuông gia trì có ba tiếng lớn và giữa ba tiếng lớn có ba hơi thở. Nhưng tiếng chuông báo chúng không có ba hơi thở giữa hai tiếng chuông nên nó cần phải giòn và mau. Nếu kéo dài nhiều quá thì chúng sẽ mất hạnh phúc.
Là người Tiếp Hiện cư sĩ chúng ta chỉ thỉnh chuông gia trì và chuông báo chúng.